Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Bút ký chính trị: MƯỜI BẢY THÁNG HAI (T/S Vũ Cao Phan)


Tháng 8 năm 1978, nửa năm trước Mười bảy tháng hai, một hôm, Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng) tiếp được thông báo từ Văn phòng Trung ương Đảng: Tổng Bí thư Lê Duẩn sẽ xuống thăm và làm việc với đơn vị, yêu cầu Học viện chuẩn bị và đề xuất nội dung cần thiết cho buổi làm việc đó. Quá quan trọng! Không chỉ bởi đây là lần đầu tiên người đứng đầu Đảng đến thăm kể từ khi Học viện được thành lập. Người ta lập tức gửi lên Tổng Bí thư một báo cáo dày dặn về mọi mặt công tác cùng những kiến nghị, câu hỏi mong được ông giải đáp.


Lê Duẩn đến. Với vẻ nghiêm nghị hiếm thấy trong những buổi gặp như thế này, tại một hội trường đã được canh gác cẩn mật, ông vẫn yêu cầu đóng kín các cánh cửa, kể cả cửa sổ rồi giơ lên tập tài liệu của Học viện: “Tôi đã đọc hết những câu hỏi, những vấn đề mà các đồng chí nêu ra. Chúng ta vừa ra khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt nên mọi sự quan tâm được dành cho việc khôi phục và phát triển kinh tế là điều đương nhiên. Nhưng có phải trước mặt tôi đây là những cán bộ trung cao cấp trong quân đội? Vậy mà, không một câu hỏi nào liên quan đến quốc phòng, liên quan đến những vấn đề quân sự…”. Cả hội trường im phắc. Trong chốc lát gần như chỉ còn tiếng sột soạt của tập tài liệu mà Lê Duẩn dằn xuống, gạt mạnh tay khiến thiếu chút nữa thì rời khỏi bàn. Nhìn như găm về phía cử tọa, ông nói: “Các đồng chí! Chuẩn bị, chúng ta buộc phải chuẩn bị đương đầu với một triệu rưởi quân Trung Quốc…” Chủ đề của buổi làm việc lập tức thay đổi.
Bài nói chuyện của Tổng Bí thư đã làm sáng tỏ một điều: Cuộc “gặp gỡ” của súng đạn trên biên giới phía bắc sẽ là điều không thể tránh khỏi.
Trên thực tế, những hoạt động xâm nhập, bắt cóc, nổ súng… từ phía “bên kia” đã ngày càng dày thêm. Và cũng trên thực tế, “bên này” đã có sự chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Nhưng cuối cùng, Mười bảy tháng hai vẫn nổ ra như một bất ngờ. Tại sao ?
Ngoài dự báo có tính tiên tri của Lê Duẩn, không ai đã có thể ngờ rằng phía Trung Quốc lại mở cuộc tiến công quy mô, tàn khốc trên một chính diện hàng trăm ki lô mét toàn tuyến biên giới như vậy. Không ai đã có thể ngờ rằng Trung Quốc lại muốn ghi tên mình vào danh sách các “đế quốc to” từng xâm chiếm Việt Nam kể từ Chiến tranh thế giới thứ Hai, với lực lượng hùng hậu hơn tất cả: 60 vạn quân. Người ta chỉ hình dung và đặt phương án tác chiến cho các cuộc xung đột cấp chiến thuật trong một không gian hạn chế. Lý thuyết chưa được kiểm chứng cho đến lúc ấy là: Không thể có chiến tranh giữa những người anh em cùng giai cấp, cùng lý tưởng! Huống hồ đây lại là giữa Việt Nam và Trung Quốc, hai quốc gia từng là phên dậu của nhau, từng sát cánh bên nhau trong cuộc chiến tranh tàn khốc nhất lịch sử đương đại. Tất cả đã đổ vỡ một sớm một chiều! Một hãng thông tin lớn trong ngày nổ ra chiến tranh đã mỉa mai và hài hước bình luận: “Ôi thôi, răng đã cắn vào môi!”
Bài học từ Mười bảy tháng hai mà Việt Nam nhận được là như vậy: Mọi thứ đều phù phiếm, mọi lý thuyết đều suông, chỉ có lợi ích dân tộc là tồn tại. Còn Trung Quốc? Họ đã hắt đi một tình bạn thủy chung, họ đã khiến quan hệ hai nước thay đổi về chất, điều chắc chắn họ không muốn nhưng chưa chắc đã có thể nhận thức đấy chính là bài học.
Chưa bao giờ nguyên nhân thật của Chiến tranh Mười bảy tháng hai được công khai. Hãy để cho lịch sử phán xét, dù phải thêm mười, mười lăm hay năm mươi năm nữa. Điều này đâu có quan trọng, thực tế ai cũng rõ cả rồi. Vì sự kính trọng Trung Quốc, và vì quan hệ lâu dài giữa hai nước, người viết đã từng không chỉ một lần nêu quan điểm hai bên cần ngồi lại để có thể đem đến một đồng thuận chính trị, coi sự kiện này như một tai biến lịch sử với một sự giải thích chấp nhận được cho cả hai phía như để khép dần quá khứ.
Nhưng người ta hình như không muốn thế. Năm 2009, 30 năm sau Mười bảy tháng hai, đầy ắp trên các trang mạng – và cả báo viết – những bài phấn khích cực đoan về cuộc “Phản kích tự vệ”. Người ta đánh thức cuộc chiến với đầu rơi và lênh láng máu chảy được mô tả, kể cả hả dạ kể lại việc tống bom, tống bộc phá giật sập một chiếc hang giết chết hàng trăm người dân vô tội vào đấy lánh nạn. Rồi sau đó, trên các phương tiện truyền thông, lúc ngấm ngầm khi bột phát, người ta “nhắc nhở” về Mười bảy tháng hai. Rằng Việt Nam không phải Philippine vì nằm sát nách Trung Quốc, coi chừng… Rằng quân đội Trung Quốc bây giờ đã mạnh hơn trước rất nhiều, nếu chiến tranh (lại “tự vệ”?) xảy ra thì chỉ cần vài ngày. Một tờ báo mạng còn mỗi năm “sản xuất” một kịch bản chiến tranh. Lúc thì “kế hoạch 31 ngày” đánh thẳng vào thủ đô Hà Nội, lúc thì đòn vu hồi mượn đất các nuớc láng giềng giành thắng lợi trước Quốc khánh? Lúc thì một Bộ Tư lệnh được thành lập với thống lĩnh là người đứng đầu nhà nước nhằm giành trọn Biển Đông v.v… Đối phương sẽ sợ hãi hay họ toàn là những cái đầu bã đậu ngu si? Hay ngay cả mối quan hệ với nước láng giềng một thời “môi hở răng lạnh” cũng có thể khinh thị đem ra diễu cợt, chọc quê cho “sinh động” (!)?
May thay, những điều đó tuy có lấn át (vì lúc này lúc khác được bật đèn xanh) nhưng không phải là đại diện của dư luận và lương tri Trung Quốc.
Một nhà ngoại giao kể rằng ông ở Bắc Kinh thời kỳ chiến tranh. Có lần đi sửa kính, người thợ già khi biết ông là người Việt Nam liền bảo: “Tôi không hiểu những gì đang xảy ra ở biên giới, nhưng đem con em Trung Quốc đi đánh Việt Nam là không thể được…”, rồi dứt khoát không lấy tiền công. Còn câu chuyện dưới đây được kể từ Quý Châu, một tỉnh vùng cao của Trung Quốc đã có thể nói lên nhiều điều. Một đoàn khảo sát thủy điện đến đấy, ghé vào một quán ăn hẻo lánh. Khi biết trong đoàn có nhiều người Việt Nam, chủ quán liền bốc điện thoại gọi ngay đi đâu đó. Rồi giải thích: Ở vùng này hầu như không thấy người Việt Nam, ông Trưởng thôn của chúng tôi luôn ước ao được có dịp gặp họ. Trưởng thôn đến ngay tắp lự (dù ông đi lại không dễ dàng), trong quân phục Giải phóng quân chỉ có chiếc mũ với quân hiệu là mới (chắc lâu không có dịp đặt lên đầu), tay trái chống nạng, tay phải cầm một chai rượu, hỏi: “Xin lỗi, ở đây có ai từng là quân nhân không?” Bạn tôi, người kể lại câu chuyện này đứng lên. Anh chưa kịp cất lời thì Trưởng thôn đã lập tức quăng nạng qua một bên, dằn chai rượu lên bàn, hai chân – một giả, một thật – dập mạnh vào nhau, tay phải hắt một đường thẳng lên vành mũ: “Tôi đã từng tham gia chiến tranh “phản kích tự vệ”, xin nhận ở đây những lời xin lỗi của chúng tôi”. Được vài tuần rượu, ông kể mình mất một chân vì vấp phải mìn, và thôn nhỏ này cũng có tới sáu, bảy quân nhân tử trận trong “phản kích tự vệ”. Mấy năm trước nhà nước có trợ cấp nhưng đến được tay mỗi gia đình chẳng còn là bao, tính kế nuôi lợn cũng chẳng đủ tiền cho một con lợn giống. “Chiến hữu ơi, chúng mày chết oan uổng quá, thân chẳng đáng một con lợn…” – Trưởng thôn bật khóc. Câu chuyện khiến gợi nhớ “Vòng hoa dưới chân núi”, cuốn tiểu thuyết viết về số phận người lính và gia đình họ trong chiến tranh Mười bảy tháng hai mà khi còn sống Đinh Linh đã hết lời ca ngợi. “Hãy chấm cho no mực để viết ra sự thật”, bà nói. Ở Quảng Tây, chúng tôi có một nhóm bạn là những chiến sĩ công binh từng sang giúp Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Từ lần đầu tiếp xúc, họ vẫn gọi là “bạn chiến đấu”, đón tiếp rất chân tình. Ám chỉ đến cuộc chiến Mười bảy tháng hai, một người bảo: “Cái gì xấu vứt ở ngoài kia, không cho ngồi vào đây”.
Những quan điểm tương tự cũng có ngay ở giới lãnh đạo. Một vị Thủ tướng Quốc vụ viện trao đổi với lãnh đạo Việt Nam từng cho biết: Tại một hội nghị tổng kết quân sự, nhiều ý kiến đánh giá cuộc chiến tranh Mười bảy tháng hai là một sai lầm. Phát biểu như vậy cũng là cách ông Thủ tướng thể hiện quan điểm của mình? Vị Thủ tướng kế nhiệm còn đi xa hơn khi nhận định, “công lao xây dựng quan hệ hữu nghị tốt đẹp với các nước láng giềng mấy chục năm qua của chúng ta chừng đã đổ hết xuống sông xuống biển”.
Tôi sẽ không đề cập những luận điểm của tướng Lưu Á Châu được biết đến gần đây về mục đích cuộc chiến. Nếu điều đó đúng thì không còn gì để bàn: chiến tuyến đã được vạch. Tôi chỉ quy chiếu từ mục đích được tuyên bố ban đầu “dạy cho Việt Nam một bài học” để có thể khẳng định rằng: Nhìn từ ba mươi nhăm năm sau, cuộc chiến tranh Mười bảy tháng hai là một sai lầm (tệ hại?) của những người gây ra nó. Bài học nhận được từ cả hai phía là hoàn toàn bất ngờ, như tôi đã nhắc đến. Còn cái lý do để có nó – “phản kích tự vệ” – chắc chắn là một ngụy lý. Người ta nói phải “phản kích tự vệ” vì đã có hàng ngàn cuộc nổ súng, xâm lấn từ phía Việt Nam thì người ta vẫn có thể nói là hàng vạn cũng chẳng sợ đau mồm. Không ai trả lời được câu hỏi mà tôi từng đặt ra: Việt Nam, một nước nhỏ, kiệt quệ sau ba mươi năm kháng chiến chống lại “hai đế quốc to là Pháp và Mỹ” liệu còn dư sức để khiêu khích, gây chiến với một nước to hùng mạnh khác là Trung Quốc? Hơn nữa, đấy là quốc gia đã sát cánh với Việt Nam, có sự ủng hộ to lớn cho Việt Nam trong cả hai cuộc chiến tranh? Muốn làm “tiểu bá” ư? Lịch sử đã cho thấy rõ rồi, xong nhiệm vụ ngăn chặn nạn diệt chủng, Việt Nam giao lại quyền quản lý đất nước cho người Cămpuchia để bây giờ đất nước này cũng là “người bạn đáng tin cậy nhất của nhân dân Trung Quốc”, như người ta hoan hỉ. Người Việt Nam không bắt bẻ những chuyện này làm gì, việc đã qua có thể cho qua, nhưng vấn đề là: Người ta vẫn tiếp tục một chính sách ngoại giao sai lầm theo kiểu Mười bảy tháng hai, với thứ đòn chiến tranh tâm lý, chiến tranh chính trị. Việt Nam vẫn bị đặt lên bàn, thậm chí lên thớt vì cái “tội” chống Trung Quốc, vẫn bị hạch là đi với các nước lớn khác để làm chuyện này. Bằng cách ấy, người ta tha hồ chống Việt Nam. Thích thế nào thì nói thế ấy. Đoàn tàu chiến vốn cũ kỹ từ thời chiến tranh của Việt Nam theo lời mời đến thăm Trung Quốc bị thẳng cánh và “lịch sự” chê là: “Rách nát thế kia thì đòi hỏi và bảo vệ cái gì?”. Nhưng đến khi Việt Nam tiếp nhận chiến cụ mới thì lại được coi là âm mưu chống Trung Quốc, thì lại được bình luận phải hộc máu ra mới có tiền sắm sửa. Một đám biểu tình nhỏ trong trật tự so với chẳng hạn một cái tin lan truyền trên khắp các trang mạng rằng Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Nguyễn Cáp Nhất tuyên bố sẽ đánh thẳng đến Bắc Kinh, cái nào kích động thù hằn dân tộc, kích động chiến tranh? Huống hồ chẳng có ai mang tên và tuyên bố như vậy. Sự nhẫn nhịn của một bên để một bên làm già, tha hồ múa gậy vườn hoang. Con dâu chưa kịp cãi, mẹ chồng cãi xong rồi!
Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc, từng nói rằng Mao Trạch Đông “đúng 7, sai 3”. Đặng Tiểu Bình cũng là kiến trúc sư của Mười bảy tháng hai, không biết liệu ông đã tự hỏi có bao nhiêu phần đúng, sai trong sự nghiệp của mình?
Chính sách gây áp lực tuyệt đối không thể giúp vào việc bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, đừng nói gì đến một quan hệ tốt đẹp như mong muốn của cả hai bên. Người Á Đông vốn chủ trương thuyết “tiểu nhân – quân tử”, chúng ta hãy là những quân tử!
Việt Nam là nước nhỏ so với láng giềng, nhưng chúng ta người lớn. Biết tôn trọng, biết nhún nhường không đồng nghĩa với việc để người nghĩ mình ươn sợ. Có câu: Đành để người ghét, chớ để người khinh. Huống hồ chúng ta chính nghĩa, chúng ta có cả ngàn năm lịch sử sau lưng và trăm triệu Lạc Hồng trước mặt chứ, đồng bào.



6 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Bài này cũng được đăng trên Thanh Niên nhưng bị sửa, cắt nhiều. Còn đây là bản gốc nhận từ tác giả.
Cảm ơn anh Vũ Cao Phan!

Nặc danh nói...

17-2-2014
Cám ơn blog bantroik5 và anh Vũ Cao Phan ,tập thể dân Quế Lâm sịn.
Trần Kháng Chiến dân Quế Lâm.

Nặc danh nói...

Khi chính trị là những chuyện trong suy nghĩ và tưởng tượng, còn thực tế cuộc sống hoàn toàn khác hẳn.
1968 anh em Liên-Xô và Trung Quốc "hôn" nhau, suýt nữa bằng bom nguyên tử.
Phạm Chí Dũng chỉ là hạt cát trong sa mạc.

dathb136 nói...

Anh Quốc:Em xin phép lôi về facebook của em nhé!

TranKienQuoc nói...

OK. Thoải!

Nặc danh nói...

Cam on va kham phuc ong anh ql ve bai viet nay va nhung bai truoc nua.thang em k5