Cách đây vài năm, nhà văn Chu Lai có chuyến viếng thăm Leipzig. Trong một buổi tối được ngồi mạn đàm với anh, anh hỏi tôi: "Này Quang, tớ hỏi cậu câu này: Sao thấy người ta gọi cậu là Quang xèng vậy?". Câu hỏi của anh cũng là câu hỏi mà nhiều người đã từng hỏi. Có lẽ do chữ "xèng" nghe hơi ngồ ngộ thì phải?!!!
Những năm đầu thập kỉ 60
của thế kỉ 20, nhà tôi ở 90 B3 phố Trần Hưng Đạo, sát với bệnh viện Việt Nam - Cu Ba. Người Hà-nội thời đó vẫn còn nhớ câu "Vào Cu Ba, ra Vạn Kiếp" (bởi nhà xác của BV nằm ở ngõ Vạn Kiếp, phía bên kia của BV). Những năm đầu thập kỉ 60
Thủa đó, bọn trẻ con lứa chúng tôi ở Hà-nội có 3 loại trò chơi rất phổ biến: Xô-vê, thực ra là chơi trốn tìm, nhưng không hiểu sao lại được gọi thành tiếng Tây, (có lẽ để cho nó oai?!!!). Trò thứ 2 là "Đá ống bơ": hai đứa đứng hai bên, ống bơ đặt ở giữa, một đứa làm trọng tài hét lên một tiếng (thay còi, vì thời đấy cái còi cũng là của hiếm), thằng nào chạy nhanh đá trúng cái ống bơ trước được coi là thắng cuộc.
Trò thứ 3 là chơi xèng, cái món mà tôi mê nhất. Nào là chơi đáo lỗ, nào là chơi đập tường kẻ ô... trò nào tôi cũng mê. Đồng xèng được làm từ nắp chai bia.
Cái thời khốn khó ấy, đồng xèng được coi là của quí đối với bọn trẻ con hè phố chúng tôi. Hồi ấy, đối diện với ga Hàng Cỏ (ga Hà nội giờ), về bên tay trái đầu phố Trần Hưng Đạo có của hàng ăn uống quốc doanh. Cứ chủ nhật là có bán bia chai Trúc Bạch. Bọn tôi ngồi nấp ở cửa, đợi một ông khách tốt bụng nào đấy uống xong bia là chạy vào xin cái nắp. Nhiều lúc phải "thượng cẳng tay, hạ cẳng chân" lẫn nhau mới vớ được cái nắp bia. Bia Trúc Bạch thủa đấy là của hiếm, đắt tiền, ít người dám uống, chỉ có "đại gia" mới bỏ tiền ra mua nên cái nắp chai cũng thuộc loại hàng độc.
Thời đó có đường tầu điện chạy dọc phố Nam Bộ (trước tên là Hàng Lọng, nay là phố Lê Duẩn thì phải???), qua cửa ga Hàng Cỏ. Sau khi lấy được nắp bia, bọn tôi khẽ đập ra cho nó tạm phẳng rồi mang ra đường tầu điện. Thấy tầu chạy tới từ xa thì đặt lên trên đường ray. Khi tầu chạy qua, nắp bia được là phẳng lì, trông đầy mê hoặc.
Vì say mê tiếng "keng" của đồng xèng cùng các trò chơi của nó nên tôi dần lấy được "số má" trong giới chơi xèng hồi đấy, rồi trở thành "cao thủ" ở khu vực ga Hàng Cỏ. Hai túi quần lúc nào cũng căng đầy những đồng xèng quí giá.
Cũng từ đấy, cái tên Quang Xèng xuất hiện, rồi gắn chặt với đời tôi đến tận hôm nay (và có lẽ đến tận cuối đời). Anh em, bạn bè và cả con cháu tôi bây giờ vẫn gọi tôi với cái tên này. Tôi rất thích cái tên này, bởi vì nó là một phần của kỉ niệm về Hà Nội trong tôi.
7 nhận xét:
Xin cảm ơn ông bạn vàng
Từ xa mà vẫn có 'hàng' góp vui
Kèm theo là những nụ cười
Kèm theo hồi ức một thời khó quên
Người nào hỏi Quang "xèng" câu đó thì có lẽ người đó không biết chơi xèng - thứ mà thằng trẻ con nào cũng ham mê. Tôi cũng vậy, cũng nhặt nắp bia, cũng ghè phẳng nhờ tầu điện chạy qua, nhưng đồng cái để đánh xèng mới là quan trọng, nó cũng phải "ghè" phẳng bằng tầu điện nhiều lần mới chơi được. Mình còn nhớ, ở bến tầu điện bờ hồ, qua hai lần chạy qua rồi, đồng cái sắp hoàn thiện thì bác canh tầu vớ được mình đang đặt trên đường ray chuẩn bị cho tầu điện chạy qua lần thứ ba thì ông ta chộp được ném ngay xuống hồ "Gươm" tiếc ơi là tiếc (với lý do đảm bảo an toàn cho tầu chạy không trật bánh). Bài viết của em làm anh nhớ lại tuổi thơ của mình với rất nhiều trò ngịch ngợm. Chữ "xèng" kèm theo tên Quang ấy làm anh không thể nào quên từ ngày xuống phụ trách các em (khi các em học lớp 7) đến khi gặp em ở đội 9 bên Đông Anh. Thế mà cũng gần 30 năm rồi đấy. lúc nào về HN nhắn bọn anh ngồi cho vui nhé
Cái tên "Chu kì Minh" thì không bao giờ quên được anh Minh ạ. Nhớ đến anh là nhớ về một ông anh đẹp trai , dáng thư sinh thanh mảnh với nụ cười tươi luôn nở trên môi. Anh còn nhớ các trận bóng nảy lửa giữa đội "Tiệp khắc" (CKM đội trưởng) và "CHDC Đức" (TKQ đội trưởng) mỗi buổi chiều trên sân "gạch+sỏi" ở đội 9 bên ĐA chứ(?). Lần đấy là lần cuối cùng, đến nay, em gặp anh. Nhất định lần tới về VN em sẽ xin được gặp các ông anh. Cho em gửi lời thăm anh Chu kì Nghĩa, Chu hòang Vân và Chu Hoàng Lan (em đã biết Lan khi Lan làm NCS ở Berlin).
Qx.
Đoạn này thì đúng là Qx nhớ hơn tôi.
Nghe chú Qx tả về chú KM mà hình dung chú KM đẹp trai quá cơ! Lại còn mê chơi xèng, đá bóng giỏi nữa chứ, nên giờ mãi chưa già! Cháu gạ chú KM dùng facebook đi để "bình luận" cho thoải mái mà chưa thấy. Chú KQ "cà nhắc" đi!
QX giỏi nhớ thật. Anh vẫn nhớ ngày tập trung tại đội 9 ấy. Lính Trỗi ở đâu là ở đó văn nghệ và TDTT lúc nào cũng nổi đình đám. Trường Trỗi với anh là tất cả những gì thiêng liêng và nồng ấm nhất. Hẹn ngày gặp nhau tại HN nhé. Anh Nghĩa đang ở Balan. Cho anh địa chỉ email của em nhé. Còn của anh là: kyminh48@yahoo.com. Viết thư cho anh nhé. Về hưu 2 năm rồi nên khá nhiều thời gian đấy.
Anh Chu: Nhiều thời gian nhưng không có thời gian chơi Fây!!! Bác Chiến nhà 99 chơi rồi đấy.
Đăng nhận xét