Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Chuyện về cô Thơ Cà Mau

Cô Đàm Thị Ngọc Thơ là 1 trong 50 học sinh miền Nam của tỉnh Cà Mau tập kết ra Bắc năm 1954, rồi trở về quê hương sau 1975.

Cô chiêu đãi bánh xèo Cà Mau.
Gia đình cô có 8 anh chị em vì ba hoạt động kháng chiến nên "tiêu chuẩn" được cho ra Bắc 2 người. Bến tầu đón ngay Tx Cà Mau. (Tiếc là lần rồi chưa đến thăm được - NV). Chỉ mình cô ra, khi đó mới 12-13 tuổi. Nhớ nhà quá, khóc suốt mấy tháng trời. Ngày ở Hải Phòng, cô học trường số 4 dành cho nữ sinh.  Đến đầu những năm 60, cô từng dự bị tiếng Nga để đi học nhưng vì "xét lại" nên vào học đại học Sư phạm HN, chuyên ngành Văn. Ra trường, cô xin về Nam nhưng Bộ Giáo dục không cho với lí do "gia đình chỉ có 1 người ra Bắc, phải bảo tồn". Cô về dạy trường Miền Nam ở Đông Triều", cô nhớ lại "Sau 1975, cô trở về Cà Mau. Tiếc là ba đã mất trước đó 2 năm, 1 em trai và 1 em rể hy sinh trong chiến tranh...  Còn má cô mới mất cách đây 5 năm".



Quang Việt thay mặt lính Trỗi tặng cô 2 tập "Thịt nướng".

Tăng 2 "nhậu" tại cửa nhà cô. Ngồi ngoài trời mới đã!
Cô được giao nhiệm vụ hiệu trưởng Trường cấp 3 Cà Mau.  Cà Mau ngày đó nghèo lắm, trình độ dân trí thấp, chỉ có 1 trường cấp 3 duy nhất với khoảng 1000 học sinh. Trường cũng nghèo, phòng hiệu trưởng có duy nhất 1 bộ bàn ghế làm việc cùng 1 chiếc ghế để tiếp khách. Ngày Tổng bí thư Lê Duẩn xuống Cà Mau và dự kiến đến thăm trường; vậy là tỉnh cấp thêm cho bộ xa lông tiếp khách. Tiếc là cụ chả đến. Bộ xa lông ấy nằm đây mãi tới khi cô về hưu, nhà trường muốn tặng làm kỉ niệm, cô lắc đầu: “Ai lại lấy khi cả trường có mỗi bộ xa lông này. Thôi, anh em cho tôi mang bộ bàn ghế làm việc theo tôi suốt chừng ấy năm làm việc tại đây”. Nay ở nhà vẫn có chỗ dành riêng cho nó.
Khi trở về, cô yêu cầu nữ sinh phải mặc áo dài trắng. Vậy từng có ý kiến phản ứng, bà làm như vậy là làm sống lại thói quen thời ngụy. Cô mạnh dạn tuyên bố: “Áo dài là trang phục truyền thống của dân tộc, còn áo dài trắng làm cho nữ sinh thêm duyên dáng và là lời nhắc nhở các em phải học hành nghiêm chỉnh, phải biết tự giữ mình trong trắng. Nên, một khi tôi còn làm hiệu trưởng ở đây thì các em gái vẫn mặc áo dài trắng đi học”.

Cũng như ở Bến Tre hay các tỉnh miền Tây, cái câu “nhất trụ, nhì tù, tam khu, tứ kết” được vận dụng “khéo léo”. 50 học sinh miền Nam về Cà Mau bị bật dần đi tỉnh khác hoặc về Tp; còn lại hơn chục người. Chồng cô từng học Đại học Hàng hải ở At-xtơ-ra-khan; sau 1975 về quê ở Cần Thơ làm ruộng, rồi cô kéo về Cà Mau làm giám đốc cảng. Cô chú mang kiến thức được học từ miền Bắc XHCN về phục vụ quê hương.  Nhưng vì “nhiều lí do” mà khi vừa 50, cô xin nghỉ hưu (sớm 5 năm), lúc đó là 1990.
Có chuyện vui, hơn chục năm sửa nhà xong, cô cho treo các lại bằng khen, huân huy chương lên tường phòng khách. Mấy đứa con cô nói, má treo để làm gì. Cô cười: “Để dọa ma”. Ngày đó nhập hộ khẩu khó lắm. Hôm có tay CS khu vực vào nhà, thấy nhiều huân huy chương thì choáng. Hôm sau về báo cáo chỉ huy đồn và cấp trên giải quyết ngay. Xong xuôi, cô trêu 2 cô con gái: “Thấy ma sợ má chưa?”.

Cô chiêu đãi mì hoành thánh ở quán Hòa Ký.

Uống cà phê tại quán gần nhà. "Cô lại thanh toán vì cô là chủ, các em
là khách". "Ngại quá, lần sau có xuống bọn em không dám phiền cô nữa".
Hai em đã có gia đình, 1 đứa ở cùng cô. Chàng rể dân đâu trên Sóc Trăng hay Bạc Liêu nhưng có tay nghề cao về nhôm sắt trang trí nội thất, làm ăn cũng kha khá, vừa mua đất xây xưởng riêng, có xe hơi 4 chỗ.  Hai cháu ngoại sống với bà được chăm sóc tốt nên khỏe mạnh, to vật.
Cô thì sáng sáng dậy đi bộ tập thể dục, xong ra ngay quán gần nhà - khi thì ăn phở, lúc mì hoành thánh, bánh cuốn rồi ra uống cà phê với bà bạn. Trở về nhà là khi các cháu đi tới trường, lúc đó bà mới ngồi lên mạng, vào Bạn Trỗi k5, Bạn trường Bé… “Cô sống phẻ re, các em à. Lính Trỗi hay trò Bé có xuống đây thì cứ phone cho cô, cô sẽ làm hướng dẫn viên thăm vùng đất này. À, cô sẽ gửi bài thuốc ngâm rượu “trẻ mãi không già” lên mạng cho quân ta tham khảo”, cô vui vẻ nói vậy. Quả thật bà đã 72 rồi mà vẫn nhanh nhẹn, trẻ hơn cái tuổi ngoại thất thập.

Còn chuyện lễ trao huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho cô và học trò có lẽ phải để cô tự kể mới hay. Mời cô Đàm Thơ viết tiếp nhé!

13 nhận xét:

QV nói...

Chỉ học tiếng Nga để chuẩn bị đi Nga, nhưng cô có giọng hát tiếng Nga thật chuẩn và thật hay. Cô thuộc nhiều bài hát Nga: Cuộc sống ơi ta mến yêu người, Tuổi thanh niên sôi nổi, Chiều Mát-scow-va, Đôi bờ, Ca-chiu-sa...Bo-bo (xuồng cao tốc ) lướt sóng với tốc độ 100 km/h, tiếng máy ầm ù, mưa táp vào mặt mà tiếng hát của mấy cô trò cứ vang xa trên sông nước mênh mang, át cả tiếng máy, tiếng mưa và tiếng sóng. Khó mà có lại được những giây phút hưng phấn tuyệt vời đến thế.
Chúc cô luôn khỏe để lần sau mình lại hát với nhau.

Đàm Thị Ngọc Thơ nói...

Nhất định rồi.Cô luôn khỏe để đón các em.Chuyện tiền bạc tại sao KQ ngại.Cô có lương hưu và xài vô tư.Không xài con nó rầy rà.Tiền là vật ngoài da.Tình cảm con người ta là điều đáng trân trọng.Thì chuyện "LỚN"các em đã gánh vác đó thôi.Không nói chuyện này nữa nghe.Cô

N.H.QUE nói...

Khi cô Thơ đưa ra chủ trương nữ sinh mặc áo dài trắng đã bị phản đối . Nhưng không ngờ chủ trương của cô được rất nhiều nơi hưởng ứng .Năm học đó áo dài trắng đã trở lại ở hầu hết các trường PTTH tại TP HCM .

Nhat Trung nói...

Trên đường về Nam ghé Q.Bình ăn cháo nhà hàng bán cháo có mạng thế là ké luôn.Cô Thơ rất gần với BT và BTB.Hôm xuống CM phải ghé nhà cô ngay.Thật cảm động!Chúc cô cùng gia đình mạnh khỏe!

QV nói...

N.H.QUE à, cho đến tận bây giờ, miền Bắc vẫn chưa làm nổi việc này!!!

TranKienQuoc nói...

Nghe Nhất Trung kể chuyện lên mạng dọc đường mới thấy dân trí dạo này lên. Còn anh em ta thì sướng vì đi tới đâu, dù Bắc hay Nam, dù Tây hay Tàu, vẫn gặp nhau hàng ngày.
Ngày mai anh em chúng ta gặp nhau suốt ngày, rồi gặp nhau mãi.
Chúng ta ngày ngày gặp nhau, gặp nhau suốt ngày, rồi lại gặp nhau!
Chúng ta ngày ngày gặp nhau để rồi mãi sau còn gặp nhau mãi.
Chúng ta ngày ngày gặp nhau, gặp nhau suốt ngày, rồi lại gặp nhau!

N.H.QUE nói...

@Anh QV :MN bây giờ mưa dai nắng gắt nên 1 số it trường ( TP HCM )đã đổi đồng phục đầm và đồ tây . Áo dài chỉ hiện diện vào thứ 2 và các ngày lễ . Các cô giáo thì hoàn toàn áo dài .Vậy là trong này Quốc phục vẫn được tôn trọng hơn .

Nhat Trung nói...

Báo cáo đã về đến Đà Nẵng lúc 23g30.Nghỉ nhà Phan Hoài Lưu.
Đại tá Bs CAND Ng Phúc Học lái xe trong suốt hành trình rất an toàn.Hai lần bị "đồng bọn" tít còi nhưng lại phải xua tay mời các thủ trưởng đi.Trước lúc khởi hành 3 ngày Bs Học nhận GIẤY CHỨNG NHẬN CAND đỏ chót nên khi trình là bọn...dạ vâng ngay.BC sơ bộ vậy,sẽ có tổng kết chuyến đi.
Sao hôm nay mạng nhà Lưu vào BT dễ quá.Mấy bữa trước đâu có vô được.

TranKienQuoc nói...

Nghe bảo, vì đánh án Bầu Kiên, tránh rỏ rỉ thông tin, nay xong rồi thì lại vừa cởi vừa mở. Chả biết có phải?

Đàm Thị Ngọc Thơ nói...

Cô cảm ơn sự quan tâm của NUM-BỜ-OAN TRUNG.Mừng là em lại tiếp tục đi chơi một cách vui vẻ.Chỉ tại bão nên thắng lợi không hoàn toàn nhưng được trãi nghiệm Bãi Cháy trong bão.Cô Thơ

Thanh Minh nói...

Hôm nay mới đọc bài này...Cuối cùng thì Trỗi -Bé cũng đã thiết lập được
"Trạm giao liên" nơi Đất Mũi."Địa chỉ đỏ"- Nhà cô Thơ rồi đây sẽ còn rộng cửa tiếp đón nhiều đoàn. Thật vui,thật tình cảm. Xin cám ơn Cô!

TranKienQuoc nói...

Cô ơi, NT ở Quy Nhơn được gọi là Trung "hít lai" = 2 lít mới say!

Nặc danh nói...

Đại tá Học bị tuýt còi là phải vì gốc là thầy thuốc, còn đoàn tôi đi Bến Tre không bị tuýt vì giao cho đúng thượng tá CSGT cầm vô lăng, bố thằng nào dám thổi; chúng còn sợ trên xe toàn soái (vì tài xế là thượng tá!).