Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Tư liệu về CMT8 cần tiếp tục khai thác

Sáng nay, mang giấy mời đến nhà cụ Hoàng Dũng. Cụ không có nhà. Gọi điện mới biết, cụ sang ở nhà con gái ở 121/16 đường Hồng Hà. Cụ mong đến để nói chuyện: "Có nhiều chuyện muốn trao đổi với anh. Mà phim CMT8, chú mới xem được 4 tập". "Vậy cháu sẽ qua tặng chú cả 6 tập", tôi hứa.
Chiều, trước khi đi đá bóng, tạt qua thăm cụ. Chú, cháu bao giờ vẫn thế: rất sôi nổi, nhất là khi dạo này tai cụ nghễnh ngãng nặng. Khi kể cho cụ về quá trình làm phim thì cụ đùa: "Anh không muốn gặp tôi đây mà...".


Rồi nghe cụ kể mới biết, cụ thi không đỗ vào Trường Bưởi (trường công) nên phải học Trường tư Thăng Long. (Ngày đó còn trường Gia Long ở phố Phủ Doãn). Cụ từng gặp thầy Võ Nguyên Giáp vài lần; còn thầy Hoàng Minh Giám thì là hiệu trưởng. 
Tháng 3/1945, đang học dở Tú tài 2, thì Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương nên cụ nghỉ học. Tham gia Thanh niên cứu quốc rồi gia nhập Thanh niên tự vệ thành Hoàng Diệu, vào đội Danh dự AS (ám sát)... "Trong những ngày 17 và 19/8, chúng mình không được lộ mặt vì phải bí mật theo dõi bọn chỉ điểm, mật thám... nếu thấy chúng hành động là xử lí ngay. Chú cũng từng tham gia giết 1 tên mật thám".
Sau ngày 19/12/1946, HN được chia thành 3 liên khu. Liên khu 1 - khu phố cổ - do ông Trần Quốc Hoàn chỉ huy. Liên khu 2, từ phố Huế đổ xuống Bạch Mai, Hoàng Mai do ông Phùng Thế Tài chỉ huy. Còn Liên khu 3, đổ từ Chèm về Cầu Giấy, Ngã tư Sở, vào tận Hà Đông do ông Đỗ Trình, Phó bí thư Khu ủy phụ trách.
...
Kể với cụ, sau khi bộ phim được chiếu, lập tức nhận được nhiều thông tin từ các gia đình cụ Đỗ Trình, Chu Văn Tích, Thái Hy... Họ cung cấp nhiều tư liệu quý và những ngày Cách mạng Tháng Tám sôi nổi. 
Ngay cả cháu ngoại cụ Phan Kế Toại, đang sống ở Pháp, sau khi xem phim xong đã email về: "Em đã xem xong phim phóng sự. Các anh làm được việc này thật đáng quí. Chỉ tiếc rằng những nhân chứng không còn nhiều, nếu không chắc còn hay nữa. Từ trước tới nay vì mục đích chính trị, tuyên truyền nên rất nhiều sự kiện bị che giấu, hay tệ nữa là bị bóp méo. Những thước phim các anh làm sẽ giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn lịch sử. 
Trong cuộc cách mạng giành chính quyền, gia đình em (cụ thể là Ông ngoại em, cụ Phan Kế Toại) cũng là người trong cuộc. Nếu không có sự góp sức của cụ thì chắc chắn sẽ có đổ máu. Ông em xin từ chức để mở đường cho cuộc cách mậng của Việt Minh. Trước khi rời Dinh, cụ đã chỉ thị không được bắn vào Việt Minh, mà phải mở của cho họ vào...
Thế hệ cha ông chúng mình đã làm tất cả cho dân tộc, cho đất nước, không tính toán cá nhân. 
Cám ơn anh đã gửi cho em xem bộ phim này. Chúc anh và gia đình nhiều niềm vui".

Không có nhận xét nào: