Trong chuyến hành hương trên đất Phật chúng tôi đã đến ba vùng đất quan trọng liên quan đến cuộc đời Đức Phật, ba địa danh nằm trên đất Ấn Độ đó là Boddhgaya nơi Đức Phật sau bao thăng trầm trong cuộc tìm kiến chân lý đến ngồi nhập định dưới góc cây Bồ Đề và được khai minh. Sau đó Người vượt hai trăm cây số đường rừng để tới Sarnath, giảng bài kinh đầu tiên cho năm tín đồ đầu tiên của Phật Giáo và Kushinagar là nơi Đức Phật lui về nghĩ những ngày cuối cùng nhập Niết Bàn ở tuổi tám mươi. Địa danh thứ tư nằm trên đất Nepal đó là Lumbini (Lâm Tì Ni) nơi hoàng tử Siddhartha (Tất Đạt Đa) cất tiếng chào đời.
Chúng tôi xuất phát từ chùa Việt Nam Phật Quốc Tự ở Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) lúc 3 giờ sáng vì nghe nói chặng đường từ đây đến Lâm Tì Ni khá xa ước tính khoảng 9 giờ tối mới đến nơi. Lái xe cho đoàn chúng tôi là một tài xế người Ấn dáng thập đậm, hiền lành ít nói. Ông chỉ hay cười và tác phong rất cẩn trọng. Cùng đi với 4 nhà văn Việt Nam ngoài chú Avin - Người của nhà chùa do thầy Nhuận Đạt giao cho dẫn đường còn có cậu con trai của tài xế trạc tuổi Avin. Hai chú thanh niên người Ấn đều có mái tóc xoăn và rất nhanh nhẹn ngồi hàng ghế phía sau trò chuyện với nhau thật sôi nổi. Tôi đoán họ đang nói với nhau về một cô gái người yêu nào đó, vì thỉnh thoảng lại trao nhau máy di động có chụp hình một thiếu nữ xinh đẹp trong trang phục truyền thống Ấn Độ. Trước khi sang Lâm Tì Ni chúng tôi được nghe thầy Nhuận Đạt kể về vùng đất thiêng nơi sinh ra nhân vật nổi tiếng là Đức Phật. Lâm Tì Ni là vùng đất xanh tươi trải dài dưới rặng núi Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ chính là nơi Đức Phật sinh ra vào khoảng năm 563 trước công nguyên. Thân phụ ngài là quốc vương Catilave (Kapilavashi) thuộc họ Cồ Đàm (Gau ta ma) trong dòng họ Thích Ca (Sha kya). Theo truyền thuyết thì hoàng hậu Maya Deva nằm mộng thấy bốn vị đại thiên vương khiêng bà cùng chiếc gường đến dãy Hy Mã Lạp Sơn rồi đặt trên đỉnh núi thiêng Kailasah. Thình lình một con Voi trắng xuất hiện trên chiếc vòi là một bông sen trắng. Con Voi đi ba vòng xung quanh chiếc giường và húc nhẹ như muốn chui vào bụng. Hoàng hậu kể cho nhà vua nghe, quốc vường liền mời các tu sĩ Bà La Môn danh tiếng đến nhờ đoán mộng. Họ tâu rằng: “Hoàng hâu sẽ sinh hoàng tử. Nếu lớn lên Hoàng tử vẫn lưu lại cung điện sẽ thành minh quân cai trị đất nước thật rộng lớn và giàu đẹp. Còn nếu rời bỏ cung điện mà đi tu thì sẽ đắc đạo dẫn dắt mọi chủng sinh ra khỏi bến mê”.Gần đến ngày sinh nở hoàng hậu tâu với quốc vương cho phép trở về nhà cha mẹ ở Devadaha đúng theo tục lễ của thời bấy giờ. Khi đi đến khu rừng Lâm Tì Ni có rất nhiều cây Vô Ưu trổ đầy hoa hoàng hậu ra lệnh dừng kiệu lại dạo cảnh. Bà dừng chân bên một gốc cây Vô Ưu vừa đưa tay với cầm cành hoa thì ngay lúc ấy hoàng hậu chuyển dạ. Lúc còn đang đứng, tay nắm cành cây, hoàng hậu sinh hoàng tử. Thế là cả đoàn hộ giá vội vàng đưa hoàng hậu quay trở về cung.
Chúng tôi đến biên giới Ấn Độ - Nê Pal lúc gần cuối chiều. Cửa khẩu hai nước là một chiếc cổng chào lớn. Người đi bộ qua lại tấp nập. Căn phòng làm thủ tục hải quan Nê Pal khá đơn giản: Trong đó kê mấy dãy ghế cho khách còn cán bộ hải quan thì làm việc bên những chiếc bàn gỗ đơn sơ với dàn máy tính cũ kỹ. Hình như họ quen biết Avin và bác lái xe vì thấy chào nhau thật cởi mở. Khi nhìn thấy hộ chiếu Việt Nam của đoàn họ kêu lên vui vẻ “Doctor Lam - Doctor Lam (tiến sỹ Lâm) đó là tên gọi thân mật thầy Huyền Diệu vì họ biết đoàn vừa từ nhà chùa Phật quốc tự (Ấn Độ) đến chùa Việt Nam Phật quốc tự trên đất Nê Pal. Thì ra tên thật của thầy Huyền Diệu là Lâm Trung Quốc. Avin giải thích bằng tiếng Anh - Nhà thơ Trần Quang Quý dịch lại cho đoàn nghe. Thầy Huyền Diệu bảo rằng: “Trung Quốc là trung với nước. Có tổ quốc rồi mới có Phật giáo. Ngay tên chùa thầy đặt Việt Nam Phật quốc tự. Tổ quốc Việt Nam trước rồi mới là Phật giáo rồi mới chùa”. Vì thế thầy cho đắp nổi hình đất nước chữ S ở lối lên mỗi cầu thang dãy nhà trong chùa. Chúng tôi nộp mỗi người hai mươi đô la cho visa 15 ngày ở trên đất Nê Pal. Đây là số tiền tối thiểu vì sang đó một ngày cũng giống 15 ngày. Thủ tục làm visa nhanh chóng và thật thuận tiện, họ cũng không kiểm tra xe. Chúng tôi ai cũng thở phào nhẹ nhõm vì sợ khâu kiểm tra khá mất thời gian. Nhưng xe chạy được khoảng 200m thì một toán cảnh binh Nê Pal mặc áo rằn ri ngăn lại. Tôi giật mình khi thấy một chú chó Béc giê to như con bê thò cái mỏm vào cửa xe hít hít. Thì ra đó là chó nghiệp vụ đánh hơi ma túy. Avin nhanh nhẹn nhảy xuống nói với toán cảnh binh giọng líu lo liến thoắng như giọng chim. Một người đứng tuổi trong nhóm cảnh binh cười và: Việt Nam - Việt Nam vẫy tay cho đi luôn. Đoạn đường từ biên giới vào Lâm Tì Ni rất xấu. Chạy ngược chiều với xe chúng tôi là những chiếc xe buýt có tiếng còi rất lạ nghe cứ ngân nga như tiếng kèn đồng ngáy ngủ. Xe nhét khách như nhồi vịt có cả những người đứng ở bậc cửa lên xuống chới với tay nhưng vì đường xấu xe đi chậm rù rì nên không việc gì lo ngại. Càng gần đến Lâm Tì Ni chúng tôi gặp nhiều đoàn nhà sư đặc biệt là các nhà sư Tây Tạng dễ nhận ra nhất vì người nào cũng to khỏe, da dẻ đỏ au, mắt xếch quần nâu, áo trong vàng, vải đỏ sậm vắt chéo bên ngoài. Khu vực ở đây còn gọi là Vườn Thiêng là nơi tập trung có rất nhiều chùa của các nước. Xe rẽ vào đường nhỏ tới một khu vực xung quanh rào bằng dây thép gai, có cánh cổng khá đơn sơ và chòi gác. Cánh cổng sơn màu trắng đề dòng chữ “Secred Garden” (Vườn Thiêng). Hai người bảo vệ bước ra trao đổi với bác tài xế và mở thanh chắn Ba ri e cho xe chạy tiếp. Dưới ánh trăng mờ mờ sương tôi nhận thấy hai bên đường rất nhiều hồ nước và lau lách um tùm nghe có cả tiếng dế kêu rả rích và mơ hồ vọng xa là tiếng chó sói hú gọi đàn nữa giống như trôi giữa một cánh rừng hoang dã nào đó của châu Phi. Chúng tôi đến chùa đã có người đón ở cổng chùa và đưa đi nghỉ ở dãy nhà mới xây xong giống như một khách sạn nhỏ ba tầng, gọn gàng, sạch sẽ. Mỗi người ở một phòng có bóng điện chạy bằng ắc quy. Khoảng 4 giờ sáng tôi được trưởng đoàn đánh thức chuẩn bị đi bộ sang thánh địa nơi Đức Phật sinh ra cách chùa khoảng một cây số. Trời rét. Trong mờ mờ hơi sương tôi nhận ra có nhiều đoàn hành hương cũng ra đây vào giờ này. Rất may mắn trước khi sang đây vài ngày thì thầy Huyền Diệu vừa dẫn một đoàn Phật tử từ trong nước sang Kathman đu (Thủ đô Nê Pal) đến đây. Thầy dẫn chúng tôi đi thăm nơi Đức phật sinh ra.
Chùa Việt Nam Phật Quốc Tự ở Lâm Tì Ni
Ấn tượng nhất với tôi là trụ đá vua ADục. Vào năm 250 trước công nguyên hoàng đế ADục (Ashioka) trong chuyến du hành cùng đoàn tùy tùng đến nơi đây và cho dựng một trụ cột để ghi dấu chuyến viếng thăm của mình. Nguyên văn dòng chữ hoàng đến A dục viết trên cột đá được dịch ra như sau: “Hai mươi lăm năm sau khi lên ngôi, quốc vương Asoka đến viếng thăm nơi ra đời của Đức Phật , vị hiền triết người của bộ tộc Thích Ca. Hoàng đế truyền lệnh tạc một pho tượng bằng đá và dựng lên một thanh trụ. Ngài miễn thuế đất ở Lum Bi Ni và giảm thuế hoa màu từ ¼ theo lệ thường xuống 1/8” Đây là một văn bản rõ ràng, chu đáo và chính xác. Văn bản thông cáo trên đã bày tỏ lòng biết ơn đối với mảnh đất mang đến cho nhân loại một vĩ nhân. Asoka là người nhìn xa trông rộng. Ngài biết ký ức lịch sử là cái không bền vững sẽ có ngày người đời quên lãng và sinh ra nghi vấn. Hoàng đế bèn đến tất cả thánh địa có dấu chân Phật trên đất Ấn Độ cổ đại, đến đâu ngài cho khắc những chỉ dụ lên đá dựng lên ở đó những trụ đá có khắc thông báo và mệnh lệnh của hoàng đế viết bằng ký tự Brahmi.
Thầy Huyền Diệu dẫn chúng tôi treo tràng hoa nhỏ lên hàng rào sắt trước cột đá thiêng, cúi đầu chắp tay lễ và dẫn đoàn đi 7 vòng xung quanh cột đá. Bảy vòng. Đúng, bảy vòng người đi với người là thành quen biết. Người đi quanh vật bảy vòng là hình thành tin cậy, tôn kính. Thầy nói: “Phật tử khắp nơi trên thế giới mãi mãi biết ơn trụ đá này. Vì sao ư? Chính là bởi vì từ thế kỷ 19 trở về trước dưới khoa học vẫn tin rằng Đức phật tổ là nhân vật huyền thoại do người đời thêu dệt mà có. Mãi đến khi khai quật được cột đá này vào năm 1896 nhân loại mới biết rằng Đức phật là nhân vật lịch sử, là người có thật có sinh, có tử”. Ở thánh địa Lâm Tì Ni nơi Đức Phật sinh ra có những vườn cây Vô Ưu hoa nở trắng, những cây Bồ đề cổ thụ tỏa bóng, dưới góc cây những bầy sóc quẩn quanh nhỡn nhơ phơi nắng. Đặc biệt ở đây còn có đền thờ hoàng hậu Maya được xây dựng khoảng thế kỷ thứ ba trước công nguyên, bên trong có phiến đá khắc họa sự tích Phật Đản sinh. Một di tích quan trọng khác còn giữ lại được nơi đây là hồ Pushhkarni hình chữ nhật kè gạch đá nơi hoàng hậu tắm trước khi lâm bồn mà cũng là nơi hoàng tử Tất Đạt Đa được tắm lần đầu tiên sau khi sinh ra. Tôi cùng nhà thơ Lê Huy Mậu tác giả lời bài hát “Khúc hát sông quê” của nhà thơ nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo nổi tiếng mà rất nhiều người khi xa nước vẫn hay hát. Cả hai chúng tôi không hẹn mà tự nhiên bước xuống mấy bậc thềm đá đã nhuộm màu rêu và khỏa nước hồ. Một người con của sông quê và một người con của vùng biển cùng khỏa những vòng sóng hồ thiêng đã từng tắm cho Đức Phật. Tự nhiên trong người tôi có một luồng điện cảm ứng chạy qua. Không ngờ hơn 20 thế kỷ trôi qua mà hồ nước vẫn xanh thắm, vẫn trong veo, vẫn cội nguồn. Ở đây còn có một bức phù điêu kể chuyện hoàng hậu sinh nở. Tay phải bà giơ lên cao quá đầu níu một cành Vô Ưu. Bà đã sinh ra Đức Phật trong tư thế đứng như vậy “Đẻ đứng là tập quán từ Ấn Độ cổ đại”.
Lúc đoàn chúng tôi quay trở lại chùa mới thấy khuôn viên chùa Việt Nam Phật Quốc Tự ở Nê Pal rất đẹp. Phía trước chùa là cái ao thơm ngát hoa sen có cây cầu cong vắt qua. Đặc biệt chỉ ở chùa Việt Nam mới có những đôi chim Hồng hạc đang đủng đỉnh đi trong sân chùa trầm mặc như các triết gia. Tên khoa học của loại chim này là Sarus Canare - Sếu đầu đỏ. Đây là loại chim cực kỳ quý hiếm đứng thẳng có thể cao khoảng 2m nặng trên dưới 9kg nhưng lại vô cùng uyển chuyển. Hồng hạc duyên dáng đứng soi bóng bên ao cạnh những khóm trúc vàng. Đây là giống chim cao nhất thế giới và có đặc tính sống riêng rẽ từ cặp. Quả là một hình ảnh tượng trưng cho hạnh phúc và biểu tượng của sự hòa hợp trong cuộc sống. Thầy Huyền Diệu là người phát hiện ra Hồng hạc và nuôi ở ngay trong khuôn viên chùa. Thầy bảo: “Không biết có cơ duyên nào mà ở Lâm Tì Ni có Hồng hạc giống như Việt Nam có loại Sếu đầu đỏ này nhưng thấp hơn”. Thông thường Hồng hạc ở Việt Nam thường chỉ dừng chân một thời gian vào mùa nước cạn - nhiều nhất là ở Tràm chim thuộc vùng Đồng Tháp. Đến mùa nước lũ chúng lại bay sang Cam-pu-chia. Kể từ ngày chim Hồng hạc xuất hiện ở Lâm Tì Ni thầy Huyền Diệu phân công người canh giữ và bảo vệ chim. Thầy bảo: “Quan sát chúng lâu ngày tôi dễ dàng phân biệt được con nào trống, con nào mái khác với loài người, thông thường phụ nữ xinh đẹp hơn đàn ông, ngược lại con Hạc trống trông lại sặc sỡ với dáng rất oai vệ hơn con mái, lông chim Hạc trắng mượt mà hơn và vòng đỏ điểm xuyết ở cổ cũng lớn hơn. Chỉ cần nghe tiếng kêu tôi có thể đoán ngay được tâm trạng của chim Hạc. Lúc vui tiếng kêu trong trẻo, lúc buồn kêu nghe ảo nảo. Niềm vui, nỗi buồn đều lộ ra ngoài. Khi vui chúng xòe cánh múa hát, lúc buồn gục đầu vào cánh thổn thức.” Chim Hạc thường xuyên lui tới Việt Nam Phật Quốc Tự và tỏ ra quyến luyến với ngôi chùa này, đặc biệt chúng rất có với tình cảm với thầy Huyền Diệu. Hễ có điều gì bị đe dọa chim Hạc lại vội vã bay về chùa Việt Nam cách xa tổ của chúng khoảng gần 2 cây số tìm sự bảo vệ dù giữa đêm khuya. Mỗi lần chim Hạc kêu thầy Huyền Diệu tức tốc cho người chạy đến nơi xem xét can thiệp.
Buổi chiều hôm đó chúng tôi nhập vào đoàn phật tử vừa ở bên nước sang được thầy Huyền Diệu dẫn đi tham quan khu vườn thiêng mà mọi người gọi là “Liên hợp quốc phật giáo” Bởi ở đây có trên 20 quốc gia dựng chùa. Mỗi ngôi chùa mang một nét kiến trúc đặc trưng của nước đó. Chùa Thái Lan với những mái cong xếp chồng lên nhau. Chùa Cam-pu-chia đậm chất kiến trúc Ang kor Wat, chùa Nê Pal bầu bĩnh với con mắt Phật xuyên thấu, chùa Myanmar dát vàng phía dưới hình tròn càng lên cao càng nhọn. Riêng chùa Trung Quốc có tượng phật lớn đồ sộ nhìn bên ngoài giống như Thiếu Lâm Tự rồi chùa Pháp, chùa Tây Tạng, chùa Bu tan, chùa Miến Điện, chùa Nhật Bản… Thầy Huyền Diệu kể rằng: Ngày mới đến đây xây chùa thầy cùng mấy chục người thợ phát quang vùng đất hoang. Rắn độc to bằng bắp chân túa ra. Đêm đêm nghe tiếng chó sói hú ghê rợn. Còn có cả những đàn voi đi đổ rạp cả cây. Đêm dựng lều đốt lửa ngủ giữa trời. Có đêm rừng động đột nhiên tiếng muông thú rầm rập mỗi lúc một gần. Thầy vùng dậy gọi thợ đốt nhiều đống lửa to rồi đồng thanh hét thật lớn - bất ngờ đàn thú rừng chuyển hướng. Chùa Việt Nam được xây đầu tiên sau đó chùa các nước về đây xây tiếp. Thầy Huyền Diệu được tín nhiệm bầu làm chủ tịch hội đồng phật giáo thế giới. Không chỉ xây chùa thầy còn đứng ra quyên tiền để xây cho dân địa phương một chiếc cầu. Bởi mùa mưa lũ dân liều mạng sang sông đi làm ăn thường bị cuốn trôi. Nhiều lúc thầy tự hỏi vì sao Đức Phật chọn cái xứ này mình sinh ra rồi thành đạo. Nếu lấy biên giới Ấn Độ - Nê Pal là mốc thì sang Lâm Tì Ni (Nê Pal) đi về phía trước 20 km thì đến nơi Phật sinh. Về Ấn Độ đi ngược về sau gần 100km là Kushina gar nơi Phật qua đời. Cả hai vùng đất này mọi thứ đều thái quá. Thiên nhiên khắc nghiệt con người cay nghiệt lầm than. Thầy Huyền Diệu đưa ra một nhận xét khá tinh tế bằng trải nghiệm sống của mình: “Nơi nào nhiều bậc thánh nơi ấy cũng nhiều quỷ ma”. Hẳn là hai thế lực này có quan hệ tương hỗ, cái này làm tiền đề cho sự xuất hiện của cái kia. Và sự cân bằng của tự nhiên khiến cho thế lực thứ hai không thể vắng bóng? Đức Phật từ một chàng hoàng tử lặng lẽ bỏ kinh thành, bỏ vua cha, bỏ vợ con để đến với cuộc đời chắt lọc kiến thức những gì có thể để tìm ra chân lý, kết hợp trong mình cả tri thức bác học và bình dân rồi mới trở thành Đấng Giác Ngộ. Đấng Giác Ngộ không chủ trương sống cực đoan mà chỉ ra con đường sống dung hòa “Trung Đạo” trong đó có con đường chân chính tám chặng (Ngôn ngữ nhà phật gọi là Bát chính Đạo) và 4 chân lý diệu kỳ (Tứ diệu Đế) …
Đoàn chúng tôi ở Lâm Tì Ni một ngày, tôi cứ ngỡ như đang sống ở quê nhà khi gặp một họa sĩ từ Cần Thơ tình nguyện sang đây có cái tên “Hai Lúa” bình dị. Họa sĩ người gầy, da ngăm đen đã vẽ rất nhiều tranh bột nước đồng quê thôn Việt. Có lẽ trong tâm thức của người họa sĩ này: “Quê hương nếu ai không nhớ - sẽ không lớn nổi thành người”. Ông sang đây chỉ vẽ tranh của hồn quê Việt. Khi có các đoàn khách trong nước đến ông cho bày tranh triển lãm trong vườn chúa. Thật lạ là có rất nhiều tranh vẽ về hoa Sen: Sen ở trong đầm ao, sen nở trên cánh đồng ngập nước mông mênh Đồng Tháp Mười và đặc biệt là những đài Sen trong chùa gắn với hình ảnh Đức Phật với vòng hào quang tỏa sáng. Sen như là một biểu tưởng của quốc hoa. Họa sĩ “Hai Lúa” có cuốn sổ tay nhỏ. Khi biết đoàn nhà văn chúng tôi vừa dự liên hoan thơ quốc tế ở Konlkata (Ấn Độ) ông xin mỗi nhà thơ chép vào cuốn sổ một câu thơ của mình tâm đắc. Tôi đã chép vào sổ tay của ông hai câu thơ trong bài thơ “Hồn quê”: “Bánh đa cong, mái nhà lá cũng cong - con đường cát giấc mơ đêm cũng cát”. Bởi tự nhiên tôi lại nhớ quê - cái làng quê biển Kim Đôi bé nhỏ miền Trung từng hứng chịu bao cơn bão khắc nghiệt của thiên nhiên đổ vào. Và món quà quê giản đơn: Bánh đa! Họa sĩ “Hai Lúa” có vẻ thích thú cái đặc sản bình dân mà quê ông gọi là bánh tráng được làm từ nguyên liệu chính là bột hạt lúa, hạt gạo. Cai tên “Hai lúa” gợi cho chúng tôi một nét dân quê mộc mạc đậm chất anh hai Nam bộ phóng khoáng của vùng đất sinh ra “đờn ca tài tử”. Họa sĩ tài tử này đã tình nguyện mang sang đất thiêng Lâm Tì Ni và lưu giữ ở đây nơi cội nguồn sinh ra Đức phật cả hồn quê Việt…
Hà Tĩnh ngày 14 tháng 3 năm 2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét