'Hà Nội trong mắt ai' và 'Chuyện tử tế' của đạo diễn Trần Văn Thủy là hai bộ phim tài liệu có số phận ly kỳ nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.
Kinh ngạc vì một bộ phim 30 năm vẫn thời sự
Chuyện lạ chưa từng có tiền lệ vừa xảy ra khi thời gian qua, tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, Nam Định, Đà Nẵng, Hội An, Huế... người ta rầm rộ tổ chức nhiều buổi chiếu lại và thảo luận 'Chuyện tử tế sau 30 năm'. Chưa có một bộ phim điện ảnh nào, chứ chưa nói đến một bộ phim tài liệu lại có sức sống mạnh mẽ với tính thời sự cao đến mức tạo ra cả một phong trào tự phát như thế sau hơn 3 thập kỷ đóng máy.
'Điều này hoàn toàn bất ngờ với tôi. Vì khi làm phim này, tôi cứ nghĩ sau 30 năm xã hội sẽ tiến bộ lên, con người sẽ hạnh phúc hơn, được bù đắp chứ tôi không nghĩ bây giờ người ta khát khao sự tử tế hơn ngày xưa', đạo diễn Trần Văn Thủy nói.
Những sự kiện nhức nhối trong xã hội, nỗi lo về an toàn thực phẩm, mối quan ngại về bao nhiêu điều chướng tai gai mắt khiến hai chữ 'tử tế' thành tính từ vô cùng thời sự trong thời gian dài vừa qua. Chưa bao giờ người ta khao khát 2 từ 'tử tế' đến vậy trong mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Chính vì thế, thông điệp mà 'Chuyện tử tế', quả bom từng gây chấn động giới điện ảnh quốc tế 30 năm trước càng trở nên đáng giá và hợp thời. Người ta truyền tay nhau xem đi xem lại bộ phim không phải vì nó từng đoạt giải ở LHP quốc tế và bán bản quyền cho hơn 10 đài truyền hình lớn trên thế giới và thu được rất nhiều tiền mà còn bởi nhận thấy tính dự báo của nó. 'Chuyện tử tế' giống như được làm cho xã hội hiện tại, khi câu hỏi: "Thế nào là sự tử tế?' ngày càng trở nên nhức nhối.
Tuy nhiên, theo tác giả 'Chuyện tử tế' thì: 'Khi người ta đã biết sài chữ tử tế, tôn trọng sự tử tế và định ứng xử tử tế, hô hào sự tử tế thì muộn rồi. Vô phương cứu chữa! Nếu không có những con người tử tế cụ thể thì không thể làm được bất cứ điều gì tốt đẹp. Tất cả phải bắt đầu từ con người. Những con người tử tế. Đó không chỉ là vấn đề của người Việt Nam mà còn là của nhân loại'.
Trong lời cuối phim 'Chuyện tử tế' hơn 30 năm trước, ông đã viết lời bình:'Vậy ra, nghĩ cho đến cùng, ở trên đời này không có một nghề nghiệp nào, không có một công việc gì và không có bất cứ con người nào có thể trở nên tử tế nếu không bắt đầu từ tình thương yêu con người, sự trân trọng đối với con người và đi từ nỗi đau con người...'.Phim của ông có nhiều lớp nghĩa, chính vì vậy không ai xem 'Chuyện tử tế' một lần mà hiểu hết được và mỗi lần xem lại họ lại tâm đắc vì ngộ ra một điều gì đó mới mẻ.
Tại sao sự tử tế cần đến như thế trong xã hội này? Điều này có thể tìm thấy trong bộ phim 'Chuyện tử tế' với những câu chữ đanh thép: 'Từ rất xa xưa, cha bác có dạy rằng, tử tế luôn có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức sự tử tế và đặt nó lên Bàn thờ Tổ tiên hoặc trên Lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng, một dân tộc, một quốc gia dẫu có những nỗ lực tột bậc và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người - Người Tử Tế - trước khi mong muốn và chăn dắt họ thành những người có quyền hành giỏi giang hoặc siêu phàm'.
Chuyện ly kỳ về 'Chuyện tử tế'
Dù vẫn được coi là nhà làm phim tài liệu số 1 Việt Nam và được thế giới vinh danh nhưng đạo diễn Trần Văn Thủy gây bất ngờ khi nói ông không phải là nhà làm phim. Ông làm phim chỉ vì sức ép của đời sống, của tâm can mà ông viết những lời dẫn trước khi bấm máy để rồi chỉ đi tìm hình để lắp vào. Điều này hoàn toàn trái ngược với lý thuyết về làm phim tài liệu mà chính ông đã học ở Nga.
Ở tuổi 76, đạo diễn Trần Văn Thủy vẫn vô cùng minh mẫn và thông tuệ. Trần Văn Thủy nhớ từng chi tiết, từng câu thoại trong 'Chuyện tử tế' cũng như các bộ phim khác ông đã làm. Cả những kỷ niệm từng khiến ông 'lên bờ xuống ruộng' hơn 30 năm trước chỉ vì hai bộ phim có thời từng được liệt vào danh sách cấm chiếu. Đạo diễn Trần Văn Thủy nói nhờ có Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà phim 'Hà Nội trong mắt ai' thoát khỏi vòng lao lý. Còn 'Chuyện tử tế' ra được cũng là do thời thế, có ông Nguyễn Văn Linh, có Đại hội 6.
Khi luận bàn về 'Hà Nội trong mắt ai', ông bị lãnh đạo cao cấp gọi lên bắt phải sửa và nói ông nghĩ xem hãy nhận làm 1 bộ phim lễ lạt để kỷ niệm 30 năm giải phóng thủ đô nhưng Trần Văn Thủy tìm cách thoái lui. Ông nói, không có cách nào làm một bộ phim hay nếu không động vào thần kinh của xã hội, nói đúng tâm can của con người.
Thời gian ấy, vợ chồng đạo diễn Trần Văn Thủy từng phải leo qua mái nhà đi thủ tiêu tài liệu, băng hình và chạy đến nhà người chị ở Thái Hà để khỏi bị bắt. Trần Văn Thủy nói ông chẳng cần một gram dũng cảm nào, ông chỉ nói ra những điều mình muốn nói, và bởi chuyện nó vốn như thế.
Làm 'Chuyện tử tế' xong đã lâu, nhưng vì vướng mắc với 'Hà Nội trong mắt ai', Trần Văn Thủy không dám đưa bộ phim đi duyệt. Sáng 7/10/1987, ông được TBT Nguyễn Văn Linh mời ra nói chuyện riêng về 'Hà Nội trong mắt ai' và khuyên Trần Văn Thủy nên làm phần 2, trước mặt Lưu Quang Vũ, Trần Độ...
Được lời như cởi tấm lòng, Trần Văn Thủy trả lời: "Vâng, tôi xin hứa là chắc chắn sẽ có tập 2 ạ". Tan họp, Trần Văn Thủy phi xe về Hãng phim tài liệu, nhờ họa sĩ ghi hộ chữ 'tập 2' dưới tên phim 'Chuyện tử tế' dù khi đó bộ phim đã làm xong được 2 năm. Do vậy, 'Chuyện tử tế' được coi là phần 2 của 'Hà Nội trong mắt ai' nhưng trên thực tế không liên quan gì đến nhau.
Đạo diễn Trần Văn Thủy nói nhờ có lời nói của ông Nguyễn Văn Linh mà 'Chuyện tử tế' được ra đời. Vì nếu không sự 'cởi trói' đó thì sẽ không bao giờ tồn tại một bộ phim 'Chuyện tử tế' chấn động thời đó và cả ngày hôm nay, một bộ phim được đạo diễn người Mỹ John Gavito đề cử là 1 trong 10 bộ phim tài liệu hay nhất thế giới mọi thời đại.
Trần Văn Thủy cho đến nay vẫn là người duy nhất đi trên con đường độc đạo khi chỉ làm những bộ phim chạm đến thần kinh của xã hội, khai thác số phận con người mà tuyệt đối không làm những bộ phim tụng ca vì sự 'chỉ đạo' của ai đó. Có lẽ chính vì vậy, mà bộ phim của ông, sau hơn 30 năm vẫn nguyên giá trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét