Trong văn đàn, không thể phủ nhận sức sống mãnh liệt của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm “Cái lò gạch cũ” của nhà văn Nam Cao. Nhiều người vẫn thường tự hỏi, liệu Chí Phèo có thật?
Chí Phèo có tới 3 nguyên mẫu
Để trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi tìm về quê hương của Nam Cao - làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân - nay là thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam để tìm câu trả lời cho những thắc mắc của mình.
Con đường từ thành phố Phủ Lý về thôn Nhân Hậu ngoằn ngoèo, đầy những vòng cua. Hai bên cánh đồng bạt ngàn màu xanh mát mắt. Làng Vũ Đại trong tác phẩm của Nam Cao bắt nguồn từ chữ Đại trong Đại Hoàng, cũng chính là quê hương của nhà văn Nam Cao (tên thật là Trần Hữu Trí), đã lớn lên, chứng kiến bao cảnh thối nát, đưa đẩy của những số phận. Khung cảnh làng “Vũ Đại” bây giờ đã không còn như xưa nữa, thay vào đó là cảnh thiên nhiên thanh bình, mơ mộng với hàng cây xanh, lô xô mái nhà cổ kính và những khung tre phơi đầy những sợi vải trắng tinh...
Căn nhà cụ Trần Hữu Đạt (90 tuổi), em ruột nhà văn Nam Cao là một căn nhà cổ, với kiến trúc bằng gỗ và những họa tiết dân gian. Vì đang bị bệnh nặng nằm giường nên cuộc trao đổi ngắn ngủi quý giá của chúng tôi với cụ không nhiều. Theo cụ Đạt thì “nhân vật Chí Phèo là có thật nhưng là tổng hợp của 3 nguyên mẫu ngày ấy. Nên anh tôi (nhà văn Nam Cao - PV) đã gộp cả 3 lại mà làm nên nhân vật Chí Phèo”. Tuy nhiên, cụ không còn nhớ chi tiết về từng người.
May mắn, chúng tôi gặp được một lão niên trong làng, cụ chính là cháu của nhân vật nguyên mẫu Bá Kiến. Đó là cụ Trần Duy Đường, năm nay đã gần 80 tuổi, nhưng còn rất nhanh nhẹn, tháo vát. Cụ kể cho chúng tôi nghe về làng Vũ Đại, về nhân vật Chí Phèo - Thị Nở, Bá Kiến một cách tường tận và chi tiết.
Cụ Đường cho biết: “Tôi từng được cha mẹ, cùng ông nội và các bậc cao niên kể lại nhiều lần rằng nhân vật Chí Phèo không có thật mà chỉ là một nhân vật “tổng hợp” được nhà văn Nam Cao xây dựng nên”. Theo cụ Đường thì ở làng Đại Hoàng có 3 nhân vật được nhà văn chắt lọc, góp nhặt những điển hình để xây dựng hình ảnh Chí Phèo.
Người thứ nhất là anh Chí, quê gốc ở làng Đại Hoàng. Cha mẹ mất sớm, anh Chí vì nhà quá nghèo không có ruộng vườn nên phải đi làm thuê cho nhà Trương Pháo. Chí làm công việc mổ lợn thuê, có tài làm món phèo rất ngon. Mỗi khi làm thịt lợn xong, Chí chỉ xin chai rượu và một đoạn phèo. Sau khi ăn uống no say, anh Chí lại về cái điếm ở chợ để ngủ. Anh Chí rất hiền lành không rạch mặt, ăn vạ hay chửi trời chửi đất như Nam Cao miêu tả.
Người thứ hai tên là Đào, chính là em họ bà nội của nhà văn Nam Cao. Ông Đào cũng không có gì đặc biệt, bản thân ông cũng chỉ là một phần rất nhỏ hình mẫu của Chí Phèo. Theo cụ Đường, ông Đào có người vợ tên là Nở, ông cũng chính là anh lực điền làm thuê cho Chánh Bính (nhân vật Bá Kiến trong truyện). Thế nhưng, ông Đào không tư thông với bà ba, đấy chỉ là một sự sáng tạo rất riêng của Nam Cao cho tác phẩm của mình.
Người thứ ba tên là Trinh, vốn là dân ngụ cư từ nơi khác đến, không cha, không mẹ, lại có thêm cái bệnh nghiện rượu. Mỗi khi uống rượu là ông này uống đến say khướt, say hơn cả Chí Phèo trong tác phẩm của nhà văn Nam Cao. Mỗi lần say, ông lại chửi bới những người dân trong làng và đặc biệt ông có cái tật ăn vạ mỗi khi ai đó làm gì đến mình. Nhưng may mắn cho Trinh là ông có vợ và một đàn con đông đúc.
Ngừng một lát nhấp chén trà, cụ Đường lại tiếp tục câu chuyện. Cụ nói rằng, làng Nhân Hậu có cái tên giống như tính cách những con người ở đây. Họ sống rất hiền lương, chăm chỉ và không bao giờ đánh nhau. Thế nhưng, với nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã tổng hợp, chắt lọc tất cả những cái xấu xa của những người nông dân lương thiện bị bần cùng hóa mà ông gặp suốt cả quãng đường từ Bắc vào Nam nơi ông đã đi qua.
Trong 3 nhân vật nguyên mẫu điển hình để xây dựng nên Chí Phèo, có lão Trinh và ông Đào là chết ở làng, còn anh Chí thì bỏ làng đi biệt xứ. Cụ Đường cũng kể cho chúng tôi nghe một chi tiết đặc biệt là anh Chí còn có một đứa con. Qua một vài lần ỡm ờ trêu ghẹo, Chí đã ăn nằm với bà bán trứng trong chợ. Người phụ nữ ấy không xấu, không dở hơi, đã có gia đình cùng một đàn con đông đúc. Người con ấy được sinh ra đặt tên là Rụ. Rụ lớn lên trong sự khinh rẻ của xóm làng, cuối cùng cũng đi đâu không rõ.
Cụ Trần Duy Đường trò truyện với PV. |
Nguyên mẫu sáng tạo từ hiện thực
Nói đến Chí Phèo, không thể không nhắc tới nhân vật Bá Kiến. Cụ Đường cho biết thêm, Bá Kiến là nhân vật được xây dựng từ nguyên mẫu là ông nội của cụ, tên là Trần Duy Bính - Nghị viên Bắc Kì, tương đương với đại biểu Quốc hội ngày nay.
Cụ Bính mất ngày 8.11.1948, 3 năm sau Cách mạng tháng 8 thành công. Cụ Đường chia sẻ, ông nội mình là một người chính trực thanh liêm, có tài, có thế, rất được nể trọng, vì thế mới được lên chức nghị viên. Cũng có người nói rằng, cụ Bá Bính là một người thâm hiểm, nhưng lại rất mềm mỏng, vì giàu có mới mua được chức quyền. Chuyện Chí Phèo đâm chết Bá Kiến là hoàn toàn không có thật bởi tác phẩm “Cái lò gạch cũ” mà Nam Cao viết ra được hoàn thiện vào tháng 2.1941, còn cụ Bá Bính mãi đến năm 1948 mới qua đời. Ấy thế mà ngày trước, cụ Bá Bính thỉnh thoảng gặp phụ thân của nhà văn Nam Cao thì vẫn ngọt nhạt rằng: “Ông có phúc đức đẻ thằng con viết sách chửi cả làng”.
Nói về điều này, cụ Đường vừa cười vừa chia sẻ: Mỗi khi có những cuộc họp hành, giỗ chạp trong họ, cụ đều phải "đính chính" cho con cháu mình về câu chuyện này. Cụ nói với con cháu rằng, câu chuyện về Chí Phèo - Thị Nở, Bá Kiến chỉ là những nhân vật văn học, chỉ là hư cấu, không có thật. Những chi tiết trong truyện cũng là do sự sáng tạo của nhà văn mà thôi.
Khi đoàn làm phim đến quay bộ phim làng Vũ Đại ngày ấy, đã có rất nhiều người hỏi tại sao trong phim, ngôi nhà của Bá Kiến lại to và rộng đến thế. Cụ Đường phải giải thích rằng, đấy là sự lồng ghép của đạo diễn, còn thực ra căn nhà của cụ Bá Bính chỉ có 3 gian, 4 hàng cột với tổng cộng 16 cây cột lim. Trải qua rất nhiều thăng trầm của lịch sử, đến nay, căn nhà vẫn vững vàng không một chút hư hỏng. Nói về điều này, cụ Đường giải thích rằng, căn nhà vốn được qua tay rất nhiều người có quyền, có thế, nên có vía rất cao. Trải qua nhiều lần “suýt chết vì cháy” vậy mà căn nhà vẫn không hề hấn gì. Căn nhà của Bá Kiến cũng chính là ngôi nhà mà cụ Trần Duy Bính từng ở. Trải qua thời gian với rất nhiều lần đổi chủ, hiện nay căn nhà trở thành địa điểm tham quan du lịch, được rất nhiều người ghé thăm.
Cụ Đường cho hay, khi địa phương ghi bảng tên “căn nhà cụ Bá Kiến trong tác phẩm của Nam Cao”, cụ đã phản đối rất nhiều. Bởi theo cụ, căn nhà đó của cụ Bá Bính, tuy đã trải qua nhiều lần đổi chủ nhưng vẫn giữ được nét nguyên vẹn như xưa. Còn Bá Kiến là một nhân vật không có thật, không thể nói là nhà cụ Bá Kiến nhằm tránh sự hiểu lầm của thế hệ trẻ.
Cụ Đường kết thúc câu chuyện: “Văn học được xây dựng từ hiện thực nhưng không thể coi tất cả những gì văn học miêu tả đều là sự thực. Những nhân vật được xây dựng nên đều cần rất nhiều sự sáng tạo của nhà văn. Những người dân làng Đại Hoàng vốn rất thuần hậu, chất phác. Vì yêu quý làng xóm quê mình nên Nam Cao mới dành cho quê hương một sự ưu ái đặc biệt đến thế, khi đưa quê hương và những con người nông dân thuần hậu vào một tác phẩm để đời”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét