Những người đàn ông hồi tưởng tuổi hoa niên của mình. 40 năm trước. Trong một khu gia binh - mô hình nhà tập thể đặc biệt của những người lính và vợ con họ giữa thành phố thời chiến, chiến tranh không đi qua đây.
Tên sách: Quân khu Nam Đồng
Tác giả: Bình Ca
NXB Trẻ 4/2015
Tác giả: Bình Ca
NXB Trẻ 4/2015
Những chiến binh thực sự cũng chỉ thấp thoáng sau những bộ quân phục cũ mà con họ thừa kế, và trong cái vẻ vừa ngổ ngáo, bất cần đời vừa vụng về và trong sáng của những đứa trẻ lớn lên thiếu cha. Quân khu Nam Đồng hiện lên với người đọc của hiện tại bằng cái nhìn hóm hỉnh, hài hước cùng rất nhiều âu yếm và tiếc nuối của người trong cuộc. Cuốn truyện dài - gọi như vậy vì rất khó xác định thể loại “hồi ký viết chung” hay “tiểu thuyết” - lạ lùng từ tên gọi đến hình thức thể hiện, và là một hiện tượng khá đặc biệt của mùa sách truyền thống mừng ngày đất nước thống nhất năm nay.
Sách "Quân khu Nam Đồng" có bản bìa cứng và bản bìa mềm.
|
Những đứa con của lính
Quân khu Nam Đồng không có nhân vật chính. Đúng hơn, nhân vật chính là những đứa con của những người lính mà cuộc đời chủ yếu ở chiến trường. Những cô bé cậu bé 15 - 17 lộc ngộc mới lớn, thông minh nhưng khờ khạo, dũng cảm nhưng ngốc nghếch, lãng mạn và vụng về. Chúng sống một cuộc sống “tập thể” từ trường học đến nơi sơ tán, từ trong nhà ra ngoài sân khu gia binh. Nỗi buồn thì khác nhau chút ít vì bố đứa này về thăm nhà ít hơn bố đứa kia, má đứa kia không thân với con gái bằng mẹ đứa khác… Nhưng niềm vui, sự trong sáng chân thành và tình anh em, chất “quân khu” thì chia đều cho tất cả. Giang Cận, Việt, Hoàng, Hòa, Quang Anh, Mai Hương, Anh Sơn, Liên, Lệ Dung… gắn kết với nhau bằng những kỷ niệm chung về trường lớp, thầy cô, những trò nghịch ngợm tai quái “nhất quỷ nhì ma”, bằng mối tình đầu vụng dại, những ngộ nhận và vấp ngã. Nhưng sâu thẳm và bền chặt hơn, họ gắn kết với nhau bằng sợi dây vô hình của những đứa con trong những ngôi nhà ở hậu phương người lính-những ngôi nhà thường xuyên vắng bóng đàn ông, những ngôi nhà mà những người đàn bà vừa làm mẹ vừa làm cha, những ngôi nhà mà ở đó những đứa trẻ dường như “tự lớn”, tự trưởng thành, tự hoàn thiện nhân cách của mình bằng nhiều cách khác nhau, kể cả trả giá bằng máu, bằng tù tội.
Cũng vì là những đứa con của lính, các cậu trai của Quân Khu Nam Đồng khẳng định mình, bảo vệ cái nhân cách trẻ con của mình cũng ít giống bọn trẻ bình thường: chúng đánh nhau.
Không phải những pha đánh nhau thường thấy giữa vài đứa trẻ trên đường phố, mà là những trận đánh lớn, có chiến thuật, có bài binh bố trận, có vũ khí và tệ nhất là có tổn thất, rất nhiều tổn thất, không chỉ sứt đầu mẻ trán mà còn là máu chảy, là thù hận, là tương lai bị đe dọa, hủy hoại. Những trận đánh lớn dần và nghiêm trọng dần theo thời gian: “Trận đánh cổng trường”, “Trận đánh trường Trưng Vương”, “Trận đánh Xã Đàn”… Sau mỗi trận đánh là thêm những mái đầu xanh phải rời ghế nhà trường, có thể ra hè phố, có thể vào tù, may mắn nhất là được xung phong vào chiến trường. Bầu máu nóng của tuổi mới lớn chỉ kịp nguội khi thấy nước mắt của mẹ, của bạn gái, thấy sự đau đớn ân hận trên gương mặt anh em chiến hữu
Có lẽ, rất ít người trẻ hôm nay hiểu được vì sao lại có thời khái niệm “quân khu” từng ám ảnh như thế nào với những cư dân đường phố HN những năm 80: “Quân khu Nam Đồng”, “Quân khu Lý Nam Đế”, “Quân khu 1A Hoàng Văn Thụ”, “Quân khu 28 Điện Biên”… với những thanh niên choai choai mặc quân phục nhưng áo bỏ ngoài quần, chân đi dép lốp, đầu đội mũ cối, giắt “côn” - một loại vũ khí tự tạo bằng gỗ trong người, đi nghênh ngang ngoài phố và sẵn sàng gây sự với bất kỳ ai trông “ngứa mắt”. Bằng những kỷ niệm và cảm xúc của thế hệ mình, tác giả Quân khu Nam đồng đã kể lại quá trình hình thành của một “quân khu Nam đồng” khác, nguyên sơ hơn, trong sáng đúng kiểu con nhà lính hơn. Đồng thời, cũng cung cấp cho độc giả một khối lượng thông tin khá lớn để lý giải hiện tượng “quân khu” biến tướng về sau trong xã hội Việt Nam hậu chiến và hậu bao cấp.
Mỉm cười chào quá khứ
Như một quy luật bất thành văn, hồi ức thường đẹp và buồn. Cái đẹp thường đi chung với cái buồn, cứ như thể chỉ nỗi buồn mới làm cái đẹp sang trọng lên.
Nhưng “Quân khu Nam Đồng” không thế. Nó đẹp và… buồn cười.
Dù là một câu chuyện về chiến tranh, dù là hồi ức của những người đàn ông sinh ra và lớn lên trong thời chiến, dù tuổi hoa niên của họ vẫn có tiếng súng từ xa vọng về và bộ quần áo diện nhất để tỏ tình lần đầu của họ đều là bộ quân phục mượn của bố thì Quân khu Nam Đồng vẫn lấp lánh một vẻ hài hước lạ lùng của những con người trong sáng và lạc quan.
Mỗi tiết học trong lớp họ đều buồn cười, mỗi cuộc tình trẻ con là vô số những chi tiết hài hước ngộ nghĩnh, mỗi đối thoại của từng cặp yêu đương hay những thằng bạn nối khố đều khúc khích giấu một tiếng cười đang cố nén. Rất khó nắm bắt và gọi tên bút pháp của người kể chuyện - một người cầm bút lần đầu tiên trong đời và vốn hoàn toàn không có ý định in sách. Có lẽ, nó gần giống với khái niệm “vô chiêu” trong võ thuật. Không dụng công gì cả, cứ thế bình thản, nhẩn nha, hóm hỉnh, vừa tủm tỉm lục lại trong trí nhớ, vừa nheo mắt nhớ lại vẻ mặt, giọng nói, ánh mắt bạn bè để ráp vào các tình tiết, hành động mà kể. Thầy cô, bố mẹ, đến cả những vị tướng, tư lệnh, anh hùng… tất cả đều bình đẳng trong ký ức của những cậu con trai ngày ấy, họ đều đáng yêu và… buồn cười. Mỗi độc giả có thể tìm thấy vô số những chi tiết hài hước khác nhau hợp với thể trạng và tuổi tác: người lính già cười vì tư lệnh của mình từng bị bọn trẻ con bắt xếp hàng lấy nước hay thi đá bóng… búng chim, cô giáo cũ cười vì nhớ lại giờ học nào đó bọn quỷ sứ vẽ biếm họa chân dung mình với những đường nét không lẫn vào đâu được, nữ sinh mơ mộng ôm bụng cười khi đọc nhưng bức thư tình “bá đạo” mà Việt chép lại của Hòa để gửi Hương, mối tình đầu đẹp đẽ đau đớn của mình. Và những người cha ngày đó ở chiến trường, giờ đã ở bên kia thế giới, nếu về theo khói hương, hẳn sẽ mỉm cười vì biết được lũ con nghịch ngợm của mình ngày ấy đã bày ra đủ thứ mưu mẹo bài binh bố trận với cha mẹ để được nghỉ học, vào quân ngũ.
Hiếm có ở đâu, trong nền văn học buồn bã và thiên về "âm tính" của chúng ta, có nhiều sự hài hước đáng yêu, nhiều chất "con trai" như trong cái "quân khu" không hề có trong phiên hiệu Quân đội Nhân dân Việt Nam này.
Vì thế, dù là một thiên truyện đầu tay đầy chất amateur, dù cái tên khô khan và lạ lẫm, về một đối tượng không nhiều người biết, Quân khu Nam Đồng thực sự là một cuốn sách hấp dẫn, theo mô-tip “trẻ con thấy giống quá người lớn thấy nhớ quá”, về một thời đã qua nhưng không bao giờ quên được.
Thu Hà
Ghi chú của Bảo: tác giả Bình ca tên thật là Trần Hữu Bình,hiện là Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình,con trai nhà văn Hữu Mai.
2 nhận xét:
Là một người cùng thế hệ với những nhân vật trong "Quân khu Nam Đồng", tôi đã đọc say mê và cùng khóc, cười với những trang sách thấm đẫm kỷ niệm, thấm đẫm tình người. Tôi rất muốn gặp gỡ với tác giả Bình Ca để xin chữ ký vào quyển sách tôi mới mua. Bác chủ thớt có số điện thoại của tác giả ko ạ ?
Nu pagadzi!
Đăng nhận xét