Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

LUẬT SƯ PHAN ANH, TỪ MỘT TRÍ THỨC YÊU NƯỚC ĐẾN CƯƠNG VỊ BỘ TRƯỞNG CỦA CHÍNH THỂ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA - Việt Dũng (Tổng hợp)


Luật sư Phan Anh.
        Luật gia - luật sư Phan Anh sinh năm 1911, tại làng Tùng Ảnh (xã Châu Phong, Đức Thọ, Hà Tĩnh), một địa danh giàu truyền thống yêu nước, sản sinh ra nhiều nhân vật lỗi lạc trong lịch sử vinh quang của dân tộc. Với truyền thống từ một gia đình nho học yêu nước, vượt qua cuộc sống thời niên thiếu gian nan, vất vả, ông sớm tiếp cận đến một nền tri thức hiện đại tạo nên phẩm chất của một nhà hoạt động xã hội, một chính khách.

         1- Từ một luật sư có tinh thần yêu nước đến những bước đường hoạt động chính trị - xã hội trước Cách mạng tháng Tám (1945).
         Mồ côi mẹ từ năm 10 tuổi, Phan Anh cùng với người em (Phan Mỹ) theo cha lưu lạc khắp nơi. Tuy sống cực khổ, nhưng được sự giáo dục của cha, cả hai anh em ông đều học giỏi. Năm 1933, vừa tròn 22 tuổi, Phan Anh đã thi đỗ 3 bằng tú tài (Tú tài bản xứ, Tú tài chính quốc Pháp về toán và triết học - một thành tích hiếm có lúc đó), ông giành được suất học bổng nội trú của Trường Bưởi, Hà Nội. Lên đại học, ông phải chọn giữa hai ngành luật và y dược (vì lúc đó ở Đông Dương chỉ có một trường đại học Đông Dương với 2 ngành đào tạo là Luật và Y dược). Với tư tưởng hành nghề tự do sau khi ra trường, ông đã quyết định học Luật.


        Trong thời gian theo học ở Hà Nội, Phan Anh tham gia hoạt động xã hội, là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên và vào Đảng Xã hội Pháp. Vừa học, ông vừa tham gia dạy học ở trường Gia Long và trường Thăng Long.
       Năm 1937, ông tốt nghiệp Cử nhân Luật ở vị trí thứ 2. Năm 1938, ông sang Pháp để làm luận án Tiến sĩ Luật, với ý định trở thành giáo sư trường Đại học Luật. Tuy nhiên, cuối năm 1939, khi Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra, ông phải bỏ dở việc học để trở về Tổ quốc và hành nghề luật sư tại văn phòng của luật sư Bùi Tường Chiểu. Trong nhiều phiên tòa của chính quyền thực dân xét xử những chiến sĩ cách mạng, bằng những kiến thức pháp luật uyên thâm, ông đã thuyết phục tòa án Pháp, quan tòa Pháp đưa ra những phán quyết có lợi cho những người yêu nước là thân chủ của ông.
       Từ khi về nước, luật sư Phan Anh sớm ý thức được trách nhiệm của người trí thức đối với đồng bào và Tổ quốc. Vì vậy, năm 1940, ông cùng các bạn là Vũ Đình Hòe, Vũ Văn Hiền, thành lập báo Thanh Nghị (1941-1945), đây là diễn đàn của giới trí thức cấp tiến đương thời để tác động đến tầng lớp thanh niên tiến bộ hướng tới sự nghiệp mở mang dân trí.
       Sau khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương (ngày 9 tháng 3 năm 1945), Vua Bảo Đại mời ông và một số trí thức trẻ vào Huế tham khảo ý kiến về việc Nhật “trao trả độc lập" cho Việt Nam và để thành lập nội các mới. Sau đó ông được mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong chính phủ Trần Trọng Kim. Thời gian này, ông có sáng kiến thành lập đoàn Thanh niên Tiền tuyến (còn gọi là Thanh niên Phan Anh, Thanh niên Xã hội) để rèn luyện sức khỏe và các kiến thức quân sự cơ bản, hướng bao thanh, thiếu niên tới tinh thần “độc lập cho Tổ quốc”. Cùng thời điểm, ông là thành viên của Hội đồng soạn thảo Hiến pháp, kiêm thuyết trình viên (theo Dụ số 6 ngày 30 tháng 6 năm 1945) để soạn thảo một Hiến pháp cho nước “Việt Nam mới” của chính phủ Trần Trọng Kim.
 2- Gặp gỡ với Hồ Chí Minh và đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến.
Ông Phan Anh (4 từ phải) trong Chính phủ mới.
        Cách mạng tháng Tám (1945) do Việt Minh lãnh đạo và giành thắng lợi, chính quyền dân chủ nhân dân được thiết lập trên cả nước, với tư tưởng đoàn kết mọi tầng lớp để xây dựng chế độ mới, chống lại sự can thiệp của ngoại bang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mạnh dạn mời và thuyết phục nhiều nhân sỹ, trí thức tài giỏi của chế độ cũ tham gia Chính phủ liên hiệp lâm thời. Có thể kể đến các ông Vũ Đình Hòe (Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục); Nguyễn Văn Tố (Bộ trưởng Bộ Cứu tế - Xã Hội), Huỳnh Thúc Kháng (Bộ trưởng Bộ Nội vụ); Dương Đức Hiền (Bộ trưởng Bộ Thanh niên)… Trước khi diễn ra kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá I, tại Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ cho gọi Luật sư Phan Anh đến Bắc Bộ phủ. Bác nói: “Chúng ta cần phải thành lập Chính phủ Liên hiệp nhằm đoàn kết nhân dân, thống nhất hành động. Để thành lập Chính phủ Liên hiệp, Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng cần giao cho những người ở vị trí trung lập. Tôi đề cử chú nhận nhiệm vụ quan trọng đó”. Lúc đầu Luật sư Phan Anh thấy ái ngại, vì mình không được đào tạo chính quy về quân sự, vì thế, ông đã đề xuất với Bác cử Hoàng Xuân Hãn, một trí thức có cảm tình với cách mạng và đã từng học qua Trường quân sự cao cấp Polytechnique ở Paris làm nhiệm vụ này. Bác không nhất trí, cố gắng thuyết phục và an ủi: “Chú đừng ngại, tuy chú đảm nhận trọng trách Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng không phải tập trung công việc vào chuyên môn quân sự vì đã có chú Võ Nguyên Giáp. Nhiệm vụ của chú là tập trung vào vấn đề chính trị, nhằm đoàn kết trong ngoài”. Cuối cùng, Luật sư Phan Anh đã nhận lời làm Bộ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến (tháng 3/1946).
         Đến tháng 7 năm 1946, ông Phan Anh được Chính phủ giao chức Tổng thư ký phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Trưởng đoàn là ông Phạm Văn Đồng) đi dự hội nghị Fontainebleau đàm phán với chính phủ Pháp.
          3- Phan Anh – người trí thức yêu nước một lòng đi theo cách mạng.
        Sau này, luật sư Phan Anh kể về lần đầu tiên được tiếp xúc với lý tưởng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc đầy bất ngờ: “Tôi nhớ một đêm đông ở trường trung học mà tôi ở nội trú, kỷ luật sắt của nhà trường không cho phép ai mang sách lên phòng ngủ. Nhưng tôi đã vào nằm trong giường, đắp chăn trùm kín chỉ để hé một khe nhỏ để đọc một quyển sách nằm trong danh sách cấm của chính quyền thực dân khi đó. Đó là quyển sách “Bản án chế độ thực dân Pháp". Tôi đọc từng trang, từng dòng; háo hức như người khát nước, uống từng câu từng chữ, quên cả ngủ để đọc. Sáng hôm sau quyển sách phải chuyền tay cho anh bạn khác. Tôi nghĩ: Phần lớn thanh niên, học sinh ở lớp tuổi tôi trong thời gian này (1925 - 1930) đã được gặp Hồ Chủ tịch theo cách đó... Sự gặp gỡ này đã quyết định hướng đi của đời tôi, vốn có gốc rễ từ trong quê hương Nghệ Tĩnh, trong một gia đình nhà nho nghèo: Học không chỉ để mưu sinh, mà nhất định là phải đi tìm con đường để giải phóng đất nước. Bằng con đường nào? Bằng con đường mà Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra".
Vợ chồng ông.

       Từ một luật sư được đào tạo dưới chính quyền thực dân, với lòng yêu nước và nhiệt tâm khao khát được cống hiến trong chính thể dân chủ nhân dân, ông Phan Anh đã trở thành chính khách của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với 30 năm giữ cương vị Bộ trưởng, 30 năm là Đại biểu Quốc hội, thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội khóa VIII. Bằng học vấn uyên bác, tư duy logic, luật gia Phan Anh đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Từ năm 1945 cho đến khi thống nhất Tổ quốc năm 1975, ông là thành viên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau năm 1975 cho đến cuối đời, ông tham gia các hoạt động của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam và Hội đồng Hòa bình Thế giới.Từ năm 1988, ông còn là phó Chủ tịch Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
        Trong những năm 1976 - 1990, bằng tài năng và nhiệt huyết, ông đã đóng góp xứng đáng vào phong trào hòa bình của nhân loại tiến bộ, ngăn chặn chiến tranh hạt nhân. Tấm Huy chương vàng Giôliô Quyri do Hội đồng Hòa bình Thế giới trao tặng cho ông đã nói lên điều đó.
       Những hoạt động đóng góp của luật sư Phan Anh đã được Đảng và Nhà nước ta ghi nhận. Sau này, trong lời nhận xét của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn đánh giá: “Anh Phan Anh, người trí thức yêu nước đã một lòng đi theo con đường của Bác Hồ và của Đảng Cộng sản Việt Nam". Thậm chí, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới Romesh Chandra, cũng phải thốt lên: "Đồng chí Phan Anh là một người chỉ dẫn, người thầy giáo, một biểu tượng của nhân dân Việt Nam anh hùng...".
      Ông mất năm 1990 tại Hà Nội. Tên của ông được UBND Thành phố Hồ Chí Minh đặt cho một con đường tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân.


                            *********** @ ***********

9 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Ông từng là bộ trưởng, thủ trưởng của mẹ tôi - 1 con người tài năng, sâu sát và có công xây dựng ngành Ngoại thương VN.

Bờm nói...

Nhận xét về những "Công bộc" của Dân:
- NGÀY XƯA TOÀN NHỮNG NGƯỜI TÀI
NGÀY NAY TOÀN NỮNG NGƯỜI "NHAI" HẾT TIỀN.
(Tiền này là của dân chúng đóng thuế và vốn ODA đi vay)

Nặc danh nói...

Các bác nào đã đi xa thì không biết được, bác nào còn sống trăm tuổi mà vẫn giữ khí tiết thì đau lòng lắm nhìn thấy cảnh hiện nay. Bác nào không giữ được khí tiết thì bị nhuộm màu xã hội, tự đắc thắng cho rằng ta làm cách mạng để con cháu mình vinh hoa còn con dân thì đời nào chả vậy. Dân chỉ mong các cụ hiểu được rằng dân các nước láng giềng không có các cụ thì nay họ sống thế nào, thế là đủ.

Nặc danh nói...

ND ơi ,thế hệ cách mạng đầu tiên họ dám xả thân cho dân tộc này mà ! Họ vì dân đấy chứ không phải cho con cháu họ hưởng vinh hoa phú quý còn mặc kệ dân đâu ! Để giải phóng và giữ gìn độc lập của 1 dân tộc là vĩ đại và tự hào chứ? còn từ sau 1975 đến nay thì ta mới phải suy nghĩ nhiều .ND cũng biết là mỗi quốc gia cũng có vận và hội của nó nhỉ?
Thanh Trần

Viên Thạch nói...

Thời các Cụ ngày xưa cũng đầy tâm tư thời cuộc đấy ạ. Cuộc đời của các cụ là minh chứng cho xã hội bấy giờ, rất nhiều người trong sáng nhưng cũng không ít phe phái hình thành. Là gia đình, con cái, nhận được từ họ những phần trong sáng nhất nên thấy thời ấy đẹp. Giống như, có là ai chăng nữa vẫn luôn yêu quý và tự hào về cha mẹ mình dù họ có là những người vô danh, nghèo khó.
Cháu nghĩ vậy.

Nặc danh nói...

Cụ sinh năm 1911 mà sao đến năm 1926 đã tròn 22 tuổi nhỉ? B.Chương

TranKienQuoc nói...

Việt Dũng kiểm tra lại thời gian 1911 và 1926 nhé!

VD nói...

Vâng, quá trình biên tập vội, ko tránh đc sai sót. Sẽ kiểm tra.

V.D nói...

A QUỐC ơi. Năm 1933, ông PHAN ANH 22 tuổi đỗ Tú tài và đến cuối năm 1937 (tức là sau gần 4 năm) ông được học bổng sang Pháp học tiếp về Luật. Bài đôi khi có sai sót, xin lỗi BẠN ĐỌC