Nhiều chuyên
gia cho rằng thực chất đây là cái bẫy của thương mại tự do khiến chúng ta dễ
trở thành bãi phế thải các loại hàng hóa phẩm chất xấu của Trung Quốc. Xây dựng
một hàng rào kỹ thuật thương mại nghiêm ngặt là việc chúng ta cần phải làm
ngay, không thể chậm trễ.
Sự quyến rũ
chết người
Không thể
không thừa nhận Trung Quốc với 1,3 tỷ dân và một nền kinh tế đứng thứ hai thế
giới là một thị trường quyến rũ. Nhưng như nhận định của dư luận thế giới, đó
là sự quyến rũ chết người. Hàng chục nước trên thế giới đang có vấn đề trong
thương mại, đầu tư với Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc cũng đang tỏ ra là nước sử
dụng thành thạo việc kết hợp các sức ép ngoại giao, chính trị song hành với
kinh tế để trả đũa các nước khác mỗi khi có “vấn đề” với Trung Quốc.
Bán cái chết
cũng là chủ đề của cuốn sách đang nổi tiếng tại các nước phương Tây bàn về chất
lượng hàng hóa Trung Quốc. Cuốn “Chết dưới tay Trung Quốc” được viết bởi Giáo
sư Kinh tế và Chính sách Công cộng tại Đại học California, Irvine, Peter
Navarro. Một loạt những vụ bê bối về thực phẩm độc hại của Trung Quốc trong
suốt thời gian qua đã khiến cả thế giới phải rùng mình. Mỗi ngày qua đi lại có
thêm một vụ thực phẩm bẩn, độc hại xuất hiện. Những “sát thủ giấu mặt” đó vẫn
hàng ngày hàng giờ hiện diện trên bàn ăn của mỗi gia đình. Không chỉ thực phẩm
mà cả những hàng hóa rẻ tiền, chất lượng kém, phát hiện có chất độc của Trung
Quốc cũng đang làm nhiễu loạn thị trường thế giới. Nhiều nước đã đồng loạt tẩy
chay hàng Trung Quốc.
Thương lái
Trung Quốc hoành hành - đâu là bộ mặt thật?
Từ việc
thương lái Trung Quốc thu gom móng trâu bò của đồng bào dân tộc, tận thu gốc
rễ, gốc cây tiêu ở Tây Nguyên, thu mua hạt chè ở Thái Nguyên cho đến việc lừa
đảo mặt hàng hải sản ở Đồng bằng Sông Cửu Long, hoa hồng ở Đà Lạt, mua đỉa ở
khắp nơi, mua lá xoài khô, mua nguyên liệu đông dược trên mọi cánh rừng trong
cả nước… Gần đây nhất, thương lái trung Quốc lại tìm mua rễ cây rừng ở xã Kon Pne,
huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.
Hàng trăm
câu chuyện mua bán với thương nhân Trung Quốc đã để lại những hậu quả xấu. Điển
hình là năm 2011, người dân các huyện Hóc Môn, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh ồ ạt rủ
nhau đi bắt đỉa, gom về bán cho các đầu nậu. Nhưng sau đó, các đầu nậu bỏ đi,
để lại những cánh đồng đầy đỉa và nỗi lo sợ cho người dân. Thương nhân Trung
Quốc đã tổ chức mua móng trâu bò với giá cao, thậm chí chỉ bốn cái chân trâu,
bò giá trị đã bằng nửa con trâu, bò. Vậy là dân đua nhau giết trâu bò đem bán.
Từ đó, toàn bộ sức kéo nông nghiệp một vùng núi phía bắc bị hủy hoại. Lúc đó
thương nhân Trung Quốc lại sang gạ bán trâu với giá cao gấp hai lần, đưa máy
kéo nhỏ sang bán. Hết trâu bò rồi thì phải mua thôi.
Ở Cao Bằng,
Lạng Sơn thương nhân Trung Quốc mua rễ cây hồi với giá cao. Vậy là hàng loạt
cánh rừng hồi bị phá hủy bởi những kẻ đào trộm rễ hồi đem bán. Rồi các thương
lái lại mua râu ngô non, xúi giục nông dân triệt phá nương ngô mang bán, đánh
trúng vào cái dạ dày đồng bào. Hàng tốp thương lái Tàu xuất hiện từ Hà Giang
cho đến Lâm Đồng để thu mua chè vàng, là thứ chè chặt thô phơi tái, không cần
chế biến. Thương lái Tàu mua chè vàng với giá rất cao, kích thích nông dân chặt
trụi đồi chè mang bán. Thế là thương lái Tàu đã triệt hạ vùng nguyên liệu của các
nhà máy chè Việt Nam. Hoặc việc Trung Quốc thu mua cây phong ba có khả năng làm
sạch không khí sẽ ảnh hưởng đến môi trường cũng như giá trị kinh tế về lâu dài.
Cây mật gấu là cây thuốc quý, nằm trong sách đỏ Việt Nam, dùng để chữa kiết lỵ,
tiêu chảy, viêm gan, vàng da, nhưng mấy năm nay, cây mật gấu bị khai thác mạnh
làm thương phẩm bán sang Trung Quốc. Vì vậy cây mật gấu có nguy cơ tuyệt chủng
rất lớn. Họ mua dây đồng vụn giá cao nhắm tới đường dây tải điện, mua cáp quang
phế liệu nhắm tới đường truyền cáp quang… Họ mua gạo Việt Nam, nhưng đề nghị
chúng ta trộn gạo thường vào gạo thơm rồi đem bán gây dư luận xấu về chất lượng
gạo Việt Nam, mua tôm rồi bơm chất chất bẩn vào và đem bán ngay trên thị trường
chúng ta…
Càng ngày,
danh sách những thứ lạ đời mà thương lái Trung Quốc tìm mua tại Việt Nam càng
được nối dài. Dù mua bán công khai hay lén lút với thương lái Trung Quốc thì đa
số người dân cũng không rõ “Trung Quốc mua những thứ đó để làm gì”. Những chiến
dịch mua bán của họ chỉ sau vài năm mới lộ ra ý đồ thật sự.
Đầu độc
người dân Việt Nam
Cục Bảo vệ
thực vật đã công bố nho Trung Quốc chứa hóa chất vượt ngưỡng 3-5 lần, được bày
bán tại Việt Nam dưới mác “nho Mỹ” để đánh lừa người tiêu dùng với giá
40.000-60.000 đồng nhưng giá gốc trên hóa đơn chỉ có 6.000 đồng/kg. Táo Trung
Quốc được trồng bằng công nghệ bọc túi tẩm thuốc sâu độc hại. Lê Trung Quốc
chứa thuốc trừ sâu Endosulfan có tính độc cao và có thể phá vỡ hệ nội tiết hoặc
gây ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản của con người. Với lợi thế giá rẻ và không
bị ràng buộc về mặt chất lượng, nên các mặt hàng phổ thông, có tác động trực
tiếp đến sự an toàn của người dân như đồ gia dụng, rau củ quả, trái cây “Made
in China” được nhập về Việt Nam một cách thoải mái qua con đường tiểu ngạch.
Tính trung bình, mỗi ngày có khoảng 1.000 tấn trái cây được nhập về Việt Nam.
Ngày 21-4, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, 5 người dân tộc Dao, tại bản
Phố Vây, xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ đã phải nhập viện do ăn phải hoa quả có
nguồn gốc từ Trung Quốc. Sau đó, 1 bệnh nhân tử vong là cháu Tẩn U Mẩy (5
tuổi).
Báo chí cả
trong nước lẫn quốc tế từ lâu đã cảnh báo mối họa nhập hàng hóa kém chất lượng
từ Trung Quốc, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng như: gạo giả, sữa bột
giả, trứng giả, trái cây nhuộm chất hóa học, dư lượng thuốc trừ sâu, thịt đông
lạnh hư thối… cho tới cả tiền giả đang phá hoại nền kinh tế Việt Nam một cách
âm ỉ và có hệ thống.
Thủ đoạn
kinh doanh
Thủ đoạn
kinh doanh của các thương lái Trung Quốc đã bộc lộ rõ bản chất: thiếu đạo đức
kinh doanh. Ban đầu, các thương nhân Trung Quốc thu mua nông sản ồ ạt, họ đặt
trạm gom hàng nông sản khiến nhu cầu tăng đột biến, giá nông sản tăng nhanh.
Các doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh được đành chịu thiếu nguyên liệu
sản xuất. Sau khi đã thao túng được thị trường, tất cả thương nhân Trung Quốc
bắt đầu hạn chế và dừng mua đột ngột khiến giá giảm nhanh chóng. Đến khi giá
giảm rất thấp thì họ bắt đầu quay trở lại ép giá thấp hơn nữa và bắt đầu thu
mua.
Họ tự đặt ra
các tiêu chuẩn “kì lạ” để có lý do ép giá nhiều hơn (ví dụ khoai lang củ to
không mua, bắt phải giảm giá). Như trường hợp khoai lang tím, sau khi giá giảm
chỉ còn 300,000 đồng/tạ, nông dân đã chủ động kéo dài thời gian thu hoạch,
khoai lớn củ hơn nhưng giá lại bị ép xuống còn 250,000 đồng/tạ. Với cùng một
thủ đoạn lặp đi lặp lại, các thương nhân Trung Quốc đã có thể ép giá dứa giảm
hơn một nửa, khoai lang tím giảm tới 70%, và giá dừa thậm chí giảm đến 90%, còn
gạo thì đang giảm giá liên tục và vẫn loay hoay tìm kiếm thị trường thay thế.
Chúng ta đã có không ít hệ luỵ từ rất nhiều bài học trên thương trường mang tên
“Trung Quốc” như những vụ thu mua một lượng lớn nông sản với giá trên trời, đến
khi người dân đổ xô khai thác, thu hoạch thì các thương lái Trung Quốc lặn mất
tăm.
Trung Quốc
còn sử dụng “chiêu” đơn phương hủy các hợp đồng thương mại, sử dụng rào cản
kiểm dịch và cố tình làm chậm việc thông quan hàng xuất khẩu của Việt Nam tại
các cửa khẩu trên biên giới hai nước đã làm cho các doanh nghiệp Việt Nam thiệt
hại, nhất là đối với các mặt hàng nông sản mà Việt Nam xuất sang Trung Quốc.
Đó là các
thiệt hại trực tiếp cho nông dân, còn đối với các doanh nghiệp cần hàng sản
xuất thì thiệt hại lại đau đớn hơn nhiều khi nguồn cung nguyên liệu của thị
trường rất lớn nhưng họ lại không thể mua được và phải sản xuất dưới công suất
do không thể cạnh tranh thu mua với thương lái Trung Quốc.
Việt Nam
đang thành bãi phế thải của Trung Quốc
Vì Việt Nam
thiếu các hàng rào kỹ thuật để kiểm soát hàng kém chất lượng nên lâu nay chúng
ta đã trở thành nơi tiêu thụ “thượng vàng hạ cám” của Trung Quốc. Trên thị
trường Việt Nam đủ các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vứt
đi vẫn đang tồn tại đầy rẫy ngoài chợ, thậm chí cả trong siêu thị: gà thải loại,
trứng gà giả, trái cây, rau quả tẩm ướp hóa chất độc hại, gừng tỏi, gia vị, và
thậm chí các loại phụ gia gây ung thư cũng được nhập về và bày bán khắp nơi.
T.S Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng điều này đã tạo ra 2 mối
nguy cho Việt Nam: trước hết đó là hàng hóa thực phẩm giá rẻ tràn vào nhưng
không được kiểm soát tốt về chất lượng, thứ hai, nguy hiểm hơn là Trung Quốc có
chiến lược “đẩy” hàng nghìn thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu sang các nước,
trong đó có Việt Nam, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ thành “bãi phế thải” công
nghệ, bãi phế thải của những hàng hóa phẩm chất xấu của Trung Quốc.
TS Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và
Quản lý kinh tế Trung ương: Có dấu hiệu phá hoại nền kinh tế
Hàng hóa Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam?
Nhập siêu luôn tăng qua các năm. Là một chuyên gia kinh tế, ông nhìn nhận vấn
đề này như thế nào?
Hàng Trung Quốc càng ngày càng nhập ồ ạt vào Việt Nam, từ
cái tăm cho đến trang thiết bị dẫn đến nhập siêu rất lớn. Các thương nhân Trung
Quốc sang Việt Nam mua hàng có dấu hiệu phá hoại nền kinh tế của chúng ta như
mua lá cây hồi, mua lá cây điều… Điều này diễn ra với tất cả các nước, đặt
biệt là những nước có biên giới chung với Trung Quốc. Tôi sang Thái Lan, Thái
Lan cũng kêu. Miến Điện cũng kêu nhưng với Việt Nam đặc biệt nghiêm trọng vì
Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc rất dài. Thứ hai là hàng Trung
Quốc làm ra rất rẻ, chất lượng nhiều mặt hàng kém. Họ sản xuất được nhiều mặt
hàng tốt nhưng họ xuất đi nước khác chứ không xuất sang Việt Nam. Xuất sang
nước ta là có chính sách, có chủ ý, những mặt hàng có chất lượng thấp, giá
rất rẻ.
Ông có thể giải thích rõ hơn vì sao hàng Trung Quốc độc
hại và kém chất lượng như vậy nhưng chúng ta vẫn ồ ạt nhập về?
Có mấy lý do: Chênh lệch giá giữa hàng của chúng ta và
hàng Trung Quốc quá lớn, ví dụ như quả trứng gà. Trứng gà thải loại Trung
Quốc có giá 500 đồng, đó là họ bán phá giá. Thứ hai là chúng ta đã ký hiệp
định thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc trong đó chúng ta cam kết các
thuế nhập khẩu của hàng Trung Quốc vào Việt Nam được giảm từ 0-5%. Và điều
quan trọng nhất là những rào cản kỹ thuật về thương mại chúng ta làm quá chậm
nên giờ chúng ta đối phó rất khó. Nhiều người dân ở vùng biên giới nghèo nên
đi làm cửu vạn để chuyển hàng từ Trung Quốc về Việt Nam. Chúng ta đã bắt
nhưng không bắt được người cầm đầu cho nên bắt cóc bỏ đĩa, bắt người này thì
lại có những người khác.
Hệ lụy của tình trạng này là gì, thưa ông?
Về kinh tế là rất đáng báo động. Đó là những điều hết sức
đáng lo ngại cả về mặt kinh tế và sức khỏe của người dân, về ổn định trật tự
xã hội.
Chúng ta có thể có những giải pháp nào để hạn chế việc
nhập khẩu và tiêu thụ hàng Trung Quốc độc hại tại Việt Nam?
Chúng ta đã ký hiệp định thương mại nên không thể nói là
tẩy chay hàng Trung Quốc. Chúng ta chỉ có thể cực lực tố cáo những mặt hàng
có hại cho sức khỏe, kêu gọi người dân không sử dụng những hàng hóa đó. Ví dụ
ăn một quả trứng 500 đồng nhưng mang bệnh vào người và phải bỏ ra 100 triệu
đồng để chữa trị. Cần phải nói rõ để mọi người dân hiểu.
Doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam cần làm gì để bảo
vệ mình?
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tham gia tích cực, có
những rào cản kỹ thuật và những biện pháp để bảo vệ. Người Việt Nam cần dùng
hàng Việt Nam trước hết để bảo vệ sức khỏe của mình, sau là bảo vệ doanh
nghiệp Việt Nam, chứ không phải là người tiêu dùng mù quáng. Doanh nghiệp tự
đổi mới, cải tiến để nâng cao tính cạnh tranh. Ví dụ chúng ta thấy những năm
gần đây dệt may Việt Nam được đánh giá rất cao, người tiêu dùng đã chọn hàng
Việt Nam thay vì hàng Trung Quốc. Hay bia Vạn Lực trước đây bán tốt nhưng gần
đây không bán được nữa. Và bản thân người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình và
gia đình mình.
Cơ quan quản lý hàng nhập khẩu là Bộ Công thương. Ông có ý
kiến gì về các biện pháp quản lý của Việt Nam?
Tôi thấy biện pháp của Bộ Công thương rất kém hiệu quả. Bộ
Công thương rất chậm chạp trong việc có hàng rào kỹ thuật. Thí dụ ta xác định
những mặt hàng nào độc hại thì phải phối hợp với Bộ Y tế là có những biện
pháp kiểm soát rất nghiêm ngặt. Vừa qua chúng ra đã làm chiến dịch ngăn chặn
gà lậu qua biên giới và kêu gọi các cơ quan liên ngành vào cuộc nên có những
kết quả và biến đổi bước đầu. Nhưng cần làm quyết liệt và đồng bộ hơn ở nhiều
mặt hàng khác.
Xin cảm ơn ông!
|
Theo Khánh Huyền - Trần Việt
ANTĐ
ANTĐ
2 nhận xét:
Cửa khẩu nào cũng có hải quan, biên phòng, kiểm dịch... vậy mà con voi nào cũng chui lọt lỗ kim. Thật nhục nhã vì tự dân ta giết dân ta.
Hình như rồi chứ không chỉ còn là nguy cơ !
Đăng nhận xét