Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Với hai người bạn vừa ra đi! (Lê Chí Hòa k5)

Sáng 16/07/2012 các cựu thiếu sinh quân K5 Nguyễn Văn Trỗi đã tham gia lễ đưa tiễn bạn Trần Minh Sơn về cõi vĩnh hằng. Trong vòng 2 tháng chúng tôi đã tiễn biệt 2 người bạn, trước đó là Phạm Hữu Phùng. Vẫn biết sinh tử là lẽ tự nhiên, song vẫn cảm thấy hụt hẫng, bùi ngùi. Sơn và Hùng là thành viên của nhóm “sáng lập” có mặt từ thời kỳ Trại Hòe, Hiệp Hòa, Hà Bắc.

1.  Trong đội hình trung đội 5 (lớp 5) lúc đó do thày Ninh Cử Trực (chỉ huy) và thày Khương (chính trị viên) phụ trách, Sơn thuộc nhóm “cao tuổi” cùng với Huỳnh Tấn Lợi, Võ Văn Dũng, sinh năm 1951, trong khi đa số chúng tôi sinh năm 1952, 1953. Vì thuộc hàng “lão làng” nên Sơn thường dẫn đầu các trò nghịch ngượm của các tiểu tướng chỉ chịu đứng sau ma quỷ (Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba…). Trẻ con thường hay tò mò, thích những trò lạ, đặc biệt có tý mạo hiểm thì càng háo hức. Lúc đó trong lớp, Huỳnh Tấn Lợi là người duy nhất có hình xăm, mà hình xăm là biểu tượng tuyệt vời cho cá tính “anh chị” trên chốn “giang hồ”. Vì muốn khẳng định “đẳng cấp” nên Sơn quyết định mình cũng phải có hình xăm.

Lễ tổ chức xăm hình được diễn ra ở gốc cây vông cách nhà ở khoảng 100m, tham gia xăm hình ngoài các cổ động viên ( hầu hết các bạn trong lớp) có chuyên gia xăm hình  Huỳnh Tấn Lợi, nhân vật chính sẽ “nghiến răng” chịu xăm hình Trần Minh Sơn và nhân vật “theo đuôi xăm hình” Lê Hòa Bình. Tôi và một số bạn được phân công mài mực tàu và bê đĩa mực tàu để phục vụ buổi “phẫu thuật”.
Huỳnh Tấn Lợi lấy một cây kim khâu, quấn chỉ kín cây kim để lại khoảng nửa milimet mũi kim. Buổi lễ bắt đầu. Hình xăm của Sơn đơn giản chỉ là hai chữ MS được phác thảo trên bắp tay của Sơn.
-     Sẵn sàng chưa, chỉ đau như kiến đôt thôi! - Lợi nói.
Sơn nghiến răng nhắm mắt lại. Tất cả nín thở. Lợi cầm cây kim nhúng vào đĩa mực tàu, xoay tròn để mực thấm đều vào chỉ rồi bắt đầu chạm theo nét chữ phác thảo. Các mũi châm sít vào nhau, máu tươi trộn lẫu với mực ứa ra, khuôn mặt của Sơn đầm đìa mồ hôi. Lợi lấy bong thấm máu và châm liên tiếp, sau khoảng 10 phút, hình xăm hoàn thành, Lợi xoa mực tàu lên hình xăm sau đó lấy băng băng lại. Xong.
-     Đau không mày? - Mọi người xôn xao
-     Chỉ hơn kiến đốt một tý thôi. – Sơn nhợt nhạt trả lời, sau đó dựa vào gốc cây vông nhắm mắt, nghiến răng.
-     Bây giờ mới thấy buốt, vì ngấm mực mà. - Lợi giải thích.
-     Bình thế nào? Có dám xăm không? - Lợi hỏi Bình.
-     Sợ gì, châm luôn.
Hình xăm của Hòa Bình là một chiếc mỏ neo, xăm dưới dầu vai một tý. Thế là ca “phẫu thuật” thứ hai lại diễn ra. Để chịu đau, khác với Minh Sơn, Bình luyên thuyên “hướng dẫn” Lợi cách châm, mặt luôn mỉm cười. Anh em phục lắm, thật đáng mặt “anh chị”.
Sau buổi lễ, Bình và Sơn phải nghỉ học mấy buổi vì sốt và đau, chú y tá phải cho uống thuốc kháng sinh, mặt khác vì xăm hình vào tay nên không thể cầm bút được.
Sau khi tháo băng, hình xăm hiện lên màu xanh đen, thế là Sơn và Bình đã xác lập được “đẳng cấp” của mình. Nhờ hình xăm này mà Hòa Bình đã thoát được một nạn ở Quế Lâm nhưng đấy là chuyện tôi sẽ tường thuật vào dịp khác.
Hình xăm MS đi theo Minh Sơn suốt cuộc đời như là một dấu tích của thời trai trẻ. Sau này, Tấn Lợi dùng dao cạo bỏ hình xăm trên tay của mình, để lại một vết sẹo hình vuông 2x8cm.

2.  Phạm Hữu Phùng là một người sống thiên về tình cảm. Anh bạn này thuộc loại mau nước mắt và thường là người khóc đầu tiên trong các buổi phát động căm thù giặc Mỹ xâm lược khi giải giả kể về những đau thương mất mát mà đồng bào ta phải gánh chịu. Tuy nhiên, chúng tôi lại phải kính nể Phùng vì những “thành tựu” không ai ngờ.
Đầu tiên là văn nghệ. Điểm môn Nhạc của Phùng chỉ thường thường bậc trung nhưng Phùng lại có giọng hát rất hay, tai nhạc rất tốt và thường được chọn làm cây Solist trong dàn đồng ca của lớp. Nếu so sánh cũng một chín một mười với Phan Nam - “Quốc Hương” của đại đội 5. Tuy nhiên, Phùng còn biết thổi sáo. Thần tượng của Phùng là anh Hiển khóa 2 (anh của Hạo “cồ” khóa 5, bạn hy sinh 1972 ở biên giới Campuchia) sau cái buổi anh đi cùng thày Quý xuống biểu diễn cho các em K5 trong một buổi tối lúc trường đang còn ở Đại Từ (Thái Nguyên). Vì biết thổi sáo nên Phùng thường hay đệm cho các buổi ngâm thơ mà thày Phạm Lực hay tổ chức sau khi sinh hoạt đại đội.
Tuy nhiên, sự kiện sau đây mới nâng tầm Phùng trong mắt anh em.
Mùa hè 1967, trường vẫn đóng ở y Trung (Quế Lâm), các vườn dưa xung quanh trường (chỉ cách khoảng 500m – 1000m) bắt đầu vào mùa thu hoạch. Một buổi tối Đinh Kim Khôi hớt hải chạy về:
-     Chúng mày ơi, mau ra giải cứu Duy Anh!
Hỏi ra thì mới biết Khôi và Duy Anh chót “sửa dép ruộng dưa” nên bị mấy chú bảo vệ ruộng dưa giữ lại. Khôi nhanh chân thoát được. Tinh thần đồng đội tăng cao, cả lớp ùa ra cứu bạn. Trên đường đi, Ngọc Sơn đề xuất:
-     Để tao với thằng Phùng cãi nhau với các ông ấy, chúng mày nhân cơ hội giải cứu cho Duy Anh.
Cả lũ chưa kịp phân vân thì đã đến nơi. Đó là một chiếc lều canh dưa, thấy Duy Anh đang ngồi thu lu ở bên trong cạnh ngọn đèn bão. Anh em triển khai vây quanh. Ngọc Sơn và Phạm Hữu Phùng tiến lên và nói chuyện với hai chú bảo vệ. Ngọc Sơn giỏi tiếng TQ thì ai cũng biết nhưng Phùng thì thông thạo đến mức có thể tranh luận với dân bản địa thì quả là điều không ngờ. Khi cuộc tranh luận đến mức gay cấn thì Kim Khôi len vào lều dắt Duy Anh ra. Phát hiện thấy “nghi phạm” đã bốc hơi, hai chú trao đổi và cười với nhau ha hả, đúng là “ thấp cơ thua trí trẻ con” thế là mắc kế “điệu hổ ly sơn” của tụi “Trỗi con”.
Khi về đến nhà hỏi ra mới biết Phùng học tiếng TQ không ở trên lớp (tất cả các lớp của chúng tôi lúc đó đều học ngoại ngữ là tiếng TQ) mà ở các cuộc giao lưu với trẻ con TQ và đặc biệt là các cuộc tiếp xúc với các bạn gái nguyên học sinh của trường Y Trung mà dẫn đầu là Mã Quân. Thế là dậy lên phong trào học tiếng Trung qua giao lưu trực tiếp với các bạn TQ mà Phùng là một trong những thủ lĩnh. Tuy nhiên điểm học tiếng TQ của Phùng vẫn không cao vì Phùng chỉ giỏi tiếng địa phương còn chúng tôi lại học tiềng phổ thông.
...
Mới đấy mà đã hơn 40 năm. Bạn tôi đã tranh đi trước về với cha anh. Kể lại những câu chuyện này để chúng ta cùng nhớ lại “ tuổi thơ đồng đội”, nhớ về những người bạn đã đi xa.

Hà Nội 18-07-2012.
Lê Chí Hòa.




















3 nhận xét:

Nặc danh nói...

CH và KQ thường đi với nhau, nhớ bạn "Dủy san" không biết học tiếng T ở đâu mà nói nhanh như gió, thôi sức khỏe và hạnh phúc là quan trọng.
Lần sau nếu KQ có đi đất mũi, nhớ rủ bà xã (chỉ 2 người thôi, đi xe chất lượng cao về CM, sau đó về bến tầu cao tốc đi đất mũi, 2 người ngồi ở chòi nhìn ra biển mà thưởng thức những giây phút suy nghĩ thần tiên của cuộc đời, đấy chính là thiên đàng)
thằng bạn vô danh của KQ.

TranKienQuoc nói...

Đã đến nhà hàng nổi mà bạn ND đã đến. Tuyệt!

Nặc danh nói...

Cảm ơn Chí Hòa nhớ và viết 2 kỉ niệm với 2 bạn đi sớm. Nhớ viết tiếp nhé!
BT5