Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

SỔ HỘ KHẨU CÓ TỪ BAO GIỜ? (Việt Dũng)


Cho đến tận bây giờ, ở các thành phố, thị xã người dân đã quen với sổ hộ khẩu và nhận rõ những quyền lợi từ quyển sổ đó. Tuy chúng ta đang ở kỷ nguyên kỹ thuật số, nhưng do chưa tìm được phương cách quản lý phù hợp hơn đối với điều kiện thực tế của đất nước, nên chính quyền vẫn chọn cách quản lý dân cư ở các đô thị bằng quyển sổ hộ khẩu. Vậy nguồn gốc quyển sổ hộ khẩu có từ bao giờ?

Tầu điện HN xưa.


          Sổ Hộ khẩu “ra đời” ở miền Bắc nước ta, trong hoàn cảnh đất nước tạm thời bị chia làm hai miền, do âm mưu đen tối, muốn chia cắt lâu dài Việt Nam của các thế lực xâm lược ngoại bang là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Từ năm 1955, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, toàn thể quân và dân miền Bắc bắt tay vào thực hiện kế hoạch 3 năm khôi phục kinh tế (1955-1957). Để có thể nắm chắc dân số, phục vụ cho các phương hướng công tác lớn của toàn miền và nhất là phục vụ công tác đảm bảo trật tự trị an, TƯ Đảng và Chính phủ chấp thuận đề xuất của Bộ Công an, cho tiến hành làm thí điểm tại thủ đô Hà Nội phương pháp quản lý công dân theo hộ gia đình bằng Sổ Hộ khẩu. Ngay từ năm 1955, dưới sự chỉ đạo của Thành uỷ, UBHC Thành phố và Bộ Công an, Sở Công an Hà Nội chỉ đạo công an các quận nội thành (ngoại thành đang tiến hành công tác cải cách ruộng đất) tiến hành một đợt công tác lớn: Đăng kí nhân khẩu, hộ khẩu.


Kết quả, qua đợt tiến hành công tác đăng kí, quản lí nhân khẩu, hộ khẩu, lực lượng công an Hà Nội đã nắm và báo cáo cho UBHC Thành phố tình hình về dân số nội thành và thị trấn Gia Lâm có: 60.642 hộ, gồm 233.240 người. Trong đó có gần 1 vạn ngoại kiều thuộc 16 quốc tịch, đông nhất là người Hoa tập trung ở địa bàn Hoàn Kiếm. Dân thuộc diện nghèo có 100.000 người; thất nghiệp 30.000 người.
Qua công tác điều tra, tổng hợp, đến tháng 7/1955, Công an quận II (Hoàn Kiếm) đã báo cáo đầy đủ về số ngoại kiều sinh sống trên địa bàn quận, đông nhất là Hoa kiều sinh sống ở khu vực các phố Hàng Buồm, Tạ Hiện, Mã Mây... Cuối năm 1955, về cơ bản, công tác đăng kí nhân khẩu, hộ khẩu tại thủ đô Hà Nội đã tiến hành xong. Quận Hoàn Kiếm mặc dù địa bàn đông, dân cư thuộc nhiều quốc tịch, nhiều tầng lớp xã hội, nhưng là quận tiến hành công tác đăng kí hộ khẩu đạt kết quả tốt.
Sổ mua lương thực.

Xếp hàng mua hàng tết.

Mua chất đốt.

Bìa mua phụ tùng xe đẹp.


Nêu lên ý nghĩa quan trọng của đợt công tác đăng kí, quản lí hộ khẩu, nhân khẩu, ngày 10/2/1956, báo Nhân Dân đăng bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề “Quản lí hộ khẩu”. Người chỉ rõ: “Việc đăng kí hộ khẩu ở Thủ đô đã làm xong và có kết quả tốt. Kết quả quan trọng nhất là nhân dân đã hiểu rõ Thủ đô là Thủ đô của nhân dân, nhân dân là những người chủ của Thủ đô”.

Qua hoạt động thực tiễn của Công an quận Hoàn Kiếm và lực lượng công an cơ sở ở các địa bàn khác trong thành phố, lãnh đạo Sở Công an Hà Nội đã nghiên cứu, đề xuất với lãnh đạo Đảng, chính quyền thành phố ra nhiều văn bản mang tính pháp quy để định hướng cho hoạt động của công an và các ngành chức năng khác như: quy định về thu hồi, quản lí vũ khí; quy định về quản lí hộ khẩu, quản lí ngoại kiều; quy định về đăng kí, quản lí các phương tiện giao thông... Đây cũng là đóng góp lớn của lực lượng công an trong thời kì mới giải phóng, góp phần tích cực vào việc ổn định tình hình trật tự, trị an của thành phố.

Thời bao cấp, với mỗi gia đình cuốn Sổ Hộ khẩu vô cùng quan trọng. Căn cứ vào Sổ Hộ khẩu, các ngành như Lương thực – thực phẩm, Tài chính mới cấp tem phiếu mua các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống như: gạo, thực phẩm, chất đốt, vải may quần áo, chuyện học hành của trẻ con… tất cả đều phụ thuộc vào đấy. Thế nên thời đó các thành phần dân cư như: những gia đình bỏ vùng kinh tế mới ở miền núi về, bộ đội đào ngũ, tù tha về… không có tên trong Sổ Hộ khẩu thì cuộc sống rất vất vả, gần như là sống bên lề xã hội. Dân gian gọi những người không có Hộ khẩu là “Dân không tịch”.

Sau chiến thắng lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mùa Xuân năm 1975, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cũng áp dụng phương pháp quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu. Với nhịp sống đô thị ngày càng năng động, thu hút hàng vạn lao động từ các địa phương vào các thành phố để lao động, sản xuất, cách quản lý dân cư bằng Sổ Hộ khẩu đã gây ra bao phiền toái cho dân nhập cư. Tuy nhiên, cho đến nay Sổ Hộ khẩu vẫn tồn tại vì… chính quyền chưa có cách quản lý nào hay ho hơn.



                            @@@@@@@@@@



2 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Đâu như còn ở 3 nước: VN, TQ, Triều Tiên còn hộ khẩu.

Bờm nói...

QUẢN LÝ XÃ HỘI ĐÔ THỊ THỜI @. NGHE KỲ KỲ...