Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

Dõng dạc Philippines (Huỳnh Văn Úc)



Hãng thông tấn The Associated Press đưa tin trong cuộc họp báo vào ngày 22/1/2013 Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết là nước ông đã khiếu nại trước một tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc về các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại vùng Biển Đông. Các yêu sách của Bắc Kinh đã phạm vào các vùng mà Manila tuyên bố chủ quyền. 
Ảnh của REUTERS: Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario thông báo với báo giới quyết định của Manila đưa tranh chấp với Trung Quốc ra tòa án quốc tế, Manila, 22/01/2013.


Tại cuộc họp báo ông ngoại trưởng cho các nhà báo biết rằng Bộ Ngoại giao nước ông đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Philippines để thông báo  về việc chính quyền Manila đã kiện Trung Quốc trước tòa án trọng tài trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) mà cả hai nước đều đã phê chuẩn. Giải thích về quyết định của Philippines, Ngoại trưởng Albert del Rosario xác định : “ Philippines đã sử dụng gần như cạn kiệt mọi con đường chính trị và ngoại giao nhằm giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp biển đảo với Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng rằng các thủ tục trọng tài sẽ đạt tới một giải pháp lâu bền “. Ông còn giải thích rằng đơn khiếu nại do nước ông đệ trình trước tòa án Liên Hiệp Quốc đã xác định tính chất hoàn toàn bất hợp pháp của cái gọi là  đường chín đoạn  của Bắc Kinh, đường này phác họa chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông, gộp luôn các vùng biển và hải đảo sát cạnh các nước láng giềng. Văn kiện này đồng thời yêu cầu Trung Quốc “chấm dứt các hoạt động phi pháp, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines trong khuôn khổ công ước UNCLOS 1982 “.

Tiến hành những hoạt động vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của các nước láng giềng trong khuôn khổ công ước UNCLOS 1982 là chính sách mà Trung Quốc đã và đang thi hành. Philippines cũng là nạn nhân của chính sách đó. Vào giữa thập niên 1990, Trung Quốc đã thành công trong việc lần lần chiếm hữu bãi Vành Khăn (Mischief Reef) ở khu vực Trường Sa mà Philippines kiểm soát. Sau nhiều thất bại liên tiếp trong việc vận động ngoại giao để đòi lại, Manila đã đành phải chấp nhận tình trạng đã rồi. Kể từ tháng 4/2012, Bắc Kinh lại áp dụng chính sách gặm nhắm đó đối với bãi Scarborough ở khu vực Macclefiels Bank ngoài Biển Đông – tên Philippines là Panatag, nhưng tên Trung Quốc là Hoàng Nham. Lần này Philippines có dấu hiệu phản ứng quyết liệt hơn, không ngừng tố cáo trên các diễn đàn quốc tế và khu vực hành vi bành trướng của Bắc Kinh. Để xác lập chủ quyền của mình, Trung Quốc cũng không ngần ngại dùng võ lực đánh chiếm các hòn đảo do nước khác kiểm soát. Vào năm 1974, họ thôn tính toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam, đến năm 1988, họ đánh chiếm thêm một số đảo khác cũng của Việt Nam tại vùng Trường Sa.

Dân gian có câu: “Một câu nhịn, chín câu lành”. Nhưng tình thế đã đến mức không thể nhịn được nữa nên Philippines đã có một bước đi kiên quyết. Mạnh mẽ thay Philippines! Dõng dạc thay Philippines!



3 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Mong muốn VN ta cũng thế.
Hôm rồi nghe kể lại, bộ trưởng QP vào nói chuyện với hơn 500 sĩ quan cao cấp nghỉ hưu ở địa bàn QK9, QK9, có đề cạp vấn đề biển đảo: nào Đài Loan chiếm Trường Sa năm nào; nào vụ 1974 TQ chiếm Hoàng Sa; nào vụ 1988 TQ chiếm Trường Sa... Nay VN giữ bao nhiêu, TQ giữ bao nhiêu đảo... Khó giải quyết lắm. TQ thì khẳng định, đó là lãnh thổ của họ, không bao giờ tham gia tranh tụng quốc tế...
Còn ta thì chả thấy đề cập có đưa vấn đề này ra Tòa án quốc tế hay không?

Quang Vinh nói...

Muốn chống được ngoại xâm phải dẹp được "nội xâm". Không dựa được vào nhân dân thì không thể nào có dũng khí chống lại bất cứ kẻ thù nào. Mà kẻ tham nhũng thì không thể dựa vào dân. Đặt nhiệm vụ diệt tham nhũng lên nhiệm vụ hàng đầu của đất nước là bước đi hợp lý nhất của cách mạng.

Nặc danh nói...

À, Qk7, Qk9 chứ!