Cho đến tận bây giờ, đối với tôi và bao bạn bè cùng thế hệ, mỗi khi gặp nhau vào dịp Tết, chúng tôi không quên cùng ôn lại bao kỷ niệm về những cái Tết thời bao cấp ở Hà Nội năm xưa.
Trước hết phải nói rằng, trong suốt thời bao cấp, việc cung cấp lương
thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cho cán bộ nhà nước và nhân dân thành
phố đều theo tiêu chuẩn, định lượng. Tôi còn nhớ, đối với mỗi gia đình ở Hà Nội
thời đó cái Sổ mua lương thực bìa màu xanh mà nhân dân thường gọi là “Sổ gạo”
là một vật “gia bảo”. Bởi vì tất cả tiêu chuẩn gạo, mì trong một tháng, một
quí, một năm của mỗi người đều nằm trong đó. Nếu đánh mất sổ gạo thì là một tai
họa lớn, phải khai báo để chính quyền cấp lại rất lằng nhằng, rắc rối. Vì vậy
thời bao cấp mới có câu ví von: “Mặt
nghệt như mất sổ gạo”.
Các quần bán pháo lẻ ngoài phố. |
Tiêu chuẩn gạo, mì của một cán bộ Nhà nước là 13
ki-lô-gam/tháng. Tiêu chuẩn của học sinh từ 15 tuổi trở lên và của công nhân
lao động trực tiếp là 17 ki-lô/tháng. Các loại thực phẩm khác như thịt, cá,
mắm, muối…đều có định lượng theo tem, phiếu. Tất cả các mặt hàng thiết yếu như:
chất đốt, vải, xà phòng…đều phân phối hết. Chính vì thế nên mới gọi là thời bao
cấp. Cái gì muốn mua cũng phải xếp hàng. Ngoài giờ học, lũ trẻ con nghiễm nhiên
trở thành “lao động chính” trong việc xếp hàng mua lương thực, thực phẩm và
chất đốt. Còn có cả những “nghề” có thu nhập khá cao phát sinh trong thời bao
cấp như buôn đi, bán lại các loại tem, phiếu và hàng hóa hiếm, đó là các “con
phe”. Có những kẻ vô công, rồi nghề chuyên đi xếp hàng để bán chỗ, gọi là “nghề
bán chỗ”. Có những người chuyên móc nối với nhân viên bán vé xem phim, xem ca
nhạc hoặc xem đá bóng để bán lại vé với giá cao, gọi là “dân phe vé”… Thời đó
thiếu thốn trăm bề, nên nhà nào có cô con gái hay con dâu làm trong ngành “đeo
yếm” là “oách” lắm. Ngành “đeo yếm” đây là những mậu dịch viên thuộc các cơ
quan thương nghiệp, những người nắm yết hầu của cuộc sống nhân dân thời bao
cấp, vì khi ra bán hàng, các mậu dịch viên đều đeo cái tạp dề mầu trắng hoặc
màu xanh, nên dân gian gọi là “ngành đeo yếm”. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ
nét mặt của mấy cô mậu dịch viên lúc nào cũng “lạnh như kem Tràng Tiền”, rất
“hách”, nhìn cán bộ, nhân dân đi mua hàng cứ khinh khỉnh, ăn nói thì giật cục,
chỏng lỏn, nhiều người dân bực mình nói với nhau trong khi xếp hàng: “Không biết về nhà chúng nó có nói với
chồng, với mẹ chồng bằng cái giọng ấy không”.
Trong suốt thời gian bao cấp khốn khó như vậy,
nên mỗi khi đến Tết thì trẻ con háo hức lắm, vì vừa được nghỉ học, lại vừa được
ăn ngon hơn hẳn ngày thường, nhưng với người lớn ở thời bao cấp thì dịp Tết lại
trăm thứ lo, như dân gian vẫn nói là “lo méo mặt”. Nhà nào có 3 – 4 đứa con ở
tuổi choai choai thì thật “lợi hại” trong việc xếp hàng sắm Tết. Trước Tết
khoảng một tháng, ở các vị trí thuận lợi gần các khu dân cư đã mọc lên các
ki-ốt treo tấm biển QUẦY BÁN HÀNG TẾT, trong đó hàng hóa chủ yếu là các túi
Tết. Túi Tết là một cái túi ni-lon to, trong đó có gần như tất cả các thứ thiết
yếu cho bữa cơm tất niên như bóng bì, lạng đỗ xanh, hộp mứt tết hình vuông, gói
trà Thái Nguyên nhỏ xíu, một chai rượu chanh hay rượu cam do nhà máy rượu Hà
Nội sản xuất… Xếp hàng mua túi Tết hết một buổi. Một buổi nữa là xếp hàng mua
đủ tiêu chuẩn dầu hỏa và củi trong tháng Tết để dự phòng. Còn các bà, các chị
thì tranh thủ giờ tan tầm đảo qua chợ mua thêm lá dong, cân gạo nếp. Cái khó
nhất trong dịp Tết là xếp hàng mua thịt lợn về để làm nhân bánh. Vì thịt, cá là
thứ thực phẩm tươi sống, không thể mua sớm được, thời đó đã làm gì có tủ lạnh
mà dự trữ thịt hàng tuần lễ như bây giờ, thế nên đến những ngày giáp Tết, các
cửa hàng thực phẩm đông nghẹt người rồng rắn xếp hàng từ 3 – 4 giờ sáng chờ mua
cân thịt về làm nhân bánh chưng. Trong khi người dân thành phố xếp hàng mua
thịt lợn, thì tại các bến xe khách liên tỉnh như bến xe Giáp Bát, bến Nứa (gần
cầu Long Biên), bến xe Kim Mã…và ga xe lửa Hà Nội lại đông nghịt cán bộ, giáo
viên, học sinh, sinh viên, lao động tự do chen chúc nhau “bắt” tàu, xe về quê
ăn Tết.
Thời bao
cấp ở miền Bắc thì các ngành, nghề dịch vụ như mậu dịch viên và lái xe khách là
nghề VIP, hái ra tiền, có khi lương cả tháng của một giám đốc Sở không bằng thu
nhập “lậu” của mậu dịch viên và lái xe khách trong một tuần. Thế nên thời đó
dân gian mới có bài vè “Mười yêu” để nêu lên “tiêu chuẩn thành đạt” của một
trang nam nhi được nhiều cô gái săn đón:
- Một yêu anh có Sen-kô (đồng hồ)
Hai yêu anh có Pơ-giô cá vàng (xe
đạp Pháp)
Ba yêu Lon (vải vi-ni-lon), Téc (vải tec-gan) gọn gàng.
Ba yêu Lon (vải vi-ni-lon), Téc (vải tec-gan) gọn gàng.
Bốn yêu hộ khẩu đàng hoàng Thủ
đô.
Năm yêu không có Bà bô (mẹ mất)
Năm yêu không có Bà bô (mẹ mất)
Sáu yêu Văn Điển Ông bô sắp về (bố
sắp mất)
Bảy yêu anh vững tay nghề
Bảy yêu anh vững tay nghề
Tám yêu sớm tối đi về có nhau
Chín yêu anh chẳng ốm đau
Chín yêu anh chẳng ốm đau
Mười yêu lương tháng trước sau
mười tờ.
Trở lại câu chuyện lo thịt lợn để gói bánh chưng Tết, để có thể lo thêm
cho gia đình cân thịt, cân nếp hay con gà, tổ chức công đoàn của các cơ quan có
“sáng kiến” cử anh, chị em có quê hương gần Hà Nội về quê liên hệ với cán bộ
thôn, cán bộ xã hay bà con, chú bác để xin mua con lợn, con gà, yến gạo về chia
thêm cho anh, chị em trong cơ quan. Được như vậy là cán bộ mừng lắm rồi, nhưng
lại dặn nhau phải “giữ bí mật”, vì việc đi mua thực phẩm “ngoài luồng” như vậy
là hành vi rất nghiêm trọng lúc đó, có thể coi là “phạm pháp” chứ chẳng chơi.
Là cán bộ trong biên chế Nhà nước được cơ quan cử đi làm nhiệm vụ, đi xe U-oát
biển xanh hẳn hoi, mà khi qua các trạm kiểm soát liên ngành của công an, phòng
thuế ven quốc lộ cứ lo nơm nớp, tim đập thình thịch như một kẻ phạm tội. Mãi
đến đêm 28 hay 29 Tết, cả gia đình hai hoặc ba thế hệ quây quần quanh nồi bánh
chưng đang sôi sùng sục ngoài sân khu tập thể, thì các ông chủ, bà chủ gia đình
mới thở phào: “Vậy là đã xong cái Tết”.
Sau khi đã hoàn thành “nhiệm vụ đặc biệt quan trọng” là giúp cha mẹ xếp
hàng mua đủ lương thực, thực phẩm, chất đốt phục vụ Tết, lũ trẻ con chúng tôi
xoay ra đi tìm nguồn mua pháo rẻ. Thời ấy chính quyền chưa cấm đốt pháo, cứ đến
giao thừa là tiếng pháo nổ râm ran khắp thành phố, mùi khói pháo thơm lừng tỏa
khắp các ngả đường. Vì vậy, kiếm cho đủ pháo chơi trong ba ngày Tết là một
“nhiệm vụ” rất quan trọng đối với lũ con trai chúng tôi. Thôi thì đủ “sáng
kiến” được đưa ra, nào là ít tiền thì chịu khó vào tận làng pháo trong Bình Đà
(Hà Tây) mà mua, nếu không thì đành lên phố mua lẻ băng pháo tép và vài quả
pháo đùng làm “của để dành” chơi Tết. Thế là sau bữa cỗ đón giao thừa vào đêm
30 Tết ở nhà, bọn nhóc khu Tập thể Bờ Sông chúng tôi lại tụ tập nhau ở trên mặt
đê Trần Quang Khải để kiểm kê “vũ khí” của từng thằng. Với nét mặt rất “quan
trọng”, mỗi đứa đều từ từ lôi trong túi quần của mình ra băng pháo tép, vài quả
pháo đùng, hay mấy quả pháo chỉ thiên. Sau đó cả bọn vui vẻ rủ nhau đi bộ ra Bờ
Hồ, hòa vào dòng người bất tận dạo quanh Hồ Gươm để đón giây phút giao thừa
thiêng liêng, được nghe Bác Hồ chúc Tết qua hệ thống loa truyền thanh. Vậy đó,
những cái Tết tuổi thơ gắn liền với thời chiến tranh, thời bao cấp gian khó sao
mà nhớ đến thế.
Hà
Nội, Xuân 2014 (Giáp Ngọ)
11 nhận xét:
Cảm ơn VD đã có bài viết để anh em từng sống ở HN nay tha hương nhớ về HN thân yêu trong những ngày cận Tết này.
Ăn qua loa
Mặc áo toàn da
Đi xe cố vấn
Hình như chính xác hơn là 3 tiêu chuẩn về gạo là: 13kg/tháng, 18kg/tháng và 21kg/tháng.
Còn " mua thì mua ko6ng mua thì thôi" là câu cửa miêng của mậu dịch viên.
Loa phường: "Xin thông báo: Hôm nay lợn ô số 3, đậu ô số 7... Mỗi nhà 1 lốp Thống Nhất loại 3 thay mì chính quý này...".
Nhà nào có sĩ quan QĐ là sướng nhất, ăn thế chó nào hết 21kg gạo, vậy là cả nhà được nhờ.
Cam on Dung co bai hay.
TrungQuoc
Nhà sĩ quan quân đội thời đó thường đông con cháu, mà ăn chỉ gạo lại mau đói, nên cũng chả sướng đâu bác ''nặc danh'' ơi...
Sau này (những năm 1970, 80) với các giáo viên ở Đại học QS thì thế thật. Không ăn bếp tập thể, tự nấu ăn đã dư gạo nên tháng nào cũng có phần mang về cho vợ con hoặc bán phần thừa được khối tiền.
Cái "nghề bán chỗ" bây giờ vẫn còn đấy!
HMK6
Phải thừa nhận Đinh Việt Dũng nhớ rất kỹ.Ôi!Cái thời bao cấp ấy có thể nào quên.Nói nhỏ chuyện này nghe nhé:vào thời bao cấp í,có một cô nọ vướng phải ông chồng du học bên Tây về.Không chịu nổi cuộc sống cơ cực,có bao nhiêu tem phiếu chế độ trong năm ông ấy bán ráo trụi.Thương chồng,vợ dùng phiếu vải của mình,hằng năm sắm đồ cho chồng.Còn mình thì. . .cứ đồ cũ vá chùm vá đụp,lên lớp không bao giờ dám quay lưng xuống học sinh,kể cả khi cần viết bảng. . . !
Nhìn cảnh chợ Hoa, thấy đúng chợ Hoa đầu đường Hàng Lược. Nhà nào cũng phải thu xếp 1 lần lên đó mua cho được cành đào về cắm.
Anh Dũng nhớ sai một chi tiết quan trọng .Xe Pơ Giô cá vàng là xe máy , chứ không phải xe đạp đâu ạ .
Đăng nhận xét