Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Trứng Faberge - 'bằng chứng' phù hoa của triều đại Nga hoàng (ST: KC)

Trứng Faberge - 'bằng chứng' phù hoa của triều đại Nga hoàng
Đó chính là 54 quả trứng Phục Sinh được làm hoàn toàn bằng vàng và đá quý mà Nga hoàng Nicolas Đệ nhị đã đặt thợ kim hoàn Faberge làm cho người vợ yêu quý của mình.


Ở Nga, do ảnh hưởng của Giáo hội Chính thống Giáo Nga (còn gọi là Tòa thượng phụ Moskva), lễ Phục Sinh (Easter) là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng nhất.
Từ trước khi Thiên chúa giáo thâm nhập vào tín ngưỡng nhân loại, quả trứng đã là một biểu tượng phồn thực gắn kết với sự tái sinh của thiên nhiên. Vì vậy ở đất nước Nga, trứng là một phần không thể thiếu của lễ Phục sinh.
Trứng Phục sinh ở Nga bình thường sẽ được nhuộm màu (thường là màu đỏ biểu tượng cho máu của Chúa – người dân Nga yêu màu đỏ) và trang trí bằng nhiều cách. Nhưng để có những quả trứng kiệt tác, tinh xảo thì cần có bàn tay của một thiên tài – Peter Carl Faberge.
  
    Trứng “Chim công” (Peacock egg) của Faberge. Quả trứng làm bằng pha lê, bên trong có cây bằng vàng, 
một chú chim công vàng chễm chệ bên trên. Chú chim công có thể được vặn dây cót và đi lòng vòng.

Trứng “Hoa cỏ mùa xuân” của Faberge lấy cảm hứng từ nghệ thuật Rococo và Gothic
Lễ Phục sinh năm 1885 cũng trùng với kỷ niệm 20 năm ngày cưới của Nga hoàng Alexander đệ Tam và hoàng hậu Maria Fedorovna. Từ thời thơ ấu, hoàng hậu đã mê mẩn quả trứng trang sức của bà cô công chúa Đan Mạch. Nhân kỷ niệm ngày trọng đại, người chồng mẫu mực Nga hoàng đã gửi gắm cho Faberge việc chế tác một món đồ kim hoàn thật đặc biệt lấy cảm hứng từ quả trứng. Và quả trứng đầu tiên trong bộ sưu tập 54 trứng Faberge đã ra đời với cái tên Trứng Gà Mẹ (Hen Egg).
  Trứng “Gà mẹ” của Faberge – quả trứng đầu tiên
Hoàn toàn làm bằng vàng, Hen Egg được tráng một lớp men trắng mờ giống như vỏ trứng gà thật, với một đường ráp vàng ở giữa. Nhưng ngạc nhiên chưa! Khi mở đường ráp vàng, quả trứng tách làm hai, để lộ ra một lòng đỏ trứng cũng bằng vàng. Lòng đỏ trứng lại mở ra để lộ một chú gà vàng dát ngọc với đôi mắt đính hồng ngọc. Bên trong chú gà lại có hai điều ngạc nhiên nữa (mà bây giờ đã mất): một vương miện tí hon, và một sợi dây chuyền mặt hồng ngọc. Thử tưởng tượng niềm vui của hoàng hậu khi nhận được quả trứng kỳ diệu đó! Từ sau đấy, Faberge được toàn quyền chế tác những quả trứng – đỉnh cao của nghệ thuật kim hoàn, chỉ với một điều kiện: quả trứng nào cũng phải chứa ít nhất một điều ngạc nhiên. Như người ta đã nói, phần còn lại là lịch sử.
Peter Carl Faberge, tên thật Karl Gustavovich Faberzhe, là con trai của một nhà kim hoàn Đức và một người phụ nữ Đan Mạch. Ông nội của Peter Carl là người đầu tiên trong dòng họ trở thành công dân Nga. Cha của Peter gửi ông đi châu Âu để học nghề kim hoàn, và chàng Peter trẻ tuổi đã bị ấn tượng sâu sắc bởi những tuyệt phẩm như món hộp nữ trang hình trứng khảm đá quý của Le Roy.
  
    “Egg casket” của Le Roy, nằm trong bộ sưu tập Forbes, cảm hứng cho 
quả trứng “Phục Hưng” (Renaissance egg) mà Faberge sẽ chế tác sau này.
Sau một thời gian chu du Rome, Venice, Florence, London, Paris, Peter quay trở lại St. Petersburg để tiếp quản công ty của gia đình. Cùng anh trai mình là Agathon, ông đoạt huy chương vàng trong hội chợ Pan-Russian năm 1882 nhờ những bức tượng động vật tinh xảo – một làn gió mới mẻ so với những tác phẩm thừa mứa kim cương và vàng. Việc kinh doanh ngày càng thịnh vượng và đôi khi 700 nhân viên trong xưởng của ông cũng không thể hoàn thành hết những đơn đặt hàng tới tấp.
Trong số những người chú ý đến Peter có Nga hoàng. Kể từ sau khi cha của Alexander đệ Tam bị ám sát (cuộc ám sát này góp phần khiến Alexander trở nên chuyên quyền), vợ của Nga hoàng trở nên trầm cảm. Những quả trứng Faberge là món quà Nga hoàng dùng để động viên tinh thần cho hoàng hậu. Năm 1885, sau khi hoàn thành trứng “Gà mẹ”, Peter Faberge được Sa hoàng chỉ định làm nhà kim hoàn của triều đình. 
  Ảnh chụp Peter Carl Faberge khi đang làm việc
Trong cuốn sách của mình, H.C. Bridge mô tả Faberge là một người nhạy cảm, ít nói nhưng cũng nóng tính, luôn luôn đóng bộ chỉnh tề trong những chiếc áo bằng vải tweed. Ông phải làm việc với một áp lực rất lớn, vì bất cứ lúc nào cũng có thể có yêu cầu từ phía trên “hãy làm gì đó mới lạ.” Khách hàng của ông không chỉ bao gồm hoàng gia Nga, mà còn có vua Edward đệ Tam của Anh, và vua Rama Thái Lan. Trên bàn ông luôn có một chiếc búa nhỏ, và ông kiểm tra từng lỗi nhỏ trên các tác phẩm tại đó. Nếu một tác phẩm nào không qua được sự  nghiệm thu của ông, Faberge sẽ đập nát nó ngay lập tức. Một quả trứng Faberge chứa đựng một sáng tạo mới có thể lấy mất của ông một năm làm việc – lên ý tưởng, ra kế hoạch, chế tạo, nghiệm thu.
Khi ngắm nhìn những tác phẩm Faberge chế tạo cho gia đình hoàng tộc, một phần trong ta choáng ngợp bởi sự hào hoa tráng lệ của đá quý, một phần trong ta khâm phục kỹ xảo của Faberge khi chế tạo ra những tác phẩm kết hợp hoàn hảo nghệ thuật, kim hoàn, và công nghệ. Nhưng đối với rất nhiều người, trứng Faberge còn gắn liền với bi kịch số phận của nhà Romanov. Chúng biểu tượng cho sự hưởng thụ quá độ – một phần dẫn tới sự diệt vong của triều đại Nga hoàng và kết thúc sự trị vì của nhà Romanov kéo dài 300 năm.
Cùng chiêm ngưỡng một số quả trứng Faberge khác:
  
  Trứng “Đăng quang” (Coronation egg). Bên trong là một bản sao thu nhỏ 
của cỗ xe ngựa đưa hoàng hậu Alexandra đến nơi tấn phong
  
  Trứng hoàng tử Alexis làm từ đá lapis lazuli, bên trong chứa một con 
đại bàng hai đầu và một bức chân dung của hoàng tử

Trứng dành tặng cho nữ công tước Marlborough
 Trứng hoa huệ đồng hồ (Bouquet of lilies clock egg), bí mật bên trong đã bị ăn cắp

1 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Cuối cùng thì tài sản của vua chúa cũng về tay nhân dân.