Trong lịch sử nước ta, hình ảnh các sĩ phu
thường in đậm trên mỗi trang sách, nhất là vào lúc đất nước gian nguy. Ở thời
đại chúng ta, còn đó cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Ngô Đức Kế, cụ Bùi Bằng Đoàn… và
những người cuối cùng, phảng phất bóng dáng người xưa, có lẽ là các nhà trí
thức Tây học như bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, giáo sư Trần Đại Nghĩa, nhà văn hóa
Nguyễn Khắc Viện...
Bình sinh ông thường nói đùa: “Tôi thực hiện
khẩu hiệu Nóng không quạt, ngứa không gãi, chọc không tức”. Mà ông
đã sống như thế thật. Căn phòng của ông ở số 8 ngõ Nguyễn Chế Nghĩa, Hà Nội chỉ
chừng gần ba chục mét vuông, kê hai cái giường cá nhân nối đuôi nhau cho hai vợ
chồng ông, một cái bàn nhỏ dùng làm bàn làm việc và chỗ tiếp khách, ngoài ra
chỉ toàn là sách. Vậy mà trí thức cả nước, Việt kiều từ năm châu bốn biển đều
tới lui “yết kiến” ông. Người thì nhờ ông góp ý cho một luận văn, người thì xin
ông “bắt mạch” thời vận của nước nhà để cùng ông chung lo những điều mà bất cứ
công dân yêu nước nào cũng quan tâm ở một thời kỳ đầy biến động của đất nước.
Những lần gặp bác sĩ Nguyễn Khắc Viện mà “nóng
không quạt, ngứa không gãi…” như thế, tôi học được nhiều thứ lắm. Nhất là được
mở mang đầu óc, có thêm thông tin, thêm hiểu biết về thế giới… Nhưng lâu dần
tôi mới hay, chẳng cứ tôi có nhu cầu gặp bác Viện mà chính bác cũng có “nhu
cầu” gặp tôi! Chẳng thế mà cứ mỗi lần vô miền Nam để trú đông, xuống khỏi sân
bay là bác Viện đã ném một cái thư ngắn vài dòng vào bưu điện, nhắn tôi lên
thành phố Hồ Chí Minh gặp bác. Bác Viện muốn thông qua tôi để hiểu thêm về đời
sống và công việc làm ăn của nông dân đồng bằng sông Cửu Long mà vì tuổi già
sức yếu, bác không có điều kiện trực tiếp tìm hiểu. Theo bác thì đừng có bao
giờ hỏi một ông tiến sĩ Việt kiều về tình hình đất nước. Muốn tìm hiểu tình
hình đất nước, tốt nhất phải hỏi cán bộ phường, phải hỏi trực tiếp nông dân.
Nhớ lại một bữa cơm đãi khách Việt kiều tại Mỹ
Tho, tôi lại thấy vui vui! Vì yếu không đi được, bác Viện nhờ tôi đưa khách đi
chơi. Sau khi cùng khách du ngoạn trên sông Tiền về, tôi thấy hai thằng con của
tôi hằng ngày ngỗ ngược là thế mà hôm ấy ngồi ngay ngắn nghe bác Viện kể chuyện.
Trông bác Viện ngồi với hai đứa trẻ ấm cúng như một người ông hiền từ kể chuyện
cổ tích cho đàn cháu! Lúc ăn cơm, mọi người phải xếp chân bằng tròn ngồi cả
dưới nền nhà. Duy chỉ có bà vợ đầm của ông khách Việt kiều tên là Linh vì quá
to mập lại không quen ngồi dưới nền như thế bao giờ nên phải xếp cho bà một
xuất ngồi trên ghế xa-lông (gỗ) để ăn. Bác Viện lại nói đùa: “Ông Linh này
“dạy” vợ kém lắm, mấy chục năm bà ấy chỉ nói được có một từ tiếng Việt: Cá gỗ!
Không biết ai dạy bà ấy?”. Thấy bác Viện nói đến tiếng “cá gỗ”, bà vợ ông Linh
kêu lên mấy tiếng: “Cá gỗ! Cá gỗ! Cá gỗ!...” khiến mọi người lăn ra cười vì cả
bác Viện lẫn ông Linh đều là dân xứ Nghệ “Cá gỗ”!
Nhà tôi lúc đó cũng không có được một chiếc
quạt máy. Cơm canh chua cá lóc (chứ không phải cá gỗ!). Nóng quá, bác Viện phải
cầm cái quạt nan phe phẩy cho mọi người. Thấy thế, vợ tôi đỡ cái quạt nan trên
tay bác Viện, quạt. Tay thì quạt, miệng nói đỡ: “Nhà em anh ấy không nóng nên
không sắm quạt!”. Bác Viện dịch câu đó cho bà đầm nghe. Nghe xong, bà nói: “Khi
nào nhà báo có tiền là thấy nóng liền!” Bây giờ, đôi lúc bật quạt, vợ tôi lại
nhắc đến câu nói đó của bà đầm vợ ông Linh… để nhớ đến một thời gian khó!
Tôi muốn kể một câu chuyện nhỏ nữa về bác sĩ
Nguyễn Khắc Viện. Một lần bác xuống nhà tôi ở Mỹ Tho chơi. Vợ tôi làm cơm đãi
khách. Mâm cơm chỉ có một đĩa thịt bò xào, một đĩa rau muống xào và một tô rau
muống luộc vắt chanh với mấy quả cà! Đó là mâm cơm đãi khách không dễ gì có
được vào thời điểm khó khăn nhất của thời bao cấp với một phóng viên nghèo như
tôi. Nhưng than ôi! Khi tôi gắp miếng thịt bò đưa vô miệng nhai thì… dai như
chão rách! Nuốt vô thì tội mà nhả ra thì bất tiện! Tôi liếc mắt thấy vợ tôi rất
lúng túng. Bỗng bác Viện nói: “Dai thì để đĩa thịt bò này lại, chỉ ăn rau muống
xào thôi, chiều nay băm thịt bò thật nhỏ rồi đúc trứng mà làm bữa chiều…”. Bác
Viện đã “giải thoát” cho vợ chồng tôi! Chiều hôm đó, theo chỉ đạo của bác Viện,
vợ tôi băm thật nhỏ món thịt bò đã xào, rồi đúc trứng (chiên với hột vịt), quả
thật chúng tôi đã có một một bữa chiều ngon miệng cùng khách quý!
Bác Viện có những cách ứng xử chủ động, thông
minh lạ lùng và đầy tình thương như thế. Bác cũng là người đầu tiên lên tiếng
không nên dùng từ “con buôn” trong các hội nghị nhà nước và báo chí để gọi
những người làm nghề buôn bán trong xã hội. Bác còn viết bài phân biệt hai từ
“nhà buôn” và “con buôn”! Theo bác thì từ “con buôn” dùng để chỉ những người
không ngay thẳng, trốn lậu thuế mà thôi, còn người buôn bán đàng hoàng phải
được cư xử bình đẳng ngay cả trong cách xưng hô khi nói đến họ.
Nếu tôi không nhầm thì bác sĩ Nguyễn Khắc Viện
là một trong những người Việt Nam có quan hệ bè bạn, đồng chí, đồng nghiệp
phương Tây nhiều nhất. Những lần bất chợt được gặp bác sĩ Viện với khách nước
ngoài, bao giờ tôi cũng thấy họ xem bác như bậc thầy. Họ tìm đến Hà Nội (hay
thành phố Hồ Chí Minh) gặp bác sĩ Nguyễn Khắc Viện như tìm đến một nhà hiền
triết phương Đông. Chủ yếu họ hỏi, họ xin ý kiến bác Viện về những vấn đề của
Việt Nam, của châu Á. Thậm chí cả những vấn đề của phương Tây nữa. Vì chính con
người “mình thông vóc hạc”, cốt cách một nho sĩ phương Đông này đã hiểu thấu
phương Tây sau hơn một phần tư thế kỷ “giẫm nát” các nẻo đường nước Pháp và
châu Âu. Trong cuốnBàn về đạo Nho (1993), ông viết: “Ba trăm năm
phát triển tư bản đã làm con người phương Tây năng động, tự lập, tự chủ nhưng
cũng khá cô đơn”. Ngắn gọn thế thôi nhưng vô cùng chính xác và đầy đủ về con
người phương Tây.
Công bằng mà nói, chưa có nhà xã hội học, nhà
nghiên cứu lịch sử, triết học nào ở nước ta dám đưa ra luận điểm: Nước ta chưa
có truyền thống dân chủ. Xưa nay, chúng ta quen nghe người khác ca ngợi mình,
hoặc mình tự hào về dân tộc mình, điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng “tự hào” đến
mức nhà thơ Nguyễn Duy đã phải viết: “Ngộ độc ngợi ca, bội thực tự hào” thì
những ý kiến thẳng thắn dũng cảm của Nguyễn Khắc Viện là cần thiết để chúng ta
bình tĩnh nhìn nhận lại những gì mình đã có và chưa có. Chúng ta chẳng từng ca
ngợi Lỗ Tấn hết lời khi ông chỉ ra bệnh “thắng lợi tinh thần” của anh chàng AQ
điển hình cho “quốc dân tính” của người Trung Hoa cho đến Cách mạng Tân Hợi
(1911) là gì? Những ông quan cách mạng quen bệnh giáo điều gia trưởng đã kinh
hoàng khi nghe thấy có người nêu ra ý kiến phải “tập sống dân chủ” ở mọi nơi,
mọi cấp!
Suốt đời, Nguyễn Khắc Viện phải “trả giá” cho
sự quyết liệt của mình. Với kẻ thù của dân tộc là đế quốc Pháp, ông bị chúng
truy lùng, trục xuất. Ông đã phải sống chui lủi nhiều năm trên đất Pháp. Trong
nội bộ Đảng, trong hàng ngũ của mình, nhiều năm ông đã bị một số người bảo thủ,
cơ hội nghi kỵ, đả kích khi ông có những chính kiến mạnh mẽ, trái với quan điểm
của họ.
Cũng lạ, chưa có ai nhiều kiến nghị như Nguyễn
Khắc Viện, khi thì kiến nghị lên Quốc hội, khi thì kiến nghị lên đồng chí Tổng
bí thư (Trường Chinh), ngay cả trước lúc ra đi ông cũng kiến nghị trước với các
đồng nghiệp ngành y tế của mình là đừng can thiệp vào cái chết của ông, để ông
được ra đi nhẹ nhàng.
Nguyễn Khắc Viện con quan, là sinh viên đi
Pháp du học và đậu bác sĩ cao cấp tại Paris rồi ở Pháp liền hai mươi bảy năm.
Vậy mà sau hai mươi bảy năm liền sống “bên Tây” trở về nước, người ta vẫn thấy
ông bình dị như một nho sĩ chân quê, một ông đồ xứ Nghệ! Suốt mấy chục năm làm
một người học trò, một người bạn vong niên của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, tôi
không thấy ông đệm một chữ Tây nào trong lời nói. Ngay cả đến cái thư ông viết
cho tôi, cuối thư, thay cho chữ telephone mà nhiều người thích dùng, ông cũng
dùng chữ Việt: “Dây nói”…
2 nhận xét:
Một nho sĩ, 1 trí thức, 1 đảng viên chân chính. Quan giờ hãy nhìn cụ mà học.
Mình thật vinh dự được biết được tiếp xúc với Bác Viện. Nếu hỏi ai ở VN được mình khâm phục và kính trọng nhất thì mình không ngần ngại nói đó là Bác Viện. Sau giải phóng, khi mới tốt nghiệp ở LX về nước mình đã mến mộ tác giả các bài báo với tên NGUYỄN KHẮC VIỆN. Sau này cùng Vợ là thành viên của Trung tâm nghiên cứu trẻ em tiếp xúc với Bác Viện và Cô Nhất mình càng quý trọng Ông. Hiện nay trong nhà mình có hầu hết các tác phẩm của ông đã xuất bản, các huyền thoại về ông....Thật cảm ơn tác giả giới thiệu để mọi người biết về một người chân chính. NH
Đăng nhận xét