Đời thường của một “ông quan” – bạn tôi
LTS: Hội nghị Trung ương 7 đã bầu bổ sung Phó Thủ tướng
Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào Bộ Chính trị
Khóa XI. Là người đầu tiên trong Bộ Chính trị từng đi du học ở Mỹ về, ông đã tạo ra sự quan tâm lớn đối với báo chí
nước ngoài. BBT đã đặt bài viết này từ một người bạn học của Phó Thủ tướng Nguyễn
Thiện Nhân – một cựu học sinh của trường
Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi với mong muốn có thể giới thiệu đến độc giả
chân dung đời thường nhất, bình dị nhất của một trong những nhà lãnh đạo của đất
nước.
Bạn tôi thuở
đi học….
Chúng tôi là bạn suốt 5 năm học ở Trường Văn hóa quân
đội – Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (1965-1970). Nhưng hơn các đồng môn khóa
5 (khóa học của chúng tôi ở trường Trỗi) thì tôi, Nguyễn Quang Bắc, Nguyễn Chỉ
Huấn, Huỳnh Tấn Lợi, Hoàng Quốc Hùng… lại có thời gian học với Bạn từ ngày còn ở
Trường phổ thông cấp 1, 2 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Ngôi trường được xây dựng có lẽ từ đầu thế kỷ 20, trên sân
có dãy xà cừ cổ thụ rợp bóng mát, nằm kẹp
giữa đường Nguyễn Thái Học và đường Sinh Từ (nay là Nguyễn Khuyến). Thầy hiệu
trưởng là thầy Đắc.
Mời thầy Đại Thành vào chỗ ngồi. |
Cùng bác Thức 'mù' chủ nhà của cậu học trò nhai poly trước khi đi ngủ. |
Tới tận nơi trao quà cho mẹ LS Tiến k6. |
Trong trí nhớ của tôi, Bạn có dáng thư sinh, trắng trẻo.
Nghe Bạn kể, ba má Bạn là cán bộ miền Nam tập kết,làm về ngành y. Năm 1964 khi
chúng tôi học lớp 4, Bạn buồn rầu kể: “Từ hôm nay tớ phải sống xa ba má. Ba mátớ
đi B nên gửi tớ lại cho cô Bình[1]”. Không chỉ gia
đình Bạn mà phụ huynh nhiều bạn cùng lớp (Tấn Lợi, Quốc Hùng, Quang Bắc…) cũng
lần lượt ra chiến trường. Ấy là việc của người lớn; còn với bọn trẻ chúng tôi
thì mỗi buổi trưalại hẹn nhau ở cuối đường Hoàng Diệu rợp bóng mát, rộn rã tiếng
ve, trước khi cắt qua con đường có đường ray tầu điện, bước vào cổng trường.
Đầu 1965, chiến tranh phá hoại ra miền Bắc ác liệt
hơn. Bộ Tổng tư lệnh không chỉ lo chuyện ngoài chiến trường mà còn phải lo cả
“vấn đề hậu phương”; lập tức con em cán bộ, sĩ quan đang chiến đấu ngoài mặt trậnđược
đưa đi sơ tán xa Hà Nội, Hải Phòng. Ngày đầu bọn trẻ được gửi vào doanh trại
luyện quân đi B ở Trại Hòe, Trại Cờ thuộc
huyện Hiệp Hòa, Hà Bắc. Được sống tập trung trong môi trường nhà binh; sáng lên
lớp, chiều được thoải mái đá bóng, bơi lội; biết đào hầm trú ẩn, biết phân biệt
F-105 với F-4H; đi ăn cơm phải đi trong đội ngũ, bước đều “mốt hai mốt”… chúng tôi đứa nào cũng sướng.
Chiến tranh phá hoại ngày càng mở rộng, chỉ vài tháng
sau, nhà trường lại phải sơ tán lên vùng rừng núi Tam Đảo thuộc xã An Mỹ, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Từng tiểu
đội (chục đứa) sống ghép vào một gia đình bà con dưới xuôi lên xây dựng kinh tế
mới. Thấp thoáng sát chân núi là những bản của bà con người Dao, người Tày… Ba
má Bạn là bác sĩ nên trước khi xa con không quên gói cho con cả những lọ thuốc
bổ (Polyvitamine, C, B1, B2…). Phải hàng chục năm sau, gia đình bác Thức từng
cho tiểu đội Bạn tá túc vẫn không quên kỉ niệm “cái nhà anh này đêm nào trước
khi đi ngủ thường ngồi trong màn nhai thuốc poly”.
Ngày 15/10/1965, Tổng Quân ủy ra quyết định chính thức
thành lập Trường Văn hóa quân đội mang tên Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Đối
tượng là con em cán bộ, sĩ quan đang chiến đấu ngoài chiến trường cùng gia đình
có công trong và ngoài quân đội; sẽ đào tạo các em theo chương trình đào tạo
thiếu sinh quân, chuẩn bị đội ngũ kế cận.
Chúng tôi tự hào được khoác trên mình bộ quân phục may
theo mẫu của phi công Việt Nam (áo blu-dông, quần xanh, mũ mềm gắn sao). Vừa học
tập văn hóa như bạn bè cùng trang lứa, chúng tôi còn có Chín lời thề danh dự,
Mười hai điều kỉ luật dân vận; được học Điều lệnh nội vụ, được học bắn súng trường
CKC, tiểu liên AK… như những anh tân binh.
Năm học lớp 8, lớp 9, tôi cùng lớp học chuyên Toán với
Bạn. Trong khi tôi còn phải đọc sách tiếng Việt thì đã thấy Bạn đọc và tìm cả
những bài toán khó trong sách Tây để giải. Năm 1969, Bạn tham gia đội tuyển
Toán của trường thi học sinh giỏi tỉnh Vĩnh Phú và đoạt giải.
Ngày ở trường, anh em tôi theo phong trào bập bùng tập
ghi-ta, măng-đô-lin hay thổi kèn ac-mô-ni-ca. Riêng Bạn chiều nào cũng cần mẫn
ra một góc nhà “cò cử” vi-ô-lông. (Ngày ở Hà Nội, ba mẹ Bạn đã mua cho cây đàn
và gửi con tới Trường Nhạc học kéo cái đàn dây rất lâu thành tài này). Nghe tiếng đàn của Bạn tập cứ như tiếng thở của
người bị hen, vậy mà Bạn cứ kiên trì luyện các bài tập trong sách.
Tốt nghiệp phổ thông, chúng tôi đăng kí nhập ngũ và được
tập trung lên Trường Văn hóa quân đội trên thị xã Lạng Sơn. Năm 1970, sau 5 năm
tạm bỏ chế độ thi tuyển vào đại học, thì kì thi này được khôi phục. Bộ trưởng Bộ
Đại học – THCN ngày đó là bác Tạ Quang Bửu với chủ trương: phải thi tuyển khó
thì mới chọn được đầu vào tốt. Năm ấy thi quả là khó thật. Vậy mà Bạn cùng Nguyễn
Thanh Chương của lớp chúng tôi thi đạt điểm tuyệt đối 30/30. Ai cũng tự hào vì
hai thằng bạn của mình.
Hơn trăm đứa chúng tôi sau chia làm 2 khối, lên Vĩnh
Yên học Đại học Kĩ thuật quân sự và về Hà Đông học Quân y. Bạn tôi về Hà Đông.
Năm sau Bạn được chọn đi học CHDC Đức. Ra trường mỗi đứa một nơi, phải đến gần
hai chục năm sau khi vào sống trong TP Hồ Chí Minh tôi mới gặp lại Bạn. Vẫn nhẹ
nhàng, ân tình như xưa.
Làm quan
nhưng không xa bạn, xa dân
Sau khi rời quân ngũ, Bạn về làm giáo viên ở Bách khoa
TPHCM rồi làm chủ nhiệm khoa, hiệu phó; sau này lên làm giám đốc Sở KH-CN-MT, rồi
phó chủ tịch và phó chủ tịch thường trực UBND TPHCM. Con đường thăng tiến rộng
mở; nhưng với thầy, với bạn cũ, Bạn lại rất khiêm nhường. Mỗi lần họp mặt truyền
thống là “ông cán bộ cốp của TP” không đi xe con biển xanh mà đầu đội mũ bảo hiểm,
mình cưỡi Dream đến họp. Mọi nghĩa vụ đều thực hiện như một học trò ngoan, một
người bạn tốt. Mỗi lần trêu Bạn “làm quan to” thì được trả lời: Nếu không hoàn
thành nhiệm vụ thì tớ sẵn sàng trở về, tiếp tục đi dạy học.
Biết Bạn càng lên cao càng bận rộn nên chúng tôi cố
không làm phiền. Nhớ lại lần kỉ niệm 45 năm thành lập Trường VHQĐ-TSQ Nguyễn
Văn Trỗi, chúng tôi có sưu tập các bài viết, biên tập lại và xuất bản cuốn sách
Tập 3 “Sinh ra trong khói lửa”. Khi sách được phát hành đã mang tặng Bạn, Bạn
nhận và không quên đóng góp số tiền không nhỏ: “Công sức của thầy cô, anh em
biên tập cho cuốn sách là nhiều chứ đóng góp của mình đã là cái gì!”.
Ở xa nhau nhưng dường như có chuyện gì liên quan đến
trường xưa, Bạn không quên nhờ tư vấn. Năm ngoái khi có kế hoạch lên dự cầu
truyền hình trực tiếp đêm 27/7 nhân kỉ niệm 65 năm (1947 – 2012) công bố sắc lệnh
của Hồ Chủ tịch chọn ngày 27/7 là ngày tưởng nhớ các thương binh, liệt sĩ ở Khu
di tích 27/7 thuộc xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Bạn đã điện thoại
cho tôi: “Trước khi tới đầu cầu ở Hùng Sơn, mình sẽ tranh thủ tạt về thăm An Mỹ
- nơi trường ta đóng quân năm 1965-66. Hứa
mãi mà nay mới có cơ hội thực hiện. Vậy nhờ ông tìm trong danh sách các thầy cô
giáo, chị nuôi xem còn những ai đang sống ở xã này và vùng lân cận, để mình chuẩn
bị quà. Nhớ tìm cho đủ, chứ bỏ sót ai là có lỗi”.
Kết hợp với địa phương, nhờ thầy giáo Phảng cùng danh
sách còn lưu, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Ngày Bạn lên thăm Mỹ Yên, đọc Báo điện
tử Thái Nguyên thấy hình ảnh Bạn đang trò chuyện thân mật với bác Thức “mù” (chủ
nhà bạn ở khi mới lên đóng quân tháng 8/1965); ân cần mời thầy giáo Đại Thành
(ngày xưa dạy Hóa)vào chỗ ngồi trong buổi họp với đại biểu nhân dân xã Mỹ Yên;
hay tới tận chỗ ngồi của mẹ liệt sĩ đồng môn Đỗ Khắc Tiến tặng quà mà cay cay sống
mũi cảm động. Cái ông quan này mộc mạc, giản dị quá!
Đến lúc này tôi đành phải nói bạn tôi là ai: đó là Phó
thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, người vừa được Hội nghị Trung ương 7 bầu bổ sung
vào Bộ Chính trị.
(Còn tiếp).
(Còn tiếp).
13 nhận xét:
Khi cháu Tô Lan Hương (cô nhà báo trẻ và rất thân các chú Trỗi, còn gọi là k9) order viết bài này, tôi có e ngại: "Hơi khó viết vì lính Trỗi không bao giờ tâng bốc nhau khi bạn mình lên quân hàm hoặc có chức vị mới". Cháu suy nghĩ 1 lát rồi trả lời: "Cháu thấy các chú sống với nhau chân thật, giản dị, nghĩa tình... Chú viết về những chuyện ấy của các chú đi". Nghe có lí và tôi đã viết.
Bài đăng trên Pháp luật & Cuộc sống số 14 (tháng 5/2013). Xin được tường trình.
Bài viết chân thực, nhẹ nhàng...đúng phong cách Bạn Trỗi viết về nhau...
Đầu bài viết không đề tên tác giả.Nhưng chỉ đọc vài câu cô Thơ đã ngửi thấy mùi văn chương của KQ rồi.Đọc hoài nên cảm nhận tốt.Bài viết giản dị và chân chất,dễ chịu.Viết những điều thực về nhau bao giờ cũng dễ nghe và làm người được viết không thấy"SỢ".Mong có những đoạn nói về nười bạn ấy khi bạn bề ốm đau bạn ấy đã quan tâm.Có lần bạn ấy(khi còn là Bộ trưởng bộ giáo dục)về Cà Mau cô những tưởng làN.T.N. hồi học sinh cô hồi học ở Đong triều nên có thông báo vớiGĐSở.Biết cô nhầm lẫn N.T.N.bảo:không phải,nhưng đừng nói gì kẻo cô buồn.TN thật tế nhị.
Phục nhất bạn là khi bé, chuyên nhai Polyvitamin trong màn mà vẫn không bị sâu răng.
Cảm ơn TKQ với thông tin y học đắt giá này!
Cô Đàm Thơ có chuyện hay quá. Đúng là N giản dị và gần gũi lắm, cô ạ.
Tối tháng 7/1967 phòng chính trị nhà trường có phát tường thuật lễ kết nạp Đoàn cho bạn NT Nhân (lớp 7 - năm học 66-67 ở trường cũ Quế Lâm) có lẽ bạn là học sinh thật xuất sắc nên nhà trường muốn nêu gương học tập trong toàn trường. Không biết còn bạn nào nhớ buổi phát thanh đó không? riêng tôi thì rất nhớ vì sau khi nghe xong tôi còn nói với nhiều bạn "sau này Thiện Nhân làm to thì đây là tư liệu lịch sử" bây giờ bạn làm to thật, nhưng tư liệu này chắc không còn. Bạn làm to có lẽ cũng xứng đáng vì tư chất và sự phấn đấu không ngừng nghỉ với cái tâm trong sáng?
Cháu thấy có rất nhiều chú Trỗi ngày bé học giỏi, bây giờ vẫn giỏi, có tâm trong sáng, giản dị và chân tình, không riêng chỉ chú NTN. Ca ngợi chú NTN phấn đấu để đứng trong hàng ngũ Bộ Chính trị, nhất định chú KQ phải viết bài về Bộ Chính trị kèm theo nữa đi ạ !
VT bảo chú viết bài về chú N phấn đấu vào BCT thì khó quá. Chú nghĩ, chú N cố gắng học hỏi để làm việc tốt và làm việc hết mình, chứ không nghĩ phải trở thành ông nọ bà kia. "Không làm được thì tớ về đi dạy học mà", chú N bảo vậy.
Ngày dạy Bách khoa, 1993, N bỏ tiền túi sang Mỹ học. Trong wikipedia ghi:
Năm 1993, ông sang Hoa Kỳ du học chương trình Thạc sĩ Quản trị Công cộng (Master of Public Administration), chuyên ngành Tài chính công (Public Finance), tại Viện Đại học Oregon, theo chương trình học bổng Fulbright; khóa đào tạo Chuyên gia Thẩm định Dự án Đầu tư tại Viện Đại học Harvard. Quá trình du học ở nước ngoài này cùng với quá trình học tập trước đó đã giúp cho ông thu được nhiều kinh nghiệm và được đánh giá cao về kinh nghiệm quản lý kinh tế.
Nhưng không phải ai cũng đồng tình ủng hộ.
Khi đến thăm Học viện Quân y:
http://www.molisa.gov.vn/news/detail/tabid/75/newsid/51371/seo/Pho-Thu-tuong-Nguyen-Thien-Nhan-tham-Benh-vien-Quan-y-103/language/vi-VN/Default.aspx
NTN có kế hoạch đến thăm gia đình cán bộ HVQY có con là LS. NTN kể lại: Khi vào nhà, tới thắp hương, thấy trên ban thờ có cuốn SRTKL tập 2. N nghĩ ngay, vậy đây là gia đình Trỗi. N ra trò chuyện và nói với mẹ LS Nguyễn Đức Thảo k7: Cháu cũng là học sinh Trường Trỗi...
Chỉ các thầy mới tự hào, các trò không tự mãn với những gì các thầy đã trao tặng.
Cháu đọc nhiều bài trên báo liếp, nên vừa đọc lời dẫn là cháu đã nhận ra được tác giả ngay. hi:)
Chẳng bít nói j, a viết chuẩn quá...hi
Đăng nhận xét