Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Thế nào là "pháp nhẫn ba la mật"? (ST: Đạt)


Đó là phương pháp nhẫn nhịn, kham nhẫn, chịu đựng mọi chuyện trên đời, mọi cơn sóng gió của thế gian. Đó là phương pháp "nhẫn nhịn mà không thấy nhục nhã" như người đời thường nghĩ. Bởi vì, nếu nhẫn nhịn mà còn thấy là nhục nhã, thì chúng ta chỉ có thể nén giận để nhịn, chắc là không lâu, không quá ba lần.


Chúng ta nên nhận định một cách sáng suốt rằng những lời thị phi "không có nghĩa" gì cả, cho nên chúng ta "không cần chấp" làm gì. Chúng ta không chấp vào những lời nói, phê bình, chỉ trích, mạ lị, miệt thị, vu khống, vu cáo, thay trắng đổi đen, lộng giả thành chơn, thì chắc chắn chúng ta sẽ an ổn, bình yên, không ai xâm phạm được. 
Thí dụ như khi người ta đưa lửa tới đốt, chúng ta đưa bổi ra đón, lửa có điều kiện cháy lớn hơn. Nếu chúng ta không đón ngọn lửa do người ta đem tới, thì ngọn lửa đó chỉ đốt hư không mà thôi, hư không không có gì để đốt cháy được, lúc nào đó lửa cũng sẽ tắt queo, không gây thiệt hại gì! Cũng vậy, khi bị người khác công kích, chỉ trích, mạ lị, miệt thị, chúng ta không chấp vào đó, coi chuyện đó là những chuyện "đương nhiên phải có" ở thế gian đầy tranh chấp, ganh tị, đố kỵ, chúng ta sẽ an ổn, bình yên, không ai xâm phạm được.
Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, gọi tắt là Kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy: đó là "thập như thị", tức là mười thứ như thị, gồm có: như thị tánh, như thị tướng, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhơn, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bản mạt cứu cánh.
Nghĩa là: do tâm tánh của con người như vậy cho nên hình tướng của con người là như vậy; do bản thể của con người như vậy cho nên nghiệp lực của con người là như vậy; do tạo tác của con người như vậy gây ra nghiệp nhơn như vậy cộng thêm nghiệp duyên như vậy cho nên nghiệp quả của con người là như vậy; vì nghiệp báo của con người như vậy cho nên từ xưa đến giờ cứu cánh của con người cũng là như vậy.
Hiểu được mười điều đương nhiên như thị, như thế, như vậy, tức là chúng ta đã thấy tột chơn tướng của mọi pháp trên thế gian này. Được như vậy, được như thế, được như thị, chúng ta sẽ sống đời an lạc và hạnh phúc, bởi vì chúng ta đã giác ngộ và giải thoát. Nhưng làm thế nào thực hành được pháp nhẫn ba la mật?


Câu trả lời đó là: "Người muốn thực hành được pháp nhẫn ba la mật, phải đạt được trạng thái vô ngã". 
Trước hết, người đạt được "trạng thái vô ngã" là người không còn chấp "cái ta" tầm thường, như mọi người trên thế gian này thường chấp. 

Người đời thường chấp, thường cho rằng, tấm thân tứ đại mấy chục ký lô chính là "mình", chính là "ta". 
Khi được hỏi mình là ai, người đời thường chỉ ngay ngực, hay chỉ vào tấm thân tứ đại nặng nề và trả lời: Ta đây nè! Cho nên, hể ai đụng đến "ta", thì phải phản ứng ngay, phải đối phó ngay, nhịn không nổi, nín không được. 
Trái lại, người đạt được "trạng thái vô ngã" là người hiểu rõ ràng: tấm thân, do đất nước gió lửa hợp thành này, không phải là "ta" thực sự.
Đó chỉ là cái trạm dừng tạm thời của kiếp này, trong vô số kiếp, của "ta" mà thôi. 

Đến khi mãn kiếp này đời này, "ta" sẽ bỏ lại cái tấm thân đó mà ra đi, tìm cái thân xác khác, trong sáu nẻo luân hồi
Nếu không khéo, do lòng tham lam lâu đời dẫn dắt, 
"ta" lại chọn nhằm cái thân con heo, 
hoặc do lòng sân hận lâu đời dẫn dắt, "ta" lại chọn nhằm cái thân con rắn mãng xà, 
hay do lòng si mê lâu đời dẫn dắt, "ta" lại chọn nhằm cái thân con bò, 
thì khốn khổ biết là bao nhiêu.
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgFQgOzCcJonNH_o4BIYobn8pe9uz17MmgDs1fxDGr4Kr1X4PCcr6WdlsFKilynlGUbM-fVgsF_l41EeX3rPmLeMncWqyOrFW07EnD15FcJc62214n387wZyjkXWdz892WaY94snLJwF9k2/s1600/files.php.jpg
Sở dĩ gọi đó là "tấm thân tứ đại", do "đất nước gió lửa" hợp thành, bởi vì nếu không có những chất từ đất ra như thức ăn, những chất từ nước như thức uống, những chất từ gió như dưỡng khí, những chất từ lửa như hơi ấm, bồi bổ liên tục mỗi giây, mỗi phút, mỗi giờ, mỗi ngày, thì chúng ta đã vong mạng từ lâu rồi vậy. 

Đó chỉ là "tấm thân tứ đại", không phải thực là "ta" vậy. 

Thứ đến, người đạt được "trạng thái vô ngã" là người hiểu rõ ràng: tâm trạng của mình luôn luôn thay đổi trong từng sát na, trong từng giây phút. Những tâm niệm, những suy tư, nghĩ tưởng trong giây phút trước đây, bây giờ đã khác đi hay không còn nữa. Tâm tánh của mình có khi hiền thiện như thánh nhơn, cũng lắm khi độc hại còn hơn ác quỉ. Mình chỉ thấy mọi người khác gian ác, mọi người khác nguy hiểm, mọi người khác sai lầm, đáng bị trừng phạt, đáng bị bỏ tù, đáng bị xử tử, để cho xã hội này, cho thế gian này, trong đó có mình, được sống bình yên, được hưởng sung sướng! Con người thường thấy là mình đúng, khi đòi hỏi phải trừng phạt thật nặng, đòi hỏi phải bỏ tù rục xương, đày đọa địa ngục, xô xuống hỏa ngục, những người khác phạm tội ác.
Con người thường suy nghĩ, sáng chế, yêu cầu thi hành những hình phạt ghê rợn nhất để trừng phạt, trừng trị đích đáng những phạm nhân đã sát hại thân nhân mình và nghĩ rằng người quá cố sẽ vui lòng nơi suối vàng. Thực ra, đó là tâm trạng của chính mình muốn như vậy mà thôi. Người đã chết có nói gì đâu, có yêu cầu gì đâu, có đòi hỏi gì đâu? Bởi vậy có câu: "Suy bụng ta ra bụng người... chết! ".
Mấy ai nghĩ được rằng: nếu làm như vậy, cả hai gia đình phạm nhân và nạn nhân cũng đều thiệt hại một nhân mạng, đều cùng đau khổ như nhau. Thỉnh thoảng báo chí cũng có đăng các tin rất cảm động, gia đình nạn nhân xin giảm tội, xin xử nhẹ tội, hay xin tha tội cho phạm nhân.


Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy:
Lấy oán báo oán, oán nghiệp chập chùng.
Lấy ân báo oán, oán nghiệp tiêu tan. 
Con người thường nhân danh công lý, nhân danh tôn giáo, nhân danh lẽ phải, nhân danh thượng đế, nhân danh đủ các thứ có thể nhân danh được, để kết án, kết tội, trừng trị tất cả mọi người khác. 

Còn nếu mình phạm tội thì đáng được tha thứ, phải được tha thứ, người khác thì không đáng được! 
Cái chỗ bất công này là nguyên nhân chính, đưa tới xáo trộn, biến loạn trong xã hội là như vậy.
Cuối cùng, người đạt được "trạng thái vô ngã" chính là người không còn chấp "cái ta" tầm thường như mọi người trên thế gian này thường chấp. 

Người đạt được"trạng thái vô ngã" là người hiểu rõ ràng rằng: "ta" không phải là cái thân tứ đại nặng nề, và cũng không phải là cái tâm suy nghĩ lăng xăng lộn xộn thường ngày, bởi vì những thứ đó bị vô thường chi phối, nay còn mai mất, chợt hiện chợt biến, không tồn tại vĩnh viễn. 
Như vậy, "cái gì" tồn tại vĩnh viễn, không bị vô thường chi phối, "cái gì" bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm, theo như Đức Phật chỉ dạy trong Bát Nhã Tâm Kinh? 

Đó chính là "cái ta chơn thật", đó chính là "con người chơn thật" của tất cả chúng ta. 
Mục đích cứu kính rốt ráo tột cùng của Đạo Phật chính là nhằm khai mở, chỉ bày "con người chơn thật" đó cho mọi người biết được, hiểu được, ngộ được, nhập được, sống được. Người nào được như vậy tức là được giác ngộ và giải thoát, được an lạc và hạnh phúc hiện đời. 
Trong kinh sách, Đức Phật có dạy: "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn".Nghĩa là trên trời dưới đất chỉ có "cái ta chơn thật" là điều độc nhứt đáng tôn trọng, đáng trân quí mà thôi. 


Cũng trong Bát Nhã Tâm Kinh, Đức Phật có dạy:
Tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh niết bàn.
Nghĩa là: 

Nếu chúng ta ngộ được, nhập được, sống được bằng "con người chơn thật" không tướng mạo, nên không dơ, không sạch, không tăng, không giảm, không kẹt nhị biên, thể nhập bất nhị pháp môn, thì tâm chúng ta không bị bất cứ cái gì có thể khủng bố, nên không còn sợ hãi, 
do không còn sợ hãi nên không có gì có thể khiến cho mình kinh khiếp hoảng sợ, chúng ta xa lìa được tất cả các chuyện điên đảo đảo điên, các chuyện mộng mơ mơ tưởng, các chuyện không thực ở thế gian, 
cuối cùng đạt được cảnh giới niết bàn vô sanh, không còn phiền não khổ đau, không còn sinh tử luân hồi.
Đó mới chính thực là mục đích cứu kính của người theo đạo Phật bằng trí tuệ bát nhã.


Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy rằng: 
Người nào ôm ấp tâm niệm nó mắng tôi, nó chửi tôi, thì không phải là người trí, chỉ chuốc khổ vào thân thôi. 
Người nào không ôm ấp những tâm niệm như vậy, thì người đó dẹp được lòng sân hận. 
Nghĩa là chúng ta đã thấy rõ như trên, bất cứ ai dù bị mắng chửi, bị mạ lỵ hay không bị mắng chửi, không bị mạ lỵ, mà cứ ôm ấp tâm niệm đó trong lòng, thì chỉ chuốc lấy phiền não và khổ đau cho chính mình, có khi còn đem lại bất an cho gia đình, cho những người chung quanh nữa mà thôi. 
Trong suốt những năm dài thuyết pháp độ sanh, Đức Phật luôn luôn khuyến khích mọi người nên thực hành hạnh nhẫn nại, nhẫn nhịn đến mức rốt ráo, cao tột, trong kinh điển gọi là "pháp nhẫn ba la mật". Đức Phật luôn luôn hành pháp nhẫn nại, dù lắm khi Ngài cũng bị chỉ trích, bị chửi mắng, thậm chí bị tấn công. Nhẫn nại không bao giờ là dấu hiệu của sự yếu đuối, ươn hèn, kém cỏi, chủ bại, đầu hàng, nhục nhã. 

Trái lại, nhẫn nại là sức mạnh bất khuất, sức mạnh vạn năng, sức mạnh vô song của người tự chủ, của người đã ngộ được và sống được với "cái ta chơn thật", cho nên không còn sợ bị chúng khinh khi, không còn sợ chúng "được đằng chân lân đằng đầu", không còn sợ chúng "được nước làm tới".
Tại sao vậy? 

Bởi vì "cái ta chơn thật" không phải là tấm thân tứ đại, không có tướng mạo, cho nên không ai có thể xâm phạm được
Điều nên sợ, đáng sợ chính là mình không thể kham nhẫn được
không thể chịu đựng nỗi, không thể tự thắng mình, không thể tự chủ được bản thân và bản tâm mình trước những thử thách, trước những sóng gió của cuộc đời mà thôi. []

Không có nhận xét nào: