Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

TRƯỜNG HỌC SINH MIỀN NAM TRÊN ĐẤT BẮC (Việt Dũng)

Bác Hồ với các cháu dũng sĩ diệt Mỹ từ miền Nam ra Bắc.
         Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tháng 5/1954) kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và bọn can thiệp Mỹ của quân và dân ta, nhưng đất nước ta còn tạm thời bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc tại vĩ tuyến 17 (Vĩnh Linh). Cán bộ, bộ đội ở miền Nam và hàng ngàn trẻ em được tập kết ra Bắc. Đảng và Nhà nước ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng chiến lược con người cho những năm tháng kháng chiến và xây dựng đất nước sau này. Cùng với những trường bổ túc công- nông dành cho những cán bộ, bộ đội lớn tuổi nâng cao trình độ văn hóa, Nhà nước ta còn có chủ trương thành lập cả một hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc. Đây là những trường dành riêng cho các cháu nhỏ miền Nam, trước hết là con em cán bộ, bộ đội, các gia đình “thuộc diện chính sách” được các địa phương ở miền Nam chọn gửi ra miền Bắc XHCN để học tập và nuôi dưỡng.



       Theo số liệu lưu trữ của các cơ quan chức năng: tính đến cuối năm 1956, tổng số cán bộ, bộ đội, học sinh, gia đình cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc là 182.046 người. Trong đó, số học sinh miền Nam lên tới 12.089 em, ở tất cả các lứa tuổi, có 7.000 học sinh liên khu V, gần 5.000 học sinh ở Nam Bộ và 300 học sinh ở Bình - Trị - Thiên. Do hoàn cảnh lịch sử, trong số các em học sinh miền Nam tập kết, nhiều em được tổ chức đưa ra một mình, vì cha, mẹ đã hy sinh, hoặc do công tác đặc biệt nên không có điều kiện chăm sóc con được. Nhiều em đi tập kết chỉ có cha hoặc mẹ đi cùng. Đa số các em trong độ tuổi đi học cấp I chưa biết chữ hoặc trình độ văn hóa thấp so với tuổi. Trước tình hình đó, bên cạnh việc lo ổn định việc ăn, ở, chăm sóc, chữa bệnh cho hàng ngàn học sinh miền Nam tập kết, yêu cầu thành lập trường cho học sinh miền Nam đặt ra cấp bách đối với ngành giáo dục khi đó. Việc thành lập hệ thống trường đặc biệt để nuôi và dạy học sinh miền Nam là một quyết sách đúng đắn, kịp thời và sáng suốt, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta trong sự nghiệp “trồng người” cho tương lai đất nước.

Trường 18 nữ HSMN, Hải Phòng 1965.


        Mặc dù những năm sau chiến tranh, miền Bắc vừa phải trải qua 9 năm kháng chiến, bị tàn phá nặng nề, đời sống của nhân dân, cán bộ chiến sỹ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song ở các trường học sinh miền Nam thì được ưu tiên ở mức cao. Giai đoạn đầu 1954-1958 có 28 trường HS MN được thành lập với các loại hình từ Mẫu giáo đến cấp III và bổ túc văn hóa, lúc đầu các trường được xây dựng tại Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, về sau tập trung chủ yếu ở các tỉnh Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Ninh và Hà Nam.

       Tính đến năm 1963, trên toàn miền Bắc có 28 trường học sinh miền Nam được thành lập tại hơn 10 tỉnh, nhiều nhất là ở Hà Đông (12 trường), Hải Phòng (10 trường), bao gồm các trường cấp I, II, III, trường bổ túc văn hóa, chưa kể đến các Trại nhi đồng miền Nam và số học sinh được gửi học trong các trường của các địa phương miền Bắc và số được gửi đi học ở Liên Xô, Trung Quốc, CHDC Đức. Riêng khu Học xá Nam Ninh (Trung Quốc), ngay từ những năm 1959-1960 đã có hàng ngàn học sinh miền Nam được gửi sang học tập. Từ sau 1964 trở đi, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta càng ngày càng trở nên ác liệt, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã quyết định tiếp tục đưa thêm con em của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam ra miền Bắc để đào tạo. Từ 1965 - 1972 đã có thêm khoảng 10 ngàn con em cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam ra học tại các trường HSMN, nâng tổng số HS MN trên đất Bắc lên khoảng trên 30 ngàn người.
        Miền Bắc lúc đó vừa qua chín năm chiến tranh, cái đói, cái rét vẫn thường trực, đồng bào nhiều nơi ăn ngô, ăn sắn thay cơm, nhưng ở các Trường miền Nam, đời sống vẫn được ưu tiên với một mức cao: chăn màn, quần áo, các phương tiện sinh hoạt được cung cấp, chế độ sinh hoạt phí được tăng dần theo các năm học. Trong khi học bổng cao nhất của sinh viên đại học thời đó cũng chỉ 22 đồng/tháng, thì sinh hoạt phí của học sinh miền Nam đã là 25-30 đồng/tháng. Bên cạnh Bộ Giáo dục lo phần chuyên môn, nghiệp vụ, Ban thống nhất T.Ư, Ban tổ chức T.Ư, các Bộ Tài chính, Lương thực - thực phẩm, Nội thương, Y tế đều có bộ phận chuyên môn riêng lo công tác phục vụ các trường học sinh miền Nam. Có thể nói không ở đâu mà tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” của nhân dân miền Bắc được thấm nhuần và thể hiện sâu sắc như trong các trường học sinh miền Nam khi đó.
Trường HSMN ở Quế Lâm, TQ (1967-75).
       Trường học sinh miền Nam là loại hình trường nội trú khép kín, quản lý, nuôi, dạy, chăm sóc các em một cách khoa học và toàn diện. Học sinh được ăn ở, sinh hoạt, học tập ngay trong trường cùng với thầy cô và cán bộ, nhân viên nhà trường như một gia đình lớn. Hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh trong các trường đều được thực hiện theo qui định của Bộ Giáo dục, Bộ Lương thực và Thực phẩm, Bộ tài chính cấp phát toàn bộ. Về nguyên tắc, tất cả các học sinh miền Nam tập kết đều được hưởng chế độ cấp phát trang phục hàng năm vào 2 vụ, vụ hè và vụ rét.  Mỗi học sinh 1 năm sẽ được hưởng: 2 bộ quần áo (2 áo sơ mi, 2 quần), 2 áo lót, 2 quần đùi, 1 mũ lá, 1 khăn mặt. Vào mùa rét, học sinh còn được cấp bít tất, áo bông và chăn bông. Ngoài các thứ trên học sinh còn được cấp 1 đôi dép cao su, 1 thắt lưng da, 1 chiếc màn, 1 chiếc khăn quàng, các vật dụng này phải được bảo quản trong vòng 4 năm. Hàng năm mỗi học sinh được cấp 1 bộ sách giáo khoa; được hưởng các tiêu chuẩn sách báo, tập thể phí, các hoạt động vui chơi, giải trí… Học sinh từ 10 tuổi trở xuống được cấp tiền chống rét. Học sinh nội trú khi đau ốm nếu các trạm xá, bệnh xá của Trường học sinh miền Nam thiếu khả năng và điều kiện khám, điều trị, thì được khám và điều trị ở các bệnh viện nhân dân địa phương, được hưởng chế độ thuốc men, bồi dưỡng như những nhân viên trong biên chế. Tiền thuốc men, bồi dưỡng do nhà trường có học sinh thanh toán.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gặp lại cô giáo cũ.

       Công tác giáo dục, đào tạo trong các trường học sinh miền Nam những năm kháng chiến chống Mỹ đã thực hiện theo mô hình rất tiên tiến, mà ngay cả cho đến bây giờ, toàn ngành Giáo dục và Nhà nước ta đang phấn đấu tiếp cận mô hình đó. Các trường học sinh miền Nam đã thực hiện cân đối các mặt hoạt động giáo dục toàn diện; các hoạt động học tập chính khóa, ngoại khóa không tách rời nhau, mà kết hợp với nhau một cách chặt chẽ thành một nội dung giáo dục hoàn chỉnh. Học sinh miền Nam được dạy văn hóa cơ bản và các môn kỹ thuật, mỹ thuật, nhạc, nữ công, ngoại ngữ, thể dục thể thao. Vì vậy, địa phương nào có trường học sinh miền Nam đóng, thì đó là điểm sáng về các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của địa phương đó. Học sinh buổi sáng lên lớp, buổi chiều tự học, lao động, hoạt động thể dục thể thao, buổi tối sinh hoạt theo sự hướng dẫn, quản lý, phụ đạo của thầy cô giáo chủ nhiệm hoặc giáo viên bộ môn. Việc kết hợp chặt chẽ học tập với lao động, “Học đi đôi với hành” là một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của các trường học sinh miền Nam.

        Được nuôi dưỡng, chăm sóc trong hệ thống giáo dục đặc biệt như vậy, nên hiệu quả và hiệu suất đào tạo của các trường học sinh miền Nam rất cao, hàng năm tỷ lệ học sinh lên lớp đạt gần 90%. Số học sinh miền Nam học trong các trường Đại học ngày càng tăng. Tính đến năm 1975 đã có trên 16.000 học sinh miền Nam tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; trên 4.000 học sinh đang học Đại học trong và ngoài nước; còn lại là học sinh đang tiếp tục học trong các trường phổ thông trên đất Bắc.

         Được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc, trong suốt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954 - 1975), gần 30 ngàn con em đồng bào từ Quảng Trị tới Cà Mau đã được học tập, rèn luyện và trưởng thành dưới mái trường học sinh miền Nam trên đất Bắc. Nhiều thế hệ học sinh miền Nam tập kết đã trưởng thành, hàng nghìn người trong số họ đã trở thành các cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, nhiều người trở thành các nhà khoa học, giáo viên, các kỹ sư tài năng của đất nước, có người trở thành cán bộ lãnh đạo các cấp của các cơ quan Đảng, Chính phủ như  ông Nguyễn Tấn Phát – nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Thủ tướng Chính phủ -Phan văn Khải, Phó Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Thiện Nhân…Và có cả các nhà thơ, nhà văn, nhà báo như: nhà thơ liệt sỹ Lê Anh Xuân, nhà văn Chu Cẩm Phong, nhà báo liệt sỹ Phan Hoài Nam – phóng viên chiến trường của TTXVN…      



2 nhận xét:

Minh Tâm nói...

- Bài viết mang tính nghiên cứu, nhưng thật cảm động.

Đàm Thị Ngọc Thơ nói...

Việt Dũng hiểu chính xác chủ trương của Đảng và Bác Hồ đưa HSMN ra Bắc đào tạo,hiểu đúng những gì Bác Đảng và nhân dân miền Bắc lo cho HSMN,những gì HSMN làm được.Cảm ơn bài viết của em.Năm nay là năm kỷ niệm sáu mươi năm trường HSMN trên đất Bắc.Giá các trường Dân tộc nội trú ở các tỉnh hiện nay theo mô hình trường HSMN ngày ấy thì các dân tộc thiểu số không mấy chốc sẽ nhốc người tài.