Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Tạ Đình Đề: từ kẻ ám sát trở thành người cận vệ huyền thoại của Bác Hồ (Việt Lâm)

Tạ Đình Đề ngày còn trẻ.

       Tạ Đình Đề (còn có tên là Lâm Giang). Ông sinh tháng 8 năm 1917 tại  quê: thôn Đại Định, xã Tam Hưng, Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc thành phố Hà Nội. Gia đình nghèo, nên 16 tuổi Tạ Đình Đề đã lang bạt sang làm công nhân Sở Hỏa xa Vân Nam tại Ga Côn Minh (Trung Quốc). Trong thời gian đó, Ông tham gia Hội Ái hữu Cứu quốc sau đổi thành Việt Nam Giải phóng Cứu quốc do Mặt trận Việt Minh tổ chức.

       Ông tốt nghiệp tại Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) với tấm bằng Xuất sắc; Ông tham gia các hoạt động vũ trang và được Việt Minh phân công hoạt động tình báo cùng Phái bộ Mỹ trong Phe Đồng -minh chống phát xít Nhật.
        Ngày 19 thán 8 năm 1945, ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Thanh Oai. Sau khi Việt Minh giành được chính quyền, ông làm Ủy viên Công chính Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời huyện Thanh Oai.



       Cuối năm 1945, ông Tạ Đình Đề là Phó ban Tình báo Liên khu 2 trực thuộc Bộ Tư lệnh Liên khu 2 (bao gồm địa bàn Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây). Năm 1950 đến năm 1953, ông được cử đi học tại Phân Khoa 2 Trường Quân sự Quế Lâm (Trung Quốc) khóa 6 và khóa 7.

      Từng làm gián điệp cho địch, quay sang bảo vệ Bác Hồ, từng bị chính quyền TP Hà Nội bắt tù oan 2 lần, rồi được Nhà nước xét truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Cuộc đời ông là một câu chuyện đầy bí ẩn.

          1- “Dí súng vào người bóp cò, gì mà chẳng trúng”.
        Xung quanh Tạ Đình Đề có rất nhiều mẩu chuyện vừa như giai thoại, vừa mang tính huyền thoại. Xin được dẫn một số chuyện vẫn được lưu truyền trong dân gian và bạn bè ông. Người ta kể rằng, Tạ Đình Đề là tình báo địch, từng nhận nhiệm vụ theo dõi Bác Hồ. Vào một bữa trưa, Bác Hồ nói với cần vụ lấy thêm bát đũa rồi nói to: “Xin mời anh Tạ Đình Đề vào ăn cơm trưa với tôi”. Biết đã bị lộ, một thanh niên nhảy vọt ra đứng ngay trước mặt Bác Hồ. Không hiểu hai người nói chuyện gì mà Tạ Đình Đề thay đổi mục đích chuyến “viếng thăm” này và nói: “Vậy tôi quyết định chấm dứt nhiệm vụ của địch giao cho và xin đặt mình dưới quyền sử dụng của Bác”. Từ đó Tạ Đình Đề trở thành cận vệ thân tín của Bác Hồ. Và nhiều lần ông đã chứng tỏ tài năng xuất chúng của mình.
Những năm sau này.
       Nhà văn Mai Ngữ trong “Lãng đãng chiều sương” kể một câu chuyện đặc biệt ly kỳ: “Tôi nhớ lại hồi Hà Nội xử vụ án Tạ Đình Đề, thiên hạ hiếu kỳ cả người lớn cả trẻ em đến ngồi đầy trong sân toà án. Tôi nghe trong đám trẻ chừng mười bốn, mười lăm tuổi đang ngồi xúm quanh một đứa lớn hơn đang liến láu kể chuyện, mắt mũi trợn trạo: “Thế này nhé, hồi Bác Hồ sang Trung Quốc, có người mời Bác hút thuốc lá. Bác vừa ngậm điếu thuốc trên môi thì ông Tạ Đình Đề đứng bảo vệ Bác rút súng lục bắn “oành” một phát trúng điếu thuốc rơi xuống, ghê không? Chẳng là người ta đã tẩm thuốc độc vào điếu thuốc lá mà… Lũ trẻ ngồi ngẩn mặt nghe”…

       Tài bắn súng như trong phim.
       Dân gian cũng nói nhiều đến tài nghệ bắn súng “bách phát bách trúng” của Tạ Đình Đề. Ông Vị Hải, nguyên là Thành đội trưởng Hà Nội, thời kỳ ông Đề làm đội trưởng biệt động Hà Nội kể với các nhà báo: “Tạ Đình Đề chuyên dùng Broning, hai khẩu hai tay, cứ vẩy một cái là trúng. Có lần trước mặt bá quan và hoa khôi ở Hà Đông, viên sỹ quan Tàu tuyên bố dân Việt Nam không ai biết bắn súng. Ông Đề nóng mặt, nhưng vẫn nhỏ nhẹ: “Nếu ông thích thì tôi xin hầu, có gì ông dạy bảo”. Viên sỹ quan Tàu lớn giọng: “Ai thua thì phải đãi chư vị đây một chầu trong nhà hàng ASIA (như khách sạn 5 sao hiện nay). Dù trong túi không có một cắc, nhưng ông Đề vẫn nhận lời thách đấu. Viên sỹ quan Tàu hăm hở cầm súng ngắm cẩn thận, bắn 5 viên, chỉ trúng 3. Ông Đề lặng lẽ cầm súng, vẩy tay 5 cái, trúng cả 5. Thế là tất cả mọi người được ăn một chầu ở ASIA.
       Một giai thoại khác không kém phần “gay cấn” là vụ nổ súng ngay tại sân khấu khiến cho khán trường ngơ ngác. Số là có lần đi dự một buổi trình diễn sân khấu, khi ca sỹ chưa kịp nói lời chào khán giả thì Tạ Đình Đề đứng dậy, rút súng bắn diễn viên chết ngay. Khi khám xét tử thi, người ta phát hiện ra một cục thạch anh và một khẩu súng nhỏ xíu được cất giấu trong người. Hoá ra, đó là một nữ điệp viên muốn nhân cơ hội ám sát lãnh tụ…
        Người ta cũng kể lại rằng, hồi những năm 1976, người dân Hà Nội thấy một người đàn ông oai vệ cưỡi một chiếc xe máy diễu trên đường phố. Đó là Tạ Đình Đề. Một hôm, ông đang chạy trên đường thì gặp tai nạn với một chiếc ô tô. Tiếng va quệt mạnh, cộng thêm tiếng sắt thép, kính vỡ khiến cho người đi đường tá hoả nghĩ ông Đề “chết là cái chắc”. Khi lại gần, chẳng ai thấy ông Đề đâu. Một lát sau, có một người đàn ông đu từ trên cành cây xuống và… cười, không mảy may bị làm sao cả.
         Đại tá Quách Hải Lượng người từng gặp ông Tạ Đình Đề ở chiến khu Việt Bắc thì kể rằng: Tôi hỏi ông Đề: “Người ta nói anh bắn súng giỏi lắm phải không?”, anh Đề nói luôn: “Chúng mày chẳng biết gì về tình báo cả, thằng tình báo nào mà chẳng bắn trúng, khi cần bắn người ta thì nó… dí súng vào người ta mà bóp cò, làm gì mà chả trúng. Chúng mày đừng nghĩ như tiểu thuyết và xi-nê”.

       Còn nhà báo Lê Xuân Kỳ kể: khi hỏi Tạ Đình Đề về những giai thoại trên, ông cười ngặt nghẽo và nói: Làm gì có chuyện đó. Chuyện về tớ cũng như chuyện về Bút Tre.

        2- Hào sảng như những nhân vật anh hùng trong Tam Quốc chí, Thủy Hử.

       Thấp thoáng trong cuộc đời ông Đề là hình bóng của những nhân vật trượng nghĩa bước ra từ Thuỷ Hử, Tam Quốc chí.
      Cưu mang cả người tiền án tiền sự.
        Khi ông Tạ Đình Đề về công tác ở ngành Đường sắt, ông được giao làm Trưởng ban Thể dục thể thao rồi kiêm Xưởng trưởng xưởng dụng cụ cao su. Ông và lãnh đạo xí nghiệp tập trung sản xuất vợt bóng bàn, áp dụng hình thức khoán sản phẩm, khoán công việc đến từng người, từng tổ và trả lương theo sản phẩm, thực hiện thưởng lương tháng 13 để công nhân có tiền ăn Tết. Công nhân được đưa đón bằng xe ô tô và ăn giữa ca không mất tiền… Nhờ đó mà sản phẩm của xí nghiệp ngày càng đa dạng và được xuất khẩu.
Trong thời gian này, ông Tạ Đình Đề nhận vào xí nghiệp nhiều người có tiền án, tiền sự, người thất cơ lỡ vận và người không có nghề nghiệp vào làm việc ở xí nghiệp. Lòng bao dung của ông Đề cùng các cộng sự đã khiến cho những con người lầm lỗi quay đầu hướng thiện, đóng góp tích cực cho xí nghiệp, tuy nhiên việc làm đầy tình nghĩa này của ông cũng đã mang lại cho ông nhiều phiền toái.
       Trong số những người ông Đề cưu mang có cả nhà thơ-nhà biên kịch tài hoa Lưu Quang Vũ và nhạc sĩ Phan Lạc Hoa, khi đó còn là những nghệ sỹ thất cơ lỡ vận. Sau này, Phan Lạc Hoa đã sáng tác ca khúc nổi tiếng “Tàu anh qua núi”, trở thành “ngành ca” của đường sắt Việt Nam. Còn trong vở kịch “Tôi và chúng ta” nổi tiếng, Lưu Quang Vũ đã lấy nguyên mẫu và chất liệu từ Tạ Đình Đề và xí nghiệp cao su.
        Giữa đường dẫu thấy bất bằng…
       Bên cạnh tấm lòng bao dung, nghĩa hiệp, ông Tạ Đình Đề cũng là người khảng khái theo kiểu “giữa đường thấy chuyện bất bằng mà tha”. Đại tá Tạ Cao Sơn (cháu gọi Tạ Đình Đề bằng chú) kể, hồi còn hoạt động cách mạng, trong một chuyến công vụ qua bến Đồng Quan (Thường Tín, Hà Tây), thấy con đò đợi mình không có người chở như kế hoạch. Tạ Đình Đề đi dọc bờ sông tìm và phát hiện ra một đôi đang “truy hoan”, hỏi mật khẩu thì đúng là người của mình. Cơn giận bùng lên, Tạ Đình Đề ra lệnh cho họ cởi bỏ quần áo, bơi qua sông trong khi trời rét như cắt để họ chừa thói trăng hoa.
        Một lần khác, khi đi qua căn cứ kháng chiến ở Rừng Thông (Thanh Hoá) thì trời tối, ông ghé vào một quán phở ở vùng tự do. Tại đây, ông gặp một người cao to có dáng vẻ là cán bộ công an đang ngồi trước một mâm rượu thịt, kề bên đùi là một cô gái. Bọn họ vừa ăn nhậu vừa đùa cợt. Ông Đề đoán cô kia là gái điếm, lại nhìn thấy bà chủ quán len lét không dám nói gì, máu anh hùng trỗi dậy, nhưng ông vẫn phải nín nhịn vì không muốn lộ hành tung. Cho đến khi người đàn ông to béo kia quát nạt bà chủ quán mang tiếp thức ăn, không nhanh, hắn rút súng dọa bắn… Ông Đề giận tím mặt nhìn thẳng vào mặt hắn. Hắn khệnh khạng: “Việc gì đến mày mà nhìn tao. Tọng cho nhanh rồi cút”. Rồi hắn lao vào ông như một con gấu. Không may cho hắn, vài động tác vung tay, ông đã hạ hắn đo ván.
       Tếu táo, ngang tàng.
         Câu chuyện sau đây lại do chính ông kể với nhà báo Xuân Ba: Khi còn chỉ đạo biệt động Thành hoạt động trong lòng Hà Nội tạm bị chiếm, ông Đề đã cho lính chụp ảnh… một bàn tay cầm súng lục và in ra hàng loạt. Dưới mỗi tấm ảnh như vậy đều ghi “BĐTHN” (biệt động thành Hà Nội) và được cho vào phong bì dán kín.
       Những tấm ảnh này, ông Đề cho anh em cơ sở ở Hà Nội lần lượt cài vào nhà, bỏ vào cặp những tên tay sai đầu sỏ hung hăng nhất. Ông cho rằng, muốn giết bọn này lúc nào cũng được, nhưng làm như vậy là cốt để cảnh cáo chúng, để chúng sợ mà sáng mắt quay về. Việc làm này một thời gian dài làm cho địch hoang mang nhưng ông lại bị phê bình là “tếu”, không cần thiết.
        Chính vì sự ngang tàng, trượng nghĩa của mình mà ông Đề có rất nhiều bạn bè. Nhưng rồi sau đó, chính điều đó làm hại ông. Cuộc đời ông cũng là một chuỗi ngày dài bị oan khuất…

        Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo: Tính anh Đề nghĩa hiệp.

         Thượng tướng nhớ lại những kỷ niệm với ông Tạ Đình Đề: Nhớ hồi năm 1948, khi đó tôi là Phó tư lệnh Quân khu Ba, anh Đề là Phó ban Tình báo, anh em thường ra phố tản cư ăn uống với nhau, thấy một số anh em công an ức hiếp quần chúng là Tạ Đình Đề nhảy vào can thiệp ngay, có khi to tiếng, xô xát. Anh Đề là con người nghĩa hiệp.

2 nhận xét:

Bờm nói...

ÔNG LÀ MỘT NGƯỜI TÀI NĂNG, NHƯNG CUỘC ĐỜI CÓ NHIỀU OAN TRÁI. RẤT MAY CUỐI ĐỜI ÔNG CÒN ĐC GIẢI OAN. CÒN NHIỀU LÃO THÀNH CM KO ĐC MAY MẮN NHƯ ÔNG. CỤ NGUYỄN HỮU ĐANG CHẲNG HẠN.

TranKienQuoc nói...

Những con người đó hy sinh phấn đấu cho 1 XH công bằng nhưng lại không được hưởng sự công bằng đó.
Lãnh đạo đương chức nói: không sửa sai vì muốn động chạm tới quá khứ. Họ có hiểu rằng, nếu họ dám làm thì dân sẽ tin họ gấp vạn lần!!!