Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

GIÁO SƯ VŨ ĐÌNH HÒE, NGƯỜI XÂY NỀN MÓNG CHO SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC MỚI (Việt Dũng)

  

GS Vũ Đình Hòe.
       Cụ Vũ Ðình Hòe (6/1912-1/2011), nguyên quán làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng (Bình Giang, là hậu duệ đời thứ tư của Tiến sĩ Vũ Tông Phan. Tốt nghiệp khoa Luật khóa 2 của Viện Đại học Đông Dương, luật sư trẻ Vũ Đình Hòe không ra làm công chức trong bộ máy cai trị của Pháp, ông chọn nghề dạy học ở các trường tư thục nổi tiếng Thăng Long và Gia Long, nơi mà ông từng được mời đứng lớp khi còn là sinh viên để lấy tiền trang trải học phí. Với vốn tri thức vững vàng và lòng yêu nước, thương dân, mong muốn cháy bỏng là nâng cao dân trí cho tầng lớp thanh niên, Vũ Đình Hòe đã sớm đi vào con đường hoạt động xã hội, rồi hoạt động chính trị sôi nổi.


        1- Từ một sinh viên yêu nước trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa:
        Vốn gắn bó với nghề dạy học từ khi còn là sinh viên trường Luật, Vũ Đình Hòe sớm tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ (thành lập tháng 5 năm 1938) mà Hội trưởng là ông Nguyễn Văn Tố, với các thành viên ban đầu là Bùi Kỷ - phó hội trưởng; Phan Thanh - thư ký; Quản Xuân Nam - phó thư ký; Đặng Thai Mai - thủ quỹ; Võ Nguyên Giáp - phó thủ quỹ; Cố vấn: Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên, Lê Thước. Đây là một hội quần chúng, hoạt động công khai nhưng được sự chỉ đạo bí mật của tổ chức Đảng.


       Đầu những năm 40 thế kỷ trước, với mong muốn cháy bỏng được cống hiến cho một sự nghiệp chính trị nhằm chấn hưng dân trí, Vũ Đình Hòe tham gia nhóm trí thức cấp tiến Thanh Nghị, làm Chủ nhiệm tạp chí văn chương, chính trị và kinh tế Thanh Nghị, xuất bản từ ngày 15 tháng 5 năm 1941 đến tháng 8 năm 1945. Ông cùng Phan Thanh, Hoàng Minh Giám tham gia phân bộ Đảng Xã hội Pháp của Jaurès, cùng nhà văn Nhất Linh và kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện lập Hội Ánh sáng chuyên dựng nhà tranh tre hợp vệ sinh cho dân nghèo.
Chính phủ đầu tiên 1946. Cụ Hòe đứng bên trái Cụ Hồ.
         Trên bước đường hoạt động chính trị, Vũ Đình Hòe cùng với nhiều trí thức có tinh thần yêu nước, phản kháng chế độ thực dân như: Dương Đức Hiền, Nghiêm Xuân Yêm, Trần Đăng Khoa, Đỗ Đức Dục… những sáng lập viên của Đảng Dân chủ Việt Nam (ngày 30 tháng 6 năm 1944). Đây là chính đảng đại diện cho tiếng nói của tầng lớp tư sản dân tộc và tiểu tư sản, trí thức yêu nước và tiến bộ Việt Nam, mà tiền thân của nó là Tổng hội sinh viên Đại học Tổng hợp Hà nội (năm 1940), sau các nhóm sinh viên yêu nước hợp nhất thành lập đảng. Sau này Đảng Dân chủ tham gia vào Mặt trậnViệt Minh, thống nhất mục tiêu đấu tranh lật đổ ách cai trị của thực dân, phong kiến, giành độc lập, tự do cho đất nước, giải phóng nhân dân lao động.
        Tháng 8-1945, một số đảng viên đảng Dân chủ Việt Nam, trong đó có ông Vũ Đình Hòe với tư cách đại biểu Đảng Dân Chủ trong mặt trận Việt Minh đã được cử đi dự Quốc dân Ðại hội Tân Trào do Việt Minh tổ chức ở Tuyên Quang để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Với uy tín và ảnh hưởng của mình trong hàng ngũ trí thức đương thời, ngay trước ngày khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, ông nhận nhiệm vụ vào Bắc Bộ phủ thuyết phục Khâm sai Phan Kế Toại từ chức, sau đó đi Huế thuyết phục hai người đồng sáng lập Thanh Nghị là Phan Anh  Vũ Văn Hiền rút ra khỏi chính phủ Trần Trọng Kim.
       Ngay sau khi cuộc cách mạng Tháng Tám (1945) do Việt Minh lãnh đạo giành thắng lợi trên cả nước, Chính phủ Cách mạng Lâm thời của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập (ngày 28 tháng 8 năm 1945) trên cơ sở Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam trước đó. Trong thành phần Chính phủ của chế độ mới, ông Vũ Đình Hòe (đảng Dân Chủ) đã được cử giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục. Chỉ trong một thời gian ngắn (từ tháng 8-1945 đến tháng 3-1946), Bộ trưởng Vũ Đình Hòe đã có nhiều đóng góp hết sức quan trọng để hình thành nền giáo dục mới dưới chính quyền dân chủ nhân dân.
         2- Bộ trưởng Vũ Đình Hòe với những phác thảo rất căn bản cho một nền giáo dục mang tính “Dân tộc, dân chủ và khoa học”:
         Sau cuộc cách mạng lịch sử đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, trong niềm hưng phấn tột cùng của những trí thức được hưởng không khí của một nước Việt Nam độc lập, được sự tín nhiệm của lãnh tụ Hồ Chí Minh và những người đứng đầu Chính phủ lâm thời cách mạng, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe đã đề xuất những định hướng cơ bản cho nền giáo dục toàn dân trong chế độ mới:
       - “Nền giáo dục mới ấy đặt trên ba nguyên tắc căn bản: “dân chủ”, “dân tộc” và “khoa học” và theo tôn chỉ phụng sự lý tưởng quốc gia….
       Nền giáo dục mới sẽ làm một nền giáo dục “duy nhất” và “bình đẳng”: trên con đường học vấn, các trẻ em sẽ không vì cha mẹ giàu sang hay nghèo hèn mà hơn kém nhau, nhưng chỉ hơn kém nhau vì trí tuệ cao hay thấp, vì các khả năng về tinh thần có nhiều hay ít mà thôi.
        Nền giáo dục mới, xây dựng trên nguyên tắc dân tộc, sẽ một mặt mở mang những đặc tín, những năng lực của giống nòi, một mặt đào tạo một tinh thần quốc gia mãnh mẽ sáng suốt, để quốc dân biết đem toàn lực “phụng sự Tổ quốc” trong khi “phụng sự lý tưởng dân chủ”.
       Nó sẽ không có tính chất nhồi sọ, với những chương trình quá nặng, làm cho trẻ vì phải vùi đầu suốt ngày đêm trong đống sách, đến nỗi sức lực hao mòn, tinh thần kiệt quệ, đang là một đứa trẻ thông minh lanh lợi mà có thể biến thành một đứa trẻ đần độn, lờ đờ. Nó sẽ không quá trọng lý thuyết mà coi rẻ thực hành để cho học vấn không thể đem ứng dụng vào đời sống hàng ngày của cá nhân và đoàn thể. Nó sẽ không quá thiên về mặt giáo huấn mà nhãnh bỏ phận dượng dục, chỉ chú trọng về trí dục mà coi thường đức dục, để tạo nên những kẻ có học thức nhưng thiếu lương tâm và ý chí, thành ra những phần tử vô ích và có khi có hại cho quốc gia xã hội” (trích “Đề án cải cách giáo dục”, tháng 9/1945 do Bộ trưởng Vũ Đình Hòe soạn thảo).
        Sau này, nhớ lại thời khắc lịch sử trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đầu tiên của chính quyền nhân dân, GS Vũ Đình Hòe vẫn nhớ rõ ràng trong hồi ký: “Như trên tôi đã nói, Hồ Chủ tịch tức khắc tán thành 2 Sắc lệnh chúng tôi trình lên về thanh toán nạn mù chữ và thành lập ngành Bình dân học vụ, lại còn hối thúc triển khai ngay. Nhưng với Đề án cải cách giáo dục thì Người lại tỏ ra rất thận trọng. Ngay như việc dùng tiếng Việt thay cho tiếng Pháp để dạy ở tất cả các cấp học, tưởng như dễ dàng được chấp nhận trong khí thế sục sôi tinh thần dân tộc lúc ấy, Người cũng dè chừng hỏi: “Có vội quá không? Đã nghiên cứu kỹ chưa?”.
       Với Đề án cải cách giáo dục, Cụ Chủ tịch còn thận trọng hơn nữa. Sau khi chăm chú nghe tôi, Nguyễn Văn Huyên, Ngụy Như Kontum (thay mặt Bộ Giáo dục) cùng Hồ Hữu Tường  (thay mặt Hội đồng cố vấn Học chính) trình bày lý do cấp bách phải làm việc này, Hồ Chủ tịch nói: “Các ông về hoàn chỉnh Đề án đi, làm sao cho hợp tình hình nước ta (tôi nhấn mạnh những lời này của Người), rồi đưa ra Hội nghị văn hóa Cứu quốc, nay mai sẽ họp đấy, trưng cầu ý kiến rộng rãi (cũng xin nhấn mạnh). Sau đó Chính phủ sẽ duyệt kỹ (cũng lại xin nhấn mạnh).
        Khoảng hơn một tháng sau, vào cuối tháng 10 năm 1945, tôi nhận được tin Cụ cho gọi chúng tôi lên làm việc cả một buổi. Cụ vào đề ngay: “Tốt! Căn bản khớp với 3 phương châm Dân tộc – Khoa học – Đại  chúng của Đề cương Văn hóa. Các ông có đảo ngược trật tự một chút, thành: Dân chủ – Dân tộc – Khoa học. Cũng phải thôi. Vì Bộ Giáo dục là cơ quan quản lý thì phải lo chủ yếu việc tổ chức các hệ thống và các cấp của nền học mới”.
         3- Lý do gì khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ấy lại đề nghị ông Vũ Đình Hòe làm Bộ trưởng giáo dục? Trong thời gian ấy, vị Bộ trưởng đầu tiên đã làm được những gì cho giáo dục Việt Nam?
         Trả lời những câu hỏi trên của báo chí, ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nêu ý kiến:             
Mừng thọ cụ Hòe.
        “Trước đó, một trong những nội dung quan trọng của tờ Thanh Nghị mà ông Vũ Đình Hòe là hạt nhân tập hợp bàn về vấn đề nâng cao dân trí của người dân, giáo dục người dân một cách toàn diện.
       Ông tham gia rất tích cực trong phong trào truyền bá Quốc ngữ, mặc dù ông là một luật gia.
       Khi ông đưa những chủ trương đầu tiên của Bộ giáo dục thì đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh tán thành. Thứ nhất là tôn trọng bằng cấp của chế độ cũ, tổ chức sớm cuộc thi làm cho giáo dục của chế độ cũ không bị đứt đoạn và tiếp thu nền giáo dục cũ, cải tạo thành nền giáo dục cách mạng. Đó cũng là điều gây ấn tượng cho ông lớn nhất vì ông cứ nghĩ cách mạng sẽ xóa bỏ tất cả cái cũ.
      Chỉ không đầy hai tuần sau cách mạng thì đã khai giảng niên khóa đầu tiên.
       Ông cũng là người có công khôi phục lại nền giáo dục đại học từ nền giáo dục thuộc địa, chuyển ĐH Đông Dương cũ thành ĐH của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sử dụng Quốc ngữ”.
        Nhận xét về một thệ hệ Vàng những nhà trí thức đã đi theo sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo và có nhiều cống hiến hết sức to lớn cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc, ông Dương Trung Quốc phát biểu: “Bên cạnh Vũ Đình Hòe là đông đảo những trí thức tương tự như ông, đã tham gia vào trào lưu phát triển của đất nước, trở thành những người chiến sĩ giải phóng dân tộc, nòng cốt của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di...”


2 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Biết sử dụng người tài phục vụ quốc gia thì đất nước thịnh.

Minh Tâm nói...

TÔI RẤT THÍCH NHỮNG BÀI VIẾT VỀ LỊCH SỬ THẾ NÀY. HÓA RA "ĐỀ ÁN CẢI CÁCH GIÁO DỤC" CỦA NƯỚC VNDCCH ĐÃ MANG ĐẦY ĐỦ YẾU TỐ DÂN TỘC, DÂN CHỦ, KHOA HỌC, ĐẠI CHÚNG NHƯ NHỮNG VẤN ĐỀ TRỌNG TÂM MÀ NGÀNH GIÁO DỤC HIỆN NAY ĐANG TÌM KIẾM. VÍ SAO VẬY? VÌ LÃNH ĐẠO NGÀNH GIÁO DUC NHỮNG NĂM ĐÓ LÀ NHỮNG NGƯỜI THỰC TÂM, THỰC TÀI VÀ ĐC LÃNH ĐẠO CAO NHẤT ĐẤT NƯỚC TIN DÙNG.