Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Chiến trường và đồng đội của tôi (4) - (Trần Thắng)


    Cao điểm mùa mưa năm 1973, chúng tôi bị đói mất mấy tháng. Không hiểu sao gạo rất thiếu, có hôm đợi cả ngày anh em mới lĩnh được vài cân thóc. Thế là phải tìm mọi cách giã thóc ra gạo rồi nấu cháo. Ban ngày nếu không có việc gì toàn nằm trên võng cho đỡ tốn sức. Rồi đi tìm măng về nấu ăn độn, trong lúc gọt lớp áo măng tôi sơ ý phạt luôn vào đầu ngón cái, mất 1 miếng thịt và máu chảy nhiều quá. Cậu Dật lấy ngay mật ong rừng thấm vào miếng gạc và băng chặt cho tôi. May thật vết thương lành khá nhanh và thịt lại đầy lên. Hồi đó mỗi khi lấy mật ong, anh em đều trữ 1 lọ nhỏ để khi cần có cái dùng. Có hôm đang nằm bỗng mấy cậu vùng dậy la hét đuổi bắt con mèo của ban. Mọi người giết nó làm 1 bữa chén cho đỡ cơn đói, tôi kinh quá không dám ăn. Những lúc như vậy, hay mỗi khi nhìn anh em sốt rét tiều tụy, tôi hay nghĩ nếu những người cha, người mẹ, người vợ…mà nhìn tận mắt con cái của họ như vậy chắc họ thương xót đến đứt ruột, đứt gan mất.


    Trong thởi kỳ này, tôi được cử đến H14 (trường Quân sự Miền) để tập huấn kỹ thuật thông tin cho học viên cấp tiểu đoàn. Tôi và cậu lái xe Honda vô cùng vất vả, đi xe không mấy mà đẩy xe thì nhiều. Cực nhất là khi vượt sông Bé, hai anh em ngã lên ngã xuống, bê bết bùn đất mới qua sông được. Nhìn con sông mùa lũ cuồn cuộn chảy tôi lại nhớ câu hát: “…vượt qua sông Bé oai hùng về Phước Long xây chiến thắng…” Mấy ngày ở H14, tôi giới thiệu các loại máy như 81B, 71C, 884…đang trang bị nhiều ở các đơn vị, rồi hướng dẫn cho anh em tập sử dụng máy, thử liên lạc. Mọi người hứng thú và rất chịu khó học. Tối đến lại tìm đồng hương uống trà nói chuyện đến khuya…Tôi ở cùng nhà với mấy anh giáo viên khối binh chủng. Căn nhà nằm trong khu rừng lồ ô sát ngay bên sông Bé. Có 1 anh giáo viên pháo binh và cũng tên là Pháo rất hồng hào, khỏe mạnh. Anh nói anh không hề bị sốt rét, tôi cứ lấy làm lạ mãi.

    Hồi ở cứ Tà Thiết năm 1973, ban Kỹ thuật được tăng cường khá nhiều người. Từ Bắc vào có các kỹ sư như anh Hồng Minh, anh Phúc là những người mà tôi đã quen hồi năm 1970 khi mới ra trường, có Vương Đình Lan, Nguyễn Danh Phố cùng học Bách  khoa  với  tôi,  có  Nguyễn  Quang Nam, Phạm Văn Hán, Minh  “đen” học khoa thông tin, khóa 1, ĐHKTQS. Còn cơ công như Phan Quốc Minh, Nguyễn  Văn Phi, Luyện Công Khách, Nguyễn Bá Đoàn từ C35 và các đơn vị chuyển về.



Thời kỳ 1972-1974



    Anh Hồng Minh quê Nam Bộ, ra Bắc đi học ở LX về anten truyền sóng. Về nước anh công tác ở ban kỹ thuật của BTL Thông tin. Anh cao gầy và da tai tái, khi vào chiến trường anh đã có vợ ở ngoài Bắc. Anh kể khi đi, chị vợ mua ở chợ cho anh 10 cái “chung chiêng”, dọc đường Trường Sơn anh đã dùng nó để đổi đồ ăn gần hết. Vào được ít hôm anh sốt rét suốt, vừa từ trạm xá K30 về hôm trước thì hôm sau lại vào. Anh bị suy gan đến mức ăn gì thì “đi” ra nguyên cái đó, không tiêu hóa đươc. Có hôm đi tắm với anh ở hố bom, nhìn anh như một bộ xương khô xám xịt, thật không còn chút sức sống nào. Mấy tháng sau anh ra Bắc trong diện bệnh nặng. Vậy là may. Sau giải phóng anh về Phòng Thông tin QK9 và đã lên tới trưởng phòng.

    Anh Nguyễn Hữu Phúc học VTĐ khóa 8 ĐHBKHN, ra trường anh về ban Kỹ thuật, phòng 2. Anh cao dong dỏng, trán cao hơi hói sớm. Anh là dân Hà Nội rất hiền lành từ tốn và không phải kiểu người xông pha xốc vác, đặc biệt anh nhớ khá nhiều chuyện cổ của Tàu, chuyện kiếm hiệp. Bọn tôi thường say sưa nghe anh kể lại. Công tác chuyên môn anh hay làm là tham gia giảng dạy các khóa bổ túc kỹ thuật cho cơ công, cán bộ…Hồi đi B anh đã 35, 36 rồi. Khi còn ở phòng 2, mọi người cứ gán anh với cô Sắn văn thư ở Bộ Tư lệnh. Cô Sắn người cao ráo, mảnh mai thùy mị lại xinh đẹp là gái làng tơ tằm Vũ Thư gần bến đò Tân Đệ. Không biết anh chị gặp nhau được mấy lần nhưng thấy mọi người vun vào như vậy nên hai bên cứ âm thầm chờ đợi. Sau năm 1975, hai anh chị lấy nhau và sống một cuộc đời đạm bạc, trong một căn gác nhỏ, giữa phố Hai Bà Trưng đắt giá nhất Hà Nội. Anh cũng có 1 bà mẹ già lúc nào cũng âm thầm chờ đợi con suốt những năm tháng đó.

    Anh chàng Lan “đen”, quê Bình Định, học sinh miền Nam tập kết, thì khá thân thiết với tôi. Hồi đó anh ta đang “phơi phới” với mối tình với cô T ở nhà máy M. Anh cho tôi xem thư từ, kỷ vật…và nói trước khi anh đi B, cô T đề nghị làm đám cưới, nhưng sau khi suy nghĩ kỹ anh đã chối từ. Thật là đẹp và cũng thật là đau. Hầu hết suy nghĩ khi đi B của đám “học sinh TTS” đều là: có thể chết, có thể thương tật, có thể còn rất lâu mới về…nên không muốn người yêu của họ gánh chịu thiệt thòi. Thật đáng tiếc tới ngày giải phóng cái kết lại không có hậu. Tôi nghĩ thật may cho tôi, khi đi B tôi chả có cô nào cả. Sau 1975, Lan về phòng Thông tin QK7 cho tới lúc về hưu.


 Lan và Hán về lại Sóc Tà Thiết 28/4/2000

    Phạm Văn Hán và Minh “đen” là kỹ sư hữu tuyến điện, hồi này mạng hữu tuyến khá lớn, dùng nhiều tải ba, kết nối dây trần, kết nối tiếp sức…bảo đảm liên lạc ra tận Hà Nội. Hai anh khá bận rộn với công  việc  trên  mạng. Hán có tham gia với tôi và Khách khi làm trung tâm thông tin đầu tiên cho Miền, anh lo phần liên lạc truyền chữ bằng máy T-51 qua đường dây điện thoại. Sau này Hán về làm cán bộ tiểu đoàn thông tin của QK7 và trụ lại ngay đất Sài Gòn. Còn Minh “đen” thì người bé nhỏ và rất đen nên gọi vậy để phân biệt với anh Hồng Minh. Sau này Minh công tác ở cơ quan tham mưu của phòng. Sau 1975 một thời gian, Minh chuyển ra QK Thủ đô.

    Anh chàng Nguyễn Danh Phố quê ở Bắc Ninh, người xương xương, hiền lành ít nói. Tôi nhớ mãi hồi đầu 1975, khi đó chúng tôi đã chuyển xuống cứ suối Ngô. Để chuẩn bị chiến dịch HCM, phòng Thông tin giao cho ban Kỹ thuật sửa chữa 1 xe điện đài sóng ngắn 400W loại P-118BM của LX để khi cần làm đài phát thanh Quân Giải Phóng. Xe này đang có nhiều hư hỏng. Tôi và Phố hì hục sửa mất mấy ngày. Hư nặng nhất là cháy 1 biến áp nguồn cho máy phát. Tôi và Phố phải tìm lõi sắt từ tương đương, tính toán cuốn lại cho đủ chỉ tiêu. Sau đó chúng tôi xác định biến áp cũ cháy vì quá tải do nhiệt độ cao nên biến áp mới chúng tôi gắn ngay trên sàn xe cho thông thoáng hơn. Vậy mà tốt mới may chứ. Tôi nhớ khi cuốn biến áp 2 thằng phải “đánh vật” mất khá nhiều sức, mà tôi lại ốm yếu, cứ chiều là lên cơn sốt rét, vừa nằm võng vừa cuốn, mệt quá thì nghỉ, đỡ 1 chút lại cuốn…Giải quyết xong  biến áp thì lại đến mặt hiện số tần số máy phát bị hư hỏng bong tróc hết. Cuối cùng đành thống nhất dùng máy thu để xác định tần số phát.

    Sau 1975, Phố về xưởng thông tin của QK9, mãi mới chuyển ra QK Thủ Đô được. Năm 2005, tôi có dịp gặp lại Phố ở quê Bắc Ninh, thật là vui.

    Về Quang Nam, anh quê ở Quảng Nam. Theo gia đình tập kết ra Bắc và học ở trường học sinh miền Nam. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, do có giọng nam cao khá hay, anh vào văn công quân đội và cũng đi phục vụ chiến trường khá sớm. Sau đó anh về học ở ĐHKTQS, khi ra trường anh về đơn vị tôi. Tôi cũng hay hát nên 2 tên khá hợp nhau. Tôi nhớ có kỳ đi làm rẫy ở Sóc Tà Thiết, tôi và Nam cứ chiều tối là cùng nhau hát hò tới khuya…Tôi phải nói thêm thế này, hồi đó mỗi đơn vị đều phải có một rẫy tăng gia vì phải tự túc lương thực 6 tháng. Thường có vài anh làm rẫy “chuyên nghiệp”, các anh khác thay phiên nhau ra làm khi thời vụ nhiều việc. Còn bọn tôi là cán bộ kỹ thuật có “tiêu chuẩn” cao hơn nên thường ra rẫy khi quá ốm yếu và cần bồi dưỡng sức khỏe. Vừa ở chỗ thoáng đãng có nắng, có gió, vừa lao động cho khỏe người, vừa ăn rau tươi…vậy là hồi phục nhanh. Làm rẫy ít hôm Nam sốt rét nặng quá, tôi và Đạo phải thay phiên nhau chở xe đạp, dìu, cõng anh vào K30. Khi cõng Nam, Đạo còn đi được vài trăm mét, chứ tôi thì mới chục mét đã sụp xuống không đi nổi. Nam có 2 cái mê: một là đi săn, và chuyện săn gà rừng là một ví dụ; hai là lái xe, cứ chiều chiều anh ta ra bãi xe tải nghỉ dọc đường làm quen cánh lái xe và xin cho lái thử. Vậy là biết lái. Hồi 1975 về Sài Gòn, Nam đã ung dung lái xe Jeep, xe Dodge. Nhưng có lần tôi ngồi xe Nam lái, không hiểu thế nào khi tới đèn đỏ anh ta lao đánh rầm vào đít xe đi trước, may mà họ thấy xe  bộ đội nên không dám làm gì, hết cả hồn.

    Nói về làm rẫy tăng gia ở Sóc Tà Thiết tôi lại nhớ anh Giao là 1 người làm rẫy “bất đắc dĩ”. Anh Giao người bé nhỏ, gầy gò, rất hiền, quãng 35-37 tuổi. Anh là giáo viên Đại học Mỏ Địa chất vào bộ đội trong đợt tổng động viên năm 1973 và được đưa vào B2. Lúc đầu anh về C35, sau 1 thời gian anh về ban Kỹ thuật. Anh là giáo viên đại học mỏ nên không biết gì về điện tử thông tin, do đó đành đi làm…rẫy. Nhìn anh cam chịu, nhẫn nại so vai rụt cổ cuốc đất, tưới rau tôi thấy làm sao ấy. Mà hình như cái việc anh đã lớn tuổi, sức khỏe yếu lại vừa lấy vợ mà bị “đẩy đi” như vậy cũng có uẩn khúc gì đó? Nhưng thật đáng phục cho ý chí của anh. Anh kiên trì dành mọi thời gian rảnh rỗi để tự học tiếng Anh. Lúc nào anh cũng cầm theo quyển từ điển nhỏ để học. Anh cũng động viên và giúp đỡ ai đó cũng muốn học như anh. Nhìn anh cặm cụi đọc, nói, ghi chép…dưới ánh sáng leo lét của ngọn đèn chai tôi hiểu rằng anh đã biến nghịch cảnh thành cơ hội cho mình. Theo gương anh, sáng nào quãng 5 giờ, tôi cũng nằm võng học tiếng Anh theo đài Tiếng nói VN. Vậy mà sau 1 thời gian tôi cũng có thể tự “xóa nạn mù chữ tiếng Anh”, tài liệu máy thông tin tiếng Anh tôi đọc và hiểu gần hết. Sau năm 1975 cái vốn này đã giúp tôi khá nhiều trong công việc.

    Còn đám cơ công “cựu trào” như Văn Phi, Quốc Minh, Bá Đoàn thì mỗi anh một vẻ. Nói chung các anh rất khá về chuyên môn, nhiều kinh nghiệm sống và làm việc. Hầu hết các đợt chiến dịch các anh đều được điều đi theo các SCH tiền phương. Họ gần như là lực lượng xung kích của ban Kỹ thuật đi hỗ trợ cho các đơn vị.

    Anh chàng Văn Phi người thấp, khá trắng trẻo, điển trai, ăn nói từ tốn nhưng cũng khôi hài ra phết. Quốc Minh thì cao, gầy, đen như “Đôngkisot”. Anh nói nhiều, hay nói và nói chuyện rất buồn cười, có anh mọi người cũng quên cả mệt nhọc. Bá Đoàn cũng nhỏ người và tính tình cũng kiểu như Văn Phi. Sau này Đoàn về quê ở Phú Thọ. Anh đã mất được mấy năm rồi. Cùng về ban hồi cuối 1973 với Phi, Minh, Đoàn là cậu Luyện Công Khách.   

    Hồi đó Khách thuộc loại trẻ nhất, mới 19-20 gì đó. Thuộc hàng em út nhưng Khách rất tích cực năng nổ trong công việc, cậu cũng được tin cậy về chuyên môn nên chuyên đi tăng cường cho tiền phương. Tôi nhớ mãi hồi đầu năm 1974, khi tôi được Phòng giao thiết kế và lắp đặt trung tâm thông tin đầu tiên ở khu vực Sóc Tà thiết. Do kế hoạch tác chiến 1974-1975 rất lớn, BCH Miền yêu cầu thông tin phải bảo đảm tối đa nhu cầu liên lạc VTĐ SN nên Phòng thông tin B2 và BTL Thông tin quyết định xây dựng 1 trung tâm thông tin. Ngoài Bắc gửi toàn bộ trang thiết bị vào kèm theo một tài liệu chỉ dẫn đơn giản. Tôi và Khách nhận lệnh xong liền đeo bòng quần áo và đồ nghề tới cứ của đại đội sẽ triển khai trung tâm này. Chúng tôi một mặt phác họa và chỉ dẫn cho anh em đào nhà hầm khu thu, khu phát, khu nguồn điện. Vừa tính toán lên bản vẽ lắp ráp các thiết bị thu, phát, tải báo, mạng điện thoại công vụ, bãi anten khu phát, rồi vị trí và khu vực các đài canh…Phải nói khá nhiều việc. Tôi, Khách và 1 cậu cơ công sơ cấp của đại đội đó cặm cụi làm việc hết ngày dài lại đêm thâu. Công việc gặp hết trở ngại này đến trở ngại khác. Đầu tiên là tập kết cho đủ trang thiết bị, thất lạc thì phải tìm, thiếu thì phải mua thay. Sau đó là khâu chạy thử, điều chỉnh và sửa khi có hư hỏng. Các nhà hầm làm xong là lắp đặt máy móc, chạy dây cáp ngầm nổi đủ cả. Gay go nhất là anten cho khu phát, phải mắc từ 8-10 anten trên 1 khu vực rất hẹp…Tôi và Khách chỉ biết làm và làm, suốt đêm ngày. Khổ nỗi lúc đó đại đội có anh quản lý đào ngũ chiêu hồi gì đó mang theo tất cả tiền ăn của đại đội. Bữa tới chỉ có cơm, rau hoặc măng luộc hay nấu canh với nước muối. Làm như vậy, ăn như vậy hai anh em xuống sức rất nhanh. May sao tôi còn 2 lọ thuốc bổ của Bố cho trước khi ông ra Bắc. Hai anh em chia nhau uống mỗi ngày 1 viên để có sức mà làm. Cán bộ đại đội cũng rất áy náy, đêm đêm anh đại đội phó tên là Dưỡng lại vác súng đi săn, may thì được con gì đó. Phải gần 3 tháng sau công việc mới hoàn tất và trung tâm thông tin  đi vào hoạt động. Sau vài ngày chạy thử trung tâm bắt đầu làm chính thức, các đài lẻ ngừng làm việc bàn giao đối tượng cho trung tâm mới. Công việc tăng dần, sau 1 tuần đã phải làm 3 ca mới kịp yêu cầu. Tôi và Khách nhẹ người. Lúc này còn 1 việc nữa là đặt đường truyền chữ từ BCH Miền ra trung tâm, Phạm Văn Hán vào cuộc và hoàn thành sau đó vài tuần. Trong cuốn lịch sử và ký ức: “Bộ đội thông tin QGPMNVN B2”, trang 39, có viết: “Để nâng cao chất lượng cụm thu phát vô tuyến điện báo, thông tin Miền đã triển khai khu trung tâm thông tin tại BCH Miền với thiết bị truyền chữ…”. Trung tâm thông tin này đã phát huy tác dụng tối đa trong chiến dịch giải phóng Phước Long tháng 12/1974 và sau đó là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 3/1975.

    Trong thời gian này, hai anh em hay tâm sự với nhau. Tôi hỏi Khách có người yêu chưa? Khách nói chưa nhưng nói thêm hồi ở nhà Khách rất thích một cô bé cùng xóm và hình như cô bé cũng có cảm tình với Khách. Sau này gặp lại tôi hỏi vợ con gì chưa? Khách nói có rồi, tôi hỏi ai vậy, Khách nói: cô bé hàng xóm hồi xưa đó. Thật là hay. Nói chuyện này tôi lại nhớ cậu Chỉnh. Chỉnh là đồng hương Thái Bình với tôi. Trong lúc tâm sự, anh chàng để lộ: “hồi ở nhà tôi thích một cô bé hàng xóm lắm nhưng nhát quá không biết làm thế nào. Có lần cô bé chủ động đến nhà “mượn cái cuốc”, tôi lao đi tìm và đưa cho cô ta nhưng cũng không biết nói gì. Cô bé tần ngần một lúc rồi về. Tôi đứng như trời trồng giữa sân và tự đấm ngực mà tiếc đứt ruột đứt gan…Chỉnh còn nói: bao giờ anh Thắng lấy vợ tôi phải cơm nắm cơm đùm tìm lên dự mới được. Vậy mà gần 35 năm chúng tôi không hề có tin nhau. Chuyện của Khách, của Chỉnh tôi nhớ mãi vì nó cũng gần giống với tâm trạng của tôi lúc đó.

    Hồi còn ở cứ Tà Thiết, bọn tôi ở gần BCH Miền nên thỉnh thoảng có việc Bố tôi lại cho anh Tài chạy xe HONDA tới đón tôi lên. Vì Bố tôi mê chụp ảnh, nghe nhạc nên đồ nghề chụp ảnh và máy ghi âm cũng lủng củng nhiều thứ. Bố tôi hay nói tôi làm các loại dây, hộp nối chuyển đổi, các bộ ổn áp bán dẫn để nạp accu, có khi lắp cả loa thùng…Cha con cũng có vài ngày thư dãn khi không bận công việc lắm. Ở đây tôi quen anh Tài là thư ký, anh Thuân, anh Nu là cần vụ kiêm bảo vệ, cô Thảo đánh máy. Sau này anh Tài và cô Thảo lấy nhau và hiện đang ở Sài Gòn. Phải nói khi đó mỗi “Ông già” ở BCH Miền có 1 bộ sậu chí cốt. Ông già coi họ như con cháu và họ coi ông già như cha chú ruột thịt. Họ chăm nom từng bữa ăn, giấc ngủ, chậu nước tắm…cho ông. Mỗi khi hành quân ngoài súng đạn, đồ đạc cá nhân, họ còn chia nhau mang đồ đạc cho ông. Nhìn cái bòng khổng lồ trên lưng họ mới thấy hết cố gắng, trách nhiệm và những tình cảm đặc biệt của họ. Mỗi khi anh Tài chạy xe tới đón tôi, tôi thường “dụ” anh cho tôi tập chạy xe máy. Tôi khoái chạy xe máy từ lâu rồi, nay mới có dịp. Sau vài hướng dẫn tôi đã có thể chạy được, thật khoái vô cùng. Nhưng đúng lúc khoái nhất thì tôi phạm sai lầm, do tránh vũng nước giữa đường tôi vụng về lao vào một bụi tre gai, hai thằng phải mất một lúc lâu mới thoát ra được. Vậy mà do đi được xe máy nên có lần ban đã tin tưởng giao cho tôi chở anh chàng Quang Nam đang sốt rất cao đi cấp cứu. Tôi lái xe, Nam ngồi giữa, Xuyên ngồi sau cùng để đỡ. Chạy một hồi thấy Nam cứ gục xuống  muốn  té, quay lại không thấy Xuyên đâu, hóa ra vướng dây leo Xuyên đã rơi xuống đường hồi nào. Dừng lại mới thấy Xuyên đang chạy theo kêu quá trời.




Anh Tài (bên trái) và chiếc HONDA 90, năm 1973



    Khi Bố tôi ra Bắc, có việc, mấy ông già vẫn kêu tôi vào. Khi thì anh Năm “thuốc độc” thư ký của ông Tư C ra đón. Khi thì anh Súp quản lý tới cùng đi…Tôi nhớ có lần tôi đang ở đó thì anh Năm dẫn tới căn nhà hầm của ông Sáu N. Ông mới ở ngoài Bắc vào và chuẩn bị xuống miền Tây. Ông có mang một cái radio SONY loại đặc biệt chắc chắn và có khả năng chống nước cao. Ông rất thích nó và nhờ tôi chỉ dẫn cho cách dùng. Tất cả chỉ trong khoảng 15 phút, nhưng tôi cũng kịp cảm nhận thấy đây là một nhân vật rất quan trọng.  

    Có lần anh Súp ra đón tôi vào gặp ông Tám H là thủ trưởng 900 (kiểu như trưởng phòng hành chính quản trị của BCH Miền). Ông Tám giao tôi và anh Súp ra Lộc Ninh tìm mua TIVI bán dẫn cho cơ quan. Hồi đó BCH Miền có 1, 2 cái tivi nhưng là loại đèn điện tử nên khi nào chạy máy điện mới xem được. Từ Tà Thiết, tôi và anh Súp phải đi qua một khu rừng già khoảng hơn chục cây số mới ra tới đường 13, có những quãng toàn cây dầu cao to, sau đó đi thêm quãng 15 km nữa mới tới Lộc Ninh. Hai bên đường 13 vẫn hoang vắng, rừng cây xen kẽ rừng cao su. Nếu đi khoảng vài chục km về hướng An Lộc thì đó là vùng địch rồi. Như thế mới thấy BCH Miền chỉ cách địch khoảng 30-40km và cách Sài Gòn khoảng trăm km đường thẳng, nên tối nào cũng xem được tivi Sài Gòn. Tại Lộc Ninh lúc đó BCH Miền có mua một khu nhà vườn. Tôi và anh Súp ghé đó uống nước, nghỉ ngơi, ăn mít, sầu riêng hái ở vườn, sau đó ra phố tìm mua tivi. Mới đi khoảng cây số bỗng thấy ào ào từng đợt A37 lao tới và cắt bom vào khu vực sân bay và khu nhà của ban Liên Hiệp Bốn bên. Tất nhiên là bom cũng rơi lung tung vì Lộc Ninh lúc đó bé tẹo ấy mà. Tôi và anh Súp bỏ xe nằm bẹp xuống đường. Hơi bom, mảnh bom ràn rạt, đất đá, cành cây rơi lộp bộp xuống lưng. Một lúc sau bom ngớt, tôi và anh Súp quay lại vườn của cơ quan, ngay lúc đó lại một đợt A37 đến đánh tiếp, mọi người chạy vào 1 cái cống ngầm tránh tạm. Khoảng 1 giờ sau trận bom anh Súp và tôi ra thị trấn tìm mua Ti vi, đi mãi toàn thấy nhà dân đóng cửa, bà con chạy tứ tán đâu hết. Vậy là phải về tay không.

    Có lần anh Năm “thuốc độc” đón tôi lên gặp ông Tư C. Gọi là Năm “thuốc độc” vì hồi tập kết anh Năm ở binh chủng hóa học. Anh làm thư ký cho ông Tư C kiêm luôn việc pha chế thuốc tráng phim, rửa ảnh. Mọi khi có việc kỹ thuật ông Tư hay kêu anh Trung. Ông rất tín nhiệm anh vì có lần anh đã lắp cho ông 1 bộ đổi điện bán dẫn, dùng accu chuyển thành điện xoay chiều 110V – 50Hz. Cái khó là ra đúng 50Hz, và anh Trung đã giải quyết được. Sau khi xử lý một vài sự cố lặt vặt cho đám máy móc của Ông, Ông nói mai đi Phước Long với ông để tìm hiểu xem có máy móc gì mới không? Phước long vừa được giải phóng xong mấy hôm. Hôm sau chúng tôi lên đường trên mấy cái xe Oát còn mới. Ông Tư yêu cầu đi theo hành trình của chiến dịch. Qua Bù Đăng xem và nghe diễn biến của trận mở màn then chốt vô cùng ác liệt. Tôi đã nghe cậu Khởi, y sĩ của Ông Năm T kể lại quá trình Ông đi trinh sát các căn cứ ở Phước Long thật vô cùng ly kỳ, tôi nhớ mãi câu ông Năm T nói với cán bộ của mình: “nếu trung đoàn trưởng vào trinh sát cứ điểm thì sư đoàn trưởng cũng phải vào nằm ở hàng rào  thứ  nhất”.

     Rồi qua Đồng Xoài, qua tỉnh lỵ Phước Long…Vẫn còn nguyên tàn tích của cuộc chiến, mùi xác chết thật vô cùng kinh khủng. Thiết bị kỹ thuật của địch đã được các đơn vị thu hồi hết, máy móc điện tử dân sự cũng không có gì mới vì hồi đó Phước Long nghèo nàn, heo hút lắm.

    Khi trở về chúng tôi qua  Thác  Mơ. Mùa khô, nước cạn thấy cảnh  trí  cũng  bình thường, vậy mà Ông Tư và anh Năm chụp ảnh lia lịa. Anh Năm cũng chụp cho tôi vài kiểu rồi tự tráng rửa và cho tôi.

    Sau chuyến đi về, tôi còn được gặp một nhân vật đặc biệt. Hôm đó ông Tư C có khách từ vùng địch ra, đấy là một phụ nữ quãng ngoài 40 tuổi nhỏ nhắn, khá đẹp. Bà có dáng vẻ khoan thai, lịch sự của người trí thức. Thấy mọi người kêu là cô Bảy V. Buổi chiều “bộ sậu” của Ông Tư đổ bánh xèo liên hoan. Mọi người mời cả cô Bảy tham gia. Tôi để ý thấy cô cùng làm, trò chuyện với mọi người rất thân tình. Tôi cứ tự hỏi: Cô là ai? Làm gì? …Sau này tôi mới biết cô là vợ của Ông Ba D, đang hoạt động bán công khai trong nội thành.

    Vào khoảng cuối năm 1973, chúng tôi lại chuyển cứ. Cứ mới cách cứ cũ khoảng hơn chục cây số. Chỗ làm cứ ngay gần 1 con suối nhỏ, khu vực này lổn nhổn đá gan gà, may mà lúc này hầu như không phải đào hầm. Ở cứ này cũng có nhiều chuyện đáng nhớ. Đầu tiên là ban tôi có thêm 2 nữ, cô Huỳnh Hồng Liên là y


Cầm đèn giúp Ông Tư C chụp ảnh tại Thác Mơ, sau chiến dịch Phước Long 1974 (ảnh do anh Năm chụp)

Gặp lại Ông Tư C tại sóc Tà Thiết năm 1994


tá và cô Định nuôi quân. Y tá Liên người Bến Tre, nhỏ nhắn trắng trẻo và khá xinh. Chồng cô là y sĩ Sự người Hải Phòng công tác trên phòng. Lúc này cô Liên đã có bé Hồng, con bé hơn hai tuổi xanh xao ốm yếu như con mèo ướt rất tội nghiệp, vậy giờ đã là người mẹ hai  con rồi. Vừa nuôi con vừa lo thuốc men, tiêm chích, cạo gió cho anh em trong ban bị bệnh. Có lần tôi sốt rất cao, nằm 1 mình trên võng tôi chăm chú nhìn cây súng ngắn mà tôi được trang bị khi đi B. Không biết có phải tâm thần không nhưng tôi vùng dậy rút súng chạy ra ngoài, nhằm 1 cái cây và bắn hết cả băng đạn, sau đó cứ đứng đó ngửa mặt lên trời và cười ngây ngô. Anh em trong ban đang làm rẫy gần đó tưởng biệt kích vô cứ nên xách súng chạy về và họ thấy tôi trong tình trạng như trên (sau này họ kể lại). Mọi người hoảng quá tìm mọi cách cấp cứu hạ sốt, Hồng Liên đã cạo gió, xoa dầu, tiêm chích gì đó…rồi tôi cũng hạ sốt và dần qua khỏi. Nấu bếp là em Định  con một gia đình Việt Kiều ở Campuchia đi theo Giải phóng. Năm đó Định mới 17 tuổi nhưng phổng phao, cao lớn khỏe mạnh, da đen giòn rất dễ thương. Cô vẫn còn rất ngây thơ và vô tư hay bị các anh “cáo già” trêu chọc mà không biết. Định rất trách nhiệm với công việc, từ sáng sớm đến tối mịt quanh quẩn với lò bếp, nhà ăn…Nhiều hôm bận quá bọn tôi không kiếm củi cho bếp, thế là Định kêu ầm lên rồi 1 mình đi chặt bó củi to về nấu cơm. Sau này không biết cô chuyển đi những đâu và giờ này ra sao. Mọi người gặp nhau vẫn hỏi: có ai biết Định ở đâu không? Cầu mong cho cô mọi việc may mắn và anh em chúng tôi vẫn luôn nhớ tới cô.



      Hoàng Hà,           Huỳnh Hồng Liên,    Bùi Quang Xuyên

    Ở đây hồi làm cứ, bọn tôi phải chia nhau đi hái lá trung quân về lợp nhà. Gần trưa rồi mà tôi mới hái được vài bó, tôi cố tìm và đi xa thêm. Tới một chỗ rừng khá rậm và lá trung quân rất nhiều, tôi mê mải hái và quên luôn việc “bẻ cò” làm dấu đường về. Khi hái đã được nhiều tôi mới nhớ tới phải về, trời về chiều và tối xuống rất nhanh. Tôi loanh quanh mãi không tìm ra lối về, lúc đầu còn bình tĩnh suy xét, sau cuống lên cứ lao bừa đi, càng đi bừa càng lạc xa. Tôi hoảng thực sự, bụng thì đói, vòng lá trung quân trĩu nặng làm tôi càng mệt. Một lúc càn rừng, lá rách te tua hết, rồi quá nặng tôi vứt béng cả vòng lá. Trời tối dần, tôi tự nhủ phải bình tĩnh mà suy ngh ĩ và nhớ lại từ đầu hành trình của mình…Cuối cùng tôi cũng tìm được đường về. Anh em ở nhà đang lo lắng thì tôi thất thểu về tới. Mọi người được 1 phen cười nghiêng ngả và trêu chọc tôi mãi.

    Về cứ này 1 thời gian thì phòng điều anh Năm Hà về làm quyền trưởng ban. Khi chị Năm sinh cháu thứ 2, anh đón về ban chăm nuôi một vài tháng. Khi đó chúng tôi đồn nhau: Nhà anh Năm Hà ở quê, cưới chị Tám Nhàn cho anh rồi gửi lên cứ cho anh “xài” hì hì hì. Thực ra là như vầy: Khi tàu không số cập Bến Tre, cán bộ địa phương ra đón là 1 anh tỉnh ủy viên, anh này hỏi quê anh Năm và phát hiện ra hai anh cùng xã, anh hỏi anh Năm có vợ chưa, anh Năm nói chưa, vậy là anh này nói luôn: thôi lấy con Tám em tao. Sau đó anh Năm lên R. Còn anh tỉnh ủy viên về nói chị Tám Nhàn chuyện chồng con và tuyên bố luôn là gả cho anh Năm. Sau đó ít lâu hai gia đình tổ chức đám cưới chị Tám và đợi anh Năm cho người về đón. Đợi mãi không thấy bà con chòm xóm xì xèo: Thằng Năm dám lấy vợ khác rồi. Đang lúc khó xử thì may sao có người về đưa chị Năm lên R. Trong lúc đó anh Năm đang mong đứng mong ngồi, trời chiều dần bỗng thấy có người chạy vô la lớn: “nó vô!, nó vô!”, anh Năm mừng quá lao ra thì thấy súng nổ vang trời, đạn bay chiu chíu…Hóa ra “nó vô” là địch vô, chứ có phải “vợ vô” đâu. Hút chêt!




Ng Quang Nam,  L Công Khách,   Trần Thục,  Võ Văn Đồng


    Có lần anh Năm Hà phát hiện mé bờ suối có 1 con trút (tê tê) khá to đang định chui vào hang. Anh lao tới túm đuôi nó ghị lại. Anh cố giữ mệt quá nằm xoài ra kêu không nổi. Phải 1 lúc anh em mới tới tiếp cứu, dùng cây cắm chặn lối xuống hang rồi đào hang rộng ra và bắt được. Làm thịt ăn cũng tàm tạm. Rồi bắt nhím, bắn kỳ đà, đánh cá ở suối bằng kíp nổ…

    Lúc này đã là tháng 9/1974, chúng tôi được lệnh chuyển cứ về khu vực Suối Ngô. Hôm chuyển cứ tôi cũng xung phong đẩy 1 cái xe đạp thồ chất cỡ hơn hai trăm kg đồ đạc, phải mấy tiếng sau mới quen, ra lộ đỏ, tôi đẩy xe đi ngon lành. Tối ngủ lại dọc đường và chiều hôm sau mới tới nơi mới. Khu vực này rất ít cây gỗ, rừng thưa và rất nhiều le và cỏ tranh. Làm cứ rất vất vả mới tìm được cây làm cột, lá trung quân thì bói không ra nên phải cắt tranh lợp nhà. Cứ ban tôi nằm gần suối Ngô. Bên suối chúng tôi trồng rau, bầu, bí, mướp. Cắm câu bắt cá, có hôm Chỉnh bắt được con cá tra cỡ ba kg. Lúc này tình hình rất khả quan, hầu như máy bay địch không còn trinh sát, đánh phá gì. Cứ nằm khá lộ vậy mà chúng tôi cũng không để ý giữ gìn lắm. Ban tôi đã có 1 tổ máy phát điện chạy xăng 1KW để làm việc. Nhiều hôm chạy điện cả ngày cả đêm để làm việc. Một hôm tôi nhận được quyết định lên cấp đại đội bậc trưởng (trung úy), cũng khoái.

    Ổn định cứ được ít hôm thì anh Nguyễn Cộng Hòa từ Bắc vào bổ xung cho ban. Chúng tôi vốn đã quen nhau nên mau chóng thành 1 cặp làm việc về kỹ thuật chủ yếu của ban. Anh Hòa vào cùng một đoàn xe máy thông tin thật hùng hậu, đó là lực lượng chính của tiểu đoàn 36.

    Việc đầu tiên là anh Hòa xui tôi lấy cái tivi bán dẫn 9 inch (của anh Trung gửi tôi giữ khi ra Bắc) ra chữa để dùng. Chữa xong tivi, đến đoạn chế anten, rồi tìm cây cao đặt anten. Mọi người thật hào hứng. Phải nói là anh Hòa rất “liều” khi làm việc này vì lộ ra chúng tôi sẽ phạm kỷ luật “xem đài địch”. Anh Năm Hà cũng lờ đi cho chúng tôi làm. Khi thu thử hình rất mờ, tiếng thì lạo xạo không rõ. Anh Hòa lại có sáng kiến lấy khối A6 khuếch đại cao tần của máy PRC25 làm bộ khuếch đại anten. Chất lượng lên rõ rệt. Vậy là chúng tôi thường xuyên xem tivi Sài Gòn. Mọi việc vẫn rất bí mật. Chúng tôi xem lễ khánh thành bệnh viện “Vì Dân” của vợ tổng thống Thiệu, xem diễn văn từ chức của Thiệu…Đang ngon thì bị lộ, phòng ra lệnh tịch thu tivi. Sau này anh Trung cứ cằn nhằn tôi mãi vì làm mất tivi của anh ấy. Nhưng lúc  đó  đang  vào cao  điểm  của  chiến  dịch  Hồ  Chí Minh nên mọi người cũng quên mau.

    Tôi nhớ vào ngày giao thừa năm 1974, phòng giao tôi và anh Hòa tới d36 để giải quyết gấp một loạt hư hỏng của các xe thông tin. Sáng hôm đó tôi và anh Hòa chuẩn bị xong rồi đi ăn cơm. Đang ăn thì thấy có mấy đợt A37 lên đánh bom. Vừa ăn chúng tôi vừa phỏng đoán có lẽ nó đánh bom chỗ ngầm qua sông trên lộ đỏ. Quá trưa 2 anh em đạp xe gần tới ngầm thì thấy chỗ đánh phá trước đó, hóa ra đây  là  một khu

kho của đơn vị nào đó, do xe pháo ra vào ì xèo nên bị đánh. Đang nhìn quanh và trao đổi với nhau thì ầm ào một phi đội A37 lao tới. Chúng tôi chỉ kịp nhảy xuống một rãnh sâu bên đường do máy ủi đất đắp đường tạo thành. Tôi nói: nó mà lượn lại lần nữa là phải nằm sát vào vách của rãnh rồi ôm đầu bịt tai mà chịu trận vậy. May sao chúng lượn vòng 2 lần rồi đi luôn. Hai thằng vùng dậy lấy xe, đạp chối chết càng xa chỗ đó càng tốt. Lên tới d36 chúng tôi lao vào làm, anh Hòa

Vương Đình Lan     Nguyễn Cộng Hòa    Phạm Văn Hán


xem xét và phát hiện hư hỏng khá nhanh, cho tới sẩm tối thì xong việc. Chủ nhà mời hai anh ở lại liên hoan tất niên, nhìn hàng can rượu 20 lit xếp hàng đợi sẵn tôi không muốn ở lại chút nào, nhưng anh Hòa máu lên vào cuộc ngay. Thế là tôi đành vừa ăn vừa đợi các ông ấy nhậu. Chừng 9, 10 giờ tối, tiệc tàn hai chúng tôi quyết định ra về. Đi chừng gần hai tiếng thì anh Hòa say quá gục xuống bên đường, ói mửa tùm lum, rồi cứ thế lết vào một bui cỏ mà nằm. Tôi vừa mệt, vừa lo, vừa bực vì cái tính “liều” của cái ông này. Trời tối đen như mực, giao thừa đến, tôi vẫn ngồi canh bên ông bạn say khướt. Vài tiếng sau, có lẽ khá hơn 1chút, anh Hòa lên xe cùng tôi đạp về cứ. Tới nhà thì bình minh cũng ló rạng, ngày đầu năm Ất Mão bắt đầu.



Các đồng đội của tôi: Văn Phi, Bá Đoàn, Quốc Minh, Tiến Đạo, Hữu Phúc, ảnh chụp 1995



     Một hôm tôi nhận được 1 lá thư do bảo vệ trạm gác ngoài lộ đỏ chuyển cho. Hóa ra là thư của ông bạn Đinh Tấn Phước. Anh Phước đang phụ trách và dẫn đoàn văn nghệ của Binh chủng Pháo binh vào phục vụ các đơn vị trong B2. Ít hôm sau tôi và Đạo tới C35 chỉ dẫn cho xưởng lắp thêm các máy bộ đàm vào xe Jeep để làm xe chỉ huy thông tin. Sau khi xong việc tôi và Đạo quay về và tiện đường ghé qua cứ của  đoàn Pháo binh 75 của Miền. Gặp được anh Phước mừng quá, sau vài câu chuyện vào đề hai thằng thì thầm một việc rất “quan trọng”. Hồi ở Hà Đông, khi tới nhà anh Phước chơi tôi có vài lần gặp cô Út lúc đó mới học lớp 7, năm 1971 trước lúc đi B tôi gặp lại cô khi tới nhà chia buồn về việc Ba anh Phước mất. Lúc này cô đã 20 và rất xinh đẹp. Lần gặp đó như một định mệnh khi tôi cứ nghĩ rằng có lẽ cô ấy sẽ là vợ mình, và không hiểu sao dạo này tôi nghĩ về cô rất nhiều. Tôi nói với anh Phước là cô Út thế nào? Đã có ai chưa? Và tôi muốn “đăng ký 1 chỗ”. Anh Phước hăng hái nói: Để tao  nói với nó cho mày, có thể được đấy. Tôi nghe và tràn đầy hy vọng và cứ nghĩ chuyện vợ con của mình như vậy coi như xong. Khi về tôi chỉ đường cho anh Phước khi nào ghé cứ tôi chơi. Anh chàng Đạo nghe lóm được, về ban đồn thổi sao đó mà mọi người bàn tán thành là ông Thắng may thế lại gặp được “anh vợ”. Tôi vẫn để dành được 2 gói mì ăn liền,


Anh Đinh Tấn Phước và cô Út Kim Dung những năm 70

hồi đó gọi là mì tôm vì bao gói có vẽ mấy con tôm. Anh Hòa “xỏ lá” cứ luôn mồn trêu tôi: tao biết có thằng đang giấu 2 gói mì tôm, không đem  ăn đi còn để làm đếch gì cho nó mốc ra? Tôi vừa bực vừa ngượng nhưng đành chịu, vì anh Phước tới thì có gì  mà  “chiêu đãi”  đây. Mấy  hôm  sau  anh Phước tới thật, tôi lăng xăng xin ba bốn quả bầu non, nấu 1 nồi canh to, sau đó cho 2 gói mì tôm vào. Thế là có món “đặc biệt” chiêu đãi “anh vợ”. Ngồi ăn anh Hòa cứ tủm tỉm, mấp máy cái môi cong cong ra điều định nói gì đây làm tôi lo ăn mất cả ngon. Anh Phước tính tình lính tráng vui vẻ, rất văn nghệ nên anh em ban tôi rất khoái.

    Sau Tết, việc chuẩn bị chiến dịch mùa khô rất khẩn trương   tin tức chiến sự làm chúng tôi nức lòng. Một  hôm, khoảng tháng 3 thì phải, phòng giao cho tôi và anh Hòa khẩn trương lên BCH Miền chữa máy. Lần này thật đặc biệt vì phòng gọi tôi lên và giao cho 1 chiếc HONDA 90 để đi cho nhanh. Lần đầu tiên tôi tự chạy xe máy đi công tác xa và quan trọng như vậy. Tôi chở anh Hòa nhằm hướng Sóc Tà Thiết lao đi. Khỏi phải nói chúng tôi phởn thế nào. Thỉnh thoảng anh Hòa năn nỉ: mày cho tao chạy một tí, ở ngoài Bắc tao cũng chạy xe Babetta rồi. Tôi lên giọng nói: Babetta thì là cái đinh gì, chạy xe này khó lắm phải có thời gian học đàng  hoàng. May mà tôi chạy khá “chuẩn” nên không thấy anh Hòa nói gì nữa. Thỉnh thoảng có chiếc xe Jeep chạy qua anh Hòa nói: Sau này tao lái xe Jeep chạy trên đường Sài Gòn còn hơn mày. Hai thằng cười khoái chí và có ngờ đâu hơn 1 tháng sau... cầu được ước thấy. Chạy tới cứ Tà Thiết chúng tôi được chờ sẵn và tới ngay xe điện đài 50W. Hóa ra là loại xe anh Hòa đã chủ trì lắp nhiều, kể cả xe hồi tôi đi B cũng là loại này. Bộ phận nạp accu bị hư nên muốn làm việc cứ phải chạy máy nổ, mà chỉ huy lại yêu cầu yên tĩnh tối đa. Sửa xong thì trưa mấy anh em ở BCH Miền kêu tôi và anh Hòa qua ăn cơm. Nói chuyện mới biết: xe thông tin này theo một “Nhà nước” lớn lắm mới vào, và hình như đang tính chuyện đánh rất to. Lính ta thính nhậy thật. Tôi ghé tai thì thầm hỏi nhỏ: đánh đâu? Anh chàng quay mặt đi buông một tiếng nhỏ dí: Sài Gòn. Tôi choáng váng. Lẽ nào đây là trận cuối cùng. Quả đúng vậy, chúng tôi vừa sửa điện đài cho bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tối quay về cứ tôi vẫn còn bán tin bán nghi. Anh Năm Hà kéo tôi ra hỏi nhỏ: Mày lên đó có “hít” được gì không? Tôi tỉnh queo nói: kỳ này đánh vô Sài Gòn. Anh Năm cũng lặng đi. Sau giải phóng anh Năm nói: mày nói đúng thật.  



Và sáng ngày 1/5/1975
Chúng tôi đã có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn.



     Và cái sự thật đó cứ hiện rõ dần, tôi và Phố phải sửa xe 400W để sẵn sàng làm đài phát thanh QGP. Anh em ban tôi lũ lượt lên đường tăng cường cho cánh 301, cánh 232…Tin tức chiến sự dồn dập gửi về, tối đến anh nào thích mở đài nào thì mở, nào là Tiếng nói VN, đài Giải phóng, đài Sài Gòn, đài BBC, tiếng nói Hoa Kỳ, cứ ầm ầm một góc rừng.

    Bàn giao xong xe 400W, Phố đi theo cánh 232, tôi được lệnh đi tập trung ở cánh vào Sài Gòn. Quân trang cấp cho 1 bộ quần áo Tô Châu mới tinh, một cái mũ cứng có sao cờ Mặt Trận nửa đỏ nửa xanh…và khoảng hơn chục nghìn tiền Sài Gòn. Địa điểm tập trung ở một khu rừng gần Lộc Ninh. Chiều 30/4, mưa nặng hạt, chúng tôi lên xe và hướng về Sài Gòn, xe chầm chậm ra đường 13. Một bé gái cỡ 8, 9 tuổi vừa chạy theo xe vừa reo lên: “Sài Gòn giải phóng rồi! Các chú ơi cho cháu về Sài Gòn với”. Chúng tôi vô cùng xúc động. Bao nhiêu năm mong chờ... Nhìn quầng sáng phía Sài Gòn hắt lên bầu trời đêm trĩu nước, chúng tôi thấy thật gần…thật gần…

TP.Hồ Chí Minh 5/2009                                                                                                                                 

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Chiến tranh, sự thật, sự sống, cái chêt, tồn tại, diệt vong... đó là những cái gì đi qua với anh và cả dân tộc ta. Tư liệu quý.

TranKienQuoc nói...

Gian khổ, khó khăn nhưng không làm mất đi sự tinh nghịch của lính trí thức.
Và, dù chiến tranh có ác liệt nhưng bao mối tình vẫn nảy nở... Hay!

Nặc danh nói...

Chuyện rất thật. Nói về những chuyện khó khăn, ốm, đói, sống chết của chính mình mà cứ như kể chuyện của ai ý. Hay. Mà sao hồi đó ta đủ sức vượt qua tất cả nhỉ?