Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

Truyện ngắn: NGỤC TRUNG KÝ SỰ (Huỳnh Úc)



1- Đòn thù
Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Một ngày trong trại giam sao mà dài thế, tưởng như vô tận. Chiều muộn. Những người bạn tù kẻ nằm người ngồi. Và im lặng. Chàng ngồi tựa lưng vào tường mắt nhìn qua chấn song sắt cửa sổ trại giam. Cửa sổ trại giam cắt một khung trời xanh mây trắng hình chữ nhật trên đó có một cánh chim lẻ loi. Như một bức tranh. Chàng cám cảnh mà than thầm rằng:
Con chim (hề) cao bay
Vẫy vùng (hề) đường mây
Thân ta (hề) vô tội
Trách Trời (hề) độc thay!
Lòng đau (hề) như cắt
Nước mắt (hề) vơi đầy.

Thân chàng vô tội? Không! Chàng có tội, cái tội tày đình đã dám dùng súng hoa cải và mìn tự tạo chống lại nhân viên công lực khi họ thi hành lệnh cưỡng chế thu hồi đầm thủy sản và khu đất trên đó có ngôi nhà hai tầng của chàng làm bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương. Và bây giờ khi chàng ngồi đây thì tôm cá trong đầm đã bị vét sạch và ngôi nhà của chàng chỉ còn là một đống gạch đổ nát. Tết đến nơi rồi, trên nền đống đổ nát ấy vợ chàng dựng một túp lều che bằng ni lông và bao tải để có chỗ thắp cho tổ tiên một nén hương.

Chàng bước chân vào chốn lao tù đã được mấy ngày. Phút đầu tiên bước vào trại giam là trận đòn phủ đầu. Trận đòn phủ đầu chàng chỉ mới được biết qua sách vở khi Tống Giang đầu lĩnh Lương Sơn Bạc phải bước qua cửa ngục vì cái tội dám viết bài thơ phản nghịch lên vách tửu lầu hay khi các chiến sĩ cách mạng vừa  bước chân từ tàu há mồm lên bến Côn Đảo. Thì thời nào mà chả thế! “ Mày nghe theo các thế lực thù địch xúi giục này! Làm loạn này! Bố mày thì giết chết này! Á à! Đỡ à? Mày thích gẫy tay không?...”. Chiếc gậy cao su trên tay viên quản giáo buồng giam liên tục quật xuống mông và đùi nạn nhân theo nhịp từng câu nói gằn. Hả hê và thở hổn hển. Dứt trận đòn viên quản giáo đẩy chàng và đá thêm một cái vào mông: “ Đi cắt tóc rồi thay quần áo”. Bị đòn phủ đầu, cắt trọc đầu và nhận bộ quần áo tù màu xanh chàm, sau những thủ tục ấy chàng mới thực sự là một người tù.  

2- Gặp gỡ Chí Phèo
Lại một ngày nữa sắp trôi qua. Bây giờ đang là đêm. Đêm muộn. Chàng trằn trọc muốn chợp mắt một lát mà đôi mắt cứ mở chong chong. Hình ảnh đứa con gái đầu lòng rơi xuống cống chết đuối khi vừa tròn tám tuổi cứ chập chờn trước mặt. Con ơi! Đó là cái giá phải trả khi cha liều lĩnh quai đê lấn biển. Đôi mắt chàng mở trừng trừng nhìn bóng đêm. Và lúc nó vừa mệt mỏi khép lại thì trước mặt chàng là một người lạ mặt. Không thể đoán được tuổi của hắn vì cái đầu trọc lóc, cái mặt vàng vàng mà lại muốn xam xám màu tro trên đó vằn dọc vằn ngang không thứ tự biết bao nhiêu là vết sẹo, hai mắt gườm gườm. Hắn mặc quần nái đen với cái áo tây màu vàng. Cái áo phanh ra để lộ bộ ngực xăm đầy những nét chạm trổ rồng phượng và một ông tướng cầm chùy.
- Ông là ai?
- Ha ha! Hỏi hay nhỉ! Ngươi mang danh là người có học, chẳng gì cũng là kỹ sư nông nghiệp. Thế hồi học phổ thông trung học người ta có dạy ngươi tác phẩm của Nam Cao không?
- Có! Thế ra ông là…
- Chí Phèo! Ta là Chí Phèo của thế kỷ hai mươi, đang muốn gặp Chí Phèo của thế kỷ hai mươi mốt đây.
- Chí Phèo của thế kỷ hai mươi mốt? Người ấy là…
- Là ngươi. Có người đã ví von như thế.
- Tôi phản đối.
- Phản đối thế nào được vì việc đã đến tai Diêm Vương. Nghe trên trần lại xuất hiện Chí Phèo Ngài truyền ý chỉ sai ta đi xác minh thực hư sự việc. Nhưng mà thôi! Phản đối làm gì. Mọi sự so sánh đều khập khiểng. Ta là một đứa không cha không mẹ, suốt đời chỉ có mỗi một nghề rạch mặt ăn vạ. Ta ăn nằm với Thị Nở, thị nấu cháo hành cho ta ăn nhưng ta vẫn là kẻ không có gia đình vợ con. Còn ngươi có cha có mẹ, được học hành tử tế, vợ con đề huề. Nhà của ta là một túp lều rách nát trong vườn chuối ở bãi sông. Khu vườn gần năm sào mà Bá Kiến cắm thuế của một người làng rồi trả công cho ta khi ta đòi được nợ của Đội Tảo. Còn ngươi thì có hẳn ngôi nhà hai tầng.
- Thế thì người ta đã bất công khi ví tôi với Chí Phèo?
- Bất công? Không bất công đâu. Vì cả ngươi và ta đều giống nhau ở chỗ chúng ta muốn làm người lương thiện nhưng không thể làm người lương thiện. Đã có thời ngươi là một người lương thiện, hơn nữa lại còn được ca ngợi là một bậc kỳ tài, một tấm gương sáng với lòng kiên nhẫn đã quai đê chắn sóng, sau nhiều lần thất bại vì bão biển cuốn phăng cuối cùng đã tạo nên một đầm nuôi thủy sản và một bãi bồi màu mỡ.  Long đong cả chục năm ròng / Người không phụ đất, đất không phụ người. Và chính cái thành quả ấy đã kích thích lòng tham của bọn cường hào ác bá. Thời nào cũng thế, bọn cường hào ác bá cũng áp bức, đè nén không để cho dân đen được làm người lương thiện. Và khi đã không thể làm người lương thiện được nữa ta thì văng dao xốc tới, còn ngươi thì nổ mìn tự tạo và bắn súng hoa cải…
Chí Phèo ôm lấy vai chàng lắc mạnh, cười chua chát. Đây là lần thứ hai hắn cười. Lần thứ nhất hắn cười sau khi ăn bát cháo hành của Thị Nở, cười hiền và ngây thơ như trẻ con. Lẫn trong cái cười chua chát hắn hỏi gằn:
- Ta hỏi ngươi, vì sao chúng ta không thể làm người lương thiện?
Cú lắc vai mạnh mẽ làm chàng mở mắt bừng tỉnh. Thì ra là một giấc mơ.

3/ Hy vọng
Khi tôi ngồi viết những dòng này thì trên báo chí cả lề trái lẫn lề phải rộ lên những bài viết bênh vực chàng và vạch ra những sai trái của bọn cường hào ác bá kiểu mới. Các vị nguyên lão lên tiếng. Thủ tướng Chính phủ vào cuộc. Trong lòng tôi le lói một niềm hy vọng. Hy vọng rằng cuối cùng công lý sẽ được thực thi và chàng sẽ lại có cơ hội làm một người lương thiện.

5 nhận xét:

Nặc danh nói...

Mẹ kiếp ! ( câu cửa miệng của Chí Phèo). Thời này là người lương thiện khó lắm thầy ơi. Chợt nhớ hồi ký của nguyên phó thủ tướng Đòan Duy Thành (ông không bị tù,nhưng bị hành như bị tù) có nhan đề "Làm người khó lắm". Buồn cho xã hội của chúng ta,chuyện Thầy viết là có thật. KC

Nặc danh nói...

Nhớ lại phim "Đất phương Nam": mấy ông già xưa vào khai khẩn đất Đồng Tháp Mười, móc sình, đắp đất, trồng lúa, dựng nhà .... Bỗng một hôm ông Hội đồng dẫn lính tới đòi đất. Quá bực dọc, dù biết sẽ chết, nhưng ông già vẫn rút mác lao tới trước họng súng ăn thua đủ. Vậy là ...
Ko phải là Chí Phèo!

HMK6

Nặc danh nói...

bác Úc mới viết "phần nổi của tảng băng" , phần chìm mới đáng sợ và còn kinh khủng hơn nhiều đó là : rồi đây việc làm ăn của gia đình anh Vươn sẽ ra sao , liệu có yên ổn ko ? các con , cháu anh Vươn sẽ học hành , làm việc ra sao đây ? những chững cứ , chứng nhân trong CCRĐ cho thấy "ma làng" còn đầy rẫy và gớm ghiếc lắm bác Úc ạ

TranKienQuoc nói...

Chúng ta phải bảo vệ họ.

Nặc danh nói...

Chắc chẳng yên đâu. "Tổ công tác Tiên lãng " lại do lão PCT đã từng đổ tội phá nhà cho dân cầm đầu. TT chỉ "giơ cao, đánh khẽ" bọn ấy thôi. Cùng hội cùng thuyền mà. Nhiệm vụ bảo vệ nạn nhân lại được giao cho chính bọn thủ phạm vụ cướp thì ko biết tình hình sẽ ra sao.