7. THÁP TÙNG
HỒ CHỦ TICH ĐI PHÁP NĂM 1946.
Để chỉ đạo cuộc hòa đàm Fontainebleau
nhằm cứu vãn hòa bình cho Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thực hiện
chuyến đi ngoại giao đầu tiên của Người theo lời mời của Chính phủ Cộng hòa
Pháp, trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Một hôm, ông Nguyễn Lương Bằng đến 54
Hàng Gai, Hà Nội, thông báo cho ông Đỗ Đình Thiện:
- “Bác muốn anh
tháp tùng Bác đi Pháp.” – ông Bằng nói.
- “Nếu anh tìm
được người đủ tin cậy thay anh thì anh có thể ở lại.” – ông Bằng trả lời.
Và thế là ông Thiện đã nhận nhiệm vụ
này.
Mặc dù Hồ Chủ tịch được mời với tư
cách thượng khách của Chính phủ Pháp, chuyến đi này rõ ràng đầy bất trắc, hiểm
nguy, “lành ít, dữ nhiều”.
Tháp tùng Bác từ trong nước trong
chuyến đi này có: ông Đỗ Đình Thiện, thư ký (Văn phòng), và ông Vũ Đình Huỳnh,
đại tá cận vệ (Võ phòng). Tại Pháp, Văn phòng của Chủ tịch được bổ sung thêm
bác sỹ Lê Văn Cưu (Việt kiều Pháp) và Võ phòng được bổ sung thêm ông Trần Ngọc
Xuân (Việt kiều, đại úy hải quân trong quân đội Pháp). Ngoài ra còn một số
thanh niên việt kiều, trong đó có Phạm Huy Thông, Võ Quí Huân trợ giúp công
việc của đoàn.
Tới Pháp, Hồ Chủ tịch không đến ngay
Paris, mà lưu lại Biarritz 10 ngày để chờ người Pháp lập chính phủ mới. Trong
thời gian này Người đã đi thăm nhiều nơi trong vùng.
Ngày 22-6-1946 Hồ Chủ tịch đáp máy bay
đến sân bay Bourget, Paris, để thực hiện chuyến thăm chính thức theo lời mời
của Chính phủ Pháp. Hồ Chủ tịch được đón tiếp trọng thể theo đúng nghi thức
dành cho nguyên thủ quốc gia.
Lịch trình làm việc của Hồ Chủ tịch
bốn tháng ở Pháp (22/6 – 17/9/1946) đã được ông Đỗ Đình Thiện ghi chép trong
một cuốn Nhật ký mà bản gốc hiện
được lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam .
Ngoài việc thực hiện các nghi lễ ngoại
giao, Hồ Chủ tịch đã có rất nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các tổ chức, báo
chí, đảng phái, cá nhân trong đó có những danh nhân thế giới như vợ chồng nhà
bác học Joliot Curie, danh họa Picasso, đại văn hào Ilya Ehrenbourg …Thực ra
thì nhiều người trong số họ đã từng là bạn của Bác ngay từ thời kỳ Bác hoạt
động cách mạng ở Pháp. Rõ ràng, phải ở một tầm trí tuệ và văn hóa như thế nào
thì mới có thể kết bạn và giữ được tình bạn với những con người như thế.
Nhật kí làm việc của Cụ Hồ, do ông Thiện ghi. |
Ngoài trách nhiệm thư ký, người ta
thấy ông Thiện chính là người quan tâm, chăm lo sinh hoạt, sức khỏe của Hồ Chủ
tịch. Tài liệu của Sở cảnh sát Paris
đã không bỏ sót chi tiết nào về những lần ông Thiện đưa Bác đi bệnh viện khám
sức khỏe, hoặc ông Thiện vào nhà băng Indochine rút tiền…
Giữa thủ đô Paris hoa lệ, trong khách sạn Royal Monceau
sang trọng, bộn bề trăm công nghìn việc, Bác vẫn luôn giữ một nếp sinh hoạt ung
dung, điều độ và giản dị. Ông Đỗ Đình Thiện đã từng cảm kích kể lại kỷ niệm sau
đây:
Sáng sáng, Bác đánh răng bằng bột than
củi đựng trong một hộp tròn bằng nhôm (vốn đựng thuốc đánh răng GIB) mang từ
nhà đi. Ông Thiện, nghĩ rằng bác tiết kiệm, hơn nữa cũng lo không tiện về ngoại
giao, đã lẳng lặng giấu hộp bột than của Bác đi, và để thay vào đó một tuýp thuốc
đánh răng. Sáng dậy, Bác cứ loay hoay đi tìm hộp bột than, ông Thiện giả bộ
nói: “Thưa Bác mất rồi thì thôi, mời bác dùng thuốc đánh răng”. Bác nói: “Không
phải mình hà tiện đâu, nhưng mình quen rồi, đánh bằng thuốc mình cứ hay bị lợm
giọng!”. Thế là sáng
hôm sau, vừa thương Bác vừa cảm động, ông Thiện đành lẳng lặng đặt trả lại Bác
hộp bột than đánh răng.
Quả là ý
thức tiết kiệm ở Bác đã trở thành thường trực, thậm chí thành thói quen.
Ông bà
Thiện đã công phu gìn giữ, bảo quản trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp gần
100 bức ảnh về chuyến đi Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946. Hiện còn 86
bức được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3. Điều lý thú là phần lớn các
bức ảnh này đều có bút ghi của ông Đỗ Đình Thiện giải thích nội dung các sự kiện.
Cũng suốt
9 năm kháng chiến chống Pháp, ông bà Thiện đã gìn giữ, bảo quản lá cờ đỏ sao
vàng, có tua kim tuyến mầu vàng, dùng cắm trên ô-tô của Hồ Chủ tịch trong thời
gian ở Pháp. Sau hòa bình lập lại, ông bà Thiện đã trao lá cờ này cho Bảo tàng
Cách mạng Việt Nam
lưu giữ.
Cuộc hội
đàm chính thức giữa phái đoàn Việt Nam , do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu,
và phái đoàn Pháp đã không đạt được thỏa thuận nào. Phái đoàn Việt Nam về nước,
Hồ Chủ tịch đã ở lại, cố gắng ký với M. Moutet, Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại,
bản Tạm ước 14-9-1945 nhằm kéo dài những ngày hòa bình để có thêm thời gian
chuẩn bị cho cuộc kháng chiến.
Nhật ký do ông Thiện ghi đã phản ảnh phần nào
những hoạt động bận rộn, khẩn trương, căng thẳng của Hồ Chủ tịch trong những
ngày cuối cùng ở Paris :
“14-9-46
…
-17g Cụ đi
gập ô. Moutet.
-18g Cụ đi
gập ô. Bidauld.
-19g45 Cụ về
khách sạn.
-12g rưỡi đêm
Cụ đi gập ô. Moutet.”
“15-9-46
…
- 16g ô.
Mesmer tới đưa giấy Cụ Chủ tịch ký vào hồi gần 5 giờ, có a. Giám ở đấy.
- 17g30 Cụ đi
nói truyền thanh Pháp và Việt nghe.
- 19g20 ô.b.
Sainteny đến chào Cụ.”
“16-9-46
Sáu ngày nay, Cụ bận suốt ngày đêm (tiếp khách đến thăm
chào, đi thăm chào và thứ nhất đi công việc). Anh em trong Tùy tùng thu dọn tài
liệu, đóng đồ đạc để gửi đi, đem về, viết thư, gửi thiếp chào và cáo từ các nhà
chức trách, các người thân biết. Suốt ngày đêm, công việc, khách khứa tấp nập,
rộn rịp.
Đêm 15, anh em thức đến 2g sáng và Cụ 3g sáng, mà sáng
nay 5g đã dậy sửa soạn ra ga.
6g30, Cụ đi Hôtel Ste Anne để gập anh Mai, 7g30 Cụ về giục
đi ngay kẻo trễ, bỏ cả ăn sáng.
Bẩy xe hơi đi ra ga Lyon. 7g50 tới ga…”
Ngày
18-9-1946 Hồ Chủ tịch cùng đoàn tùy tùng dời quân cảng Toulon về nước, trên
chiếc thông báo hạm Dumont d’Urville, có trang bị cả đại bác 155 ly, pháo liên
thanh cùng với 150 sĩ quan, thủy thủ Pháp do một viên đại tá chỉ huy.
Trong Hồi
ký “Trở về với Tổ quốc kính yêu”, GS. Trần Đại Nghĩa viết:
“Đoàn
tùy tùng theo Bác về nước gồm 6 người: anh Đỗ Đình Thiện, thư ký của Bác; anh
Vũ Đình Huỳnh, đại tá cận vệ (hai người này đi theo Bác từ Hà Nội); anh Võ Quý
Huân, kỹ sư cơ khí - luyện kim; anh Trần Hữu Tước, bác sĩ; anh Võ Đình Quỳnh,
kỹ sư mỏ - luyện kim và tôi với tên cũ Phạm Quang Lễ.”
“Hội
nghị Fontainebleau không thành công, ảnh hưởng đến mối quan hệ Việt-Pháp, nghe
đâu tình hình trong nước lúc đó đang căng thẳng. Khi đặt chân xuống tầu, tôi lo
ngại một điều mà không dám nói ra: cuộc hành trình dài ngày, nếu nửa đường xảy
ra chiến tranh ở trong nước, thì cả đoàn chúng tôi sẽ rơi vào cảnh “chim lồng
cá chậu”, giải quyết, đối phó ra sao? Nhất là với Bác, hình ảnh và linh hồn của
cách mạng Việt Nam .”
“…Trong
cuộc hành trình, Bác có yêu cầu tầu đỗ lại bốn nơi để Bác ghé: vùng gần kênh
đào Suez, Ceylan, Nha Trang và ngoài khơi Hải Phòng. Tại mỗi điểm ghé, chỉ có
Bác cùng thư ký và bảo vệ lên bờ, còn bốn chúng tôi ở lại trên tầu. Bác đến
đâu, gặp ai, làm gì? – tôi không tò mò tìm hiểu, lúc đó mọi người đều nghiêm
túc như vậy…”
Trên
đường về, từ cảng Saïd, ngày 22-9-1946 Bác đã gửi thư cho ông bà R. Aubrac, chủ
nhà nơi Bác cùng Tùy tùng đã ở nhờ từ 28-7 đến 8-9-1946:
“Các
bạn thân mến,
Từ lúc
chúng tôi khởi hành, biển lặng, thời tiết tốt. Hàng ngày, tôi ngắm mặt trời mọc
và lặn. Đó là một cảnh tượng hoành tráng và tuyệt đẹp.
Trên
tầu, chúng tôi không có nhiều việc để làm. Chúng tôi đọc, chúng tôi nói chuyện,
chúng tôi nghỉ ngơi, và chúng tôi nhớ các bạn.
Những
người bạn mới của chúng tôi, các sĩ quan và thủy thủ, họ rất dễ mến.
Các
đồng chí của tôi (Thiện, Huỳnh, và 4 người nữa mà các bạn chưa quen) và tôi,
chúng tôi mạnh khỏe.
Tôi gửi tới
các bạn những tình cảm thân thiết nhất. Tôi ôm hôn thắm thiết Jean Pièrre,
Catherine và cháu bé gái thân yêu của tôi. Hôn Ginette. Gửi lời chào tới các
bạn tôi Billoux, D’Astier, và những người khác. Hồ Chí Minh”.
Khi
tầu cập cảng Hải Phòng, Bác về Hà Nội trước, ông Thiện phải ở lại tiếp đoàn
thủy thủ Pháp. Về đến Hà Nội, Bác cho gọi ngay bà Thiện đến gặp và nói vui: “Bác
đưa chú Thiện về trả cô nguyên vẹn rồi đấy nhé!”.
********** @ **********
3 nhận xét:
Thật tự hào vì những con người dám hy sinh bản thân cho Tổ quốc, cái mà ngày nay cán bộ không có - họ chỉ lo vun vén cho cá nhân mình. Đó chính là sự cản trở của dân tộc.
NHỮNG NGƯỜI NHƯ ÔNG ĐỖ ĐÌNH THIỆN CHỈ XUẤT HIỆN TRONG MỘT GIAI ĐOẠN L.SỬ. NGÀY NAY CÁN BỘ CHỈ LO VƠ VÉT.
KQ sưu tầm được bài này ở đâu mà hay quá vậy ?
Đăng nhận xét