Đúng dịp kỉ niệm
35 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17-2-1979 – 17-2-2014) báo chí
đăng ảnh một lá đơn viết bằng máu, hiện được lưu giữ tại phòng truyền thống của khoa Lịch sử (Đại
học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) . Lá đơn ngắn gọn,
chữ viết nét to trên nền giấy học trò: “Cho tôi trở lại quân đội bảo vệ TỔ
QUỐC”, dòng dưới kí tên Nguyễn Chiều. Xúc động xem bức ảnh, tôi lập tức gọi
điện thoại cho thầy Chiều và được xác nhận: “Lá đơn bằng máu đó chính là tôi
viết”…
Lá thư máu. |
Thêm chú thích |
Từ đó, tôi và thầy Chiều vẫn giữ
mối liên hệ. Thi thoảng, tôi gọi điện thoại trao đổi hoặc đến nhà thầy ở khu
tập thể Mễ Trì (quận Thanh Xuân) xem một số tư liệu, hiện vật mới được phát
hiện, khai quật. Thầy luôn tẩn mẩn, tận tình khi nhận định về lai lịch và giá
trị của mỗi hiện vật. Cho đến dịp kỉ niệm 35 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên
giới phía Bắc, báo chí đăng ảnh một lá đơn bằng máu, đang được lưu giữ tại phòng truyền thống của khoa Lịch sử. Đọc
lá đơn, tôi ngờ ngợ bèn gọi điện thoại cho thầy Chiều và được thầy xác nhận:
“Lá đơn bằng máu đó chính là tôi viết”…
Chiều
Hà Nội sậm sịt mưa bụi. Đúng hẹn, thầy Chiều đón tôi tại nhà riêng với chiếc
laptop đã mở sẵn có những hình ảnh một thời quân ngũ của thầy. Có hai bức ảnh
chụp năm 1972 tại Bắc Giang đã ngả màu theo thời gian những còn khá rõ nét mặt
của những tân binh đầy sức trẻ. Thầy Chiều chỉ vào một thanh niên trong ảnh:
“Đây là anh Vũ Minh, quê Thanh Hóa, sinh viên khoa Địa. Tôi và anh Minh cùng
nhập ngũ một lượt năm 1972. Anh Minh hi sinh năm 1973 ở chiến trường miền Nam .
Anh là con duy nhất trong gia đình…!”. Thầy Chiều đầy suy tư khi nhớ về một
người bạn đồng ngũ của mình đã nằm xuống lúc tuổi còn xanh.
Thầy
Chiều sinh năm Quý tỵ (1953) trong một gia đình nghèo ở huyện Tiền Hải, Thái
Bình. Năm 1971, khi đang là sinh viên năm đầu khoa Lịch sử (Đại học Tổng hợp Hà
Nội), thầy Chiều xung phong nhập ngũ dù trong gia đình thầy, đã có hai người
anh trai là liệt sĩ! Thầy Chiều kể: “Nếu ở Tiền Hải, Thái Bình thì không chắc
tôi đã được toại nguyện vì địa phương họ đã biết tôi có hai anh trai mới hi
sinh năm 1965 và 1968. Nhưng khi tôi thi đỗ vào Đại học Tổng hợp, thì tôi giấu
và quyết tâm đi nên đã được chấp thuận. Đợt tân binh tháng 9-1972 của chúng
tôi, hầu hết là sinh viên Tổng hợp, trong đó có các anh Nguyễn Văn Nhật, sau
này Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, Chu Đức Tính (Giám đốc
Bảo tàng Hồ Chí Minh)… Chúng tôi được đưa tới trung tâm huấn luyện đóng tại xã
Trường Sơn, huyện Lục Nam ,
tỉnh Bắc Giang. Qua mấy tháng huấn luyện gian khổ, ai nấy đều thêm rắn rỏi,
vững vàng. Lần lượt anh em chúng tôi lên đường đi B, riêng tôi vì được phân
công tham gian công tác huấn luyện tân binh và xây dựng thị xã Bắc Giang nên
mãi tới năm 1974 mới lên đường vào chiến trường miền Đông Nam bộ. Chúng tôi
hành quân vào và chiến đấu tại Lộc Ninh được vài tháng thì chiến dịch Hồ Chí
Minh kết thúc thắng lợi.
Ra
quân và trở lại làm sinh viên khoa sử, thầy Chiều học đến năm thứ 3 thì tiếng súng
lại vang trên bầu trời biên giới. Một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Đại
học Tổng hợp Hà Nội để biểu thị tình đoàn kết với quân và dân các tỉnh biên
giới, thể hiện quyết tâm bảo vệ từng tấc đất biên cương… Mang trong mình bầu
máu nóng của một người cựu binh vừa ra khỏi cuộc chiến khốc liệt, sinh viên
Nguyễn Chiều một lần nữa xung phong lên đường ra trận… Thầy Chiều xúc động nhớ
lại thời khắc ấy: Cuộc mít tinh rất lớn, có sự tham gia của hàng ngàn sinh
viên. Tôi cùng sinh viên Võ Lân (cũng là một cựu binh, quê ở tỉnh Quảng Ngãi)
không ai bảo ai, đều viết đơn xin nhập ngũ bằng máu. Tôi đứng ở hành lang tầng
1, nhà A của giảng đường, kê tờ giấy viết (loại giấy thếp của học sinh) lên bề
mặt lan can, cắn ngón tay trỏ. Dòng máu nóng bỏng, đỏ tươi tứa ra và tôi bắt
đầu viết lá đơn ngắn gọn nhưng đầy đủ nguyện vọng và quyết tâm của một người trai
khi Tổ quốc lâm nguy. Tôi nộp lá đơn này cho thầy Lê Mậu Hãn, Chủ nhiệm khoa và
hồi hộp chờ đợi… Nhưng rốt cuộc, chỉ có những sinh viên trẻ mới được gọi khám
sức khỏe. Không ai trả lời chúng tôi vì sao không được tuyển nhưng về sau tôi
mới biết, chủ trương của trên là chỉ tuyển sinh viên chưa từng nhập ngũ… “Thời
gian trôi qua, tôi cũng quên bẵng lá thư đó. Cho đến một lần, nhân ngày lễ
trọng của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức gần đây, có tổ chức triển
lãm truyền thống ngoài trời, thì lá thư đó mới được đem ra trưng bày và tôi mới
nhớ lại chuyện xưa” – thầy Chiều bâng khuâng nhớ về một kỉ niệm đã lùi xa hơn 3
thập kỉ.
Câu
chuyện về những kỉ niệm xưa khiến tôi thêm cảm phục về một thế hệ, về “những
người trai thời tao loạn”. Tôi nhìn quanh ngôi nhà cũ kĩ của thầy Chiều và chợt
nhận ra người cựu binh năm xưa, thầy Chiều hiện nay cũng tất bật với cơm áo gạo
tiền. Thầy Chiều tâm sự: “Vợ tôi là cán bộ Viện 103, đang nghỉ chờ hưu. Tôi lấy
vợ muộn, nên giờ hai con trai đều còn đang học phổ thông. Cũng may, đến lúc này
các cháu đều chăm ngoan, học được… Mình cứ lụi hụi tháng ngày với khảo cổ, nên
được như thế này là may lắm rồi! Trở về sau cuộc chiến, được nhà trường cấp cho
mảnh đất, mình phải xây đúng 10 năm mới có cơ ngơi như ngày hôm nay!”. Bất chợt,
tôi nhìn vào ngón tay trỏ bàn tay phải của thầy Chiều đang đặt trên bàn phím
máy tính; không còn dấu tích nào của vết sẹo năm xưa khi thầy cắn sứt để viết
đơn bằng máu nhưng trên khuôn mặt khắc khổ của thầy, ánh mắt vẫn cương nghị và
quyết liệt như một thời ba lô, cây súng trên vai.
Trần
Duy Hiển
2 nhận xét:
Chào mừng Duy Hiển có đóng góp lại sau thời gian dài vắng bóng. Hay lắm!
BT5
Là người lính cùng thời với thầy Chiều tôi rất hiểu hoàn cảnh và khí thế hăng hái của thanh niên hồi đó. Nếu ngày nay đọc dòng này thì con cháu sẽ có hai xu hướng nhận xét đối lập "tích cực" và "thực tế". Nhưng không sao, chúng tôi chả hối hận gì, "trai thời loạn" ấy mà. Năm 79 tôi và bao người xin ra tiếp chiến trường phía bắc nhưng chưa được đi. Giờ ngẫm lại thấy là may vì "người ta" nay đã quên nó rồi. Sự hy sinh của các chiến sĩ cho dân tộc chẳng ai quên và chẳng bao giờ quên! Xin chúc Thầy Chiều mạnh khỏe! CCB NH
Đăng nhận xét