Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

“Quyền sư” và câu chuyện giáo dục: Đọc truyện “Quyền sư” (Trần Việt Trung, NXB Trẻ, 2013)


Nếu nói về thể loại, khó có thể gọi chính xác “Quyền sư” thuộc thể loại nào. Đây là một cuốn tiểu thuyết có lớp lang, chương hồi, có nhân vật, cốt truyện. Nhưng đây cũng đồng thời là những câu chuyện cuộc đời có thật của hai vị “quyền sư” đáng kính được kể lại qua góc nhìn của tác giả -một học trò nghiêm cẩn, được may mắn tiếp xúc, gần gũi và học võ từ một trong hai vị. Trong cuốn sách vì thế mà đầy ắp những tư liệu sống động, người viết không giấu diếm cảm xúc cá nhân, đôi lúc đắm chìm với những suy tưởng riêng tư khi xây dựng hình tượng văn học trong tác phẩm. Lại nữa, nhiều người coi “Quyền sư” là một cuốn cẩm nang cung cấp những kiến thức cơ bản về võ thuật và sự tinh tế trong thuật dụng quyền và binh khí. Cũng có thể vì thế mà cuốn sách có được một sự hấp dẫn đặc biệt: vừa diễn vừa giải, vừa rành mạch giản dị lại vừa gây hồi hộp, tò mò cho người đọc. Người lớn quan tâm đến “Quyền sư” là điều dễ hiểu, nhưng cá nhân tôi cho rằng, những độc giả trẻ tuổi cũng khó có thể thờ ơ với một thế giới mới mẻ, bí ẩn mà “Quyền sư” mở ra cho họ.



Quầng sáng bung nở rộng dần…

Giọng văn “Quyền sư” điềm đạm, trong sáng, đôi chỗ hài hước nhẹ nhàng, hấp dẫn ở những câu chuyện nhân tình thế thái nho nhỏ, được kể nhẩn nha, như là tiện thể, như là không sắp xếp, kỳ thực nếu đọc một lần rồi nhìn lại thì thấy tác giả Trần Việt Trung đã rất dụng công. Những chi tiết mang tính huyền thoại xoay quanh nhân vật bí ẩn của phái võ Vịnh Xuân quyền ở Việt Nam là cụ Nguyễn Tế Công; những chiêm nghiệm thông qua cuộc đời của một trong những bậc thầy của môn phái, người mà tác giả trân trọng gọi là Thầy Ngô Sĩ Qúy; những kiến thức võ thuật đan xen những cảm xúc được thể hiện một cách tiết chế đằng sau câu chữ - tất cả đều có bố cục rõ ràng, thanh thoát và logic. Cuốn sách vì thế không đưa người đọc vào ma trận của những “chiêu thức” võ nghệ hay những tích truyện huyền bí khó lường mà như đối diện đàm tâm với ta bên một bàn trà buổi tối trăng thanh gió mát vậy. Tư duy sáng sủa và mạch văn sảng khoái trong “Quyền sư” dẫn dắt người chưa có khái niệm gì mấy về võ học hào hứng đi theo câu chuyện cuộc đời, như một người trong bóng đêm đi theo quầng sáng đèn dầu bung nở dần, mở rộng dần. Không gây chấn động, không chói lòa, thế mà đi đến cuối sách thì trí thêm sáng, tâm thêm tĩnh.

…và lấp lánh những tia sáng lôi cuốn tuổi trẻ

Đọc đến trang cuối cùng, tôi thốt hiểu vì sao, xuyên suốt thời gian đọc “Quyền sư”, tôi cứ có một sự ám ảnh rất “nghề nghiệp” là vận những câu chuyện trong cuốn sách vào việc tìm thông điệp gửi gắm đến người trẻ - đồng thời đến những nhà sư phạm, những người quan tâm đến việc xây dựng, vun đắp một thế hệ trẻ Việt Nam không chỉ có tư chất về trí tuệ mà thể chất ngày càng khỏe mạnh, dẻo dai, đủ sức đi xa.

Thật vậy. Những người trẻ tuổi đến với cuốn sách này có lẽ khó thờ ơ với những bài học mà tác giả khái quát ngắn gọn, dễ hiểu qua những câu chuyện và cả cách đặt tên từng chương, hồi của cuốn tiểu thuyết. Đó là “những đúc kết tinh túy” của bậc thầy nhà võ, thông qua việc tập luyện, dạy học, đối nhân xử thế, các chiêu thức “ứng xử giang hồ” linh hoạt khôn lường, tất cả đều dựa trên một  nền tảng: “Võ thuật cao cường, võ cách cao thượng”.

Lâu nay nhiều người lớn bày tỏ nỗi lo ngại về một thế hệ trẻ quá thực dụng, chỉ lo kiếm tiền không biết nghĩ việc lớn, thiếu niềm tin, lý tưởng, hoài bão. Cho dù lo ngại đó thực sự chưa hoàn toàn có cơ sở thì việc cổ vũ cho những ước mơ lớn lao của tuổi trẻ, thúc giục họ nghĩ rộng, nghĩ xa, nhìn ra chân trời chứ không phải với cái tôi nhỏ bé… cũng vẫn là điều cần làm và nên làm. “Quyền sư” là một trong những cuốn sách có thể giúp ta gửi đến các bạn trẻ thông điệp ấy. Những giá trị tinh thần như tình bạn, đạo thầy trò, lòng tự trọng, lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, thái độ đối với nghề nghiệp, lòng dũng cảm, sự chân thành, chia sẻ cộng đồng…và rất nhiều phẩm chất hào sảng khác cần có ở một thanh niên, thông qua cuốn sách, người đọc đều có thể nhận được và thấm thía. Thấm thía bởi cách tiếp cận rất trực diện: mỗi bài học là một câu chuyện nhỏ, có xuất xứ, có cao trào, có thắt và mở nút. Vừa rất thật, lại vừa ly kỳ, tạo cảm xúc mạnh cho tuổi trẻ. Vì thế, bài học không dễ quên. Có thể lấy rất nhiều ví dụ. Chẳng hạn, bài học “tình bạn và lòng tự hào của người Việt” qua chi tiết chiếc mũ ca-rê được đội để khẳng định dũng khí của đất nước mình và cách giải quyết tình huống đàng hoàng, kiên quyết của thầy Quý hoặc câu chuyện  “Đánh Kim vá”, kể về cuộc “thu phục” một nhân vật hung tợn của đường phố một cách ngoạn mục v.v... Những câu chuyện nho nhỏ tương tự trong “Quyền sư” có rất nhiều. Đây chính là những tia sáng lấp lánh gieo vào lòng người đọc trẻ, thậm chí nhỏ tuổi, những suy ngẫm nhẹ nhàng, không giáo điều, khuôn mẫu mà lại sâu sắc.

Đằng sau những bài học ấy, người đọc dường như nhận được một lời kêu gọi kín đáo về việc rèn luyện thể lực mà học võ là một cách. Cốt cách mạnh mẽ, tinh thần khoáng đạt – đó là những gì người trẻ cần hướng tới.

Lại ngẫm đến một thế hệ đang ngồi nhiều hơn hoạt động trong thế giới công nghệ phát triển, có lẽ thật sự cần một lần nữa đặt vấn đề rèn luyện thể chất cho phần đông thanh thiếu niên Việt Nam thông qua võ thuật. Bài toán này được đặt ra cách đây gần 40 năm, từ năm 1975, mà trong cuốn sách, tác giả Trần Việt Trung kể lại khá tỉ mỉ qua chương viết về đại hội đại biểu võ sư các môn phái bấy giờ đang “hành nghề” ở mọi miền đất nước. Với tinh thần trách nhiệm vì “nền tảng tương lai của xã hội”, vì công việc chung của đất nước, với tinh thần thượng võ, các võ sư đã tập hợp lại biểu diễn tuyệt kỹ từng môn phái, đồng thời bàn luận về phương pháp đưa võ thuật vào trường phổ thông nhằm rèn luyện thể lực cho học sinh. Giá kể bây giờ có lại một đại hội như thế hay một hướng hành động như thế vì một thế hệ trẻ Việt Nam khỏe mạnh, dẻo dai thì thật đúng lúc!

với những “bí kíp”

Trong “Quyền sư” không chỉ có những “bí kíp” về “hệ thống chiến đấu của quyền thuật, vũ khí, con đường xây dựng khí lực và linh giác” (chữ dùng của tác giả), không chỉ có “bí kíp” về đối nhân xử thế, chuyện đạo chuyện đời mà, một cách khúc chiết, tác giả còn nêu bật được các “bí kíp” giáo dục của những người Thầy đáng kính. Đó là cách mà tác giả gọi là phương pháp giáo dục “phi truyền thống” dùng cho các trường hợp cá biệt mà thầy Ngô Sỹ Quý đã dùng. Trên thực tế, đây là một trong những phương pháp kinh điển: tùy vào đối tượng mà tìm con đường tiếp cận riêng. Lấy võ thuật tạo sự tâm phục khẩu phục ở người học biết võ và mê võ cũng là một con đường vậy.

Toàn bộ phần ghi âm lời thầy Quý được trích dẫn trong phần phụ lục I là những đúc kết cô đọng và có ích cho những người theo đuổi nghề giáo. Mà thú vị hơn, đây lại là những đúc kết qua cách nói của các bậc thầy võ học: hình tượng, dễ hiểu và mới mẻ. Từ chuyện “chỉ” hay “bảo”, việc áp dụng hai mặt “tĩnh” và “động”… cho đến “tách các yếu tố để dạy” rồi tổng hợp, khái quát, đưa ra tình huống giải quyết… - tất cả đều rất khớp với các phương pháp giáo dục hiện đại mà người phương Tây vẫn nói đến. Có một lưu ý của thầy Quý khiến ta giật mình: “… đừng để sau đây 30-40 năm nữa, người nước ngoài vào dạy lại cho người Việt Nam những kiến thức của cha ông mình”. Bây giờ, điều cảnh báo này hình như ở đây đó đã thành sự thật. Và đây cũng là một trong những “vĩ thanh” day dứt để lại trong tôi khi đọc “Quyền sư”.

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh


8 nhận xét:

Nặc danh nói...

Vài lời với tác giả Quyền sư
Dành tặng lời khen cho bạn mình đâu có gì là quá? (dẫu gì bạn vẫn luôn là bạn tốt của mình) nhưng không ! vấn đề ở đây không phải vậy, lời khen tặng cho một tác phẩm mà tác giả chẳng phải là NHÀ VĂN và cũng chưa từng là một cây bút chuyên nghiệp nào hết. Bạn chỉ là một người bình dị , nhưng sao cách hành văn , lối dẫn dụ của tác phẩm lại có sức lôi cuốn kỳ tài vậy ? Mình chúa ghét sự dài dòng (nhất là trong văn chương chữ nghĩa) thế mà khi đọc QUYỀN SƯ ...với 200 trang cùng hơn 7 vạn chữ thấy vẫn ... thòm thèm !...
Hấp dẫn ,lôi cuốn ,đây ắp tính nhân văn ! Đó là tất cả nhưng gì mình cảm nhận được !
Trung ơi ,viết nữa đi , nhưng đừng trở thành nghề nhé ! hãy cứ mãi là Trung, hãy lôi hết những gì còn chất chứa ở trong đầu của cả một quãng đời từng trải để gieo vào sâu thẳm tâm can của mọi người ( bạn đọc) luôn ý thức được rằng : phải sống sao cho xứng với chữ NGƯỜI !
ND

Nặc danh nói...

ND trên chính là ông bạn Cường "hói" ở làng Trần Hưng Đạo - gần nhà ga, xa trường học(!).

Nặc danh nói...

Giao duc cho the tre ve tri thuc va the luc la vo cung can thiet. The ma o Việt Nam ta chi lo nhoi nhet kien thuc (nhung co khi la thua), con the luc thi NO. Hau qua cho ra doi nhung San Pham yeu to, coi coc, bat dung.
KQ

Nặc danh nói...

Vài suy nghĩ nhỏ
nhân đọc cuốn “Quyền sư” của tác giả Trần Việt Trung
Trước lễ Vu Lan khoảng một tuần, nhà nhà đang rục rịch chuẩn bị cho ngày lê quan trọng trong năm, cũng là lúc Nhà xuất bản Trẻ cho ra mắt cuốn “Quyền Sư” của tác giả Trần Việt Trung. Có thể coi đây là cuốn tự truyện hiếm hoi, một món quà tinh thần quý giá cho những đọc giả trọng đạo thầy nghĩa trò, say mê thể loại võ thuật, một thể loại rất gần với điện ảnh, vì ngoài nội dung tư tưởng còn phải có cả hình lẫn tiếng.
Mạch kể khi thủ thỉ như trải lòng tâm tư cùng bạn bè, người thân bên tách trà ly rượu, lúc như trao đổi chân tình về những “Quyền sư” đã khuất mà tác giả đến nay vẫn hết lòng nguỡng mộ, thành kính. Bóng hình người đã khuất trong xa thẳm, nét đẹp thanh lich của cảnh vật lẫn con người Hà nội xưa tưởng đã nhạt phai, bỗng chợt dần hiện về rõ nét qua từng trang viết của tâc giả. Đọc những trang viết thấm đẫm tình người, tình thầy trò, tinh thần thượng vó, y đức, đọc gia không khỏi có những phút băn khoăn, nao lòng, nuối tiếc khi liên tưởng tới những giá trị giáo dục, văn hoá, đạo đức hiện tại.

Nặc danh nói...

Phần đầu cuốn sách, dựa trên những thu lượm qua lời kể của cố danh sư Ngô Sỹ Quý, tác giả dành những trang viết về cụ Nguyễn Tế Công, người được coi là sư tổ một phái võ tại Viẹt Nam. Cụ là tấm gương sáng về đạo làm thầy, làm người cho lớp học trò ít ỏi, hiếm hoi, được cụ trực tiếp chọn lọc và dạy dỗ theo hoàn cảnh và năng khiếu của từng nguời.
Ở đời, ai tu luyện tới mức được 5 cái biết: biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến thì đã đạt đến cảnh giới cao nhất, vượt qua những thử thách cam go nhất, tu đã đắc đạo. Qua những mẩu chuyện về cụ Tế Công người đọc chợt nhận ra cụ đã đắc đạo. Cái hay nhất ở cụ Tế Công mà đọc giả dễ nhận ra đó là học đi với hành, võ đi liền đức, dạy theo năng lực, tính cách của từng trò hay nói khác đi là nhân sự có sàng lọc theo tiêu chuẩn: tính-tình-tài-thời.
Phần hai của cuốn sách có phần sinh động hơn, tác giả dành cho cụ Ngô Sỹ Quý, thày dạy trực tiếp mình. Cụ Quý là nguời Hà Nội gốc, sinh trưởng trong một gia đình thượng lưu của Hà Thành xưa. Thiếu thời, cụ Quý chơi vĩ cầm trong ban nhạc nhà thờ, vì vậy mới có dưyên gặp gỡ một thiếu niên đồng lưa khác, cùng sở thích âm nhạc là Cam Túc Cường, một người Hoa sống trên phố Hàng Buồm. Tình bạn Cường – Quý thắm thiết hơn khi Cường rủ Quý cùng học võ với sư phụ Tế Công của Cường. Cụ Tế Công vốn là quản gia kiêm gia sư của gia đình họ Cam. Dẫu trò cưng giới thiệu bạn, dẫu mến mộ tài năng âm nhạc của người được giới thiệu, cụ Tế Công vẫn quan sát và kiểm tra năng lực của nguời muốn học, rồi lặng lẽ nhắn qua Cường là Quý học được đấy. Rồi từ đó, nghiệp võ của cụ Quý bắt đầu theo cụ suốt quãng đời còn lại

Nặc danh nói...

Nếu khúc nhạc phổ ‘tiếu ngạo giang hồ’ đắm say lòng người là một sản phẩm của đôi bạn tri kỷ bị người đời coi là một chính một tà, thì những bản thánh ca nơi giáo đường, những tuyệt chiêu võ học đã kết nối thiếu niên hai họ Ngô-Cam, một Việt một Hoa thành đôi bạn thân từ thửa thtếu thời đến tận năm 1946 khi toàn quốc kháng chiến và cụ Quý rời Hà Nội ra nhập Việt Minh bởi lòng yêu nước.
Trong truyện, tác giả không quên viết về mối tình đầu rất dẹp, rất Hà Nội của cụ Quý. Hình như nam thanh nữ tú thủa xưa yêu khác bây giờ. Ho rung đông hơn, thuần khiết hơn, bẽn lẽn hơn và có giáo dục hơn.
Cả cuộc đời theo cách mạng của cụ Quý gắn liền với ngành giáo dục. Sau nhiều năm làm giáo viên cụ về công tác tại Vụ giáo dục-đào tạo -Bộ giáo dục, cho đến khi nghỉ hưu.
Phần đáng suy ngẫm nhất của cuốn sách lại chính là những đúc kết của cụ Quý về giáo dục. Cụ nói:
-Không phải bắt người ta tự giác mà làm cho người ta hiểu đâu là phải đâu là trái. Đâu là đúng đâu là sai.
-Nếu được giáo dục đúng sẽ có nhận thức đúng. Nhận thức về xã hội của mình, về gia đình, về bản thân mình. Cái đúng cái sai của từng phạm vi này phải rõ ràng, không bị lẫn lộn, không bị mê hoặc, đừng để cái nguỵ biện nó rũ rối. Người ta nói dối nhiều quá, thế mà vẫn tưởng là đúng. Khi hiểu thì sẽ sống văn minh trong xã hội, trong gia đình: đó là ứng xử
-Làm tướng, làm thủ lĩnh, làm người dẫn dắt thì phải vững vàng trong quan điểm nhận thức, còn không nắm cái này thì chỉ là tay sai nô lệ thôi !
-Con người phải hiểu thế giới mình đang sống đầy rẫy cái nguy hiểm đe doạ, nếu hiểu được thì sẽ lựa chọn được cách tồn tại.
-Tự nhiên, tự do không có hướng dẫn thì làm sao mà hiểu được? Cho nên phải học hành, phải có thầy, phải được chỉ bảo dẫn dắt, phải giác ngộ. Người thầy chỉ cho anh cái yêu cầu, cái đích và cách đi thẳng. người ta sẽ tránh đi đường vòng.
-Xây dựng con người thì nhớ: Đào tạo toàn diện, phải kế thừa cái cũ mới phát huy được cái mới, mang lại sự hiểu biết chắc chắn và đúng. Có như vậy người ta mới dám tự quyết và không ỷ lại. Ngày xưa người ta cũng giáo dục toàn diện chứ: Tu thân-Tề gia-Trị quốc-Bình thiên hạ. Phải kế thừa tư tưởng đó để vận dụng vào thời đại mới, rõ ràng là người xưa cũng đi theo trình tự, từ cụ thể đến trìu tượng
-Chúng ta cũng có rất nhiều cái quý, nếu không đánh giá được, đánh giá đúng nó sẽ mất dần đi, Đừng để sau đây 30-40 năm nữa, người nước ngoài vào dạy lại cho người Việt Nam chúng ta những kiến thức của cha ông chúng ta !.
Cụ còn dạy nhiều điều tâm huyết tích cóp trong những năm công tác tại Bộ giáo dục. Tất cả đều chí lý.

Nặc danh nói...

Khi chân dung quyền sư đời thứ nhất và đời thứ hai hoàn thiện, đọc giả chắc chắn sẽ thấy quyền sư thế hệ thứ ba xuất hiện…
Qua ba đời quyền sư độc giả nhận thâý rằng: Hàng vạn năm nay kể từ khi loài người xuất hiện, khi sinh ra con người luôn phải đấu tranh với thú dữ, thiên nhiên, bệnh tật và giặc ngoại xâm trong vòng đời sinh-tử. Con người có trí tuệ hơn hẳn những động vật có vú bậc cao khác được tạo hoá ban tặng cuộc sống, luôn quan sát, thu lượm, chọn lọc, đúc kết những kỹ năng sống hay nói khác đi là kỹ năng thoát hiểm, thoát chết. Võ học và y học đã ra đời như vây và nó được hoàn thiện dần, rồi được lưu và truyền từ thế hệ này sang thế hế khác. Cho tới nay những thành tựu vĩ đại nhất mà con người đạt được chỉ gói gọn trong hai lĩnh vực: quân sự và y học. Ngày nay, vấn đề đang được quan tâm nhất là y đức và võ đức. Vì chữ đức bị hiểu sai bị định nghĩa và sử sụng sai sẽ báo hại con người. Vai trò giáo dục ở đây vì vậy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Vọng đạo-Mộ đạo-Tầm sư học đạo-Hành đạo-Đắc đạo là quá trình kế tục hay nói khác đi có cái trước mới có cái sau, cái trước muốn có cái sau phải hoàn thiện mình, rất biện chứng và lô-gích. Muốn cho quá trình đó vận hành suôn sẻ lại cần đến chữ đức
Làm sao để chữ đức không làm mất đi ý nghĩa ban đầu của y và võ là cứu mình, cứu người, mang lại sự an bình cho cuộc sống của con người, vốn dĩ rất mong manh giữa trời đât bao la, an nguy khó lường trong vòng đời sinh- tử.
Chữ đức lại do người thầy, người dẫn dắt quyết định, nhân sự và giáo dục là then chốt. Không phải là nước ta không có người tốt, người tài, thời nào cũng có nhưng trải qua hàng chục năm Việt nam đã chọn lãnh đạo theo lý lịch, theo cơ cấu vì vậy ta không có cú hích nào về con người , không có những con người tạo ra thời thế, thời đại đưa đất nước này đi lên, sai thì đổ lỗi cho lãnh đạo tập thề, tốt thì vơ vào cho cá nhân, người tài giỏi phải có tố chất chứ không thể chỉ đào tạo mà có được. Nhưng ở ta tố chất đã bị chôn vùi từ cơ cấu. Trải qua hàng mấy chục năm nước ta không thể xuất hiện được những con người vĩ đại như thế hệ trước cách mạng đó là một dấu hỏi lớn cho các nhà hoạch định chính sách những người lãnh đạo đất nước và cho tất cả người việt chúng ta.

Nặc danh nói...

Bỗng dưng đọc giả như nghe thấy vọng lên từ đâu đó câu thơ của Tô Đông Pha mà tác giả đề tựa trang đầu:
Nhạn bay đến đầm lạnh, nhạn bay đi đầm không lưu lại ảnh
Gió lay thân trúc, gió tắt trúc không còn âm thanh…
Có những cái người ta lầm tưởng là có, nhưng thực ra là không hoặc chỉ là cái tạm thời, có những cái tưởng không có nhưng thực ra là đang tồn tại chẳng qua người ta không nhận ra nó mà thôi.
Đoạn kết đọc giả lại như thấy tiếng vĩ cầm của cụ Quý khi réo rắt vút cao khi trầm lắng sâu thẩm đời nguời, trên đôi cách hạc lướt nhẹ qua những đám mây hồng nơi chốn bồng lai ở một phương trời nào đó xa khuất lắm. Kề bên là cụ Tế Công và có lẽ cả Cam Túc Cường nũa. Đôi bạn thửa niên thiếu lại cùng tấu lên khúc cầm tiêu say đắm “tiếu ngạo giang hồ” và cả những bài thánh ca một thủa ở giáo đường Hà Thành.
Một cuốn sách quá hay khép lại, lòng đọc gia còn bâng khuâng…
Tháng 8.2013
Hoàng Mạc