Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Ta nhất định thắng, thơ nhất định thua

Nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh, thuở nhỏ ham chơi, ông bố giận mắng: “Mày sau này chó nó nuôi”. “Một lời là một vận vào”, Bảo Sinh trở thành người nuôi và kinh doanh chó mèo cảnh nổi tiếng. Tự nhận: 
“Làm thơ, nuôi chó, chọi gà
 Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ
 Suốt ngày nửa tỉnh nửa mơ
Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà”,
 Bảo Sinh lại tỉnh táo và thẳng thắn khi bàn về thơ, về “bệnh làm thơ”, phong trào “người người làm thơ, nhà nhà làm thơ” hiện nay.
Nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh cùng thú cưng
Nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh cùng thú cưng.


Bảo Sinh chia sẻ:
Người người làm thơ, nhà nhà làm thơ, ta nhất định thắng thơ nhất định thua. Ai cũng làm cả thì thơ chỉ có thua! Vì nghèo mà đi làm thơ, làm thơ lại nghèo hơn.
Siêu lừa đệ nhất nàng thơ/Vì nàng từ cõi mơ hồ sinh ra.
Tôi cho rằng đó là cái bệnh của xã hội: Tự do sướng nhất trên đời/Tự lừa còn sướng hơn mười tự do. Bệnh làm thơ càng ngày càng nặng. Vì người ta ngồi trong cảnh thực mà không chịu chấp nhận nên phải hoang tưởng, thì hoang tưởng tốt nhất là làm thơ. Hoang tưởng sướng nhất - nghĩ mình là nhà thơ vĩ đại. Làm gì thì làm, chỉ cần có một câu thơ hay là lưu danh thiên cổ!
Ông nói bệnh làm thơ ngày càng nặng mà xem ra chưa có thuốc chữa, nhưng đã có những kẻ lợi dụng để trục lợi?
Chính vì bệnh làm thơ tràn lan nên có người lợi dụng, đến các phường xã cho người ta giấy chứng nhận nhà thơ đo đỏ, vuông vuông kiếm cả tỷ bạc. Có người được đóng triện công nhận nhà thơ cấp phường, về khao cả làng. In sách năm bảy trăm trang để đăng chân dung các “nhà thơ” cấp phường xã kiếm bộn tiền. Tất cả là một sự háo danh.
Ông nào làm thơ, kể cả ông to đều có tâm lí rất kỳ là nghĩ thơ mình kinh lắm, đụng chạm lắm, nhạy cảm lắm. Có ông chức rất to tôi không tiện nêu tên, nói với tôi: “Tôi làm bài thơ này kinh lắm”. Tôi đọc rồi nói thơ của ông có một vấn đề rất kinh khủng, đó là thơ không hay. Mà vấn đề kinh khủng nhất của thơ chính là không hay, chứ một khi đã hay thì không sợ phạm một cái gì cả.
Tiêu chí thơ hay rất dễ, thơ hay là thơ nhiều người thuộc. Tác giả phải cân đong đo thơ bằng bạn đọc chứ không phải cân đong thơ bằng chính mình. Tất nhiên không phải thơ nào nhiều người thuộc cũng hay. Cho nên: “Nghe bồ đọc thuộc thơ ta/ Sướng hơn được giải gọi là Nobel/Làm thơ được tử tù khen/ Sướng hơn Văn Miếu khắc tên mu rùa”.
Làm thơ chẳng nhẽ “đáng sợ” vậy?
Người làm thơ cũng đáng được thông cảm. Nói cho cùng làm thơ vẫn đáng trân trọng. Người ta thích làm thơ vẫn còn hơn thích nhiều thứ khác.
Ông có ông bố mê làm thơ, đọc thơ kỳ lạ. Ông viết:”Giang hồ tặc tử con không sợ/ Chỉ sợ về nhà bố đọc thơ”, nghe cám cảnh cho thơ quá.
Thì cụ đọc nhiều quá, bắt nghe cả ngày. Ngày nào cũng bắt ăn thịt gà thì anh có sợ không. Cái gì quá cũng sợ.
 Có những người thông minh giỏi giang vẫn bị nàng thơ lừa. Thơ đang bế tắc cũng do đời sống tâm linh có nhiều vấn đề. Cho nên bây giờ nhà thơ trẻ của Việt Nam vẫn là Hồ Xuân Hương. Văn minh tiến lên, thơ văn đi xuống.
Nguyễn Bảo Sinh
Thực ra thú chơi cao quý nhất của con người là thơ chơi chữ. Không gì mê ly và thú vị bằng chơi chữ. Nhưng mà chơi đến mức dở hơi dở hồn, trông thấy phải bỏ chạy thì sợ lắm. Tuy vậy cũng là thứ dở hơi đáng yêu đáng tôn trọng, không nên báng bổ. Người nào làm câu thơ dở ơi là dở đọc lên mình cũng nên trân trọng lắng nghe vì đó là cái tâm của người ta.
Bố tôi nói với tôi, anh có làm thơ cũng nên là thơ dân gian. Làm thơ dân gian thì chấp nhận không có bản quyền, đừng bao giờ tranh chấp bản quyền. “Gặp kẻ ăn cắp thơ ta/ Hóa ra người ấy lại là tri âm”. Thơ chỉ cần hay, của ai không quan trọng.

Có người bỏ chạy trước cái gọi là thơ nhưng thơ thực sự phải kết nối và đưa người ta xích lại gần nhau chứ?
Tôi đi nói chuyện thơ cho một công ty truyền thông nước ngoài, họ trả thù lao rất cao. Khoảng 500 người dự mà chỉ có 40 người Việt Nam thôi. Nghe xong cảm động vỗ tay, tiền rất hậu hĩnh, máy bay đi máy bay về. Tôi hỏi tổng giám đốc, thơ này đọc bằng tiếng Việt, các ông có hiểu gì đâu. “Anh nhầm rồi, mấy ông lãnh đạo không cần nghe ông nói, họ nhìn vào mặt những người Việt Nam nghe thơ ông xem họ có cảm động không, nếu cảm động thì các ông ấy biết thơ rất quan trọng trong vấn đề truyền thông”.
Một tập đoàn truyền thông mời tôi nói chuyện thơ ở Nhà hát Lớn. Nói chuyện xong ông chủ tịch tập đoàn bảo: “Tôi nghe bác Sinh nói chuyện xong, vô cùng đau khổ vì sao bác chỉ là người bình thường, nuôi chó làm thơ mà bác nói chuyện hay như thế, mà sao các bạn ngồi đây học hết Đông Tây kim cổ đi truyền thông không thuyết phục được người khác”.
Nghe nói ông là một trong những người hiếm hoi kiếm tiền bằng thơ, trong khi đa số phải bỏ tiền in thơ, thậm chí như bố ông phải trả tiền nhuận nhĩ cho người nghe thơ?
Tôi yêu thơ và làm thơ không nghĩ tới kinh tế thì cuối cùng tôi lại là người làm thơ kiếm được nhiều tiền nhất Việt Nam. Tôi làm cuốn Á kinh siêu sinh tịnh độ, cuốn Tử Thư, nếu chăm chỉ mỗi tháng tôi kiếm được trăm triệu đồng. Đơn giản thôi, tôi viết một bài kinh cầu siêu cho một con chó, cho những người đau khổ vì chó chết, mỗi bài được 4 triệu đồng, đọc trong 5 phút thôi. Thực ra lúc làm thơ này tôi không nghĩ đến tiền, chỉ vì cảm thông với những người có chó cưng bị chết.

Ông nói làm thơ không vì tiền, không vì danh lợi thì vì cái gì?

Tôi viết thế này: “Khi đã ngộ đạo cho mình/ Nếu không chia sẻ sẽ thành vô minh/Tự học lời nói của mình/ Đó là cách học trở thành vô ngôn”. Tôi làm thơ để trao đổi với người khác, cũng là một cách học. Quan trọng nhất là được chia sẻ, sẽ nâng tầm nhận thức của mình lên. Tôi cho nhà thơ không cần danh, không cần lợi nhưng cần chia sẻ. Tôi nghĩ tất cả những người ngồi trước mặt ta đều là một bộ kinh vô tự. Tôi: “Vào cửa Phật vẫn chưa chay tịnh/ Ra sòng đời không đủ tinh ma/ Thôi đành về với cỏ hoa”.
Ông vừa làm thơ vừa nuôi chó. Làm thơ trong tiếng chó sủa mèo kêu có cảm thấy ăn nhập lắm không?
Ăn nhập lắm. Tôi làm thơ rồi tôi nuôi chó, hai cái trái ngược với nhau nhưng là một đấy. Một nhà thơ nuôi chó có tính chất thơ. Vấn đề không phải là đối tượng mà là cách mình thực hiện đối tượng đó. Con người ta làm nghề gì thường nhìn cuộc đời bị méo đi một tí theo góc độ nghề nghiệp của mình. Làm bác sĩ, cảnh sát hay cave đều có thể nhìn đời méo mó. Tôi làm rất nhiều nghề. Từng là sỹ quan lục quân, giáo viên, sau đó đi vẽ truyền thần, bốc thuốc, chữa bệnh, đấu quyền anh, nuôi chó, nuôi mèo, nuôi gà... Khi tâm hồn đã có thiền định thì có thể làm lung tung các nghề vì khi thiền thì làm cái gì, chú tâm vào cái đó.
Tôi nhìn cuộc đời trong trạng thái tổng thể, không dính vào cái gì cụ thể. Trong thơ tôi tính chất gì cũng có, đó là cuộc sống của tôi, tôi sống rất nhiều cảnh giới, cảnh giới nào tôi cũng đắm đuối với nó. Cả Phật, cả bồ, cả chó mèo. Phương châm làm thơ của tôi: “Câu thơ khi tỏ khi mờ/ Lý trên bác học, tình thừa dân gian’”. Đơn giản như: “Một ngu làm chẳng nên non/ Ba ngu chụm lại thành hòn núi ngu/ Toàn ngu cả sẽ hết ngu”.
Trong phong trào làm thơ nở rộ hiện nay điều lạ là có nhiều nhà thơ nổi tiếng nhưng rất ít có tác phẩm nổi tiếng. Ông lý giải thế nào về hiện tượng này?
Cái này tôi đã viết: “Biết bao thi sĩ vô danh/ Nhưng vần thơ đã trở thành ca dao/ Biết bao thi sĩ ngôi sao/ Suốt đời chẳng để câu nào cho ai”. Lẫn lộn giá trị.
Phật nghìn tay nghìn mắt, đời mỗi người mỗi ý, nhưng chân lý chỉ có một. Cuộc đời trong chiều dài của nó, công bằng lắm, anh làm thơ hay người ta biết, anh làm thơ không muốn nhận bản quyền lại có bản quyền. Nhân dân vô cùng sáng suốt. Không thể nói sự thẩm định bài thơ qua chắt lọc của thời gian, qua nhiều tầng lớp khác nhau, lại sai được.
Bơ phờ vì làm thơ nuôi chó chọi gà, ông có theo dõi thời sự làng thơ hiện nay và có đánh giá gì không?
Tôi không theo dõi, chỉ bằng trực cảm để đánh giá thôi. Tôi không hiểu sao dân tộc ta xem thơ như tôn giáo mà nền thơ ca hiện nay lại suy thoái như vậy. Có những bài thơ đọc lên không ai hiểu được. Có những người thông minh giỏi giang vẫn bị nàng thơ lừa. Thơ đang bế tắc cũng do đời sống tâm linh có nhiều vấn đề. Cho nên bây giờ nhà thơ trẻ của Việt Nam vẫn là Hồ Xuân Hương! Văn minh tiến lên, thơ văn đi xuống. Cuộc sống hiện tại, người ta chưa định hình được cái gì cả. Tri thức ngày càng xa vô thức thì thơ đi xuống. Nhà thơ tỉnh táo quá, thực dụng quá, mà làm thơ thì phải “Dại gái, dại lợi, dại danh/ Dại ba thứ ấy mới thành nhà thơ”.
Bây giờ người ta còn mắc bệnh giả vờ. “Thà rằng ở với thằng tù/ Còn hơn ở với thằng tu giả vờ”. Tôi nghĩ con giáp thứ mười ba là con giả vờ. Sống không thật thì làm sao thơ hay?

1 nhận xét:

Trần Đình nói...

Đọc bài viết của Bảo Sinh, mình khoái nhất câu "Thực ra thú chơi cao quý nhất của người là thơ chơi chữ, không gì mê ly thú vị gì bằng chơi chữ".
Cái cảnh về hưu, nhàn cư mà sinh ra "thơ phú" thì nhiều người ở ta mắc phải, mà có cái tệ thú vị là "thơ mình bao giờ cũng hay!".
Nói đến thú chơi chữ, xin kể chuyện về bài dịch thơ Sesphia chấn động một thời của "Thi sỹ điên" gạo cội Bùi Giáng: Sesphia có câu thơ nổi tiếng bằng Anh ngữ "Tobe or not to be-that is the question". Việc dịch câu thơ này ra tiếng nước khác tốn không biết bao nhiêu giấy mực tranh cãi của các nhà thơ, các dịch giả. Ra tiếng Đức: "Sein oder nicht sein-Das ist hier die Frage polemit"... Ở VN, năm 1969, trước những cách dịch bóng bẩy của các thi sỹ si tình kiểu như- "Sống hay không sống, ấy là vấn đề" hoặc "Tồn tại hay không tồn tại, đấy là vấn đề"...
, thi sỹ Bùi Giáng bất ngờ đưa ra lời dịch làm chấn động văn đàn: "Tồn tại hay tại tồn, tồn lưu hoặc chẳng tồn lập, đó là vấn đề" và chua thêm một câu dịch có vần: Tồn tại hay tại tồn, vấn đề tồn lưu tồn lập là tại tồn đó thôi!
Xin các bạn đọc, nhất là các bạn sống tại Nam bộ, nơi có cách nói lái rất tế nhị và Thanh hãy ngẫm xem, cách dịch này của "Đại thi sỹ" có phải là cách chơi chữ thâm thúy và cách dịch rất sát với áng thơ tình của Đại văn hào Sesphia không?
Nhân bài viết của nhà thơ sống bằng nghề nuôi chó Bảo Sinh, TĐ tôi xin góp một Comment về thơ. (TĐ)