Trong suốt bao năm đã qua của cuộc đời mình, tôi không thể đếm hết được mình đã đi ngang qua Bảo Lộc bao nhiêu lần.
Từ ngày còn bé xíu, mỗi mùa hè được đi Sài Gòn 1 lần, tôi đã ngang qua Bảo Lộc trên những chiếc xe than (xe chạy bằng 1 bình than nóng rực treo tòn teng ở cuối xe). Qua thời xe than, tân tiến hơn 1 chút là những chiếc xe đò sơn vàng, xộc xệch, chất đầy trên mui những sọt rau củ quả, nhét đầy dưới chân những giỏ hàng, cả gà, cả vịt. Cứ cách 1-2 tháng, lại nghe tin từ đâu đó dội về: có xe lật ở dưới đèo.
Và sau này nữa, khi xe cộ đã thoải mái, hiện đại hơn, tôi đi ngang qua Bảo Lộc bằng xe Ford, xe Coaster, xe chất lượng cao. Có 1 vài lần ngang qua Bảo Lộc bằng xe con 4 chỗ, lần nào cũng vật vờ, hãi sợ vì say xe luý tuý. Và gần đây, tôi ngang qua Bảo Lộc trên những chiếc xe máy, sản xuất bởi Tàu, bởi Suzuki, bởi Honda…
Và tất cả những lần đi ngang qua Bảo Lộc như thế đã để lại trong tôi một Bảo Lộc với 1 cái tên, 1 con đèo ngoằn ngoèo có 2 điểm dừng chân - 1 cho con chiên của Chúa và 1 cho các tín đồ của Phật mà tôi chỉ kịp liếc mắt khi chạy ngang qua. Bảo Lộc mà tôi đã qua trong suốt bao nhiêu năm chỉ vọn vẹn là 1 quãng đường mang tên Trần Phú nằm ngay trên Quốc Lộ 20 với cái nhà thờ mang tên Bảo Lộc và cái 1 cái hồ ven đường. Và Bảo Lộc một thời, những vườn dâu xanh lá, những nhà máy chế biến tơ tằm bóng mượt với bóng công nhân trong đồng phục trắng lấp loá giờ tan ca.
Một Bảo Lộc với “danh trà Đỗ Hữu” mà ông cụ hàng xóm đã pha vào mỗi buổi sáng suốt thời niên thiếu của tôi, một Bảo Lộc sau này có trà Trâm Anh, trà Tam Châu là điểm dừng chân cho khách qua đường với nhà vệ sinh, trà, cà phê miễn phí. Và một Bảo Lộc với những đồi trà, cà phê chập trùng trong nắng, trong mưa, trong sương chiều giá lạnh.
Tôi đã đi lướt qua Bảo Lộc trong chừng ấy năm, để đến ngày tôi nhìn lại, thấy mình thật tệ, thấy mình không thể đối xử với 1 vùng đất anh em với quê nhà mình bằng thái độ thờ ơ “lướt qua, liếc mắt”. Cho đến ngày tôi quyết định phải ghé qua, phải ở lại, phải cảm nhận – 1 lần.
Bảo Lộc đón tôi vào 1 ngày cuối năm nắng hanh vàng, khí hậu mát mẻ, dễ chịu. Theo như kế hoạch, khi đến nơi, chúng tôi sẽ đi tìm khách sạn để nghỉ ngơi trước, sau đó sẽ bắt đầu thăm thú loanh quanh Bảo Lộc, cho ngày đầu tiên, lần đầu tiên. Các điểm khác sẽ được “đào sâu nghiên cứu” vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, khoảng cách chỉ 200km từ Sài Gòn làm chúng tôi đến Bảo Lộc rất sớm, chỉ vào khoảng 3 giờ chiều, với món nắng vàng, và gió mát mơn man, chúng tôi không cầm được lòng lượn 1 vòng nhỏ.
Chợ Bảo Lộc không lớn. Thị xã sắp lên cấp thành phố này có các con đường lớn, công viên thênh thang, nhiều cây xanh. Nếp sống hiền lành, không xô bồ, ồn ào. Vừa qua khỏi chợ khoảng 300m là đã qua khỏi sự ồn ào mua bán, chỉ còn lại không khí êm ả của cuộc sống dân thường. Có người bạn đang ở thác Đambri í ới gọi, chúng tôi quyết định hẹn gặp nhau ở Tu Viện Bát Nhã.
Hỏi đường vài người dân, chúng tôi được chỉ tận tình 2 quẹo trái, 1 quẹo phải ngay nhà thờ lớn và thêm 1 quẹo trái, 1 quẹo phải nữa, chúng tôi đã vào được con đường trực chỉ Tu Viện Bát Nhã thẳng tiến.
Đường trải nhựa phẳng lì, uốn quanh co bên những rẫy cà phê bạt ngàn, ngang qua những đồi trà bát ngát trong nắng chiều. Vào lúc chúng tôi đi, cà phê đang phủ bông trắng muốt, lấp lánh màu trắng tinh khôi trong cái xanh êm đềm của lá thẫm. Nhà cửa thưa thớt nhường cảnh quang cho đồi núi nhấp nhô trùng điệp. Thật khoan khoái dễ chịu biết bao – không khí này, thời tiết này, gió này, nắng này – êm đềm say đắm. Tôi đi, bụng bảo dạ, mình mà có tiền, lên đây kiếm miếng đất để đó, biết đâu về già về đây dưỡng già, cuốc đất trồng dâu… nuôi tằm thì thật là lý tưởng (tượng).
Tu viện Bát Nhã đón chúng tôi bằng 1 vạt trà được cắt thẳng tắp với 1 viên đá cảnh khiêm tốn bên đường. Trước khi đến Bát Nhã, tôi đã tiếp nhận rất nhiều thông tin về nơi này. Đầu tiên, đây là 1 nơi “rất đẹp” theo lời 1 người bạn đã đến đây và tham gia khoá tu tập 1-2 ngày ở đây. Kế đến đây là 1 nơi bị tranh chấp giữa 2 nhà góp vốn dẫn đến phát sinh ẩu đả của những tăng ni nơi này. Hay dở đều có cả, nhưng với tôi, 1 kẻ không niềm tin, không tâm linh, thì chùa (hay tu viện) chỉ là 1 nơi để chiêm ngưỡng. Và tôi ngắm…
Đồi thông này, bình thường thôi, thông còn non, chừng 8-10 năm tuổi. Hàng cột này, bình thường thôi, có lẽ học theo hàng cột 4 cây của chùa thiên Mụ ở Huế. Tuy nhiên, hàng cột ở chùa Thiên Mụ - Huế lại được cái địa thế của nó, nằm ngay trên cao, lại rất hoà hợp với toàn cảnh – được tôn vẻ đẹp lên nhờ có tán phượng vĩ đổ bóng bên bờ sông Hương. Kiến trúc của điện chính, các công trình phụ xung quanh… chẳng biết bình luận sao nhưng thực tế là làm tôi vô cùng thất vọng. Đáng lẽ, cái gì làm sau, và được làm với rất nhiều tiền thì phải đẹp hơn, giá trị hơn. Nhưng thật sự là càng về sau này, khi đi đến các đền chùa, thì hầu như tôi không tìm thấy ở bất cứ đâu kiểu xây dựng làm cho công trình có giá trị cao về về mặt kiến trúc. Toàn bộ thiết kế cũng như bố trí các hạng mục của tu viện không để lại trong tôi bất cứ ấn tượng nào mặc dù tu viện toạ lạc trên một phần diện tích khá rộng và chiếm vị trí đẹp trong khu vực.
Tu viện vắng ngắt, chỉ có vài ba người đến. Chiều xuống, một nhóm chú tiểu trẻ trong áo lam vào điện chính để gõ mõ, ê a đọc kinh. Trong sảnh rộng, tiếng chuông, tiếng mõ như loãng đi trong tiếng kinh của những giọng trai trẻ, còn chưa cả bể giọng làm tôi thấy lòng chùng xuống, thấy thương cảm cho cảnh chùa hoang vắng nhưng chẳng tạo được cảm giác tôn nghiêm – hay bởi chính lòng tôi đã chẳng còn tôn nghiêm với những nơi như thế này, bởi lòng người đầy sân si đã làm cho ranh giới giữa đạo và đời bị xoá nhoà. Và ta tự cho mình là hiểu biết đủ để coi thường cả đạo…bởi sự lẫn lộn làm cho niềm tin và sự u mê là không thể phân biệt được…
Loanh quanh ở Bát Nhã đến khi hết nắng, chúng tôi quay về thị xã Bảo Lộc tìm khách sạn. Khoảng 7 giờ tối, để tiện lợi và khỏi chạy quanh, tôi đến khu vực nhà nghỉ ở ngay trung tâm, sát chợ. Tuy nhiên, toàn bộ (khoảng 3) đều lắc đầu báo hết phòng. Theo tôi nghĩ, với toàn cảnh thanh vắng của Bảo Lộc thì không thể nào các ngôi nhà 3 tầng treo bảng Nhà Nghỉ ở khu ngày hết phòng được trừ phi phòng được cho thuê theo giờ không phục vụ mục đích ngủ nghỉ. Thêm nữa, vì rất không thích ở gần chợ ồn ào náo nhiệt, nên sau khi lướt qua và nghe lắc đầu, tôi vui vẻ quay đi, quyết định sẽ tìm chỗ nào xa trung tâm 1 chút cho yên tĩnh.
Chạy lòng vòng những con đường lớn nhỏ, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy rằng khó có thể tìm thấy nơi có khách sạn ở trung tâm thị xã, thậm chí hỏi vài người dân, họ cũng lắc đầu và không thể gợi ý cho chúng tôi nơi chúng tôi có thể tìm thấy nhà nghỉ để qua đêm. Trời chuyển lạnh, đứa bạn đi cùng tôi bắt đầu lo lắng… lỡ không còn nhà nghỉ thì sao, lỡ không tìm ra chỗ để ở thì sao, lỡ… thì sao… Tôi thì thấy chẳng có lỡ hay thì gì cả, tôi không tin là cả cái thị xã không còn chỗ trú đêm cho 2 đứa chúng tôi. Quả đúng thế thật, sau khi chạy vòng vèo nhiều con đường, chúng tôi vào đường Hùng Vương và phát hiện ra có vài khách sạn to lớn, đẹp đẽ. Bên kia đường là công ty Cổ phần Chè Lâm đồng to vật đang hiên ngang khoe mình. Khúc đường này khá vắng vẻ vì 1 bên là hàng rào của công ty chè, 1 bên là các nhà mặt phố to đuỳnh, đẹp đẽ. Chúng tôi chọn khách sạn có mặt tiền to nhất, bóng bẩy nhất và trông rất sáng sủa, mới mẻ bước vào. Giá phòng đơn là 150K/ phòng, giường 1m6. Giá phòng đôi là 200k/phòng. Chúng tôi đề nghị được xem phòng. Khách sạn này mới xây nên phòng ốc rất đẹp, sang trọng và rộng rãi. Mở cửa nhìn phòng tắm, tôi đùa với anh chàng tiếp tân: chà, đất ở đây mênh mông nên xây khách sạn to oành heng, làm cái phòng tắm to như cái ảng, biết làm gì cho hết. Cậu nhỏ cười tít mắt khen tôi… vui tính (haha). Thật ra, với 1 cái phòng tắm trang bị đơn sơ, chỉ những thứ thật sự cần thiết 1 gương, 1 lavabo, 1 vòi sen và 1 toilet thì diện tích hơn 4m2 được “khen” cũng phải. Không cần phải bàn nhiều, chúng tôi quyết định chọn phòng đôi. Và khi cười điệu với bà chủ và hỏi, có bớt hông chị, chúng tôi chỉ thanh toán… 150K/ phòng/ ngày đêm khi trả phòng.
Sau này, khi ra đường Trần Phú (QL 20) để mua trà về làm quà, tôi được cô bán trà (là người quen) chỉ rằng, ở dọc đường này rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn, giá cả cũng rất phải chăng, chỉ khoảng 100-120K/ phòng/ ngày đêm. Có lẽ đây mới chính là nơi thuận tiện để người ta lưu trú lại Bảo Lộc, các khách sạn ở sâu trong thị xã chỉ để dành cho người có công việc trong thị xã cần lưu trú dài ngày, còn dân qua đường thì thường sẽ ở ngay mặt đường QL. Tuy nhiên, tôi rất hài lòng với sự lựa chọn của mình, đến nơi đâu thì phải ở trong lòng nơi đấy may ra hiểu được tí lòng nhau, chứ ở mặt đường QL 20 vừa ồn ào vì lưu lượng xe qua lại nhiều, lại vừa như tới nhà rồi mà cứ nhất định đứng ngoài cổng rào chứ không chịu vào nhà vậy.
Trước khi lên Bảo Lộc, chúng tôi đã tìm thổ địa và nhờ tư vấn về vấn đề ăn uống. Mặc dù được giới thiệu cho 1 quán cơm, 1 quán lẩu nấm, 1 quán bánh xèo thì câu cuối cùng thổ địa thoòng thêm cho tôi là: một khi bạn đã ăn uống ở Sài Gòn, thì đồ ăn ở Bảo Lộc không có nghĩa lý gì hết. Tôi thì cứ diễn nôm câu này: đồ ăn ở Bảo Lộc chẳng có gì đặc sắc và không ngon. Quả đúng là như vậy. Lại làm vài tua loanh quanh những con đường to nhỏ của thị xã (1 tua mất khoảng 5-7 phút, haha), ngó qua tất cả những nơi được chỉ định và cả không được chỉ định, chúng tôi quyết định vào 1 quán… cháo vịt ở đường Nguyễn Công Trứ. Ăn, chỉ đơn giản như ta sạc pin cái điện thoại. Thế thôi!
Buổi tối, các công viên ở Bảo Lộc đầy nam thanh nữ tú. Các em tin trai tụ tập chơi đá banh, và tán gẫu, các em gái và các em bé cùng phụ huynh thì tập trung tô tượng, tranh cát. Phong trào tô tượng đang chiếm thế chủ đạo tại tất cả các vòng xoay và công viên của thị xã, đông vui nhộn nhịp. Còn trên các con đường thì rất vắng xe cộ qua lại. Trời trong, mát lạnh. Thanh niên đang bận tụ tập tại các quán cà phê, được trang hoàng điệu đà và ra vẻ hoành tráng rất giống với cà phê… Sài Gòn. Chỉ có 1 chỗ rất khác - Cà phê bờ hồ.
Đó là hội trường nhà văn hoá phụ nữ, 1 sảnh mở. Bên kia đường là bờ hồ. Bàn ghế được kê cả 2 bên, phía hội trường và phía bờ hồ. Có 1 sân khấu để mọi người “Hát với nhau”. Chúng tôi kiếm 1 bàn bên phía bờ hồ và ngồi nhìn ra hồ, nhìn những ánh đèn lồng đỏ trang trí ở thuỷ tạ và ánh đèn cao áp ven đường phản chiếu trên mặt hồ như gương, hắt lên hơi lạnh mơn man. Thật tuyệt làm sao.
Sự khác biệt khi bạn ngồi bên bờ hồ ở Bảo Lộc là bạn sẽ cảm nhận được toàn bộ khung cảnh, không khí mà không có sự ngăn cách nào. Nếu cũng ngồi bên bờ hồ nhưng ở Đà Lạt, bạn sẽ phải chịu ngăn cách bởi kính chắn gió hoặc bạn sẽ bị tê cóng vì lạnh. Tôi thích sự mát mẻ, dễ chịu của khí hậu Bảo Lộc hơn. Tôi thích cảm giác ngồi bên hồ ở Bảo Lộc hơn. Và tôi thích mấy cây liễu rủ đang ngủ quên bên hồ, và cây sứ đang xoè những cành nhỏ trên đầu tôi, và lãng đãng những bài tình ca các bạn trẻ đang say sưa gởi gắm cho nhau những lời yêu thương nồng nàn tha thiết.
Chúng tôi rời thị xã từ sáng sớm, loanh quanh tìm chỗ ăn sáng, trước khi đi không quên hỏi bà chủ khách sạn nơi chúng tôi ở xem “thổ địa” có gợi ý gì hay ho về vấn đề ăn sáng không. Tuy nhiên, rõ ràng là chúng tôi không có nhiều sự lựa chọn về vấn đề ăn uống ở xứ này.
Một lưu ý khác là trái cây các loại ở đây được bán với giá rất cao. Tại chợ, chúng tôi hỏi táo xanh (nhỏ) thì được kêu giá lên đến 40K/ kg (giá tại SG lúc đó khoảng 18-22K/ kg). Ngay cả những thứ có tại địa phương như bắp, mít… cũng không hề rẻ. Có một thứ không là đặc sản tôi phải tìm mua theo lời dặn dò là Ớt Xiêm cũng phải trả giá tới 40K/ kg.
Chúng tôi quay trở lại con đường vào Bát Nhã hôm qua để thẳng tiến vào khu du lịch Đambri. Chúng tôi có cả 1 ngày để lang thang trong khu này nên cũng không phải vội vã gì. Khu du lịch Đambri cách Bát Nhã không xa. Dọc hai bên đường là những đồi trà và cà phê xanh bát ngát, nơi những người phụ nữ lưng đeo gùi, nón lá trắng lấp loá đang nhanh tay hái trà. Ở những vườn trà đã hái xong, hệ thống tưới nước tự động đang phun những tia nước mảnh lấp lánh dưới ánh mặt trời. Cổng chào khu du lịch Đambri khá hoành tráng, bãi đậu xe cũng mênh mông. Khu du lịch này nằm khá xa trung tâm nên cung cấp hầu như đầy đủ các dịch vụ để bạn có thể la cà ở đây cả ngày. Có 1 nhà hàng với menu phong phú, từ cơm đến lẩu các loại. Có 1 quần bar bên hồ nơi bạn có thể nhấm nháp cà phê, hoặc vang, hoặc coctail, sinh tố các loại.
Chúng tôi ghé lại quầy thông tin hỏi sơ về các dịch vụ tại đây. Bạn có thể chọn nhiều hình thức để xuống thác: xe điện, thang máy, hoặc máng trượt. Chúng tôi quyết định đi bộ xuống thác. Dù sao chúng tôi cũng có rất nhiều thời gian ở đây và đây cũng là 1 cơ hội để chúng tôi… leo trèo cho giãn gân giãn cốt.
Đường dốc thẳng đứng với cầu thang được xây hoặc đẽo vào vách đá cheo leo. Cây rừng phủ bóng mát rượi. Tiếng thác réo ầm ầm vang vọng đầy quyến rũ. Thác mùa nắng thường ít nước hơn nên nhìn tận mắt thấy độ mạnh mẽ có giảm đi đáng kể so với hình ảnh quảng cáo hay với tưởng tượng của tôi. Tuy nhiên, Đambri cũng không hề giảm đi vẻ oai hùng vốn có của mình khi để nước từ hồ phía trên gieo mình xuống từ một độ cao đáng kể.
Vẫn đủ mạnh để tung mù trời bụi nước
Có một điểm cộng cho Đambri khi cảnh quang xung quanh đây còn được giữ gìn khá tốt với cây cối vạm vỡ, khoẻ mạnh vươn mình như khoe “ta đã ở đây từ hàng trăm năm trước”.
Và có một điểm trừ cho Đambri khi khu du lịch xây 1 cái thang máy đứng chình ình ngay cạnh thác, để phục vụ du khách thích tiện nghi và không thích nhọc công đi lên đi xuống. Với cảm nhận của riêng mình, cứ mỗi lần chọn góc máy để chụp hình, nhìn lên thấy cái thang máy, tôi lại rủa thầm “thiệt là phá bĩnh quá đi”.
Có nhiều chỗ để bạn đi loanh quanh Đambri này. Bạn có thể leo xuống chân thác, có thể đi men theo 1 hành lang nhỏ để đi vào phía sau thác. Khí hậu mát mẻ, cây cối xanh um, cho nên mặc dù trời bên ngoài có nắng gắt thì bạn vẫn có đủ “nhân tài và vật lực” để nhìn Đambri từ mọi phía. Bạn đi cùng tôi không phải là 1 tay ham vận động. Chỉ leo lên leo xuống khoảng 30p, bạn đã “xin tha” và quyết định ngồi lại dưới tán rừng để hưởng cái không khí trong lành, mát rượi ở đây, bỏ mặc tôi một mình tự thân vận động. Tôi quyết định mình nên thử cái máng trượt được quảng cáo là “dài nhất Đông Nam Á” (VN mình cái gì cũng phải nhất mới chịu). Máng trượt ở đây chạy bằng thanh ray giống hệ thống máng trược ở Datanla – Đà Lạt nên cảm giác an toàn và đỡ sợ hơn máng trượt ở núi Bà Đen Tây Ninh - chạy trong lòng 1 cái máng. Tôi leo trở lại lên phía trên và mua vé, rồi leo vào khu khởi hành của máng trượt, thả xe từ từ đi xuống bên dưới. Khi thấy vé của tôi là vé 1 chiều, anh soát vé hơi ngạc nhiên và hỏi, chỉ đi 1 chiều thôi à. Tôi gật đầu. Thế là ảnh “động viên” tôi luôn, ừh, có sức mà đi bộ lên thì cũng thú vị lắm đấy. Để thử xem nào...
Cuối hệ thống máng trượt là 1 cái thác nhỏ, được đặt tên là Đasara. Tôi nghĩ nếu vào mùa mưa và nhiều nước hơn, thác ắt hẳn sẽ đẹp và mạnh mẽ hơn rất nhiều nhờ vào dáng đổ và độ cao của thác. Tuy nhiên, ngay lúc tôi ở dưới thác và nhìn lên, thì dòng nước mỏng te như tấm mành phòng the thiếu nữ, mỏng manh và yếu ớt. Xung quanh đây là vùng hạ lưu của các dòng chảy phía trên từ Đambri xuống nên cây cối rậm rạp với âm thanh ầm ào vang vọng xung quanh.
Có 1 đường mòn khoảng 500m dẫn lên trở lại Đambri. Tôi men theo đó leo lên, cảm giác như mình lại được đang “lội rừng” làm tôi hưng phấn đến quên cả mệt.
Bạn tôi ngồi ở phía trên cao, nhìn xuống thấy cái chấm đỏ tôi đang di chuyển thấp thoáng dưới tán rừng trông thật cô đơn và… tội nghiệp (sao mình lúc nào cũng bị trông cô đơn và tội nghiệp thế nhỉ?!). Nhưng có hề gì, bạn ngồi yên lành, thảnh thơi trên kia sao có thể có được những cảm nhận như tôi đang có, làm sao có được những hình ảnh như tôi đang "thu nhặt", đẹp như thế này, và ấn tượng như thế này...
Phía trên của Đambri là 1 vùng rộng với 1 quầy lớn có đề bảng: cho thuê lều trại, bếp nướng… Như vậy là ngay trong Đambri này có cung cấp đủ vật dụng đáp ứng nhu cầu cho các bạn muốn ở lại qua đêm bằng lều trại, túi ngủ và sinh hoạt lửa trại. Vùng này đất đai mênh mông, thác chảy suối reo cây rừng xào xạc. Nếu nhóm nào muốn tìm cảm giác rừng rú mà không thể đi xa thì đây là nơi lý tưởng để đến tìm cảm giác, rất thú vị.
Ngoài ra, ở đây còn có 1 khu vực bảo tồn văn hoá dân tộc Châu Mạ, một dân tộc thiểu số là dân bản địa vùng này.
Khu vực bảo tồn gồm có 1 vườn thú với vài loài khỉ, gà gô, gà sao, gấu, voi… cùng với 1 mô hình nhà sàn của người Châu mạ có thả vài con heo mọi chạy lăng quăng ủi đất. Tiếp đó là 1 khu sân khấu biểu diễn, nơi có vài cô gái Châu Mạ đang gồi dệt các túi thổ cẩm, dây và áo thổ cẩm, vừa biểu diễn, vừa tạo sản phẩm để bán cho du khách. Các chàng trai Châu Mạ thì đang chuẩn bị để lên chương trình biểu diễn văn hoá nghệ thuật của dân tộc mình gồm có tiết mục xiếc thú (xiếc chó, xiếc khỉ, xiếc voi) và các điệu múa, điệu nhảy truyền thống đồng thời tái hiện lại cảnh cầu Giàng của người Châu Mạ.
Sân khấu biểu diễn:
Anh chàng MC của chương trình tên K’Thiên, là một chàng trai Châu Mạ đẹp trai, nhanh miệng, có óc hài hước và rất có duyên. Anh nói, ngày nào bọn anh cũng có chương trình biểu diễn. Khu du lịch đón bọn anh về, bọn anh ăn ở tại khu nhà ở trên đồi - khuất sau các tán cây rừng, sinh hoạt như truyền thống và chuyên phụ trách mục văn hoá văn nghệ tại đây nhằm giới thiệu cho du khách văn hoá của người dân tộc Châu Mạ.
Nghi thức cầu Giàng:
Không gian văn hoá được tái hiện nơi đây khá chỉn chu và tươm tất, được đầu tư và tái dựng một cách có tâm huyết chứ không phải kiểu làm qua loa, sơ sài cho có. Khu nhà dài là nguyên bản nhà dài và không gian sinh hoạt của người Châu Mạ, cũng như đàn tế thiên được dựng dưới tán rừng. Trong nhà dài này có trưng bày hơn 1200 hiện vật của người Châu Mạ, mà theo K’Thiên “cảnh báo” : không được sờ, không được chụp ảnh, quay phim, vì có nhiều hiện vật được lấy lên từ nhà mồ, không tốt cho người… sống (???).
Các vật dụng bằng tre nứa của người Châu Mạ được đan rất khéo léo và có kiểu dáng rất đẹp, đẹp nhất trong các mẫu tre nứa mà tôi đã từng xem của nhiều dân tộc khác nhau ở vùng Tây Nguyên. K’ Thiên cũng thừa nhận và giải thích, kỹ thuật đan lát của người Châu Mạ là tinh xảo và đẹp nhất trong các dân tộc (có chút tự hào dân tộc chăng?). Một trong những điều đặc biệt khác là tại đây còn lưu giữ được 1 bộ trống bằng da voi gần chục chiếc. K’ Thiên nhấn mạnh, hãy để ý và nghe kỹ tiếng trống, trống bằng da voi tiếng vọng khác rất nhiều so với tiếng trống bằng da trâu. Tôi không có khả năng so sánh nhưng nghe thấy tiếng trống da voi khi vang lên trầm hùng và vang vọng âm âm vào rừng núi. Sau này đọc thêm thông tin trên báo mới biết khu này do một chú Việt Kiều thấy thú vị với dân tộc Châu Mạ nên tài trợ bảo tồn và thu thập hiện vật.
Bộ trống da voi:
Bảo Lộc, một lần ghé qua, nhiều nỗi nhớ. Nếu có dịp, tôi lại sẽ lại ghé Bảo Lộc để tận hưởng sự dịu dàng của khí hậu nơi đây, để thả mắt mình vào trùng điệp đồi chè, cà phê xanh lá, để nghe tiếng vọng của núi rừng ở Đambri và để nghe K'Thiên hài hước, lém lỉnh khi giới thiệu về dân tộc mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét