Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

Vui cho trọn ngày Tết (Thanh Trần)


Thế rồi một năm đầy ắp công việc, học tập, lao động, nghiên cứu cũng khép lại, nhường một khoảng thời gian đặc biệt cho kỳ nghỉ Tết. Đặc biệt vì đó là thời khắc bắt đầu một mùa xuân mới để mỗi người sẽ cộng thêm một năm vào tuổi đời của mình cũng như củ sâm Ngọc Linh đã thấm đủ mưa nắng gió sương của bốn mùa sẽ lưu lại một vết lằn trong tuổi thọ thiên tuế trên thân của nó.
Cùng với niềm vui tinh của tinh thần, tình cảm, tâm trạng thoải mái, thanh thản mà mỗi người đều dành cho những người thân yêu của gia đình, họ hàng, bè bạn trong dịp nghỉ dài ngày này, sẽ là chưa trọn vẹn nếu ta không nói đến những món ăn mang hương vị riêng của ngày Tết, bởi vì bữa ăn trong ngày Tết có giá trị và ý nghĩa rất lớn hiện diện trong một gia đình Việt Nam.


Ngày 23 tháng chạp theo tập tục vẫn là ngày cúng ông Công ông Táo, theo quan niệm từ ngàn xưa bếp lửa là trung tâm sinh hoạt gia đình, để giữ hơi ấm cho cả một năm mà hàng ngày cơm ăn, nước uống cũng được đun nấu ở đây cho từng người, rồi ai ốm đau, sinh nở thì ấm thuốc cũng được sắc ở đó. Cuộc sống hiện đại hôm nay ít người làm cơm cúng ngày này mà chỉ thả cá chép ra hồ ao coi như biểu tượng đưa rước một bà hai ông lên trời ngày cuối năm.
Còn bữa cơm cúng cuối năm thì hầu như nhà nào dù giàu hay nghèo đều làm, trước là để thắp hương lên tiên tổ, ông cha trên ban thờ vì người Việt bao đời nay đều có đức tin là hương hồn của người đã khuất sẽ trở về với con cháu trong những ngày Tết, sau là cha mẹ, anh em, con cháu cũng có một bữa cơm ngon tất niên để kết thúc năm cũ, đón chào năm mới. Bữa cơm càng có ý nghĩa khi trong nhà có người ở xa về ăn Tết.
Rồi mấy ngày Tết nghỉ ngơi, ai đi thăm thú, chúc tết họ hàng, người thân thì đến bữa đều cùng ngồi vào mâm cơm ngày Tết với gia chủ mà uống chén rượu xuân, người ở nhà thì cũng có sẵn thức ăn chỉ đun nóng lên và dọn ra là có bữa cơm ngon.
Khi đã hết kỳ nghỉ Tết, nhiều nhà cũng lại làm cơm cúng để hóa vàng tiễn ông bà tổ tiên trở về nơi cát bụi, cũng nhiều người làm cơm cúng hạ cây nêu để cảm tạ thần phật phù trợ cho một năm không gặp tai ương, nạn ách.
Điểm sơ qua như vậy để thấy rằng khi sắm sửa đón Tết, cùng với mâm ngũ quả và lọ hoa, chai rượu trên ban thờ, bánh mứt kẹo ngon, trà thuốc thơm, cành đào, cây quất đẹp xinh bày trong nhà, thời giờ phải chuẩn bị lâu nhất chính là các món ăn để tận hưởng trong những ngày Tết!
Ăn uống cũng có phép tắc để cơ thể khỏe mạnh, hấp thụ được cái ngon cái bổ của dinh dưỡng từ thức ăn đã được nấu nướng ngon lành. Vậy, chúng ta cũng cần hiểu biết. Trong đông y, ngũ cốc, rau cỏ, thịt thà cũng được coi như thuốc để bồi đắp cho cơ thể nên có câu: “Dược bổ bất như thực bổ” (uống thuốc không bằng ăn uống đúng), lại có câu: “bệnh tòng khẩu nhập” (bệnh tật theo miệng mà vào, ý muốn nói ăn uống không đúng cách thì sinh ra tật bệnh). Nguyên lý Âm – Dương, Ngũ hành được vận dụng để tạo ra sự cân bằng không thiên lệch giữa các loại thực phẩm với nhau, không nên ngộ nhận rằng thức ăn nào bổ thì cứ ăn thật nhiều, bởi vì cái “hữu ích” mà cứ nạp vào quá mức sẽ tạo ra sự dư thừa, mà dư thừa sẽ là mầm mống của mất cân bằng của tật bệnh, vậy cái hay chính là phải cân bằng, cân bằng âm dương, cân bằng tính vị. Tính có nóng – lạnh - ấm – mát, vị có chua – cay –mặn – ngọt – đắng. Đã ăn thức ăn có tính hàn thì phải ăn thêm cái nóng để chế cái lạnh đi, ăn nhiều đồ ngọt quá thì phải thêm vào vật phẩm có vị chua để giảm bớt cái ngọt, ăn nhiều đồ cay thì phải kèm theo vị đắng để tiết bớt cái cay… đó chính là sự vận dụng của ngũ hành sinh khắc trong khí vị.
Bánh chưng được làm khéo léo từ chiếc lá dong, nhu mễ (gạo nếp), lục đậu (đậu xanh), trư nhục (thịt lợn) tẩm ướp, sau khi luộc lên bóc ra cho một màu xanh, mùi thơm rất đặc biệt của riêng ngày Tết, khi ăn ta nên có cùng “dưa góp” là xu hào, cà rốt ngâm chua chua để giúp cho tiêu hóa. Gà luộc là món không thể thiếu được khi thắp hương tổ tiên trên ban thờ nên lúc ăn những miếng thịt gà chặt thơm ngon phải được chấm với muối tiêu chanh và nhớ phải có lá chanh thái như sợi chỉ, thịt gà bổ, ngon nhưng dễ “động phong” mà lá chanh sẽ “khử” bớt tính “phong” của thực phẩm này, cũng cần biết thịt gà không ăn cùng rau kinh giới.
Thịt lợn thì được các bà, các cô chế biến thành nhiều món ngon như: thịt quay áp chảo, nồi hầm chân giò măng khô, nồi thịt kho tàu… ăn vào cảm thấy “khoái khẩu”, những cái béo mỡ ngọt thỉu này cần phải ăn cùng với hành củ muối. Củ hành có tên gọi là Thông bạch hành khí tiêu trệ rất tốt, nó giúp cho sự chuyển hóa nhanh, không để chất béo, cay trệ lại trong ruột dễ sinh ra rối loạn tiêu hóa. Thế nên trong câu đối ngày Tết các cụ dùng chữ “dưa hành” đối lại “thịt mỡ” là chí lý.
Còn lại là những miếng măng lưỡi lợn ninh kỹ hút hết cái tinh chất của thịt vào thì ngon tuyệt, những miếng măng đó giúp cho tiêu hóa rất tốt mà không có hại gì. Vậy là, bên cạnh bát canh mọc bóng thanh khiết, ngọt nhẹ, các loại giò gà, giò bò, giò lợn cũng được bày ra góp món trong bữa ăn mỗi thứ một chút ăn vào vừa khỏe vừa ngon. Chỉ có điều cần nhớ là đừng ăn quá no, chỉ ăn vừa đủ.
Tết này sang năm Ất Mùi, dân gian gọi là năm con Dê. Ngày Tết chắc cũng ít người thịt dê làm cỗ, nhưng chắc rằng cả năm ai mà đi du lịch qua vùng Ninh Bình cũng dừng chân ở quán ven đường để ăn món đặc sản thịt dê nổi tiếng. Theo sách cổ thịt dê có vị ngọt, tính đại nhiệt, bổ tạng hư hàn, người có thân thể yếu, yên được tâm, giảm ra mồ hôi trộm, ích thận tráng dương, làm cho khớp xương vững chắc. Xương dê trị hàn trong xương, lui được nhiệt ở đầu. Tiết dê chữa các bệnh về huyết. Khi dùng phải lưu ý các điểm sau: người có bệnh nhiệt không được ăn, không ăn thịt dê cùng mắm cá và sữa, trong móng chân dê có hạt châu trắng ăn vào làm cho phát điên, con dê trắng đầu đen không nên ăn não của nó vì gây ra bệnh tràng ung, gan dê ăn với hạt tiêu sống hại ngũ tạng, phụ nữ có thai kiêng ăn thịt dê vì rất nóng. Thê nhưng phụ nữ sau khi sinh mất huyết nhiều người xưa dùng thang thuốc Đương quy Dương nhục thang để bồi bổ lại huyết rất tốt.
Nhiều người hài hước nhìn thấy con dê đực là chắp tay đùa “con lạy cụ”! rồi cái tính xấu của người cũng lôi con dê vào khi ai đó ham sắc quá thì bị gọi là “dâm dê” hay “dê cụ”. Nhưng quả thật vì ăn thịt dê giúp cho bậc tu mi tráng dương nên cánh mày râu có vẻ “khoái khẩu” hay rủ nhau thưởng thức món đặc sản này, có người còn ngâm trọn bộ “ngọc dương” vào rượu để thỉnh thoảng mời bạn bè vì quan niệm rằng “dùng gì bổ đấy”. Dê cũng là một trong sáu con vật được người thuần dưỡng nuôi trong nhà từ thủa hoang sơ ban đầu nên sách Tam Tự Kinh đã nêu “Mã ngưu dương, kê khuyển thỉ, thử lục súc nhân sổ tự (ngựa bò dê, gà chó lợn là sáu loài vật được nuôi), thôi tùy.
Ngày Tết ta cũng không thể không nói đến rượu. Trước đây phổ biến chỉ có rượu gạo ở đồng bằng, còn miền núi thì rượu được cất từ ngô, sắn, còn bây giờ thì tràn lan rượu ngoại với đủ các tên, các dòng của châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, châu Á. Rượu có tính bình, hành huyết, dùng ít rất tốt cho cơ thể, tiêu hóa tốt, tinh thần thư thái. Nhưng cái khó nhất khi uống rượu là biết dừng! “tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu” (gặp người tri kỷ uống đến ngàn chén vẫn thấy ít) tức là khi vui khi tâm giao người ta khó dừng, thế nhưng uống rượu say thì khổ lắm: đầu đau muốn vỡ ra, người mệt mỏi vật vã, nói năng loạn ngôn…dễ để phí hoài mấy ngày Tết. Người xưa nói: “tam bôi thông đại đạo, nhất túy giải thiên sầu” - chỉ uống ba chén rượu là thông tỏ mọi chuyện, say một trận thì quên đi ngàn chuyện buồn, vậy nên chỉ uống ba chén thôi là đủ. Tiện đây cũng xin mách thêm cách giải rượu nếu có lỡ gặp bạn bè thân mà quá chén: cuống lá dong (gói bánh chưng) đun cỡ một bát ăn cơm uống khi say hay đun nước đỗ đen với cam thảo thì giải cũng rất nhanh.
Thế nên, ngồi bên mâm cơm Tết, uống chén rượu xuân tâm sự những câu chuyện vui bên cành đào, chậu quất quả là niềm vui chỉ ngày Tết mới có được.

Thanh Trần

Không có nhận xét nào: