(PetroTimes)
- Đúng 9h sáng ngày 1/11/2013, ba vị khách mời của chương trình giao lưu trực
tuyến “Sự thật của nhà ngoại cảm” đã có mặt tại tòa soạn báo Năng lượng Mới -
PetroTimes.
Nhà báo Nguyễn Như Phong - Tổng biên tập báo Năng lượng Mới tiếp
đón và giới thiệu các vị khách: "Trước hết thay mặt bạn đọc của Báo Năng
lượng Mới và trang tin nhanh điện tử PetroTimes, chúng tôi xin chân thành cảm
ơn các vị khách mời đã nhận lời tham gia buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề
“Sự thật của các nhà ngoại cảm”.
Xin phép được giới thiệu tham dự buổi giao lưu trực tuyến ngày hôm
nay có nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng; Ông Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên
hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng (UIA); Thiếu tướng Ngô Tiến Quý,
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) - người đã có nhiều năm
gắn bó với việc giám định hài cốt bằng phương pháp khoa học.
Thưa
bạn đọc, thưa các vị khách mời!
Đất nước ta trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ vĩ đại để
giành độc lập cho dân tộc và đã có hàng triệu người con ưu tú của đất nước đã
ngã xuống qua các thời kỳ của cách mạng. Việc những người hi sinh bị thất lạc
trong chiến tranh do những hoàn cảnh khách quan đem lại là điều không thể tránh
khỏi. Trong nhiều năm qua, Đảng, Chính phủ, Quân đội, Công an và nhiều ngành
nhiều cấp khác đã cố gắng tìm và quy tập hài cốt của các liệt sĩ. Tuy nhiên số
lượng hài cốt bị thất lạc vẫn còn không ít.
Trong khoảng 20 năm trở lại đây, việc tìm mộ bằng phương pháp
ngoại cảm đã phát triển rất nhanh. Bên cạnh những thành công của các nhà ngoại
cảm chân chính thì cũng có không ít những vụ việc buồn do những nhà ngoại cảm
rởm gây ra. Và thậm chí người ta còn chụp mũ cho các nhà ngoại cảm là lợi dụng
mê tín dị đoan, là bịp bợm…
Có một sự thực là không ít vụ lừa đảo của những kẻ đội lốt nhà
ngoại cảm gây ra và đã tạo nên một sự nghi ngờ trong xã hội đặc biệt là đối với
những gia đình có thân nhân đang bị thất lạc hài cốt… Hoặc đã tìm được hài cốt
rồi nhưng lại bán tín, bán nghi…
Thưa bạn đọc, và thưa các vị khách mời, trong quá trình chuẩn bị
cho buổi giao lưu này chúng tôi đã nhận được hàng trăm câu hỏi của bạn đọc gửi
về với mong muốn được các nhà ngoại cảm và những người đã tham gia trực tiếp
vào công việc tìm kiếm và giám định hài cốt trả lời. Chúng tôi tạm chia các câu
hỏi ra làm bốn nhóm vấn đề:
Vấn đề thứ nhất: Tại sao việc tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm
mới nảy sinh trong vòng 20 năm nay mà xưa kia không có? Vậy đây có phải là biểu
hiện của sự “âm thịnh dương suy” hay không? Và người ngoại cảm là người như thế
nào? Từ đâu mà họ có khả năng ngoại cảm đấy? Ngoại cảm có phải là thứ trời cho
không hay là do tu luyện mà có?
Vấn đề thứ hai: Tính chính xác của việc tìm kiếm hài cốt bằng phương pháp ngoại
cảm. Và để đảm bảo được tính chính xác đấy thì phải có những yếu tố gì?
Vấn đề thứ ba: Làm thế nào để phân biệt được nhà ngoại cảm thật, nhà ngoại cảm
chân chính với các nhà ngoại cảm rởm?
Vấn đề thứ tư: Việc tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm là phương pháp có thật đã
đạt được những hiệu quả to lớn trong việc tìm kiếm hài cốt bị thất lạc vậy có
cần phải quản lý các nhà ngoại cảm này không? Và có chế độ chính sách riêng gì
cho các nhà ngoại cảm không? Đồng thời ngoài việc tìm kiếm hài cốt có nên sử
dụng các nhà ngoại cảm vào những việc khác hay không?
Độc giả Phan Hoàng Linh (Hà Nội): Cá nhân tôi rất vui
khi được biết chị đã tham gia buổi giao lưu trực tuyến do Báo điện tử
PetroTimes tổ chức. Xin chúc chị mạnh khỏe, luôn tĩnh tâm để giúp ích được cho
cả người trên dương thế và người dưới cõi âm.
Xin phép được hỏi chị: Chị phát hiện ra
mình có khả năng ngoại cảm từ khi nào? Chị có hoảng sợ khi thấy mình có khả
năng nói chuyện được với người cõi âm hay không? Và những người thân trong gia
đình chị có lo lắng, sợ hãi khi thấy chị có khả năng siêu phàm đó không?
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng: Tôi đã gặp tai nạn, biến cố và có khả năng ngoại
cảm từ đó. Lúc đầu tôi rất sợ, trốn tránh không được, tôi hoang mang, người âm
đuổi theo nhờ cậy, không chạy được. Lúc đầu người ta bảo tôi nói gở, hồi sau
mọi người mới thấy là thật.
Độc giả Lê Thanh Huy (Bình Dương): Xin chị vui lòng cho
biết, chị đã tìm được bao nhiêu hài cốt bị thất lạc. Và độ chính xác là bao
nhiêu phần trăm?
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng: Bản thân tôi cũng không thể nhớ hết bao nhiêu
nghìn ngôi mộ. Nhưng tôi đã được 3 cơ quan: UIA, Viện Khoa học Hình sự - Bộ
Công an và Trung tâm Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống tặng gương Huyền
Thông A1000 từ năm 2000.
Tôi không tự đánh giá được mình, nhưng chủ nhiệm chương trình khảo
nghiệm đề tài tìm mộ liệt sĩ của 3 cơ quan đã đánh giá là người trong hàng ngũ
xuất sắc điển hình, khoảng 70%. Có nghĩa là trong 100 ngôi mộ tôi chịu trách
nhiệm phụ trách thì xác suất thành công là 70 ngôi, còn 30 ngôi vì những lý do
này khác, tôi chưa thành công.
Độc giả gửi từ email ngoclam@yahoo.com: Có thể tập luyện để nói
chuyện được với người cõi âm hay không?
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng: Tôi do bị tai nạn xảy biến cố mà có khả năng.
Theo tôi được biết, các bậc tu hành giác ngộ, người ta cũng có khả năng giao
lưu với thế giới vô hình. Nhưng những người này thường người ta không tham gia
vào những vấn đề xã hội.
Độc giả Nguyễn Thu Minh (thuminh@gmail.com): Thưa ông, ông có thể
cho độc giả biết thật vắn tắt lịch sử hình thành của UIA và tại sao gần đây lại
sinh ra nhiều nhà ngoại cảm đến như vậy? Phải chăng chúng ta đang ở trong giai
đoạn “âm thịnh, dương suy”? Nếu đúng như vậy thì chúng ta phải ứng xử với người
cõi âm như thế nào?
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Ngoại cảm vốn có từ xa xưa, chỉ có điều chúng ta
chưa nghiên cứu thấu đáo mà thôi: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Nhân Tông, Vũ Khắc
Minh, Vũ Khắc Trường... Còn bây giờ nhà ngoại cảm nhái rất nhiều, trên 90%. Nếu
bớt đi 90% của nhái đó đi thì tỷ lệ vẫn như xa xưa mà thôi.
Vì bạn nhìn thấy quá nhiều người tự xưng là nhà ngoại cảm nên bạn
nghĩ đó là “âm”. Chứ thực ra không phải vậy. Bao giờ âm dương cũng ở thế cân
bằng.
Từ xa xưa, ông cha ta đã có rất nhiều tôn giáo, tín ngưỡng để ứng
xử với thế giới vô hình, nhưng hiện nay nhiều người tin theo bọn “nhái” nên
sinh ra các hoạt động mê tín dị đoan.
Muốn ứng xử với người cõi âm để cho “âm siêu dương thái” thì phải
tìm hiểu và giải mã những thông điệp từ cõi giới tâm linh. Cụ thể là: Không chỉ
xây mộ to mộ đẹp, hình tướng bên ngoài là đủ mà phải làm những điều thiện, điều
công đức để hồi hướng cho hương linh liệt sĩ và hương linh gia tiên, thực hiện
những ước nguyện thiêng liêng của họ. Đó là cách ứng xử tốt nhất với người cõi
âm, đó là làm điều thiện để phát nguyện cho họ - đó gọi là âm siêu dương thái.
Độc giả có địa chỉ email tuongminh@gmail.com: Trên thế giới, hầu
như quốc gia nào cũng tồn tại khái niệm về người ở cõi âm. Đặc biệt là trong
một số tôn giáo như Phật giáo thì điều này càng rõ, đó là thể hiện trong giáo
lý nhà Phật về kiếp luân hồi. Vậy theo ông, có kiếp luân hồi hay không? Nếu có
thì chúng ta cần phải sống như thế nào để kiếp sau được tốt hơn?
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Luân hồi là 1 quy luật khách quan của vũ trụ,
bất cứ cái gì cũng có luân hồi... Tất cả đều tuân theo thuyết nhân quả luân
hồi... Vậy thì sự luân hồi của kiếp người (thế giới hữu tình) cũng chỉ là một
trong số đó.
Muốn kiếp sau tốt hơn thì kiếp này cần làm những điều thiện và cụ
thể nói một cách bóng gió là: Muốn biết mùa sau gặt cái gì thì hãy nhìn hôm nay
đang gieo cái gì!
Độc giả Tiến Nguyễn (tiennguyen@gmail.com): Thưa tiến sĩ,
là một người từng đứng đầu cơ quan Khoa học Hình sự của Bộ Công an, ông có thể
cho biết vì sao Viện Khoa học Hình sự lại là đơn vị được Chính phủ giao cho
nhiệm vụ thực hiện chương trình khảo nghiệm tìm mộ liệt sĩ thất lạc bằng các
khả năng đặc biệt? Đã có khi nào ông nghĩ đây là chuyện mê tín hay không?
Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Tiến Quý: Năm 1996, Viện Khoa học Hình sự được Hiệp hội
câu lạc bộ UNESCO Việt Nam mời tham gia "Chương trình tìm lại Nam
Cao" cùng 34 tổ chức, cơ quan khoa học khác. Đặc biệt lần đầu tiên có sự
tham gia của 7 người có khả năng đặc biệt, mà mọi người thường gọi là các nhà
ngoại cảm. Như chúng ta đều biết, chương trình này đã thành công tốt đẹp. Hài
cốt của nhà văn Nam Cao đã được đưa về Viện Khoa học Hình sự giám định và sau
đó đã chuyển địa phương và gia đình để tổ chức truy điệu và an táng bằng những
nghi lễ rất trang trọng.
Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, đã có một số nhà ngoại cảm
tham gia tìm mộ liệt sĩ, theo đánh giá là có kết quả tốt. Trong dư luận xã hội
cuối thập niên 90 có sự phân tâm rất mạnh giữa mê tín và tâm linh xung quanh
việc này. Do vậy, giữa năm 1997 các cán bộ khoa học của 3 cơ quan là Trung tâm
Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống (thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) do
GS.TSKH Phan Đăng Nhật làm Giám đốc, Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng
dụng (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học, Kỹ thuật Việt Nam) do TS Vũ Thế Khanh
làm Giám đốc và Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an, do tôi là Phó viện trưởng
đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ xin được nghiên cứu khảo nghiệm trường hợp
anh Nguyễn Văn Liên, sinh năm 1963, quê ở Tứ Kỳ, Hải Dương về khả năng tìm mộ
từ xa bằng ngoại cảm. Mục đích của nghiên cứu khảo nghiệm là xác định xem anh
Liên thực sự có khả năng tìm mộ từ xa bằng ngoại cảm hay không để báo cáo các
cơ quan quản lý Nhà nước và cũng để góp phần ổn định tâm lý xã hội.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường
(KH-CN&MT) nghiên cứu, trả lời 3 cơ quan. Bộ KH-CN&MT đã ủng hộ việc
nghiên cứu, lưu ý tránh mê tín dị đoan.
Tháng 10/1997, Bộ KH-CN&MT có công văn giao Viện Khoa học Hình
sự chủ trì phối hợp với Trung tâm Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống và UIA
tổ chức nghiên cứu.
Chúng tôi đã nghiêm túc tổ chức nghiên cứu, lựa chọn phương pháp
khảo nghiệm phù hợp, tránh mê tín, dị đoan. Với số ca khảo nghiệm và xác suất
thành công cao, kết quả nghiên cứu đã khẳng định được khả năng tìm mộ từ xa
bằng ngoại cảm của anh Nguyễn Văn Liên là có thật. Đến giữa tháng 2/1998, 3 cơ
quan đã có báo cáo kết quả nghiên cứu khảo nghiệm gửi các cơ quan quản lý, Phó
thủ tướng Chính phủ phụ trách và các cơ quan của Đảng, Nhà nước.
Ngay từ đầu chúng tôi đã ý thức là việc nghiên cứu khảo nghiệm
phải được thực hiện nghiêm túc vì vấn đề được nghiên cứu là cực kỳ nhạy cảm
trên mọi phương diện. Đúng là ranh giới giữa tâm linh và mê tín vô cùng mỏng
manh. Có người còn ví là không đủ chỗ để “cắm một cái kim”. Nhưng với phương
pháp nghiên cứu hiện đại, phù hợp, trong đó chú ý phát hiện những thông tin
mang tính cá biệt, có giá trị cao; “khách quan hóa” tối đa những thông tin do
nhà ngoại cảm cung cấp (ban đầu hoàn toàn mang tính chủ quan), xác định nhân
chứng và đặc biệt là vật chứng bằng các phương pháp giám định tối ưu của kỹ
thuật hình sự, pháp y... chúng tôi đã thu được kết quả khách quan, đáng tin cậy
và đã tránh được tất cả các yếu tố mê tín, dị đoan.
Do vậy, lãnh đạo và các cơ quan quản lý đã biểu dương, khen thưởng
các cơ quan, tập thể cán bộ nghiên cứu và sự hợp tác của nhà ngoại cảm. Đồng
thời đồng ý giao cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức
nghiên cứu tiếp.
PGS.TS Ngô Tiến Quý
Độc giả Nguyen Thi Minh
Chau (chauchau7984@gmail.com): Đầu tiên cho tôi gửi lời cảm ơn đến quý báo vì đã mở cuộc
giao lưu trực tuyến này. Quả thật những ngày qua vấn đề về nhà ngoại cảm được
dư luận hết sức quan tâm, xung quanh vấn đề này có nhiều ý kiến trái chiều. Bản
thân tôi luôn ủng hộ chị Phan Thị Bích Hằng, dù rằng chưa một lần gặp mặt. Mong
chị vượt qua dư luận và tiếp tục cống hiến khả năng của mình chị nhé.
Tôi chỉ có 2 câu hỏi thôi:
1.1 Về việc 4.000 ngôi mộ liệt sĩ tìm thấy ở Phú
Quốc, một số báo nói rằng chị không liên quan đến nhưng một số báo lại nói
rằng, việc tìm được là nhờ công của chị, mong chị giải thích rõ hơn?
2.2 Về vụ khách hàng thẩm mỹ viện bị bác sĩ ném
xác phi tang, tại sao chị không đứng ra giúp đỡ, dù rằng trong thời gian này
rất khó khăn đối với chị, nhưng nếu chị giúp tìm xác được thì theo đó khả năng
của chị sẽ minh chứng rõ hơn?
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng: Vừa qua, tôi có nghe thông tin phát trên truyền
hình tạo ra dư luận rất trái chiều, là một người đã có hơn 20 năm tận tâm tận
lực vất vả với công tác ngoại cảm. Khi nghe được những chuyện như vậy, tôi vô
cùng phiền não nhưng nhớ lại lần tìm liệt sĩ ở Phú Quốc, bao nhiêu nghìn liệt
sĩ bị tra tấn, bao nhiêu người bị đóng đinh vào đầu ngón tay tóe máu. Tôi mới
thấy rằng đau khổ của các liệt sĩ vô cùng tận.
Lúc đầu tôi cũng nghĩ, mình tìm được hàng ngàn, hàng vạn ngôi mộ
tôi tìm thấy, với khối lượng công việc như vậy mà bị hoài nghi, tôi cũng thấy
tủi thân.
Nhưng khi nghĩ đến những đau khổ của các liệt sĩ mà mình kể công
thì cũng hổ thẹn vô cùng. Sau đấy tôi cũng không thấy buồn nữa.
Với câu hỏi thứ hai, đây không phải là lúc tôi chứng minh năng lực
của mình, trong 20 năm qua đã có cơ quan khảo nghiệm khoa học, có gia đình các
liệt sĩ, có hương linh các liệt sĩ chứng minh cho năng lực của tôi.
Nhà ngoại cảm chỉ làm được khi trạng thái tâm lý thoải mái nhất và
sức khỏe tốt nhất.
Nếu là bạn, trong lúc bạn bị ném đá dữ dội, bạn có làm gì được
không, nhất là với tôi, làm việc bằng khả năng đặc biệt cần sự tĩnh tâm rất
cao.
Độc giả Nguyen Xuan
Phuong (phuongxl@yahoo.com): Xin chào và cảm ơn báo điện tử Petrotimes
đã tổ chức cuộc giao lưu này. Tôi là Nguyễn Xuân Phương, thạc sỹ kỹ
thuật tự động điều khiển. Tôi là người rất tin và mong tìm hiểu
những gì trong "thế giới không nhìn thấy" của cô Bích Hằng.
Thời gian qua, các báo chí, cơ quan, cá
nhân có nói đến hiện tượng nhà ngoại cảm tự xưng và làm điều sai
trái, như "cậu Thủy" vừa bị bắt... Xin cô cho ý kiến về việc
có thể có sự tham gia của các vong linh bị “cậu Thủy” lừa đảo để
trừng phạt hắn hay không? Bởi vì theo những điều cô đã nói về vong
linh hài nhi thì các vong linh rất hiện hữu và theo dõi được những
gì dương thế đang làm?
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng: Bất kể ai chứ không cứ gì cậu Thủy, theo giáo lý
đạo Phật, làm điều gì sai trái, gian trá, lừa đảo, đổi trắng thay đen trước sau
gì cũng bị trừng trị. Chỉ có điều là sớm hay muộn mà thôi.
Độc giả Lê Minh Anh (Đống Đa, Hà Nội): Ông có nghĩ rằng, chúng ta cần phải tập
hợp các nhà ngoại cảm lại để ngoài việc tìm kiếm hài cốt bị thất lạc còn có thể
làm được những việc khác? Ví dụ: Thăm dò tìm kiếm khoáng sản; tìm mỏ dầu… Và
hiện nay những người dân có nhu cầu tìm hài cốt thất lạc đang bị lừa rất nhiều,
vậy họ cần phải tìm đến đâu để có thể tin tưởng được?
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Khả năng ngoại cảm là 1 vốn quý không phải ai
cũng có được, do vậy, phải trân trọng giữ gìn và sử dụng một cách hợp lý. Việc
dùng ngoại cảm tìm mộ chỉ là một khả năng ứng dụng, còn nhiều lĩnh vực ứng dụng
khác, ví dụ như tìm hung thủ gây ra tội phạm hình sự, xác minh vật đã mất và
góp phần rất nhiều trong công tác dự báo... tùy theo khả năng của mỗi nhà ngoại
cảm. Nhưng muốn ngoại cảm trong sáng và hiệu quả thì phải nhổ bỏ những ngoại
cảm giả, ngoại cảm nhái thì ngoại cảm chân chính mới có cơ hội phát triển.
Việc dùng ngoại cảm tìm khoáng sản, dầu mỏ cũng chỉ là một ứng dụng,
vì khả năng ngoại cảm cũng chỉ là bài toán gần đúng mà thôi. Tránh để cho những
kẻ tham lam lợi dụng khả năng này để mưu lợi bất chính.
Cần phải có những biện pháp quản lý các nhà ngoại cảm để sử dụng
có hiệu quả, tránh để hoạt động lan man, vô tổ chức. Cần tìm đến các cơ quan
quản lý các nhà ngoại cảm như Viện Khoa học Hình sự, UIA, Trung tâm Bảo trợ văn
hóa kỹ thuật truyền thống để phối hợp thực hiện. Như thế thì mới tránh được sai
sót.
Độc giả Nguyễn Thị Phương Thảo (Ninh Bình): Theo ông, nhà ngoại cảm
có khả năng thật sự và nhà ngoại cảm rởm khác nhau lớn nhất ở điểm nào?
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Nhà ngoại cảm rởm không có khả năng gì đặc biệt
nhưng lại có hành vi lừa đảo để kiếm tiền trên lòng tin của người khác.
Nhà ngoại cảm thật là người có thể nối dài các giác quan của mình
so với người bình thường, nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy những điều mà người
thường không thể với tới được.
PGS.TS Ngô Tiến Quý trả
lời câu hỏi của độc giả.
Độc giả Lan Trần (tranlan@yahoo.com): Theo tiến sĩ,
để giám định hài cốt một cách chính xác thì cần phải có những yếu tố gì và quy
trình ra sao? Hiện nay cơ quan giám định nào là có uy tín nhất, có độ tin cậy
cao nhất?
Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Tiến Quý: Giám định hài cốt phụ thuộc vào rất nhiều yếu
tố, trước hết là sự phân hủy của hài cốt do tác động của môi trường (các chất
axit, kiềm, các vi sinh vật...). Nếu hài cốt còn nguyên vẹn thì có thể tiến
hành nghiên cứu hình thái xương (Morphologic Analyse), giám định những di vật
được chôn cùng tử thi và cuối cùng là thường phải giám định hệ gen ty thể, bởi
giám định gen ty thể cho kết quả chính xác cao nhất. Vì gen ty thể được truyền
theo dòng mẹ, nên mẫu so sánh (thường là máu) phải thu của thân nhân là những
người theo dòng mẹ (bà ngoại, mẹ, chị em gái của mẹ, các con gái của họ...).
Quy trình giám định gen rất khắt khe, đòi hỏi phải có phòng thí
nghiệm có đủ trang bị kỹ thuật hiện đại theo chuẩn quốc tế và cán bộ chuyên môn
được đào tạo chuyên sâu.
Trước hết, phải thu được mẫu xương đủ chất lượng (1-2 răng hoặc
mảnh xương đùi, cánh tay, bả vai). Các mẫu được làm sạch và nghiền thành bột
trong nitơ lỏng, rồi ngâm trong hóa chất đặc biệt. Tiếp theo là công đoạn tách
chiết, công đoạn nhân bản và giải trình tự gen. Những công đoạn này do máy tự
động thực hiện trong môi trường vô trùng. Và cuối cùng một phần mềm máy tính
thực hiện việc so sánh trình tự gen của hài cốt với trình tự gen mẫu của thân
nhân.
Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều phòng thí nghiệm giám định gen,
nhưng mục đích hoạt động không giống nhau nên việc đầu tư máy móc kỹ thuật và
cán bộ chuyên môn cũng có những sự khác biệt nhau.
Ví dụ, Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Kỹ
thuật Việt Nam là cơ quan nghiên cứu và ứng dụng tầm quốc gia nên trang bị hiện
đại và có nhiều cán bộ khoa học; Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an là cơ quan
giám định tư pháp về gen đáp ứng hầu như tất cả các yêu cầu điều tra, truy tố,
xét xử tội phạm cũng như các vi phạm pháp luật khác nên đã triển khai phòng thí
nghiệm giám định gen hiện đại vào loại sớm nhất trong cả nước (từ năm 1999),
nay đã triển khai giám định gen cả ở Phân viện Đà Nẵng và Phân viện thành phố
Hồ Chí Minh.
Viện Khoa học Hình sự có đội ngũ cán bộ chuyên môn đông đảo, được
đào tạo cơ bản và có nhiều kinh nghiệm lại thường xuyên hợp tác với các phòng
thí nghiệm trong khu vực và quốc tế trong điều tra tội phạm với tư cách là
thành viên chính thức của Hiệp hội Giám định Tư pháp; một số bệnh viện cũng đã
triển khai giám định gen phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân...
Độc giả Trần Văn Thạo, Thái Bình (vanthaotran@gmail.com): Thưa Thiếu tướng,
lực lượng cảnh sát hình sự có bao giờ “nhờ” các nhà ngoại cảm chân chính giúp
cho việc phá án không ạ?
Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Tiến Quý: Trong công tác điều tra, xác định sự thật của
các vụ án, lực lượng cảnh sát điều tra phải phát hiện thu thập và sử dụng rất
nhiều các loại thông tin khác nhau, trong đó có thể có những thông tin do các
nhà ngoại cảm cung cấp. Tuy nhiên, những thông tin này chỉ được coi là chứng cứ
khi được thu thập theo đúng trình tự thủ tục, pháp luật tố tụng hình sự quy
định và phải được chứng minh là có thật. Nếu thông tin mà nhà ngoại cảm cung
cấp sau đó được chứng minh bằng giám định hình sự, pháp y hoặc các loại hình
giám định khác thì có thể được sử dụng làm chứng cứ, phục vụ cho công tác điều
tra, phá án.
Độc giả Vũ Gia Minh (Tuyên Quang): Cảm xúc của chị như
thế nào trong mấy ngày qua?
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng: Tôi thấy rất phiền não và cũng tương đối căng
thẳng bởi vì có quá nhiều cuộc nhắn tin và điện thoại gọi đến hỏi thăm.
Độc giả Lưu Văn Bổng (Phú Yên): Chị có phản ứng như
thế nào về những cáo buộc của BTV Thu Uyên trên VTV về chị? Tại sao chị im lặng
không có bất kỳ lời giải thích nào? Chị có giải thích gì về trường hợp tìm thủ
cấp của liệt sĩ Phùng Chí Kiên?
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng: Lúc đầu tôi có hơi bị sốc nhưng sau đó bình tĩnh
lại, tôi nhận thấy không cần thiết phải nói. Thực chất BTV Thu Uyên chỉ đưa một
trường hợp của tôi ra để viện dẫn chứ không cáo buộc. Là do dư luận chưa hiểu
thấu đáo bản chất của vấn đề chương trình muốn đưa ra. Thật lòng, tôi rất phẫn
nộ trước việc làm của Nguyễn Thanh Thúy nên cũng rất ủng hộ chị Thu Uyên.
Khi chương trình phát xong, tôi vẫn đi mua sắm, đóng gói hàng cứu
trợ để chuyển cho nhóm từ thiện Sen Xanh mang tặng đồng bào Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Do báo chí đưa thông tin giật tít theo hiệu ứng đám đông nên mới
gây làn sóng dư luận trong ngày qua. Tôi không giải thích vì không có lời giải
thích nào bằng chính những việc làm của tôi trong hơn 20 năm qua.
Về trường hợp của liệt sĩ Phùng Chí Kiên, tôi nhận lời đề nghị của
các bác đồng đội liệt sĩ Phùng Chí Kiên đi tìm thủ cấp của bác ấy. Cảm động
trước nghĩa tình đồng đội, nhận thấy đây cũng là sứ mạng thiêng liêng được giao
phó, tôi đã làm bằng tất cả khả năng của mình với sự cố gắng cao nhất. Tôi đã
tìm đến vị trí cuối cùng theo chỉ dẫn tâm linh của liệt sĩ Phùng Chí Kiên. Sau
đó, việc khai quật, cất bốc liệt sĩ do gia đình và các cơ quan chức năng đảm
nhiệm, tôi không tham gia công đoạn này.
Độc giả Phong Doan (dongvanchi65@gmail.com): Tôi là một cựu chiến binh chống Mỹ xin được
hỏi: 1)
Linh hồn là gì? vong là gì? 2) Theo đạo Phật, vong người chết cùng lắm 49
ngày sẽ đầu thai theo luật nhân quả; theo đạo Thiên Chúa, vong người chết sẽ về
nước chúa hoặc sa hỏa ngục. Vậy các nhà ngoại cảm giao tiếp với vong nào?
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh: Linh hồn là một trong những cách gọi để chỉ một
phần vật chất mà khi đã chết thì phần vật chất vô hình thoát ra khỏi xác đi
trong không gian. Có thể gọi dưới nhiều tên khác nhau: Ma, cô hồn, vong, hương
linh, anh linh, giác linh... còn bình thường trong đạo Phật gọi chung là thần
thức.
Ví dụ một cách cho dễ hình dung: ví như thể xác là xe, linh hồn là
người lái xe. Khi người chết cũng như xe chết máy, người lái xe ra khỏi xe, hồn
ra khỏi xác. Thần thức luân hồi, người lái xe có thể lái xe khác.
Nếu viết ra ở đây thì rất dài. Có thể hình dung thế này, sau 49
ngày chỉ là “có thể” được đầu thai. “Có thể” là còn tùy theo duyên, đủ duyên
thì mới được đi đầu thai trong lục đạo luân hồi. Phật cũng không nói là 49 ngày
là theo hệ quy chiếu của cõi giới nào: thời gian của cõi Ta Bà Dục Giới, cõi
Tiên hay các cõi giới khác...
Chúng tôi đã giao lưu với nhiều linh hồn theo đạo Thiên Chúa, họ
nói rằng: Phải làm đúng những điều Chúa dạy thì mới đủ tiêu chuẩn lên thiên
đàng. Nếu mọi chúng sinh còn đầy tội lỗi, xấu xa, lừa đảo, tham nhũng... mà
cũng được lên thiên đàng thì thiên đàng là bãi rác của trần gian hay sao.
Nhà ngoại cảm giao tiếp với vong khi vong còn ở thân Trung ấm,
chưa đầu thai, chưa tái sinh vào các cõi giới khác...
Chị Lê Thị Loan Anh, quận Ngô Quyền, Hải Phòng
(mechip_tho@yahoo.com): Thưa Thiếu tướng Ngô Tiến Quý, theo luật pháp, nhà ngoại cảm
“rởm” đem xương động vật để làm giả hài cốt liệt sĩ sẽ bị xét xử theo tội danh
gì?
Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Tiến Quý: Theo Điều 139, Bộ luật Hình sự năm 2009, hành vi
trên đã phạm vào tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Lê Hòa Đàn, Vũng Tàu (danhoale902@yahoo.com): Với trường hợp xét
nghiệm ADN thì không đúng nhưng di vật (bi đông, lọ penicilin) lại ghi danh
liệt sĩ sẽ phải xử lý như thế nào thưa ông?
Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Tiến Quý: Trường hợp tìm hài cốt phát hiện được những vật
như bi đông, lọ penicilin hay những vật ghi danh liệt sĩ thì phải giám định xem
đây có đúng là những di vật được chôn cùng với hài cốt hay không.
Đã có những trường hợp ghi danh liệt sĩ nhưng không phải được chôn
cùng hài cốt (trong những vụ lừa đảo). Viện Khoa học Hình sự đã từng phải giám
định chữ viết ở trên tờ giấy ghi danh liệt sĩ xem được viết từ bao giờ hoặc
giám định xem là giấy mới hay giấy cũ. Hoặc có trường hợp chữ được viết bằng
bút bi mà khi liệt sĩ hy sinh thì không có loại bút này, hoặc là giấy mới được
sản xuất.
Thậm chí, có trường hợp chúng tôi còn xác định được chữ viết là
chữ của nhà ngoại cảm “rởm” hoặc là chữ viết của một người nào giúp việc cho
nhà ngoại cảm “rởm” như lái xe, vệ sĩ, thậm chí cả người thân của họ - những
người không tham gia vào việc đi tìm mộ ở hiện trường.
Độc giả Đặng Bích Nga (Phúc Yên, Vĩnh Phúc): Chị có khả năng ngoại
cảm từ bao giờ? Chị có nhớ chị đã tìm được bao nhiêu hài cốt? Chị có cảm thấy
may mắn khi có khả năng đặc biệt không?
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng: Tôi bắt đầu có khả năng đặc biệt từ năm tôi 17
tuổi. Số lượng hài cốt tôi tìm được trong hơn 20 năm qua chắc cũng tới con số
hàng ngàn, nhân dân có, liệt sĩ có.
Thú thực tôi cũng không sung sướng gì khi có khả năng này. Sự đặc
biệt đó đã khiến tôi phải chịu rất nhiều thiệt thòi, hy sinh, nếm trải quá
nhiều đắng cay, gian khổ. Mà không chỉ riêng tôi, những người thân của tôi cũng
phải chịu những thiệt thòi, hy sinh, đặc biệt là hai đứa con nhỏ. Rất nhiều lần
tôi mong muốn khả năng đó mất đi để tôi có được cuộc sống bình thường, có lúc
tôi đã tự bứt khỏi công việc này, nhưng rồi tôi cứ bị giục giã, thôi thúc buộc
phải làm như một sứ mạng không thể chối từ.
2 năm gần đây, tôi quyết tâm dành nhiều thời gian hơn cho chồng và
cho con. Khi được cùng con đi chơi, dạy cho con tập xe đạp thì tôi chợt nhận ra
rằng "làm một người phụ nữ bình thường thật thú vị".
Độc giả Hồng Thắm Nguyễn
(Email: thamnh95@gmail.com): Hoạt động ngoại cảm cho tới nay còn nhiều “ẩn số”. Năng
lực ngoại cảm có thật hay không, đối với đa phần các nhà khoa học trên thế giới
là một điều cần phải kiểm chứng. Khi mà sự đúng đắn của ngoại cảm còn gây “nghi
ngờ” thì những hành vi ngoại cảm giả mạo đã được lật tẩy ở quá nhiều nơi, quá
nhiều lần. Để khẳng định tính “chính danh” của Trung tâm UIA, cũng như năng lực
thấu thị, ngoại cảm của các nhà ngoại cảm mà UIA cấp bằng chứng nhận, ông và
trung tâm UIA có sẵn lòng tiến hành các thử nghiệm một cách khoa học thực
nghiệm, có sự chứng kiến của cả những người xưa nay nghi ngờ hoạt động ngoại
cảm không tiến sĩ? Chẳng hạn phương pháp đoán đồ vật bị giấu kín, miêu tả đường
đi, cấu trúc một khu vực nào đó trên trái đất?
TS Vũ Thế Khanh: Năng lực ngoại cảm đã được khẳng định từ năm
1997 khi Chính phủ và Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trực tiếp giao nhiệm
vụ khảo nghiệm khả năng đặc biệt cho 3 cơ quan: Viện Khoa học Hình sự (lúc đó là
Bộ Nội vụ và giờ là Bộ Công an), Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng
(UIA) và Trung tâm Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống (thuộc Hội Khoa học
Lịch sử). Trong đề tài này, nhiệm vụ phải trả lời cho Chính phủ và các cơ quan
chức năng của Chính phủ là năng lực ngoại cảm có thật hay không? Nếu không thật
thì phải kiến nghị với các cơ quan chức năng xóa bỏ hình thái này ra khỏi đời
sống văn hóa của nhân dân. Nếu như có thật thì phải tìm ra những điểm tích cực
cũng như những điểm còn hạn chế của phương pháp và tiến tới nghiên cứu giai
đoạn 2.
Lúc đó, Chính phủ đã giao cho Viện Khoa học Hình sự làm chủ nhiệm
đề tài, còn UIA và Trung tâm Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống làm phó chủ
nhiệm đề tài và phải thực hiện kiểm định ít nhất là 100 ca để lấy tỉ lệ xác
suất. Trong quá trình khảo nghiệm, một công đôi việc thì tiến hành luôn việc
tìm mộ liệt sĩ thất lạc, phục vụ chương trình “Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ
nguồn”.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, với thời gian 6 tháng đã có
trên 3.000 gia đình liệt sĩ đăng ký và chúng tôi đã khảo nghiệm được gần 1.000
ca và cho xác suất số ca thành công là 70% và số ca chưa thành công là 30%. Các
hồ sơ khảo nghiệm đều được ghi chép, thống kê và đánh giá theo ngôn ngữ của
khoa học hình sự. Hồ sơ nghiệm thu cũng được báo cáo với Chính phủ và cơ quan
chức năng và đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá rất cao, đây là kết quả kiểm
chứng theo ngôn ngữ của khoa học hiện đại, Chính phủ và các cơ quan Bộ, ban,
ngành cũng đã tuyên dương, khen thưởng đối với những kết quả này của ba cơ
quan.
Những hồ sơ khảo nghiệm của các giai đoạn đều đang được lưu trữ
tại 3 cơ quan thực hiện đề tài (có những hồ sơ hiện vẫn đang được bảo mật). Vậy
nên, nếu bạn đọc nào nghi ngờ kết quả thì có thể mang giấy giới thiệu đến UIA,
Viện Khoa học Hình sự và Trung tâm Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống để đọc
hồ sơ.
Ba cơ quan này cũng chưa bao giờ cấp giấy chứng nhận cho bất kỳ
nhà ngoại cảm nào mà chỉ có quyết định lập Hội đồng nghiên cứu cho từng đối
tượng xin đăng ký khảo nghiệm và phải khảo nghiệm tại cơ quan chứ không khảo
nghiệm tại nhà riêng. Nó giống như việc đăng ký thi đại học và nếu trường hợp
nào không đáp ứng được yêu cầu sơ khảo thì sẽ bị loại ngay từ vòng đầu. Nếu
những cá nhân có tín hiệu tích cực thì Hội đồng khoa học mới được thành lập và
phải thực hiện ít nhất 100 ca.
Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu của chúng tôi đều có sự hỗ trợ
của các thiết bị máy móc thuộc Viện Khoa học Hình sự. Và hiện nay, Viện Khoa
học Hình sự cũng đang được đánh giá là một trong những viện có thiết bị hiện
đại bậc nhất Đông Nam Á.
Về phương pháp đoán đồ vật, giấu kín, miêu tả đường đi... thì đây
chỉ là một quy trình rất nhỏ và đơn giản trong quá trình tìm đến mộ liệt sĩ
hoặc người mất tích. Chúng tôi cũng đã có nhiều kết quả sâu hơn, thậm chí là
vượt cả thời gian, không gian ví dụ như đã tìm những ngôi mộ cách đây hàng trăm
năm hoặc đã tìm được những ngôi mộ ở tận Vân Nam (Trung Quốc), Lào,
Campuchia... và đặc biệt đã tìm được những anh em thất lạc trên 60 năm nay (mặc
dù đã thay tên đổi họ) mà giám định gen đã cho kết quả chuẩn xác.
Độc giả Phạm Minh Chính (Bắc Ninh): Theo tiến sĩ,
Chính phủ có cần quản lý hoạt động của các nhà ngoại cảm hay không? Nếu bây giờ
đặt ra vấn đề là cấp thẻ hành nghề cho các nhà ngoại cảm thì ông thấy thế nào?
Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Tiến Quý: Thời gian qua và ngay cả hiện nay có quá nhiều
người tự xưng rồi lại được một bộ phận nhân dân "suy tôn" là nhà
ngoại cảm. Rồi rất nhiều các trung tâm ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ mọc lên. Tôi
không có số liệu thống kê chính xác nhưng chắc chắn tỉ lệ những nhà ngoại cảm
"rởm" là cực kỳ cao. Người Việt có một nét văn hóa vô cùng đáng trân
trọng là người sống luôn nhớ đến thân nhân đã chết, lo cho ngày giỗ, kỵ, lo cho
mồ yên mả đẹp... Do vậy, trong khoảng 20 năm qua, việc tìm kiếm hài cốt liệt
sĩ, hài cốt thân nhân bị thất lạc đã trở thành một nhu cầu mang tính xã hội rất
rộng. Và cũng trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều nhà ngoại cảm có khả năng
tìm hài cốt.
Qua nghiên cứu của chúng tôi suốt hơn 20 năm qua, cũng như nhiều
nhà khoa học khác thì chúng ta không thể phủ nhận được rằng, có những người có
khả năng đặc biệt, trong đó có các nhà ngoại cảm. Nhưng tình trạng lộn xộn như
hiện nay thì không thể chấp nhận được. Vấn đề đặt ra là phải quản lý thật chặt
chẽ việc áp dụng ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ.
Chúng tôi đề nghị phải có những tổ chức có đủ năng lực để kiểm
tra, xác định xem họ có năng lực ngoại cảm hay không (việc này không khó). Tiếp
theo, nếu có khả năng ngoại cảm thì xác định thiên về hướng nào, cao hay thấp,
cao đến mức nào... Việc định lượng là tương đối khó và phải khảo nghiệm rất cụ
thể và liên tục vì đến nay chúng ta chưa biết cơ chế tiếp cận thông tin của nhà
ngoại cảm và vì ngay nhà ngoại cảm có năng lực tốt cũng không biết có khi nào
đó mình đưa ra thông tin sai.
Theo tôi không nên coi hoạt động ngoại cảm là một nghề để rồi cấp
thẻ cho người tự xưng là nhà ngoại cảm hoạt động. Nhưng cần phải trân trọng khả
năng đặc biệt này để có biện pháp sử dụng phù hợp phục vụ yêu cầu xã hội, tránh
lãng phí chất xám. Riêng trong việc tìm mộ, nếu có nhiều thông tin, chứng cứ
vật chất tin cậy trong vụ việc cụ thể thì có thể không cần giám định gen (để đỡ
tốn kém). Còn lại tất cả các trường hợp khác đều phải giám định gen thì mới đủ
độ tin cậy.
Cuối cùng, chúng tôi xin đề xuất cụ thể thế này:
1. Cơ quan có thẩm quyền quản lý Nhà nước nhanh chóng có văn bản
nghiêm cấm việc tổ chức hành nghề ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ cũng như với những
động cơ khác, đặc biệt là liên quan đến chính trị. Cần đưa ra chế tài từ xử lý
hành chính, đến bắt buộc chữa bệnh (có nhiều người mắc bệnh tâm thần hoang
tưởng), xử lý hình sự (tội lừa đảo, gây rối trật tự...).
2. Với những người được cơ quan khoa học xác định có khả năng
ngoại cảm thông qua kết quả khảo nghiệm nghiêm túc (có hồ sơ đầy đủ để có thể
kiểm tra, giám sát) cần được các cơ quan này quản lý, sử dụng tiếp vào việc tìm
hài cốt liệt sĩ ở giai đoạn đầu. Đặt vấn đề quản lý vì phải thường xuyên giám
sát, kịp thời phát hiện thông tin thiếu chính xác (vì ngay nhà ngoại cảm cũng
không biết) để có hướng đi tiếp phù hợp, tránh sai sót, tốn kém tiền của của
nhân dân.
Các cơ quan khoa học hỗ trợ gia đình đi tìm hài cốt liệt sĩ trong
nghiên cứu, đánh giá thông tin để quyết định các bước tiếp theo. Người đi tìm
hài cốt liệt sĩ cần luôn tỉnh táo khi tiếp nhận và xử lý thông tin do nhà ngoại
cảm cung cấp. Chỉ nên thu một khoản kinh phí nhỏ để bồi dưỡng cho nhà ngoại
cảm, cán bộ chuyên môn tư vấn, còn việc đi tìm hài cốt do gia đình tự trang
trải.
3. Cần thống kê và công bố rộng rãi các phòng thí nghiệm giám định
gen có đủ năng lực giám định gen ty thể để Nhà nước giao nhiệm vụ và nhân dân
biết khi có nhu cầu. Chúng tôi cũng đã nghĩ đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu
(ngân hàng) gen các thân nhân liệt sĩ để tra cứu trong giám định, nhưng sẽ rất
tốn kém vì số lượng liệt sĩ chưa xác định được danh tính rất lớn. Trước mắt, cứ
trường hợp nào có nhu cầu thì phân tích gen, rồi lưu lại bằng một phần mềm máy
tính, có sự kết nối giữa tất cả các phòng thí nghiệm để cùng khai thác. Nhà
nước nên có hỗ trợ cho các gia đình liệt sĩ khoản kinh phí nhất định vì giám
định gen tương đối tốn kém.
Độc giả Thảo Nguyễn (thaonguyenvan@gmail.com): Thưa Thiếu tướng,
trước vụ bắt “cậu” Thủy, lực lượng cảnh sát hình sự đã bao giờ “quan tâm” đến
hoạt động rầm rộ của các nhà ngoại cảm để xác minh thật/giả hay chưa?
Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Tiến Quý: Tôi tin là với trách nhiệm bảo vệ an ninh trật
tự, công an ở các đơn vị hình sự địa phương chắc chắn đã quan tâm tới các hoạt
động của các trung tâm ngoại cảm tìm mộ tự phát mọc lên. Tuy nhiên, về mặt Nhà
nước, chúng ta chưa có những quy định cụ thể để xử lý những việc làm mang tính
lừa đảo hoặc giả danh nhà ngoại cảm… Chỉ khi những trường hợp như đối tượng
Thủy có dấu hiệu phạm tội thì cơ quan điều tra mới bắt đầu vào cuộc, tức là
khởi tố và bắt bị can.
Độc giả Phạm Hoài Nam (Quảng Trị): Thưa bà, trong số hàng
nghìn hài cột liệt sĩ mà bà đã tìm được (từ khắp mọi miền đất nước như báo chí
đã nêu) bà có đủ dũng cảm khẳng định những bộ hài cốt đó là tên tuổi thật, hay
cũng chỉ là xác suất phần trăm. Trước vong linh các anh hùng liệt sĩ, bà có thể
nói một lời hứa danh dự với những gia đình thân nhân mà mình đã được mời gọi đi
tìm mộ?
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng: Việc tìm hàng ngàn hài cốt liệt sĩ trong những
năm qua, tôi đã làm bằng tất cả tấm lòng tri ân của mình, với cái tâm hoàn toàn
trong sáng. Kết quả đã được trả lời bằng những kết quả giám định của các cơ
quan chức năng. Tôi xin đơn cử một số trường hợp như việc tìm hài cốt nhà văn
Nam Cao, hài cốt lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, hài cốt nhà yêu nước cách mạng Hồ
Ngọc Lân, anh hùng lực lượng vũ trang Đậu Văn Ngôn… đều có kết quả giám định
ADN khẳng định là đúng.
Nhà ngoại cảm Phan Thị
Bích Hằng trả lời câu hỏi của độc giả.
Độc giả Lưu Hoàng Yến (Hải Dương): Theo cháu được
biết, có khả năng đặc biệt là có thể nói chuyện được với người âm. Vậy cô có
thể cho cháu biết cuộc sống ở cõi âm có giống với cuộc sống trên trần gian
không? Nếu khác thì khác nhau về những cái gì? Cô đã tham gia tìm bao nhiêu hài
cốt liệt sĩ? Và đã chính xác được bao nhiêu phần trăm?
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng: Cô cũng chưa bao giờ nhìn thấy cuộc sống ở dưới
âm. Cô chỉ được gặp linh hồn của họ, trong quá trình gặp gỡ, cô nhận thấy họ
cũng có cảm xúc vui, buồn, yêu, ghét như những người trên trần gian.
Cô đã tham gia tìm rất nhiều hài cốt trong thời gian khá dài. Có
cơ quan khảo cứu khoa học đã ghi chép tổng hợp, đánh giá tỉ lệ chính xác tùy
từng thời điểm. Có thời điểm cao nhất theo kết luận của cơ quan khoa học là
75%.
Độc giả Lê Tuấn Anh (tuananh0169@gmail.com): Thưa chị Phan Thị Bích Hằng, được biết chị
đã xin nghỉ không tìm mộ liệt sĩ bằng khả năng ngoại cảm từ năm 2009 vì lý do
riêng. Vậy có phải là do khả năng ngoại cảm của chị đã thuyên giảm, không còn
chính xác nên chị xin thôi? Có thông tin cho rằng, sau khi tuyên bố nghỉ, theo
nhu cầu của một số gia đình, chị vẫn tiếp tục tiến hành một số ca tìm mộ liệt
sĩ thất lạc, vậy có đúng không?
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng: Là một người phụ nữ, tôi rất muốn có một cuộc
sống như bao phụ nữ bình thường khác. Nhưng dường như tâm linh đã trao cho tôi
sứ mệnh đặc biệt, cho nên trách nhiệm của tôi là phải làm tròn sứ mệnh đó.
Độc giả Hồng Thắm (thamnh95@gmail.com): Việc ông và
Trung tâm UIA dễ dãi đặt lòng tin vào những hành vi có tính tà thuật như vậy,
không cần thông qua tái kiểm nghiệm khoa học thì cho dù chỉ là phương pháp chỉ
báo, chỉ thị, cũng thấy quá khó để tin rằng, UIA đang kiểm soát mọi
hoạt động của mình và các thành viên bằng sự thận trọng của nhà khoa học thực
sự. Phải chăng UIA cũng đang hoạt động dựa trên các tiên đề niềm tin về tâm
linh? Chứ không phải dựa trên các khảo sát bằng khoa học thực nghiệm?
TS Vũ Thế Khanh: Bạn nói rằng, “UIA dễ dãi đặt lòng tin vào hành
vi có tính tà thuật” thì đó chỉ là suy nghĩ cảm tính của riêng của những người
chưa được tiếp xúc với hội đồng khảo nghiệm. Nếu như chúng tôi dễ dãi thì làm
sao UIA có thể phát hiện ra trên 90% những kẻ giả danh nhà ngoại cảm và lừa
đảo. Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng
và đặc biệt là trên trang web uia.com.vn. Nếu cần, bạn có thể vào đó tham khảo.
Các kết quả công bố của UIA là thay mặt 3 cơ quan cùng chung nhiệm
vụ khảo nghiệm. Và kết quả này không dựa trên niềm tin mà dựa trên bằng chứng
của khoa học hình sự. Hiện nay, như tôi đã nói, các hồ sơ mà UIA và cơ quan
hình sự đã tiến hành đều được lưu trữ với nhân chứng, vật chứng rõ ràng, thậm
chí cả hồ sơ giám định của nhiều cơ quan khác. Có lẽ bạn đã đánh đồng những kẻ
ngoại cảm giả mạo với các nhà ngoại thực thụ thuộc 3 cơ quan quản lý.
Hiện nay trong trang web uia.com.vn, chúng tôi có thông báo những
nhà ngoại cảm điển hình, còn những người không có tên trong đó thì không thể
cho rằng là “những nhà ngoại cảm” do 3 cơ quan quản lý.
Độc giả Đỗ Thùy Dương (thuyduong67@gmail.com):Tôi thấy nói đến nhiều
về việc nhà ngoại cảm tìm hài cốt liệt sĩ nhưng không thấy nói đến việc tìm hài
cốt người thân mất tích, hoặc mất mồ mả cha ông, hay tìm tàu cổ đắm chẳng hạn?
Hay ngược lại, giả sử tìm thấy một bộ hài cốt có thể xác nhận được nhân thân
không? Xin Thiếu tướng cho biết, đã có trường hợp nào như vậy không?
Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Tiến
Quý: Thực ra, nhà ngoại cảm
có thể tìm hài cốt của bất cứ ai. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, các cơ
quan chúng tôi lồng ghép các việc nghiên cứu với hoạt động đền ơn đáp nghĩa,
tức là ưu tiên tìm hài cốt liệt sĩ. Hiện nay, bất cứ ai có nhu cầu tìm người
thân hoặc mồ mả cha ông… đều có thể tìm đến nhà ngoại cảm để được giúp đỡ.
Nếu tìm thấy một bộ hài cốt thì cũng có thể thông qua nhà ngoại
cảm biết được tên của người đã mất, họ là ai và thân nhân của họ là ai? Thực
tế, đã có nhiều trường hợp nhà ngoại cảm đã nói được tên của người mất hoặc
nhắn cho người thân của họ tới nhận hài cốt. Còn việc giám định gen bộ hài cốt
để xác định tung tích thì còn phụ thuộc vào mẫu so sánh vì nếu không biết thân
nhân là ai thì không có mẫu so sánh.
Độc giả Đỗ Văn Việt, Phúc Thọ, Hà Nội
(vietdv73@yahoo.com): Trong số hàng nghìn bộ hài cốt của các nhà ngoại cảm được
giám định AND, bao nhiêu phần trăm là sự thật? Trong số đó có bao nhiêu bộ hài
cốt không phải là xương người, có khoảng bao nhiêu phần trăm hài cốt bị làm
giả, những trường hợp làm giả không phải xương người này là vô tình hay cố ý?
Thiếu tướng, PGS. TS Ngô Tiến Quý: Hiện nay, việc giám định ADN hài cốt được tiến
hành ở nhiều phòng thí nghiệm khác nhau. Chúng tôi không có số liệu thống kê cụ
thể nên không thể biết được có bao nhiêu phần trăm là sự thật, bao nhiêu phần
trăm bộ hài cốt không phải là xương người hay bị làm giả.
Trong buổi giao lưu hôm nay, chúng tôi sẽ đề xuất giải pháp liên
kết các phòng thí nghiệm để phối hợp và chia sẻ thông tin trong quá trình giám
định hài cốt. Hy vọng là trong thời gian tới, chúng ta sẽ có được số liệu thống
kê cụ thể để công bố.
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh
Độc giả Đỗ Văn Việt (Phúc Thọ, Hà Nội): Muốn biết rõ một con người có khả năng ngoại cảm cần kiểm
định trong thời gian bao nhiêu lâu. Cụ thể tiến sĩ nhận xét về bà Phan Thị Bích
Hằng?
TS Vũ Thế Khanh: Về câu chuyện của Bích Hằng, tôi có thể khẳng
định chắc chắn Bích Hằng là một trong những nhà ngoại cảm thật sự, có đóng góp
lớn trong việc tìm và quy tập mộ liệt sĩ. Bích Hằng cũng được xem là một trong
những nhà ngoại cảm xuất sắc, điển hình đã được tặng, phần thưởng dành cho
những nhà ngoại cảm đạt thành tích tìm được ít nhất 1.000 mộ liệt sĩ bằng khả năng
đặc biệt của mình.
Trong “hành trình tìm lại Nam Cao”, Bích Hằng là 1 trong 7 nhà
ngoại cảm tham gia. Các thông tin dẫn đến việc tìm được mộ liệt sĩ Nam Cao thì
Bích Hằng đóng góp tới 60% thông tin cơ bản, còn 40% là do các nhà ngoại cảm
khác bổ sung.
Độc giả gửi từ email Nhunguyen71@gmail.com: Thưa ông! Khả năng ngoại cảm của một số
ít, rất ít người là có thật và họ đã làm được những việc có thật. Nhưng một số
cơ quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì kiên quyết
“nói không” với nhà ngoại cảm…
Có phải vì nếu “nhờ” thì coi như các cơ quan của
Nhà nước đã “chính thức công nhận” ngoại cảm - điều này thì lại dễ gắn với “mê
tín dị đoan”, là công nhận có “thế giới bên kia”… Mà đó là điều mà rất nhiều
người không muốn, hoặc không dám công nhận. Ông nghĩ sao về việc này?
TS Vũ Thế Khanh: Tôi cho rằng, phát biểu như các vị ở trên là do
các cơ quan này chưa được Chính phủ giao cho nhiệm vụ khảo nghiệm. Đề tài khảo
nghiệm là do Chính phủ giao nhiệm vụ trực tiếp cho 3 cơ quan là UIA, Viện Khoa học
Hình sự và Trung tâm Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống. Do vậy, các vị ấy
phát biểu cũng chẳng có gì mâu thuẫn. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và
nhiều bộ, ban, ngành chức năng đã khen thưởng về những thành tích mà 3 cơ quan
đã làm được. Đó chính là sự ghi nhận của Đảng và Chính phủ đối với những đóng
góp của các nhà ngoại cảm. Thiết tưởng việc này nhiều người đã biết.
Về nội dung: “Các cơ quan của Nhà nước đã “chính thức công nhận” ngoại
cảm - điều này thì lại dễ gắn với “mê tín dị đoan””, tôi nghĩ rằng cần phải phân biệt rõ 2 khái niệm
“ngoại cảm” với “mê tín dị đoan”.
- Mê tín dị đoan là tin một cách mê muội về những điều khác
thường.
- Ngoại cảm là khả năng “nối dài các giác quan” để cảm nhận được
thế giới bên ngoài so với người bình thường.
Nếu không phân biệt rõ hai 2 khái niệm này thì có khi nhà ngoại
cảm thực thụ vẫn bị hiểu sai như trường hợp Bích Hằng tìm thủ cấp liệt sĩ Phùng
Chí Kiên. Trong quá trình tìm thủ cấp liệt sĩ thì Bích Hằng đã nói đúng người
chôn cất là cụ Vò ở Bắc Kạn, cụ là thợ cắt tóc. Cụ đã lấy được thủ cấp của liệt
sĩ và mai táng trong cái thùng đồ nghề cắt tóc của mình. Khi mai táng, ông đã
dùng bát để kê đầu của liệt sĩ. Như vậy, những mảnh bát là vật chứng quan trọng
và được coi là tín hiệu tích cực theo như lời “mách bảo” trước của Bích Hằng.
Nhưng người ta lại mang mảnh bát đi giám định gen, đánh tráo khái niệm vật
chứng thành “hài cốt” để mọi người hiểu lầm, phủ nhận công lao của Bích Hằng.
Tôi rất tán đồng với chị Thu Uyên (Đài Truyền hình Việt Nam) trong
việc “vạch mặt” những kẻ giả danh ngoại cảm. Đối với những đối tượng này cần
phải trừng trị nghiêm khắc hơn nữa.
Nhưng nếu như trong chương trình này (phóng sự phát trên chương
trình VTV) tách riêng các nhà ngoại cảm thực thụ và ghi nhận thành tích của họ
với những kẻ giả danh ngoại cảm thì bài phóng sự sẽ đầy đủ, trọn vẹn, khách
quan hơn!
Độc giả Lê Thị Hoa, Nghi Tàm, Hà Nội (hoathile_58@gmail.com):Thưa Thiếu tướng, đã có
liệt sĩ công an nào được tìm thấy hài cốt nhờ nhà ngoại cảm chưa?
Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Tiến
Quý: Tôi xin khẳng định với
bạn là đã có nhiều liệt sĩ công an được tìm thấy hài cốt nhờ nhà ngoại cảm. Ví
dụ, hài cốt nhiều liệt sĩ tình báo trong tử ngục Chín hầm Côn Đảo như các đồng
chí Lý Văn Tố, Phan Hữu Đà… đã được tìm thấy nhờ nhà ngoại cảm.
Độc giả Huyền Nhung, Lê Duẩn, Hà Nội (menhungbeo@yahoo.com): Trường hợp thân
nhân xác định được di vật nhưng xét nghiệm ADN không đúng sẽ giải quyết như thế
nào, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Tiến Quý: Mẫu để giám định ADN (theo hệ gen ty thể) phải
là răng, xương, tóc. Nếu mà là di vật thì sẽ được giám định bằng kỹ thuật hình
sự.
Độc giả Vũ Hùng, Hà Nội (vuhung55@yahoo.com): Thưa Thiếu tướng,
là nhà khoa học đích thực và nghề của ông là đi tìm những chứng cứ vật chất cụ
thể. Nhưng khi ông quan tâm tới khả năng ngoại cảm của con người thì có phải
ông đang từ “duy vật” chuyển sang “duy tâm” không?
Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Tiến Quý: Đây là câu hỏi rất hay. Lực lượng kỹ thuật hình
sự Công an nhân dân có nhiệm vụ phát hiện, giám định vật chứng và những chứng
cứ vật chất của các vụ án. Tôi tham gia vào việc nghiên cứu này với mong muốn,
mục đích để phục vụ cho công tác chuyên môn. Với sự giúp đỡ của khoa học kỹ
thuật hiện đại, chúng tôi sẽ khách quan hóa những thông tin mang tính chủ quan
của nhà ngoại cảm để giúp cho việc tìm hài cốt được chính xác. Đó là việc giám
định vật chứng được tùy táng, chôn cùng với hài cốt hoặc giám định trực tiếp
hài cốt bằng các phương pháp hình thái học, ADN…
Như vậy, không phải là tôi đang chuyển từ “duy vật” sang “duy tâm”
mà tôi vẫn đứng vững trên lập trường “duy vật” để khắc phục những hạn chế của
những tư duy mang tính “duy tâm”.
PGS.TS Ngô Tiến Quý
Nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Báo Thanh Niên (nguyenvietchien1952@gmail.com): Thưa Thiếu tướng
Ngô Tiến Quý, trong 1.000 thông tin tìm mộ liệt sĩ thất lạc của Phan Thị Bích
Hằng nhiều năm qua thì có mấy trăm thông tin của chị Hằng được Viện Khoa học
Hình sự kết luận bằng ADN? Xác suất đúng và sai là bao nhiêu phần trăm. Ngoài
ra, với 12 nhà ngoại cảm được UIA công nhận có tên trong danh sách tìm trên
1.000 thông tin mộ liệt sĩ thất lạc thì Viện Khoa học Hình sự đã kiểm chứng ADN
được bao nhiêu thông tin của mỗi nhà ngoại cảm vì đây là vấn đề dư luận rất
quan tâm?
Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Tiến Quý: Hiện nay, chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng
qua nghiên cứu của chúng tôi và của nhiều nhà khoa học khác thì tỉ lệ đúng và
được công nhận là 70%. Tuy nhiên, cũng cần chú ý, trong những vụ tìm thấy hài
cốt cũng có những thông tin không thật chính xác. Ngược lại, trong những vụ
không tìm thấy hài cốt lại có những thông tin chính xác. Đây là do thân nhân,
đồng đội của các liệt sĩ xác nhận chứ không phải là tự chúng tôi đưa ra. Chúng
tôi chỉ làm nhiệm vụ xử lý, tổng hợp thông tin. Do vậy, xác suất đúng/sai là
đáng tin cậy vì mang tính khách quan.
Viện chúng tôi kiểm tra giám định gen từ năm 1999 là sớm nhất Việt
Nam. Trước đó, chưa có kỹ thuật này.
Độc giả tên Biên (bientvxdvn@gmail.com): Thưa tiến sĩ, tại sao
tới bây giờ chúng ta vẫn chưa dùng ngoại cảm để làm một số việc rất có ích cho
quốc gia như: đi tìm tài nguyên khoáng sản, dầu khí, rà phá bom mìn sau chiến
tranh, hay như đưa nhà ngoại cảm ra nước ngoài làm việc như một ngành nghề đặc
biệt thu ngoại tệ cho đất nước. Tiến sĩ có cho rằng, riêng về khoa học ngoại
cảm Việt Nam đứng đầu thế giới không?
Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Tiến Quý: Thực ra bây giờ có rất nhiều người có khả năng
đặc biệt khác nhau, ngoại cảm chỉ là một trong số những khả năng đặc biệt đó.
Việc tìm khoáng sản, dầu khí hoặc rà phá bom mìn thì chưa thấy nhà ngoại cảm
nào bộc lộ khả năng này. Do đó, vấn đề bạn nêu ra chưa thực hiện được.
Cũng chưa ai đặt vấn đề đưa nhà ngoại cảm ra nước ngoài làm việc.
Vào đầu năm 2013, Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Liên bang Nga có mời một nhà
ngoại cảm của chúng ta (anh Nguyễn Văn Lư, sinh năm 1975) sang Nga để giao lưu
với các nhà khoa học. Đích thân Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga Osipov Yury
Sergeevich đã gặp gỡ, tiếp xúc và rất thán phục khả năng ngoại cảm của anh Lư.
Được biết là hiện nay ở Liên bang Nga đang xuất bản một cuốn sách về chuyến
thăm và làm việc tại Nga của anh Lư.
Chúng ta cũng chưa có khảo sát về hoạt động ngoại cảm của các quốc
gia khác để có so sánh, song chúng tôi biết rằng, ở một số quốc gia phát triển,
người ta đã từng sử dụng khả năng đặc biệt này từ cách đây cả trăm năm và có
rất nhiều viện nghiên cứu về khả năng đặc biệt này được thành lập. Chúng ta mới
chỉ tiếp cận với vấn đề này hơn 20 năm qua.
Tổng biên tập báo Năng
lượng Mới - PetroTimes tặng hoa các vị khách mời.
Thưa bạn đọc, thưa các vị khách mời.
Chúng tôi rất tiếc là cho đến giờ này, còn nhiều câu hỏi do bạn
đọc gửi đến để nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, Tiến sĩ Vũ Thế Khanh và Tiến
sĩ Ngô Tiến Quý, nhưng do thời gian có hạn nên chúng tôi xin phép bạn đọc cho
dừng cuộc giao lưu trực tuyến tại đây.
Trong 2 giờ vừa qua, bạn đọc đã được nghe chị Phan Thị Bích Hằng,
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh và Tiến sĩ Ngô Tiến Quý giải đáp nhiều vấn đề mà có lẽ bấy
lâu nay mọi người chưa có điều kiện tìm hiểu một cách kỹ lưỡng, hoặc còn bán
tin, bán nghi về khả năng tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm.
Cũng phải khẳng định rằng, vấn đề tìm mộ bằng phương pháp ngoại
cảm là rất nhạy cảm. Nhà nước đã có nhiều quy định cụ thể về việc sử dụng
phương pháp ngoại cảm để tìm hài cốt, nhưng mới ở mức độ “nghiên cứu”, “khảo
nghiệm”.
Qua những gì mà bạn đọc đã được nghe, chúng ta càng thấy rõ các
vấn đề sau:
- Có một số rất ít người có khả năng đặc biệt là có thể "nói
chuyện" với người âm là có thật, và thực tế trong những năm qua, một số
nhà ngoại cảm đã làm được rất nhiều việc, trong đó có việc đi tìm hài cốt bị
thất lạc.
- Việc một số kẻ lừa đảo, bịp bợm đã lợi dụng ngoại cảm, lợi dụng
sự ngu muội của không ít người, để trục lợi. Và đáng buồn là trong đó có cả
không ít cán bộ, đảng viên tiếp tay cho những hành vi này. Điển hình là các cán
bộ của Ngân hàng Chính sách Xã hội trong vụ “cậu” Thúy vừa công an khởi tố, bắt
giam về tội lừa đảo. Nếu tội của gã Thúy kia là 1 thì tội của họ phải gấp 10 lần. Chúng ta phải cảnh giác, và rất mong các cơ
quan bảo vệ pháp luật có những biện pháp cứng rắn để ngăn chặn những kẻ đội lốt
ngoại cảm để lừa bịp.
- Từ thực tế về khả năng tìm hài cốt bằng phương pháp ngoại cảm,
thì thấy rằng đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước cần có cách quản lý các
nhà ngoại cảm, hướng họ đi vào hoạt động đúng luật pháp và có thể phát triển xa
hơn nữa, phục vụ cho các nhu cầu khác của người dân.
Thay mặt bạn đọc của Petrotimes, chúng tôi xin chân thành cảm ơn
chị Phan Thị Bích Hằng, Tiến sĩ Vũ Thế Khanh và Tiến sĩ Ngô Tiến Quý. Xin cảm
ơn các báo bạn là Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, báo CAND, báo CATP HCM, VTC
News, VN Media đã tới dự và quan tâm tới buổi giao lưu trực tuyến hôm nay.
Chúc chị Hằng dồi dào sức khỏe để có thể phát huy hơn nữa khả năng
đặc biệt của mình.
Chúc Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Tiến sĩ Ngô Tiến Quý và UIA gặt hái
được nhiều thành công hơn nữa trong việc xây dựng và phát triển ngoại cảm thành
một môn khoa học và không hề mang tính mê tín dị đoan.
Xin cảm ơn bạn đọc của PetroTimes đã theo dõi cuộc trao đổi thú vị
và rất nhạy cảm này.
Chương trình giao lưu trực tuyến do Trang tin điện tử
PetroTimes.vn của Báo Năng lượng Mới; Trung tâm Truyền thông tâm linh USC và
Công ty Truyền thông Năng lượng Việt phối hợp tổ chức.
|
PetroTimes
9 nhận xét:
Thật, giả, vàng, thau lẫn lộn - cũng là 1 tình trạng phổ biến ở XH này. Vậy mà có người cứ ca ngợi XH giờ tốt đẹp lắm, toàn dân tin tưởng vào họ... Thật vớ vỉn.
Lừa đảo " tìm mộ liệt sỹ" như " cậu Thủy" là táng tận lương tâm, là ngu muội phi đạo đức, và nhất định không thể tin được. Việc làm của VTV đã ,đang và hợp lòng dân. Xuất hiện ngay sau đó là " Giao lưu trực tuyến " là họp báo, là thanh minh thanh nga của PBH... do đám Hội, Viện tâm linh, kèm theo vài ông Tiến sỹ, Thiếu tướng làm bình phong! Rõ ràng đã thấy đâu đây một nhóm lợi ích ăn theo " Ngoại cảm,cận tâm lý"! Họ đang chống lưng, cứu vãn miếng đất lừa đảo nhưng ra lợi béo bở của họ. Mà ngay cái ông Như Phong, ông "Năng lượng mới"...ai cũng biết, các ông đang cần gì mà!
Ủng hộ việc Tâm linh trợ giúp, xoa dịu đại chúng về tinh thần, nhưng nhất định không thể để họ lợi dụng, lừa đảo về mặt lý trí.(TĐ)
Viết Nam ôi việt nam
Đúng là đang phát triển theo định hướng
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa việt Nam
Sao không bàn cãi cho dân giàu nước mạnh
Ngọai cảm và nhất là cô Hằng cùng Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người đã làm được nhiều việc có ích, tìm được nhiều hài cốt LS. Ví như cụ Trần Độ gần nhà tôi nhờ cô Hằng mà tìm được bà chị chết ở tù Hỏa Lò trước 1945, chôn ở Tương Mai... Nhưng đúng là khó mà đúng 100%.
Vấn đề ở đây là nhiều kẻ xấu lợi dụng sự mong đợi đã hàng chục năm nay chưa đón được hài cốt con em mình về và lừa đảo, làm tiền. Đây là hành động phải lên án.
Còn như bác Ngân nói sợ hơi quá?
Nên đọc thêm bài "Thêm một ý kiến hay về ngoại cảm" trên blog Văn Công Hùng. Nếu có điều kiện đọc lại loạt bài của Đại tá TS Đỗ Kiên Cường trên Thể thao văn hóa mấy năm trước. Bác Ngân nói có lý đó
Nếu 100% đều sai, đều lừa đảo thì nó chẳng tồn tại được. Còn yêu cầu nó phải đúng 100% lại càng vô lý. Tôi rất thích chữa bệnh bằng phương pháp đông y nhưng tìm được thầy thuốc đông y "chính hiệu" rất khó, trong khi tìm một bác sĩ tây y "chính hiệu" dễ dàng hơn nhiều. Chuyện tìm được "nhà ngoại cảm chính hiệu" còn vạn lần khó hơn. Đừng thấy có "lang băm" mà phủ định đông y, cũng đừng thấy nhà ngoại rởm mà phủ định "ngoại cảm". Tôi nhớ một câu (không chính xác nguyên văn) của một bác sĩ tây y "người ta đều cho rằng các thuốc được bào chế bởi các hãng dược phương tây là khoa học, được kiểm soát chặt chẽ nhưng có loại chỉ tồn tại vài tháng đã bị loại trừ. Còn nhiều toa thuốc của đông y thiếu khoa học, kiểm nghiệm... lại vẫn tồn tại và chữa bệnh cho nhiều người hàng ngàn năm. Vậy thế nào là khoa học và đáng tin cậy". Vậy không phải cái gì ta "lý giải minh bạch" được thì là khoa học, cái gì ta chưa lý giải được thì không khoa học, nghĩ vậy có khoa học không? Tôi thật sự chưa hiểu về "ngoại cảm" và không đủ năng lực trình độ để đánh giá nó. Vậy nên theo cách đnhs giá "thực tiễn là tiêu chuẩn chân lý", cứ nên nhờ ngoại cảm để tìm mộ, trong trường hợp mà mọi cách tường minh không tìm được, sau đó sử dụng ADN nế bảo đảm tính xác thực có đúng hài cốt cần tìm hay không. Tôi được biết một người Nhật mắc bệnh ung thư mà mọi bệnh viên ở Nhật đều khẳng định không trị được, trong chuyến đi chơi cuối đời đến VN và đã uống thử một vị thuốc rẻ tiền nhờ bạn bé VN mách bảo. Thấy triệu chứng tốt, anh ta về Nhật và được bệnh viện ở Nhật xác minh tiến triển tốt bằng các kết quả xét nghiệm. Anh đã quay lại VN tiếp tục chữa trị khỏi hẳn. Gia đình anh ta khá giàu có, và anh đã mang tiền của mình làm từ thiện một cách âm thầm ở VN. Vài dòng để các bạn cùng tham khảo.
Tôi tán thành ý kiến của anh Q.Vinh. Bất kỳ điều gì cũng có 2 mặt, ta nên đánh gía khách quan đủ 2 mặt của nó. Hôm nay là đúng nhưng ngày mai không chắc đã hay .
Kể ra, nói mãi cũng khó tìm ra cái kết cục khẳng định , ngã ngũ vì chính chúng ta, ai cũng canh cánh trong mình một nỗi mơ hồ về niềm tin " Tâm Linh". Cá nhân tôi, không phủ định niềm tin đó là có thật , là có chuyển từ mơ hồ ra vật chất hiện thực mà trong đời sống chúng ta gặp, thấy, nghe nhiều lần.
Tôi đọc trong sách Phật giáo, thấy có một lý lẽ đại ý : Âm Dương là hai dầu cách biệt, giữa chúng là khoảng cách vô cùng. Âm Dương mà giao lưu , sát nhập thì dấy là tận diệt! Một nhà sư giúp mở rộng ý này đã cụ thể hơn: Sống chết không gặp lại nhau được. Người chết và người sống không có chỗ để gặp gỡ, chuyện trò với nhau( tất nhiên, trong tâm tư, tình cảm trí óc, hoài nhớ về người quá cố là có nhưng nó chỉ ở trong người sống, ở trong phần hiện hữu dương thế). Đời sống chẳng dạy ta, lăng tẩm ( cho cõi Âm Ty )không đạt gần chùa chiền ( cho cõi Dương gian, thờ phụng các Bậc ở trên Trời),vì Âm Dương là cách biệt mà phong tục cải táng người đã khuất, người ta chẳng âm thầm làm lúc nửa đêm, gà gáy thì phải đạy nắp tiểu sành đó sao!...
Cái chuyện Ông này , Bà kia, Nhà này ,nhà nọ nhìn thấy, nghe được, noí chuyện, thăm hỏi được "Hồn" ...nếu ta tin được thì có khác nào cầm hai đầu giây điện Âm Dương chập vào nhau mà không đứt cầu chì!
"Tồn Tại hay không Tồn Tại"...khó qúa Sexphia Vĩ Đại ơi! ( TĐ)
Cái chuyện "tâm linh" luôn là điều bán tín bán nghi. Xác suất trùng hợp và sai lệch đều khá lớn, chẳng ai chịu ai. Và nếu một số người khen ngợi thì cũng không ít người lên án. Nhưng có việc thuộc về "tâm linh", năm nào cũng diễn ra là hàng đoàn xe cao cấp về Đền Trần CƯỚP ẤN thì không biết VTV có biết không và họ nghĩ gì về việc này???
Đăng nhận xét