Hẹn với người anh đúng mùa vải chín, sau bốn năm tôi lại cùng vợ con về thăm quê. Quê tôi vùng đất vải thiều Thanh Hà xứ Đông nổi tiếng. Suốt chặng đường từ sân bay qua quốc lộ 2, 3, 5 cho tới thành phố Hải Dương khu công nghiệp nhà xưởng chen nhau đẩy những cánh đồng lúa vàng hai bên đường về với quá khứ xa xăm. Thỉnh thoảng một vài bóng người nông dân cặm cụi bên những thửa ruộng còn sót lại nằm chen trong các khu công nghiệp như cánh chim chiều lủi thủi cô độc.
Qua thành phố Hải Dương, cầu Phú Lương tới đầu cầu Lai Vu xe rẽ phải bắt đầu vào đất Thanh Hà quê tôi. Từ đây về nhà còn hơn chục cây số bỏ lại sự ồn ào lộn xộn của nhà xưởng, phố thị quê tôi vẫn giữ được dáng hình xưa êm đềm thanh bình của một vùng đất màu mỡ được phù sa của sông Thái Bình, sông Văn Úc bồi đắp.
Hai bên đường cơ man nào là vải những tán cây trĩu nặng đỏ hồng như những đĩa xôi gấc khổng lồ nằm san sát bên nhau trải dài như vô tận. Mùa vải chín cũng là mùa lúa chín năm nay quê tôi bội thu vải và lúa. Thoáng trong không gian đâu đó tiếng chim Tu Hú buồn buồn trong ráng chiều báo hiệu một mùa vải đỏ đang vào mùa chín rộ. Tắt điều hòa mở kính xe tận hưởng mùi rơm rạ thơm nồng mùi ngòn ngọt vị mật của vải chín.
Vừa về tới đầu làng tôi đã nghe oang oang tiếng loa xã thôi thúc:
- A “nô”! A “nô”! Xin mời bà con đem vải ra sân vận động xã để thương “nái” thu mua, vải “noại” một to đẹp chín đều giá từ 2000 đồng đến 2.500 đồng 1 kg … số “nượng” mua có hạn kính mời bà con a “nô”!, a “nô”! … Tôi và vợ tủm tỉm cười dù đi đâu chân trời góc bể tiếng quê mình vẫn không lẫn được đi đâu.
Trên con đường liên thôn trải bê tông phẳng lỳ xe máy, xe tải nhẹ, người gánh tấp nập đua chen chở vải hướng ra sân vận động những khuôn mặt lã chã mồ hôi thoáng nét ưu tư.
Bữa cơm chiều có gà quê lá chanh, cá hấp thìa là hành và măng miến, cơm chuẩn bị dọn anh tôi mới nhấc máy điện thoại chỉ dăm phút sau đã thấy một bà sồn sồn có bô ngực to như cặp dừa bị Bến Tre phóng xe máy chạy ào vào sân chở tới nào bia, nước ngọt, đá lạnh phong cách phục vụ chả khác gì tỉnh thành.
Bữa cơm họp mặt có bà thím họ, ông chú, hai ba người bạn hàng xóm và đứa em họ chờ mãi mới thấy tới. Vừa bước vào nhà sau khi chào hỏi và bỏ ra bàn làm quà cho anh chị ở xa về một bó vải chín đỏ to tướng và mấy quả đu đủ chín cây “vật vã” và chai rượu quê vừa cất đứa em với giọng nhà quê “thuần chủng” ngọng “níu” ngọng “nô” “đặc sản” của xứ Thanh Hà quê tôi phân bua:
Em bận bẻ nốt mẻ vải sáng mai đi Phòng (Hải Phòng) sớm ( Hải Phòng cách quê tôi gần hai chục km ) bán chuyến cuối, vải bắt đầu chín rộ lời lãi chả bao nhiêu, mấy ngày đầu vải sớm giá cao mỗi chuyến em cũng kiếm được đôi ba trăm nhưng nay chỉ còn lời vài chục bạc chả bõ tiền xăng. Mà nghĩ cũng lạ, các bác tính bao nhiêu sản phẩm làng ta nhỏ thì quả ớt, quả ổi giá trị hơn một tí thì quả đu đủ, củ sắn giây, quả chanh quả hồng xiêm, quả gấc … mùa nào thức ấy có bao nhiêu sản vật bà con trong làng trong xã đều đổ tuốt tuồn tuột xuống Hải Phòng cho giai cấp công nhân thành phố cảng họ chịu trận thế mà thượng vàng hạ cám họ tiêu thụ hết các bác bảo giai cấp công nhân đất cảng họ có tài không? tài thật đi ấy chứ! Chả biết họ làm cái quái gì? Ăn uống làm sao? Hay đem đi đâu? Mà tiêu thụ lắm thế?
Những hoa quả quê tôi dân làng chỉ chọn những trái ngon nhất đầu vụ hái về kính cẩn bầy lên bàn thờ thắp nén nhang tưởng nhớ ông bà sau đó hưởng lộc còn lại chủ yếu đem bán “quy ra thóc” bà con nói “ Ngoài hạt gạo củ khoai chả anh hoa quả nào ăn lấy no, lấy chắc được”.
Bên mâm cơm tất cả chuyện trò đều xoay quanh chủ đề vải mọi người như quên phắt có hai vị khách “quan trọng” từ thành phố mang tên Bác về thăm quê. Chắc mọi người nghĩ: Ôi dào! thành phố HCM là cái đinh gỉ gì, hàng ngày đầy rẫy trên tivi từ châu Âu, châu Mỹ, từ châu Á tới châu Đại dương … như vụ giải cứu con tin tài tình tận Colombia vừa rồi, tới vụ mất toi đường công danh của tay nghị sỹ cựu thống đốc New York mãi bên Huê kỳ chỉ vì ả người tình có thân hình và bộ ngực bốc lửa … Xoẹt! mở tivi, ba mươi giây có hết, vậy nên vợ chồng tôi biết phận ngồi im lắng nghe.
Ông chú họ có tật vừa “nhắm” vừa“bắn” thuốc lào sau khi rít một hơi dài hình như coi mọi người trong mâm là hạng con cháu ông chú phun khói mù mịt xuống mâm tới độ tôi tính gắp miếng thịt gà lại lộn mẹ nó sang đĩa cá hấp suýt nữa thì hóc, mà hóc là bỏ mẹ, bệnh viện thì xa rồi mang tiếng với làng, với xóm vì tội tham ăn, “bia miệng tiếng đời” lần sau làm sao còn dám vác mặt về quê, còn thằng con tôi thì ho sặc sụa hai mắt cay sè đỏ như mắt cá chầy. Như biết lỗi mấy “phát” sau ông chú quay mặt ra ngoài phả khói làm hai con chó nằm chờ xương bên cạnh cũng cong đuôi chuồn mất. Ông chú cất giọng: “ Tìm được người bẻ vải mùa này muốn đỏ con mắt mà không kiếm đâu ra, có nhà còn treo bảng ở đầu ngõ công bẻ vải được chia một nửa sản phẩm mà cũng chả có chó nào chịu làm”
Đứa em họ tôi tiếp lời: “Vải năm nay rẻ quá em tính không bán vải tươi nữa đem sấy khô chờ giá chứ kiểu này có mà sạt nghiệp, chưa tính công chăm sóc tiền phân bón tiền thuốc trừ sâu mỗi vụ một kg vải mất toi hai đồng rưỡi mà giá thu mua kiểu này thì lỗ nặng”
Vườn nhà anh tôi trước đây chủ yếu là trồng vải nhưng anh tôi đã biết được “xu thế” nên đã chặt hết chỉ để lại mấy cây quanh nhà ăn chơi và làm quà cho họ hàng con cháu mùa vải về thăm quê còn lại chuyển sang trồng nhãn vì giá nhãn cao hơn ngoài ra nó còn là nguyên liệu của đông dược nên giá ổn định, năm ngoái nhãn mới bói chỉ để ít quả sợ “chột” cây mà “bán lúa non” anh tôi cũng kiếm được ngoài chục triệu.
Trước hôm đi anh tôi hái vải bắt đem theo làm quà, tôi thấy anh dùng cưa, từng cành vải từ từ ngả xuống, đứng dưới đất vừa bẻ anh tôi vừa nói: “ Còn mấy cây năm nay sẽ phá nốt anh chuyển sang trồng nhãn hết”.
Quê tôi là vùng vải Thiều nổi tiếng, ở xã bên cạnh còn giữ được cây vải tổ nghe nói có độ tuổi gần ba trăm năm hiện nay còn một cụ già đã ngoài tám mươi con cháu thế hệ thứ tư thứ năm gì đó của ông cụ “tổ” người có công đem giống vải quý về cho quê hương đang chăm sóc thờ phụng.
Vải quê tôi khi chín vỏ căng mỏng thơm ngọt nhiều nước hạt nhỏ, bóc trái vải ra cơm trong suốt dầy và khô đặt trên lòng bàn tay ráo hoảnh, chỉ có người sành ăn mới biết. Hiện nay vải thiều trồng nhiều lan ra khắp các tỉnh, huyện lân cận nhất là vùng đồi trung du mạn Lục Ngạn, Chí Linh, Bắc Giang vải nhiều vô kể tuy nhiên chất lượng thì kém hơn không bằng vải quê tôi. Nhờ có đổi mới, nhờ có vải mà những năm đầu dân trồng vải xây được nhà, sắm được xe hơi có tiền lo cho con cái học hành và cũng nhờ có đổi mới trong lưu thông phân phối mà khắp nơi trong cả nước thậm chí người dân tít tận đất mũi Cà Mau cũng được thưởng thức loại quả ngon ngọt quê tôi. Nhiều người đánh giá vải thiều là một trong những loại quả thuộc loại ngon nhất xứ ta.
Đặc điểm của trái vải là bảo quản khó và khi vào mùa trái vải chín rộ rất nhanh, tìm ra được chính sách vĩ mô tiêu thụ, xuất khẩu, chế biến trái vải quý này là trách nhiệm của nhà nước đối với người nông dân. Nhà nước phải có những chính sách và quy hoạch cụ thể nếu không cây vải sẽ theo bước cây cao su, cây cafe, cây Điều … bỏ mặc người nông dân loay hoay chặt, trồng, trồng rồi lại chặt…
Chúng tôi những người con của đất vải đi xa trở về, khách du lịch vãng lai tới khi mùa vải chín thấy quê hương đẹp làm sao, thấy yêu, thấy tự hào thấy giá trị của trái vải còn những người nông dân quê tôi cứ mỗi mùa vải rộ lòng lại chợt buồn. Chả biết năm nay giá vải có khá hơn không? Biết trồng cây gì đây khi đồng đất quê tôi chỉ hợp với loại cây đặc sản này?
Ông nhà nước ơi! Ông thương mại, ông tỉnh, ông huyện ơi! Các ông ở xó xỉnh nào chúng tôi bầu ra các ông để các ông làm gì? Các ông chạy đi đâu hết rồi? Các ông còn nhiều việc quá chăng? Hay các ông mải xây Resort, xây khu nghỉ mát phục vụ cho các ông tây bà đầm để gom nhiều ngoại tệ nhằm tăng trưởng GDP cho nước nhà !!! Hay các ông đang lo gì gì???
Buồn cho một mùa vải chín!
Thanh Hà mùa vải 2008
Đào Duy
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- Nguồn Gốc Chữ Nôm của Đỗ Thành (ST: Quốc Việt)
- Làng Cổ Nhuế qua bài viết của Phạm Thế Việt (ST: KC)
- Thơ gửi từ Úc: THƯỜNG DÂN (Ngô Hà, dân Guilin 1950)
- Bài thơ Xứ Quảng (Phan Hoài Thuận)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- TẠI SAO GIỚI TUYẾN HAI MIỀN LẠI LÀ VĨ TUYẾN 17? (Việt Dũng)
- CÂU CHUYỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 – 1956) - (Việt Dũng)
- Bia “MET" Berlin (Trần Đình - Berlin)
- Câu đối của dân Đè Nẽng (Hoài Lưu k5)
Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
2 nhận xét:
Cho đến giờ, những suy tư của bạn về mùa vải quê hương vẫn còn nguyên tính thời sự. Vẫn chưa có ai lo việc đó cả. Và không chỉ có vải, còn thóc, còn tôm, còn mía, còn mận...và bao thứ khác nữa. Bài ca "được mùa rớt giá" đã trở thành điệp khúc, cứ vang đi vang lại năm này qua năm khác. Nhưng mọi người vẫn được hưởng lợi đều đều từ những "đặc sản" đó, trừ người làm ra chúng thôi.
Hôm nay con số để "chứng minh ko phải là rô bốt" thệt rõ. May wá.
Nhớ thương Đảo vì lo kí vải bán được bào nhiêu tiền. Hóa ra la lo cho bà con ta? Ừ, làm quan đ. lo được như thế thí... VỨT!
Đăng nhận xét