Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

Người Không Chân Dung 14

Tôi vẫn luôn xác định là vụ của Guillaume không phải là nguyên nhân mà chỉ là cớ để hạ bệ ông Brandt vào ngày 4 tháng 5 năm 1974, không bao lâu sau khi Guillaume bị bắt. Trong hồi ký, ông Brandt cho rằng việc khám phá một gián điệp trong vòng thân cận không thể nào là lý do để buộc ông phải từ chức. Theo nhận xét của tôi, ông là nạn nhân của những khó khăn nội bộ của đảng SPD và một cuộc khủng hoảng lòng tin nơi cấp lãnh đạo, phát xuất ít ra từ mô hình quyền lực tam giác mà ông chiếm một góc. Herbert Wehner, lúc đó là nghị viên phụ trách tổ chức của đảng SPD trong quốc hội, chiếm góc thứ hai ; và
https://server3.kproxy.com/servlet/redirect.srv/slxv/swkfxtbdxkw/p1/images/stories/images/brandt_schmidt_wehner.jpg
Willy Brandt, Helmut Schmidt và Herbert Wehner



Helmut Schmidt, Bộ Trưởng Tài Chánh và là người kế vị Brandt, chiếm góc thứ ba. Những báo cáo của Guillaume cho thấy rõ ngay trước khi xảy ra vụ tai tiếng, những kẻ thủ của Brandt nằm trong nội bộ văn phòng của ông không kém hung hãn so với những người được gởi đi từ Đông Bá Linh. Người mạnh nhất trong nhóm này không ai ngoài Wehner. Wehner với vẻ mặt đanh đá và miệng lưỡi bén nhạy là một di sản của thế giới mưu mô của phe Tả Đức thời tiền chiến, cực kỳ phân hóa giữa Dân Chủ Xã Hội và Cộng Sản trước thế chiến. Vào thập niên 1930, ông có chức vụ trong ban lãnh đạo của Comintern, tại đây, sau này người ta mới phát hiện, ông đã phản bội một vài đồng chí và tố cao họ với NKVD (lời dịch giả : NKVD = Narodnii Komissariat Vnoutrennikh Diél, Ủy Ban Nhân Dân Đặc Trách Nội Vụ là một cơ quan công an chính trị Stalin dùng để kiểm soát dân chúng và guồng máy nhà nước). Trong thời chiến, tại Thụy Điển, ông bị bắt và khai hết những hiểu biết của ông về Đảng Cộng Sản và những đảng viên làm việc tại Đức cho cảnh sát Thụy Điển. Sau này là đảng viên đảng Dân Chủ Xã Hội hậu chiến, ông là chính trị gia cao cấp duy nhất của Tây Đức biết rõ những thành viên của ban lãnh đạo Đông Đức từ những ngày tiền chiến, trong đó có Erich Honecker. Họ xa cách nhau trên nhiều năm, trên nhiều bí mật; họ chua cay và đổ lỗi cho nhau về số phần của nước Đức, nhưng họ đặc biệt gắn liền với nhau vì họ có cùng một quá khứ xã hội và ý thức hệ, giúp cho họ nối liền nhịp cầu phân chia của Chiến Tranh Lạnh. Mặc dù vóc dáng hãi hùng của ông (có người nói nửa đùa nửa thật là các gia súc trong nhà đều chui xuống gầm ghế trường kỷ mỗi khi ông xuất hiện trên màn ảnh truyền hình), Wehner rất thông cảm với những khó khăn trong đời sống cá nhân của người dân vì hậu quả chia cắt nước Đức. Ông giản dị hóa thủ tục trao đổi tù binh trong cuộc hội họp mặt đối mặt với Honecker vào tháng 5 năm 1973. Ông sợ Liên Bang Xô Viết một cách bệnh hoạn vì những kinh nghiệm thời chiến của ông tại đây, ông có lần thú nhận ông run sợ trước khi lên đường du hành sang Moscow lần đầu tiên. Nhưng ông và Honecker cảm nhận thời niên thiếu của họ trong phong trào Cộng Sản giúp họ có được mối liên hệ gần gũi giống như tình bạn. Tôi có thể nói cuộc hành trình của Wehner từ chủ nghĩa Cộng Sản chuyển sang dân chủ xã hội đã đưa ông đến gần Đông Đức hơn vào cuối cuộc đời của ông – mặc dù ông không thuận ý về mặt ý thức hệ – bởi vì ông cảm thấy gần gũi với nước CHDC Đức dưới sự chỉ đạo của Honecker hơn là với đảng của ông.
Ngay từ ban đầu Brandt đã nghi ngờ Wehner có liên hệ với chúng tôi, ông đoan quyết ông bạn đồng nghiệp đang thương lượng với chúng tôi đàng sau lưng ông. Tôi nghĩ rằng ban lãnh đạo trong Đảng Dân Chủ Xã Hội biết rõ kể từ thập niên 1950 những liên hệ kín đáo này, nhưng tôi không rõ ông Brandt biết được ở mức độ nào và bao nhiêu chi tiết. Brandt nghi ngờ Karl Wienand, đồng nghiệp thân cận nhất của Wehner, làm việc cho KGB hoặc cơ quan của tôi. Đây không phải là một mối nghi ngờ vô cớ; sau ngày thống nhất, Wienand, đã từng là thư ký của đảng SPD tại Quốc Hội Đức, bị tố cáo làm gián điệp cho cơ quan của tôi. Tất cả
https://server3.kproxy.com/servlet/redirect.srv/slxv/swkfxtbdxkw/p1/images/stories/images/karl_wienand.jpg
Karl Wienand
Tất cả các chính trị gia lãnh đạo của đảng SPD làm chứng trong phiên tòa xét xử Wienand, kết thúc vào giữa năm 1996, mọi người đều xác nhận là Wehner đã dùng Wienand để duy trì mối liên hệ với chúng tôi. Tuy nhiên, không một ai trong họ biết rõ những chi tiết của những mối liên hệ này. (*Lời chú thích của tác giả : Wienand bị kết án hai năm rưỡi tù ở và được lệnh phải trả tiền phạt một triệu Đức Mã. Vẫn chưa thấy đương sự kháng án)
Thực ra, Wehner và Honecker chẳng có âm mưu bí mật gì cả và cũng chẳng có những liên hệ mờ ám gì giữa Wehner và Liên Bang Xô Viết. Tuy nhiên Brandt cảm thấy bị phản bội và mối nghi ngờ của ông đã trở nên gần như bệnh hoạn. Nhưng, theo ngạn ngữ xưa, ngay cả những kẻ mắc bệnh cuồng hãi cũng có kẻ thù và tôi quyết đoán Wehner vì lý do chính trị đã dùng sự hiểu biết của mình về sự giám sát bất bình thường – và vi hiến – những việc riêng tư của Brandt do cảnh sát hình sự Tây Đức điều động trong lúc xảy ra sự vụ Guillaume. Sau khi Guillaume bị bại lộ, Horst Herold, giám đốc Nha Hình Sự Liên Bang (Cảnh Sát) (Bunderskriminalamt) viết một bản báo cáo dựa trên bản thẩm vấn của đội bảo vệ ông Brandt về đời sống cá nhân của ông thủ tướng, một bản mục lục về những chuyện tình ái của ông với các cô ký giả, những quen biết ngẫu nhiên và các cô gái mãi dâm. Bản báo cáo đã trình những luận điệu cho thấy Guillaume là người trách nhiệm tìm gái cho ông Brandt.
Guillaume lẽ cố nhiên đã luôn báo cho chúng tôi về loại phong cách này và thường có ý định làm áp lực ông Brandt về cuộc sống cá nhân của ông. Chúng tôi chẳng bao giờ thực hiện việc này. Trước tiên vì chúng tôi biết báo giới, vì muốn bao che cho thế giới chính trị tại Bonn, họ sẽ không đụng đến thông tin này. Trong mọi trường hợp, điều này không đem điều lợi nào cho chúng tôi, vì chúng tôi chẳng được lợi ích khi đánh phá ông, nhất là vì chúng tôi biết cách ứng xử với ông, biết rất rõ về ông, và tuân theo châm ngôn của tất cả các cơ quan tình báo: thà làm việc với tên quỷ dữ ta quen biết còn hơn là bắt đầu làm quen với tên quỷ mới.
Vốn là người muốn tỏ ra nết na, Wehner là người đầu tiên nhận xét những hệ luy của phong cách của Brandt và khai thác chúng. Ông thẳng thắn cảnh báo Brandt về nguy cơ tai tiếng nếu Guillaume tiết lộ những chi tiết sốt dẻo về đời sống tình dục của vị thủ tướng. Wehner cũng cảnh báo Brandt đã trở thành đối tượng tống tình của Đông Bá Linh mặc dù tôi không nghĩ rằng Wehner thực sự tin việc này có thể xảy ra. Nó không đem lợi ich nhiều cho chúng tôi và Wehner hơn hết mọi người quá biết Honecker để thực hiện việc tống tình loại này không thích hợp với phương cách làm việc cẩn thận của lãnh tụ Đống Đức. Helmut Schmidt lúc đó đã có tham vọng thay Brandt trong chức vụ Thủ Tướng tỏ ra kín đáo hơn nhiều nhưng ông cũng chẳng giúp được gì. Vì vậy ông Brandt tuy được công đồng quốc tế trọng vọng lại bị cô lập trong chính đảng phái của ông để rồi nhận biết mình không những đã bị một cơ quan địch thủ hải ngoại dò xét kể từ khi lên cầm quyền mà chính cành sát và cơ quan an ninh của đất nước ông còn giám sát những sơ hở của ông và những hồ sơ của họ địch thủ có thể dùng đánh phá ông bất cứ lúc nào. Ông đã bị lọt bẫy, và theo sự ước lượng của ông, ông chỉ còn có mỗi một nước là từ chức.
Dự đoán trước những phán ứng không thuận lợi của khối Đông Âu và của Moscow khi họ khám phá chúng tôi do thám ông Brandt, tôi đã viết một bài nghiên cứu nhan đề “Khai triển về Khủng Hoảng Liên Minh và Việc Brandt Từ Chức” để trình lên Honecker. Tôi đề cập đến vấn đề này vì Brezhnev và sau này Honecker tuyên bố họ phiền lòng khi Guillaume bị phát hiện và họ nói họ không hề biết đến chuyện này, huống chi là điệp vụ của anh. Điều này có lẽ đúng sự thật, nhưng một tháng sau khi Brandt từ chức, tôi được Mielke thông báo là Moscow đồng ý với quan điểm của tôi cho rằng nguồn gốc phát sinh chuyện tai tiếng là do chuyện nội bộ chính trị của Tây Đức. Tại Đông Đức, nơi đây người dân thường mến mộ Brandt là vì chính sách Ostpolitik có nghĩa họ có thể gặp lại gia đình thân nhân của họ ở Tây Đức, việc ông bị hạ bệ không được quần chúng ủng hộ. Tại Neustrelitz, có những bàn tay bí mật viết lên bảng chỉ đường ĐƯỜNG WILLY BRANDT, và tại Erfurt, nơi ông Brandt đặt chân lần đầu tiên trên đất Đông Đức năm 1970, có những bích chương vô danh lên án việc phản bội ông. Trạm bưu điện ở phiá Bắc thành phố Güstrow tiếp nhận một bức điện tín bày tỏ thiện cảm của ba phụ nữ có y định gởi cho Brandt , ghi như sau : “Chúng tôi hy vọng người kế vị ông có can đảm hoàn thành tốt đẹp tiến trình ông đã khởi động”. Mặc dù vậy, tôi khó có thể quên được việc hạ bệ ông là một thảm họa cho cả hai bên Đông và Tây Đức và cơ quan của tôi đã bị khiển trách.
Ngược lại, có quan điểm cho rằng việc xâm nhập của Guillaume vào phủ Thủ Tướng là thành quả lớn nhất của tôi. Những người ngưỡng mộ ông Willy Brandt – số người này rất lớn ở tại Đông Đức cũ – không tha thứ cho tôi vì vai trò của tôi trong sự xụp đổ của ông. Vì lý do này và đồng thời để cho mọi người biết, tôi phải nhấn mạnh là tôi xem trường hợp của Guillaume là một thất bại lớn nhất mà tôi phải gánh chịu vào lúc đó. Vai trò của chúng tôi trong việc hạ bệ ông Brandt tương đương với việc xút bóng vào chính khung thành của phe ta. Nhưng một khi chuỗi biến cố đã vận chuyển, chúng có sức năng động riêng của chúng. Tôi phải kêu chúng ngừng ở giai đoạn nào?
Mối liên hệ giữa chính trị và tình báo thông thường là khó khăn. Từ lúc Andropov lên cầm quyền tại Moscow và dưới thời của Gorbachev, đường hướng căn bản là việc do thám tình báo không được phép gây trở ngại cho không khí hòa hoãn. Cùng vào lúc đó, họ lại gia tăng áp lực để buộc chúng tôi tìm ra những bí mật của NATO. Chúng tôi, giống như ngạn ngữ của nước Nga cổ xưa có nói, phải tắm rửa cho con gấu nhưng không để cho bộ lông nó bị ướt. Một trong những phương pháp để tránh không bị chỉ trích trong trường hợp này là tuyệt đối không làm gì cả. Mốt số bạn đồng nghiệp của tôi đã áp dụng chiêu thức này, họ không đạt được thành quả lớn nhưng họ có một cuộc sống an bình. Thành công có hai mặt tưởng thưởng và trừng phạt.
Hai tuần lễ sau khi ông Brandt từ chức, tôi cố gắng an định tâm thần và viết trong nhật ký :
“B. đã để lại dấu ấn của mình trên thời đại của chúng ta và hướng đi của nó. Công trình của ông không nhỏ. Ông được thiên hạ kính nể phần lớn chính là sự yếu đuối của ông trong môi trường chính trị thực tế. Vì vậy, đột nhiên, chúng ta đã phải đóng vai trò Nemesis bất đắc dĩ (lời dịch giả : Nemesis là một nữ thần trong huyền thoại Hy Lạp biểu tượng cho sự rửa hận và công lý cào bằng, văn hóa Tây Âu dùng danh từ Nemesis để ám chỉ kẻ thù không đội trời chung).
Bây giờ quý vị có thể tự hỏi công sức đầu tư vào việc này có quá nhiều không, nguy cơ có quá lớn không khi chúng tôi lưu giữ Guillaume tại văn phòng của ông Brandt. Người lãnh đạo phải luôn nhớ rằng tình hình có thể trở nên xấu và ước định giá phải trả khi thất bại ngay từ ban đầu . Nhưng điều này thực hiện được không? Phải ngừng lại ở nơi nào? Hậu quả tất yếu là dẹp tất cả các cơ quan tình báo. Điều này theo tôi nhận xét khó lòng có thể xảy ra trên thế giới, ít ra chưa phải lúc này.
Mãi sau này, trong một tình huống khác, cá nhân tôi đã đặc biệt chứng kiến tấm lòng cao thượng của ông Brandt, không bao lâu trước khi ông mất năm 1993, nhân dịp một cuộc họp báo thông báo việc phát hành ấn bản tiếng Pháp quyển nhật ký của ông năm 199, ông đã phát biểu chống lại việc khởi tố hình sự cá nhân tôi. Tôi trông mong có được cơ hội đích thân xin lỗi ông, nhưng ông đã từ chối không muốn gặp tôi hoặc Guillaume, ông viết “điều này sẽ gây cho tôi quá nhiều đau đớn”.
Vào giữa năm 1995, Guillaume chết sau một cơn bệnh kéo dài khá lâu. Tôi có đến dự đám tang của anh tại một nghĩa trang mới vô hồn ở Berlin-Marzahn, một công trình xây cất dân cư rộng lớn để tỏ lòng tri ân Honecker vĩ đại, một viễn ảnh thiển cận của nước Cộng Hòa của công nhân. Vào giờ phút cuối trước nghi lễ an táng thế tục bắt đầu, cánh cửa của tòa cao ốc bật tung ra và một khuôn mặt dằm mưa dãi nắng vội vã bước vào. Tôi quay người nhìn về phía sau, lòng mong ước gặp lại Christel hoặc Pierre, một đứa bé đã trưởng thành quá sớm, nhưng lại biết quá muộn cha mình có hai cuộc sống, và nó chỉ biết đến mặt giả. Trong danh sách các nạn nhân của những điệp vụ, trẻ con cần phải được đề cập đến nhiều hơn và tác động liên quan đến đời sống của chúng cần được chú ý nhiều hơn nữa.
Nhưng Pierre và Christel không ai đến cả. Cả hai người đều lẩn tránh, những vết thương của quá khứ quá sâu đậm đã không lành lại được trước khi anh chết. Người đến trễ là Elke, người vợ thứ hai của anh, người phụ nữ chúng tôi đã lựa chọn để chăm sóc cho anh và trở thành ngươi yêu vào cuối cuộc đời của anh. Cô ngồi im lặng, mắt liếc nhìn các quan khách lạ lẵm, tưởng nhớ đến một người mà cô đã quen biết và yêu thương, không phải là anh chàng Guillaume nổi danh hay bỉ ổi nhưng là một người đã về hưu cố gắng đem lại một ý nghĩa nào đó cho cuộc sống của mình trong khi đó hệ thống chính quyền mà anh quen biết và đã phục vụ một cách quá can đảm đang xụp đổ bên cạnh anh. Chúng tôi cùng nhau đi ra nghĩa trang đầy cỏ bụi, không người canh gác và chiếc quan tải đi vào lòng đất. Theo truyền thống của đảng Cộng Sản, tôi đặt lên trên đó một cánh bông hồng lẻ loi.


"...Nhưng có một hạng phản bội khiến cho người ta kinh hoàng nhưng đồng thời cuốn hút con người một cách vô cùng mãnh liệt và cần được đặc biệt phân tích: kẻ phản bội nằm trong một cơ quan tình báo..."

Không có nhận xét nào: