Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

CHUYỆN HÓNG HỚT Ở BỆNH VIỆN (Đỗ Thành Hưng)


          Ngày ra trường, tiểu đội tôi có 5/9 anh em cùng đi B trong năm 1972. Duyên số thế nào 5 thằng lại cùng định cư ở Sài Gòn. Bạn bè, anh em đang vui vẻ thì những tháng cuối năm 2005 ba anh: Lê Tùng Sơn, Lê Công Sơn, Trần Phượng không hẹn mà lại cùng vào viện 175. Lại nằm cùng phòng của khu A1. Giông giống như những ngày ở cùng phòng tại khu 125 HVKTQS (Vĩnh Yên). Tôi thì cũng giở sống, giở chết nhưng cũng còn túc tắc được. Chỉ có Nguyễn Kháng Chiến là khỏe mạnh nhất đàn. 
Vợ tôi còn đi làm, con cái thì đã trưởng thành ra ở riêng cả. Ở nhà một mình cũng buồn, cách ngày tôi lại vào viện chơi với 3 anh. Rồi anh Trần Phượng bỏ chúng tôi ra đi trước. Giữa năm 2006 Công Sơn, tiểu đội phó của tôi trong cơn nguy kịch. Chỉ có tiểu đội trưởng Lê Tùng Sơn hồi phục trở về. 


Những ngày cuối của Công Sơn gia đình, bạn bè, anh em đơn vị tới thăm nom đông lắm. Mọi người phải thay nhau mỗi người mươi phút tới an ủi, động viên Sơn. Tôi bị thấp khớp hành hạ phải đi cà nhắc, không đứng được lâu. Mỏi chân, tôi ra chỗ bóng cây ngoài sân ngồi ghế đá nghỉ. Cạnh đó có hai chị vừa vào thăm Sơn ra trước đang ngồi thì thào tâm sự, có vẻ say sưa tâm đầu ý hợp. Tôi dỏng tai nghe lỏm xem hai chị nói chuyện gì (tôi có tính xấu là hay hóng hớt).
...
-      Mình phải chăm sóc ông ấy thật chu đáo chứ để đến độ như chú Sơn, lỡ ông ấy toi là mình cũng ngỏm!
-      Sao vậy chị?
-      Ông ấy ngỏm thì lấy gì mà sống!
-      Mình ở thành phố được quân đội cho đất làm nhà, ai cũng có nhà 2,3 tầng khang trang, mát mặt, mát mày chán! Ăn uống đáng là bao hả chị?
-      Uý! Còn nhiều thứ phải lo em ạ! Chị cũng tính phải làm thêm còn có cái để dành lúc về già, lúc đau ốm chứ. Hồi trước chị định kiếm đất làm nông nghiệp. Em ơi! Ở quê phải cả hệ thống chính trị vào cuộc để phát động phong trào 50 triệu đồng/hecta đấy! Mà được 50 triệu/hecta/năm thì có mà quần quật ngoài đồng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời từ sáng sớm tới tối mịt. Mà lấy đâu ra 1 hecta? Nhà chị có hơn 2 sào bắc bộ thì chắc một năm được mươi, mười năm triệu là giỏi lắm rồi! Mình lại bỏ quê lâu, làm ruộng bây giờ ngại lắm, phương án sản xuất nông nghiệp không xong. Chị định trên sân thượng lợp tạm nuôi bò sữa nhưng lại sợ bệnh lở mồm, long móng thì hỏng! Nuôi heo nái cũng được, nhưng sợ dịch tai xanh! Nuôi gà “đi bộ” đang có giá lắm! Nhưng sợ dịch H5N1. Nuôi chó cảnh cũng được giá, nhưng sợ nhỡ nó đớp cho một cái lại phải đi tiêm phòng dại cũng khổ. Lại còn phải dấu giếm chính quyền vì ô nhiễm môi trường. Thượng sách là thế này cô ạ…Hai chị ghé sát vào nhau thì thầm, tôi chỉ nghe thấy xì xào không rõ nói gì rồi thấy hai chị mặt tươi như hoa….
-      Phải! Chị nghĩ hay, hay quá, tuyệt, chí phải!
-      Chị em ta phải chăm sóc các anh ấy thật chu đáo. Chả phải bỏ vốn, bỏ lãi gì, “mỡ nó rán nó” mà mỗi tháng được ngót cây vàng…(vàng lúc đó trên dưới 12 triệu/cây)
-      Thế chị chăm sóc anh ấy ra sao hả chị?
-      Tôi sưu tầm tất cả các loại thuốc bổ tốt nhất, từ đông trùng hạ thảo, cao hổ, cao trăn, vitamin các loại, omega 3-6-9, alipas…thôi thì đủ cả! Cho uống đúng như lời dặn “đọc kỹ trước khi dùng”. Anh nhà tôi cứ gọi là phải trăm tuổi có dư!
-      Lo cho các anh ấy kỷ như vậy thì phải là đại thọ chị nhỉ?
-      Chả sợ các ông ấy lở mồm long móng! Chả sợ các ông ấy tai xanh! Chả lo các ông ấy H5N1! Nếu các ông ấy có sung lên, nổi hứng mà cắn mình bậy bạ cũng chả phải đi tiêm phòng dại!!! Chả sợ ô nhiễm môi trường, chả phải một nắng hai sương ngoài đồng ruộng…
-      Ừ, chị nhỉ? Lương đại tá, rồi chất độc da đỏ, da vàng, thương tật gì đó…Các khoản cộng lại cũng hơn 10 triệu/tháng. Một năm chí ít cũng cả trăm triệu. Bồi dưỡng cho các anh ấy 50,60 triệu/năm chị em ta vẫn còn bỏ túi ngon ơ bằng ngần ấy nữa. “Mỡ nó rán nó” chả mất gì. Lại được tiếng là lo cho chồng, bù đắp những ngày chiến tranh phải “ở hai đầu nỗi nhớ”! Cổ nhân chỉ cần “lưỡng tiện”, chị em mình phải là “nhất cử tam tứ tiện”
-      Vậy là ta bye bye bò, bye bye heo, bye bye gà, bye bye chó chị nhỉ?
Vừa lúc đó, hai anh ở trong phòng cấp cứu thăm Sơn ra chỗ ghế đá dưới bóng cây tôi ngồi.
-      Ô! Chào chú Hưng!
-      Em chào hai ông anh
-      Giới thiệu với chú đây là chị… vợ anh. Đây là chị…vợ anh Trần Ba.
-      Em chào hai chị!
-      Chị chào chú!
-      Ơ! Chú đây là…? (Chị vợ anh Hoàng Kim Cánh hỏi).
-      À! Đây là chú Đỗ Thành Hưng cùng học với tôi. Chú ấy ở khóa đào tạo 1 ĐHKTQS, ra trường cùng năm với anh Trần Ba ở chuyên tu 2. Tôi ở khóa chuyên tu 3 ra trường sau chú ấy một năm. Ba chúng tôi cùng học chuyên ngành ô tô, xe xích cả!
Tôi bắt tay hai anh và hai chị, xin hẹn tới thăm anh chị dịp khác và tạm biệt.
Hai chị dắt tay hai anh, một tay đỡ eo, đưa hai anh ra taxi thật là hạnh phúc!!!
Tôi ngồi thừ ra một lúc, rồi nhớ câu ca hay vè của lính: “Mắt thợ, vợ lính” quả không sai! Các chị tính toán tài như thánh!
Tôi lại thấy tủi, tủi! Gía cô vợ của tôi biết coi tôi như “con bò sữa” mà chăm sóc tôi thì đâu đến nỗi tôi phải cà nhắc thế này! Sổ hưu cô ta quản, được đồng nào xào đồng nấy, muốn gì tôi lại phải chìa tay.
Được! Đã vậy tôi phải làm thân với hai chị và đưa vợ tới xin làm đệ tử. Nhận hai chị làm sư phụ. Để hai chị dạy cho cô ả phải biết “nuôi dưỡng nguồn thu”!!! Biết đâu tôi cũng được đại thọ!
Nghĩ vậy tôi thấy khỏe ra, vào tạm biệt bạn và quyết chí thực hiện ý định này!
                                                                                                 
  Sài Gòn, ngày 10 tháng 12 năm 2014
                                                                                                Đỗ Thành Hưng Lớp B5-C213 HVKTQS

                                                                                                                   Đt: 0908106399

1 nhận xét:

TM nói...

Bác Hưng "tinh vi" nhé! "Nuôi dưỡng nguồn thu" là một chủ trương đúng, dưng mô hình này khó nhân rộng vì đòi hỏi "con giống" phải tốt (tầm thượng, đại tá trở lên). Các chị mần ăn,chọn phải "vật nuôi" cỡ trung tá trở xuống chỉ có ...lõm. :))!

TM