3- ĐƯỜNG GIAO LIÊN – BÃI KHÁCH.
Vào một đêm tối trời cuối tháng 7 năm 1972, tất cả đơn vị huấn luyện của
tôi nhận lệnh hành quân đi chiến trường. Khi đó trong Quân đội có những mật
danh chỉ các mặt trận như: Chiến trường B là chiến trường miền Nam ,
chiến trường C là sang Lào, chiến trường K là Campuchia. Chiến trường miền Nam
lại chia ra làm nhiều địa bàn như: B2 là mặt trận Nam Bộ, B3 là mặt trận Tây
Nguyên và B5 là khu vực Trị Thiên - Huế.
Đường Trường Sơn xe anh qua... |
Chúng tôi lên đường vào một buổi
chiều tối. Đoàn quân cứ nối nhau hàng một, lầm lũi tiến theo đường số 6 đi về
hướng Thủ đô. Đi thì đi theo lệnh chỉ huy thế thôi, chứ chẳng ai trong chúng
tôi nghĩ là sẽ được đi qua thủ đô Hà Nội yêu dấu. Đến đêm thứ hai, hành quân về
đến thị xã hà Đông, chúng tôi nhận lênh nghỉ lại đây hai ngày để nhận thêm quân
trang và súng đạn. Vậy là ngay trong đêm, khoảng hai chục lính ở đại đội tôi đã
lặng lẽ bỏ đơn vị, trốn về Hà Nội thăm gia đình. Cũng thông qua số anh em “tút”
về thăm nhà này mà nhiều nhà biết tin đơn vị của con sắp đi B và sẽ lên tàu hỏa
ở ga Thường Tín vào tối mai, nên người nhà đã lên nhà ga để tiến con.
Đêm lên tàu đi B ở ga Thường Tín,
hàng ngàn quân nhân đã lặng lẽ chia tay gia đình, chia tay Thủ đô, chia tay
miền Bắc thân yêu để vào tuyến lửa. Khi đoàn tàu hú một hồi còi dài, dưới sân
ga hàng trăm tiếng gọi, tiếng chào của người thân các chiến sĩ vang vọng trong
đêm. Trong tiếng ầm ào của tiếng bánh tàu nghiến xuống đường ray, tôi nghe bên
cạnh có những tiếng nấc nghẹn ngào của đồng đội. Quả thật giây phút đó, tôi và
nhiều an hem đã nghĩ rằng chiến tranh ác liệt, sẽ hiếm có cơ hội trở về.
Tàu chạy đến ga Thanh Hóa thì đoàn quân xuống tàu, hành quân bộ cắt lên
miền Tây, rồi lại được đi xe cơ giới vào đến miền Tây Nghệ An, hà Tĩnh, Quảng
Bình, nơi có những dãy núi chập trùng mờ xa. Phía Đông, nơi có tuyến đường quốc
lộ 1 A huyết mạch xuyên Việt đi ven biển, luôn có tiếng máy bay địch quần đảo
ầm ì và cả những chớp lửa kèm theo tiếng nổ trầm, đục vọng lại. Ở trạm dừng
chân ven đường mòn Hồ Chí Minh, chúng tôi được nghe cánh lính lái xe tuyến lửa
tâm sự rằng: “Lái xe đi trên đường Trường
Sơn, nguy hiểm nhất là gặp máy bay C 130, chúng bay nhiều giờ liền trên những
cánh rừng để phát hiện mục tiêu. Nếu không may đoàn xe bị máy bay địch phát
hiện, kể cả ban đêm, “bọn” C 130 này liền đuổi theo bắn bằng rốc- két và khẩu
đại liên 6 nòng. Loại máy bay này có thể đánh phá mục tiêu hàng 2 – 3 giờ liền.
Hầu như không đêm nào lính vận tải không bị thiệt hại”. Nghe chỉ huy các
cấp phổ biến rằng: địch đánh phá tuyến giao thông Bắc – Nam dữ dội để ngăn chặn sự chi viện
từ miền Bắc vào chiến trường. Vì vậy chúng tôi phải đi vòng đường miền Tây.
Trong bối cảnh chiến tranh ác liệt khi đó, mỗi người lính, mỗi chuyến xe chuyển
vũ khí, lương thực vào đến chiến trường đều là một kỳ công.
Những cô gái mở đường. |
Hàng quân bằng cơ giới qua các trọng điểm như dốc Bò Lăn, Ngã ba Đồng
Lộc, Ngã ba Cờ Đỏ, đoàn xe đều bị đánh cả phía trước và phía sau. Đặc biệt là
tại ngã ba Cờ Đỏ (Quảng Bình), đội hình hành quân bị máy bay đánh trúng, cháy
hai xe, hy sinh năm đồng đội. Từ Ngã ba Cờ Đỏ, chúng tôi bắt đầu hành quân bộ
vào chiến trường Quảng Trị (B 5). Vai đeo quân trang, súng, đạn nặng gần 30
ki-lô-gam, đi bộ triền miên từ đêm này sang đêm khác, lính mệt đứt hơi, mệt lả
người, lại còn muỗi, dĩn đốt lúc trời khô, vắt bám khi trời mưa. Lính mới chưa
có kinh nghiệm hành quân đường dài, cứ chốc chốc lại rút bi-đông nước bên sườn
tu một hơi, nên càng mệt. Kinh nghiệm hành quân của lính cũ là mang theo một
nhúm muối, khi khát thì nhấp một ngụm nước nhỏ, rồi lấy vài hạt muối ngậm trong
miệng, cơ thể ra mồ hôi nhiều, bị mất muối, nên “chống khát” bằng cách này sẽ
bù lại muối cho cơ thể, rất hiệu nghiệm. Lúc đó mới ngẫm lại câu của chính trị
viên đại đội nói ngày nào mới thấy đúng: “Thao
trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” và “Tư tưởng không thông, đeo
bi-đông không nổi”.
Đi miết, mệt quá, nên sang tuần thứ hai đã có nhiều người đổ bệnh, rồi
vấp ngã trẹo chân, sái tay…quân số cứ hao hụt dần. Những người ốm, yếu không đi
theo đơn vị được thì gửi lại các trạm giao liên để điều trị rồi vào sau theo
đơn vị khác, số này gọi là “quân thu dung”. Trên đường vào chiến trường, cũng
có những chiến sĩ sợ khó, sợ khổ, sợ ác liệt hy sinh, nên tìm cách quay lại,
chuồn ra hậu phương, số này bị anh em đồng ngũ gọi là “B quay”, hay lính Hà Nội
gọi là “tuột xích”. Sau này tôi được nghe nhiều anh em kể lại là số “B quay”
hay “Tuột xích” trên đường chuồn ra hậu phương, nhiều người không may cũng bị
trúng bom, pháo chết. Tôi thầm nghĩ: “Cũng
thật thương cảm cho số phận của họ”. Thời đó, trong các đơn vị huấn luyện
của bộ đội ở miền Bắc “truyền tụng” bài vè kể về chuyện đào ngũ của lính “B
quay” như sau:
- “Hà “chuồn” (Hà Tây), Nam “lủi” (Nam Định), Thái Bình “bay”. Hà Nội
“hiên ngang” trốn ban ngày. Thanh Hóa mất mùa xin ở lại. Nghệ An thấy thế cũng
giơ tay…”.
Tuy nhiên, tôi cũng được biết, sau này, nhiều anh em nhất thời sợ khó,
sợ khổ, sợ hy sinh đã “chót” B quay, sau ra đến hậu phương, được sự giáo dục
của Quân đội, lại xung phong nhập ngũ, người vào chiến trường miền Nam, người
sang chiến trường Lào… nhiều người chiến đấu anh dũng, lập nhiều thành tích, có
người đã hy sinh giữa trận tiền.
Các đơn vị bộ đội hành quân trên đường giao liên theo từng chặng đã được
tính toán sẵn, đến địa điểm dừng chân thì có những binh trạm để cung cấp bổ
xung lương thực, thuốc men và có địa điểm để trú quân gọi là BÃI KHÁCH. Bãi
khách thường là một khoảng rừng khá rộng, được bố trí gần một con suối, hay một
khe nước để bộ đội tiện có nước sinh hoạt, nấu ăn. Lính ta lúc nghỉ cũng vẫn
phải theo đội hình trung đội, đại đội gần nhau để tiện cho việc quản lý và điều
hành của các cấp chỉ huy. Thường quân ta đến các bãi khách vào lúc nửa đêm,
trời tối đen như mực, việc mắc võng, sắp xếp vũ khí… đều làm mò trong đêm, các
vị chỉ huy tiểu đội, trung đội được phát chiếc đèn pin thì phải lấy miếng vải
sẫm màu bọc lấy pha đèn, chỉ khoét một lỗ nhỏ bằng hạt đỗ để soi, cho khỏi lộ
ánh sang, tránh bị máy bay địch phát hiện từ trên cao. Trong khi bộ đội mắc
võng nghỉ, thì các trung đội cử người đi tìm nguồn nước để vo gạo, nấu cơm, rồi
nắm thành các “vắt” để chia cho anh em mang theo cho chặng hành quân hôm sau.
Có những hôm đến bãi khách, trời mưa dầm dề, những người được cắt cử nấu cơm
đành phải mang cuộn quai dép cao su dự trữ ra mà nhóm cho củi cháy. Tìm củi khô
không được, mấy anh cán bộ trung đội là lính cũ, có kinh nghiệm hơn đã chỉ bảo
cho anh em tìm những khúc thân cây mà những toán bộ đội đi trước chặt làm cọc
phụ mắc võng, đem tước vỏ cây ướt ra, lấy lõi cây khô bên trong, chẻ nhỏ đem về
đun, nấu. Cứ thế loay hoay cả đêm, có khi bộ đội chỉ chợp mắt được một, hai
tiếng. Mà không phải lúc nào cũng được nghỉ ở bãi khách đâu nhé, có những trạm
trú quân bị lộ, máy bay địch đánh phá tan hoang, giao liên lại phải đưa quân đến
những vạt rừng mới làm nơi tạm trú. Những bãi khách mới khai phá, cây cối um
tùm, muỗi vắt nhiều vô kể, nguồn nước lại xa, nên bộ đội lại càng vất vả.
Hành quân đến miền Tây Quảng Trị, chúng tôi vượt sông Bến Hải ở thượng
nguồn, nơi dòng song lịch sử được lấy làm ranh giới chia cắt hai miền Năm – bắc
của đất nước suốt hai thập niên. Khi đã sang đến miền Tây Quảng Trị, bộ đội đi
qua những vùng rừng mênh mông bị trụi lá vì bị máy bay Mỹ rải chất độc hóa học,
những thân cây cao vút, chìa ra những tán cành trơ trụi, khẳng khiu, không còn
một chiếc lá, trông như “một khu rừng xương cây” trên hành tinh lạ. Quân đi qua
những khu rừng chết suốt cả ngày dưới trời nắng, nóng, tuy khát khô cả cổ,
nhưng lệnh trên truyền xuống: “Giao liên
cho biết không được dùng nước suối”, vậy là lính ta phải cắn răng, xốc lại
ba-lô, tiếp tục lên đường.
Quân đến rồi lại đi, một ngày, một tháng, một năm có biết bao đợt quân
vào, quân ra, có mấy ai nhớ tên binh trạm, có mấy ai nhớ đến những cô gái giao
liên nhỏ bé, đội mũ tai bèo, vai khoác súng AK, bước chân nhanh như sóc, mỗi
ngày đi hàng chục cây số, dẫn quân vượt qua các vùng rừng không dân, qua các
tọa độ lửa để về nghỉ ngơi một đêm tại bãi khách an toàn. Cũng chính những cô
giao liên tuổi mười tám, đôi mươi đó khi cần lại trực tiếp dìu một anh bộ đội
bị ốm, hay khoác giúp cái ba-lô cho một chiến sĩ bị sốt rét rừng hành hạ. Những
năm tháng chiến tranh, ai đã có dịp hành quân dọc Trường Sơn trên các tuyến
đường quân sự, hẳn không thể quên hình ảnh của những đội nữ thanh niên xung
phong phá bom, sửa đường ở các trọng điểm, hoặc những nữ chiến sĩ giao liên
ngày đêm như con thoi trong rừng già, dưới bom pháo kẻ thù, dẫn những đội quân
từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường.
Chiến tranh đã lùi xa, những danh từ thời chiến như: BINH TRẠM, BÃI
KHÁCH, ĐƯỜNG GIAO LIÊN, TRẠM PHẪU TIỀN PHƯƠNG… quen thuộc với người lính một
thời chưa xa, nay chắc chỉ còn xuất hiện trên những trang sách viết về cuộc
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
******************
8 nhận xét:
Bài viết rất thực, nêu cả mặt phải và trái của đời lính - quãng đời mà chúng tôi rất đỗi tự hào.
Mình rất ngưỡng mộ những người lính đã qua lửa như tác giả. Cũng là lính, mình ko có cơ hội được nếm trải những vất vả, hy sinh đó.
Chúc tác giả luôn vui, khỏe và viết khỏe.
Mình nghĩ rằng người lính chiến có 3 cái được trong đời:
1. Đã đi bộ hành quân vượt Trường sơn thì mọi gian nan trong cuộc sống chẳng có gì đáng ngại, tất cả là chuyện nhỏ.
2. Dám hy sinh tuổi 18-20 thì có gì cao quý hơn nữa, chẳng nhẽ bon chen cái chức vụ, tranh giành quyền lợi đời thường!....Nhưng dám hy sinh tiếp để bảo vệ chân lý bảo vệ quyền lợi dân tộc quyền lợi người dân đã vì đất nước hy sinh.
3. Được sống là hạnh phúc lắm rồi so với các đồng đội nằm lại chiến trường, các đồng đội hứng chịu chất độc gia cam, thương binh...Và tự nhủ sống có nghĩa tình hơn.
NH
Bạn đã khơi lên một đoạn trường
Cả dân tộc gặm nhấm đau thương
Tất cả lên đường ra chiến trận
Trong ngàn vạn ấy... cũng có Cường!
Ai nói "hạnh phúc... ở chiến trường"
Giục lòng thù hận lẫn đau thương
Trút lên nòng súng nhằm... ai đó
Khẩu hiệu tuôn ra... quá dị thường !!!
Việt Dũng cùng thời với Mạnh cường
Cũng xếp bút nghiên tới chiến trường
"Hồ hởi... hờn căm và... hãnh diện"...?
Cuối đời ngẫm lại... thấy đau thương!
Giờ đây nghĩ lại... thật bi thương
Máu đổ, xương rơi ở chiến trường
Huynh đệ tương tàn chung dòng máu
Dựng nên một nhóm... ở "Thiên đường"
..........................................................?
..........................................................!
... Tiếng còi tàu... gợi nỗi thương đau
Trắng thư rải dọc những đường tàu
Ôi... những chiến binh ngày xưa ấy
Một thời Oanh liệt nay còn đâu ?...!...
Cảm ơn VD đã gợi C nhớ lại cảm xúc của một thời... là Lính... và bây giờ... Đừng trách C quá lời, D nhé! Mình nghĩ rằng chất lính và tâm trạng của mình chắc cũng không khác VD là mấy... nhỉ...?
Có những hy sinh xương máu và cả tính mạng để giành được đôc lập dân tộc, hòa bình, tự do nhưng ngày nay nhìn thực tế làm những người lính xưa có cảm giác uổng công???
Chào anh CƯỜNG bạn lính B5. Chẳng ai sống với quá khứ CƯỜNG nhỉ? Kể lại cho các bạn trẻ biết thêm chuyện ngày xưa thôi. Giờ chúng ta THIỀN rồi.
NH nói về 3 cái được của lính theo logic "thép được tôi" trong chiến trận của "trai thời loạn" thì đúng rồi, lịch sử xưa nay vẫn vậy. Chắc NH chưa đề cập đến những cái mất của NHAN DAN và CCB trong cuộc chiến ấy. Chưa nói nhưng ai cũng hiểu. Hiểu nhưng ít ai dám nói....
Bài viết này gây nhiều cảm xúc quá. Cảm ơn tác giả vì những kỷ niệm rất đỗi tự hào.
Đăng nhận xét