… Ngày xưa người ta nói “đi Sà Goòng”, chính là đi lên trên Quận Nhất (người ta không gọi là "Quận 1" mà dùng chữ "Nhất", chắc cho nó sang?). “Trển” với phố xá thẳng tắp, to đẹp, có nhiều cây to, bóng mát; có nhiều nhà cao tầng, nhiều nhà hàng, khách sạn, rạp xi-nê, xe cộ chạy như mắc cửi, có chợ Bến Thành mùa nào thức nấy… Còn về tới Gia Định - phía Bình Thạnh hay Phú Nhuận, Tân Bình ngày nay thì đã gần ra tới ngoại ô, tre pheo đầy, làng dệt xoành xoạch suốt ngày… Đi xa hơn đến Gò Vấp là đã về đến quê, chẳng còn xa với rừng rậm có nhiều hổ và báo, thú dữ.
Đường trên SG thì ngang bằng, sổ thẳng. (Tây quy hoạch có khác). Xưa có câu “Ăn quận 5, nằm quận Ba”. (Toàn “quận chữ”, ghê thật!). Còn đường dưới này kì lắm, cứ cong cong lượn lượn. Ông Khánh Hòa chẳng hiểu nghe ai, bảo: Do xe chạy về đây thời đó chỉ là xe thổ mộ chở người, chở hàng hóa mua từ SG dzìa. Cái con ngựa vì chỉ “quen đường cũ” nên giữa trưa hè nắng gắt, cứ nhắm mắt vừa đi thủng thẳng vừa nhai cỏ, thế là đường nó đi cứ lườn lượn. Rồi đi mãi thì thành đường lớn. Rồi những túp lều được dựng lên dọc đường ấy. Vậy là mặc nhiên xuất hiện “phố ở làng”. SG lớn dần, dân lục tỉnh kéo về. Đất lành… mà! Dọc “phố làng” không còn đủ dựng “nhà mặt tiền”, vậy là hình thành hẻm bên trong, rồi có nhà trong hẻm. (Riêng mấy “từ ngữ hành chính” này cả nước chả thống nhất: Ngoài HN thì ngõ rồi đến ngách, ở miền Trung (nhất là Đà Nẵng) thì kiệt (chắc là kiệt sức - “hết”) rồi đến cùng(?), trong SG thì hẻm lớn rồi hẻm nhỏ!).
Những năm sau 1990 đến đầu 2000 nhà cửa xây bạt mạng, có chục mét vuông đất cũng thành nhà. Nhà mọc tiếp trong hẻm. Không kể các khu đô thị mới quy hoạch, chứ quanh quanh Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình những hẻm chỉ rộng 1m đầy. Dân nghèo ở chen chúc. Nói đến chuyện này vì từ ngày giao thông đô thị ách tắc, nhất là ở các nút giao thông ngã ba, ngã tư lúc đầu giờ đi làm hay cuối buổi tan ca; Sở Giao thông vận tải đi khảo sát hết lượt các hẻm và các đường có thể làm đường thoát. Vậy là xuất hiện các bảng có mũi tên và in chữ chỉ dẫn, sơn phết đàng hoàng. Ví dụ: Trên đường Phan Đăng Lưu có hẻm gắn bảng “Hướng đi Nguyễn Kiệm” để hướng dẫn xe cộ tránh ngã tư Phú Nhuận; hay trên Thích Quảng Đức có bảng “Hướng đi Nguyễn Thượng Hiền”…
Hướng là hướng vậy thôi chứ dọc hẻm còn tỉ hẻm con nữa. Vậy là khi xe bị dồn vào đông, để có lối thoát là cứ rẽ búa xua. Chật cũng chịu, cố mà tìm đường thoát. Trong hẻm 1m, xe máy phải tránh nhau thì phải nghiêng nghiêng xe; còn xe sang Piaggio, SH thì hết chỗ tránh vì kích thước quá lớn cộng hai cái kính (ngoài Bắc gọi là gương) soi hậu với tay quá dài. Nhiều đoạn hẻm nhỏ lại tắc chả kém đường lớn. Án binh bất động. Gặp phải hôm trời mưa thì thôi rồi! Ngõ ngách cứ chi chít như mê cung, bàn cờ nên nhiều lần lách xe vòng vòng một hồi lại quay ra đúng chỗ cũ. Ôi, sao cuộc đời cứ luẩn quẩn mãi thế này?
1 nhận xét:
Bác ơi, cháu gửi tặng bác ca khúc: "Ngõ vắng xôn xao". Một ngõ vắng xôn xao, nằm trong lòng phố lớn...
http://mp3.zing.vn/bai-hat/Ngo-vang-xon-xao-Bang-Kieu/IW67DEE9.html
Đăng nhận xét