Nhằm giáo dục lao động cho học sinh,đồng thời cũng để cải thiện cho bữa ăn tập thể,các trường HSMN tùy theo hoàn cảnh, lứa tuổi mà tổ chức các hình thức lao động khác nhau sao cho thích hợp .
Hồi học cấp 2 tôi được học trong trường nữ HSMN số 4 .Đó là một trại lính cũ của Pháp nằm ngay giữa lòng thành phố Hải Phòng, cạnh Bến Sáu Kho ( vì ở bến cảng lớn này hồi đó có 6 cái kho ). Ngôi trại gồm một nhà lầu 3 tầng khá cao,lớn .Nhà nấu ăn, nhà ăn ,khu vực vệ sinh , nhà tắm riêng biệt nhau .Tầng trệt gồm cac phòng làm việc và phòng học . Toàn bộ các phòng ở tầng 2 dùng để học . Tầng 3 không ngăn phòng. Thay vào đó là các cập giường đôi xếp kín làm chổ ở . sức chứa có tới 400 người . Đó là chổ ở của học sinh nhỏ .Bệnh xá, nhà ở của thầy cô và các chị học sinh lớn bên khu biệt thự gần đó . Sân trường rất rộng đủ để hằng chiều chúng tôi chơi các môn thể thao như kéo co, nhảy dây, bóng ném, bóng rổ,bóng chuyền , nhảy cừu,tập xà đơn,xà kép. . . Bên ngoài sân, cạnh tường rào xây kiên cố còn có khoảng đất khá rộng . Đó là khu vực tăng gia,sản xuất của chúng tôi.
Tuy khu đất khá rộng nhưng chúng tôi chỉ có thể trồng được vài liếp su hào, vài liếp cải xanh, vài liếp cải củ . Sáng sáng . chiều chiều các lớp phân cống nhau săn sóc, tưới tắm cho rau.
Tôi còn nhớ sáng hôm đó là ngày 1/12/1959 , kẻng báo thức dường như có sớm hơn mọi ngày . Và sau hồi kẻng báo thức lập tức trống thúc giục tập trung toàn trường . Chúng tôi ngơ ngác ,nháo nhào chạy xuống sân cờ và được báo hung tin : Chiều hôm qua, kẻ thù đã trộn thuốc độc vào cơm giết chết hàng ngàn cán bộ cách mạng của ta trong trại giam Phú Lợi . Những đứa con miền Nam đau đớn ,rụng rời,nhiều bạn lăn ra ngất xỉu . Chúng tôi ôm nhau khóc vì chúng tôi đều nghĩ có cha mẹ mình trong đó. Vì . chúng tôi đều là con em của cán bộ ưu tú thời kháng Pháp . Cha mẹ tôi hầu hết ở lại miền Nam tiếp tục làm nồng cốt cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà .
Chiều hôm đó xuống vườn rau, không ai bảo ai chúng tôi dùng những chiếc que nhọn khắc vào thân củ su hào dòng chữ Phú Lợi ngày 1/12/1959 như để khắc sâu mối hận thù vào lòng . Thầy cô nhìn chúng tôi ,lặng thin, xúc động nghẹn ngào, không nói lời nào . Lứa su hào đó rồi cũng lớn, cũng được thu hoạch đưa vào nhà ăn . Chúng tôi nói : Ăn lứa su hào này như khắc sâu thêm mối hận vào lòng, để học tốt hơn, rèn luyện giỏi hơn để xin về miền Nam chiến đấu trả thù cho ba, má.
Lên cấp 3 tôi được học ở trường HSMN Đông Triều (chưa gọi số1) . Trường có cả nam lẫn nữ .Trường nằm trên đồi Yên sinh rộng bao la . Phía sau trường là những dãy núi Yên Sinh, Yên Dưỡng , Yên Tử nối tiêp nhau trùng điệp . Do tuổi tác chúng tôi đã lớn và điều kiện cho học sinh rèn luyện qua lao động thuận lợi hơn nhiều nên việc tăng gia sản xuất phong phú ,đa dạng hơn .
Thường hàng trưa thứ bảy các bạn trai của lớp vào rừng lấy củi về cho bếp tập thể . Bọn con gái ở nhà may vá cho bọn con trai . Sau đó tưới tắm vườn rau của lớp . Lớp nào cũng có một vườn rau. Ngoài ra trường còn chăn nuôi nhiều heo nhốt chuồng và một đàn bò khá đông . Heo nhốt chuồng hằng ngày cô chú cấp dưỡng cho ăn ,săn sóc thật an toàn . Nhưng hễ đến thứ bảy cử học sinh các lớp xuống tổng vệ sinh chuồng trại thì thế nào cũng xảy ra sự cố . Khi thì con heo này bỏ ăn, khi con heo kia bị đè chết , khi con heo nọ què giò . Các báo cáo chỉ được đệ trình khi heo đã được làm xong, bộ lòng biên mất, còn phần thịt được đưa nghiêm chỉnh về căng tin của trường .Căng tin của trường chỉ mở vào tối thứ bảy ở ngay nhà ăn nữ sinh. Các món ăn căn tin bán rẻ như cho . Cốt là để tiêu thụ” sự cố tăng gia ngoài ý muốn” . Chủ yếu là trường không muốn học sinh đem mấy đồng sinh hoạt phí ít ỏi ra ngoài ăn với giá cắt cổ . Việc nuôi bò cũng vậy . Bò chỉ sa hầm sảy hố vào chiều thứ bảy .Thế là sướng vì tối đó ở căng tin có bán phở bò .
Mà cũng ngộ , chưa bao giờ tôi nghe Ban giám hiệu và thầy cô la rầy về chuyện hễ chiều thứ bảy các lớp tham gia vào việc chăn nuôi thế nào bò và heo cũng lăn ra chết . Chúng nó cứ lăn ra chết vào chiều thứ bảy và bộ lòng đều biến mất như nhau .
Thơ Đàm kể
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét