Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Thông tin thêm về Võ Dũng bạn mình (tiếp 2)


Khoảng tháng 9-1960, ông Võ Văn Kiệt cho người về liên lạc với bà Trần Kim Anh. Bà cũng phải ăn nói đi lại như một người hoạt động bí mật, cho dù chưa bao giờ đứng trong hàng ngũ của chồng. Ông Trần Quang Hiến nhớ: “Mỗi khi có hẹn, tôi chở cô Bảy tới một địa điểm định trước, có khi là một cây cột đèn nào đó, thả cô đấy, khi tôi đi rồi người ta mới tới rước cô. Cô Bảy đi đâu, tôi cũng không biết mà cô cũng không nói”. Lúc này, Khu ủy Sài Gòn-Gia Định đã về lập căn cứ ở Hố Bò, Củ Chi. Năm 1961, ông Kiệt đưa vợ con ra căn cứ ở một thời gian. Những khi chính quyền Sài Gòn không có ruồng bố gì thì Khu ủy cũng ở trong nhà những người dân địa phương. Thường những người dân này hoặc là cơ sở hoặc là cán bộ công tác trong cơ quan Khu ủy. Theo anh Trần Quang Minh: “Cô Bảy lên Củ Chi thường ở trong nhà ông Tư Mai hoặc bà Mười Cước”.



Khi có thai người con thứ ba, bà Kim Anh lại rời Hố Bò, Củ Chi về Rạch Giá ở nhà ông bà ngoại. Anh Minh kể: “Đầu năm 1962, tôi chèo ghe đưa cô Bảy đi sanh, qua nhà ông Mười Nhỏ thợ may thì đau bụng phải tấp vô. Cô Bảy sanh luôn Ánh Hồng ở đó. Bà Mười nấu nước, cắt rún giúp. Cô
cháu tôi ở lại Rạch Giá cho tới khi Ánh Hồng chập chững biết đi, lại bồng bế con lên Sài Gòn”. Lần này Khu ủy bố trí một ủy viên thường vụ làm “chồng bình phong” để bà Kim Anh sống hợp pháp trong thành phố.
Năm 1963, ông Kiệt lại đưa vợ ra Củ Chi, lần này bà Kim Anh và các con ở nhà một cơ sở thường gọi là ông Mười Cước. Khác với nhiều đồng chí khác, ông Kiệt vẫn không “kết nạp” vợ vào tổ chức của mình. Tuy nhiên, khi cần, ông vẫn huy động cả gia đình vợ làm việc cho Cách mạng.
Năm 1965, ông Kiệt quyết định gửi người con thứ hai ra Bắc. Bà Kim Anh chuẩn bị đồ đạc cho con, buổi sáng tiễn con gái đi, chiều bà ghé qua bệnh xá Khu ủy khám mới biết mình đang có thai đứa con thứ tư. Nghĩ khi sinh nở, chồng cũng chẳng giúp được gì nên bà Kim Anh định giữ lại Hiếu
Dân, năm ấy đã lên mười tuổi. Nhưng, khi bà quay lại trạm giao liên thì Hiếu Dân đã lên đường ra Bắc cùng với vợ chồng ông Trần Đức Thuận và con trai ông Phạm Văn Xô, một cán bộ cao cấp của Trung ương Cục. Như những lần trước, mỗi khi có thai, bà Kim Anh lại trở về Rạch Giá nương tựa nhà cha mẹ mình.
Cuối năm 1965, ông Võ Văn Kiệt viết thư về nhắn vợ, sanh nở xong thì thu xếp lên chiến khu.  Theo ông Trần Quang Hiến: “Trong thơ, dượng Bảy cũng nói dượng sẽ gửi tiền về nhờ mua lương thực. Cô Bảy đưa thơ cho tôi coi, băn khoăn không biết làm sao chuyển hàng lên. Tôi nói để tôi lo.
Nhà cũng muốn cô Bảy từ từ hẵng đi vì khi đó cháu Chí Tâm mới hơn ba tháng tuổi. Nhưng cô Bảy cũng nóng lòng gặp chồng”.
Bà Trần Kim Anh rời Rạch Giá đúng ngày rằm tháng Chạp, tính theo lịch Tây là tháng 1-1966. Bà Ba Kiệm, một cán bộ giao liên Khu ủy đi từ Hố Bò về đón. Sau gần ba ngày di chuyển chủ yếu là để “cắt đuôi” trước khi đi tiếp về chiến khu, sáng ngày 17 tháng Chạp, bà Trần Kim Anh cùng
hai con, Chí Tâm và Ánh Hồng, được giao liên đưa xuống chuyến tàu khách có tên là Thuận Phong. Tàu Thuận Phong vẫn thường chở khách đi từ Bến Cát, Bình Dương, ngược sông Sài Gòn về hướng Củ Chi và ngược lại. Đi trên con tàu ấy lúc nào cũng có Quốc gia trà trộn cùng Cộng sản. Tàu Thuận Phong xuất phát lúc 7 giờ 30, tới gần Bến Dược, chỉ còn bốn, năm cây số là tới Chiến khu Hố Bò, thì trúng rocket bắn xuống từ một máy bay trực thăng Mỹ.
Ông Trần Quang Minh, khi đó đã “ra bưng” trở thành một cán bộ tuyên huấn T4, mật danh của Khu ủy Sài Gòn, kể: “Hôm đó là ngày đầu tiên B52 thả bom ở miền Nam, dọc sông Sài Gòn trực thăng quần ầm ĩ. Tôi đi ra nhà Tư Mai, vừa thấy tôi, ông Tư nói: Minh ơi, chị Bảy và mấy đứa nhỏ
chết hết rồi”. Khi đó, ông Võ Văn Kiệt đang ở Nhà Bè. Ông nghe tin tàu Thuận Phong bị bắn chìm qua Đài Phát thanh Giải phóng, biết có nhiều người phía mình hy sinh nhưng ông không ngờ trong số đó có cả ba người mà ông yêu thương nhất.
Ông Kiệt kể: “Tôi thấy ruột gan như lửa đốt, Thuận Phong là con tàu mà chị em giao liên thường xuyên đưa cán bộ theo con đường hợp pháp từ Bến Cát về Củ Chi. Chúng tôi biết trước tin địch sắp càn nhưng thấy con tàu Thuận Phong vẫn chạy thì nghĩ là chưa có vấn đề gì. Không ngờ, trận càn đó, nó bắn chìm cả con tàu chủ yếu chở dân thường hợp pháp”. Hai ngày sau ông Kiệt mới về đến Củ Chi nhận tin vợ và hai con ông đã chết. Ánh Hồng năm ấy chưa đầy bốn tuổi và Chí Tâm thì cha con chưa kịp nhìn thấy mặt nhau.
Ông Trần Quang Minh kể: “Dượng Bảy ngồi ở Xóm Thuốc chờ hai ngày. Khóc”. Nơi ông Kiệt ngồi có thể nghe tiếng máy của những chiếc ghe chạy tìm xác các nạn nhân ở trên sông, nhưng, ông không thể ra đó. Sự khốc liệt của chiến tranh đôi khi không phải ở trong lưới lửa bom đạn mà ở trong những khoảnh khắc yên lặng. Chỉ một số cán bộ hoạt động hợp pháp mới có thể ra sông tìm kiếm xác ba mẹ con bà Trần Kim Anh và những cán bộ khác cùng đi trên chuyến tàu Thuận Phong.
Từ Rạch Giá, gia đình cũng nhận được tin, ông Trần Quang Hiến kể: “Tôi lên thuê thuyền, vớt được Ánh Hồng, cháu bị bắn vỡ sọ. Nhưng, chính quyền bắt phải đưa vô nhà xác. Hôm sau có một người lính của chế độ Sài Gòn nhận cháu là con của anh ta. Bác sĩ yêu cầu tôi trình giấy tờ
chứng minh là người nhà của Ánh Hồng, tôi không có. Tôi chấp nhận để cho anh lính nhận xác Ánh Hồng nhưng theo dõi nơi anh ta chôn cháu, anh lính chôn cháu ngay phía nhà thương. Tôi cắm cây thông làm dấu rồi quay ra tìm xác cô Bảy và Chí Tâm. Đến 28 Tết, lấy lý do an ninh, chính quyền không cho tiếp tục tìm kiếm, mặc dù thây vẫn còn trôi. Hai tháng sau, chính quyền cho máy ủi phía sau nhà thương, ủi mất luôn Ánh Hồng. Như vậy là ba mẹ con chết mà không
còn xác”.
Tàu Thuận Phong hôm ấy chở hơn 200 khách, vớt được khoảng 100. Theo Trần Quang Minh, mãi tới mấy tháng sau, người dân miền Đông không ai dám ăn tôm, ăn cá của sông Sài Gòn.
Ông Võ Văn Kiệt kể: “Sau hôm từ Nhà Bè về, tôi xuống nhà ông Ba Kiệm chia buồn. Vợ ông, vì lo cho vợ chồng tôi gặp nhau mà phải chết. Tôi cũng chuẩn bị tinh thần có thể ông cũng không giữ được bình tĩnh vì mất mát đó. Nhưng không ngờ, ông nói: tôi cũng thiệt hại mà không bằng chú,
chú mất cả vợ và hai đứa con”. Ông Kiệt nói tiếp: “Suốt hai cuộc chiến tranh, tôi cũng lặn lội, nhiều khi rơi vào vùng ác liệt nhất, vậy mà chưa từng dính một miểng đạn nào. Cả hai lần bị thương thì đều do giẫm phải chông của du kích. Trong khi đó vợ, con… Trước đó, anh Ba tôi cũng bị Tây càn bắn chết; ba tôi thì bị chết vì pháo kích”.

1 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

MỘt sự hy sinh vô bờ của gia đình chú Sáu. Đọc và biết thêm thông tin chi tiết.