Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Về quê (Quang Việt)


Sen và lúa.
Thầy giáo nào chẳng có nhiều học trò? Và trong đó, có những cậu được thầy quí hơn những bạn khác vì nhiều lẽ khác nhau. Tôi cũng vậy, sau quãng đời mấy chục năm làm thầy, hết Đại học KTQS (nay là HV) đến Trường Trung cao KQ (sau thành HV KQ và nay là HV PK-KQ) đã có rất nhiều trò, có trò tôi trực tiếp giảng dậy, cũng có rất nhiều trò tuy không trực tiếp học tôi nhưng chúng tôi lại luôn gắn bó, quí mến nhau.




Ban thờ bà nội TA.


Trò Hưng và bố, cụ Việt, tài Thành.

Gái Hà Thành lội giữa đầm sen.

Che nắng.

Thắng lợi rồi! Đã tự bơi được ra hồ.

Giao lưu giữa hồ. (May là giữa trưa hè).

Kết bạn.
Trong số đó có một cậu học trò chuyên ngành máy bay động cơ tên là Vương Trung Anh, quê ở Ứng hòa, Hà Tây (cũ). Cậu này đặc biệt ở chỗ hồi 2004, khi HV PK-KQ còn có cả cơ sở ở Hà nội (bây giờ thì mất cơ sở Hà nội rồi, tất cả đã dồn hết lên Sơn Tây vào tháng 8/2005), tôi - với tư cách Trưởng khoa Kỹ thuật hàng không lúc đó - đã đề xuất và xin phép HV cho khởi động tham gia phong trào ROBOCON (mà HV KTQS bắt đầu tham gia nay từ đầu – khởi động 2002, thi đấu chính thức 2003) ở cơ sở Hà nội, thì trên Sơn Tây, Vương Trung Anh – lúc đó chỉ là học viên năm thứ nhất hệ Kĩ sư HK – đã tự phát xin phép đơn vị cho triển khai hoạt động này. Được sự ủng hộ và tạo điều kiện của thủ trưởng Tiểu đoàn, em đã xin tiền bố mẹ, cùng với 1 bạn học viên khác hì hục tự làm rô bốt, trong khi ở Hà Nội, tôi phải chạy đến HV KTQS mời anh Chu Mạnh Hùng (GV khoa Kỹ thuật điều khiển – người đã lãnh đạo các đội ROBOCON HV KTQS ngay từ đầu) sang nói chuyện với các đội ROBOCON HV PK-KQ để thầy trò có thể hình dung ra công việc phải tiến hành như thế nào. Đầu năm 2005, với cương vị PGĐ HV, tôi vẫn trực tiếp nắm hoạt động này nên đã đưa đội của Vương Trung Anh vào đội hình chung. Năm đó, các đội của HV PK-KQ chưa có thành tích gì đáng kể. Những năm sau, thành tích cao nhất cũng chỉ là có đại diện ở vòng chung kết toàn quốc. Tuy vậy, những cái được đối với các thành viên ROBOCON là vô cùng to lớn, không thể đong đếm được. Trong số đó, có những em đã trưởng thành vượt bậc, chỉ sau 5 năm tốt nghiệp đã trở thành chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hoạt động của mình. Sau khi tốt nghiệp (2010), Vương Trung Anh được điều về công tác tại một nhà máy sửa chữa máy bay và cũng đã là một KS giỏi, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Hiện cu cậu đang ôn thi cao học trên HV PK-KQ.

          Gần đây, khi hay tin bà nội em mới mất, tôi hẹn em sẽ bố trí về thăm gia đình em, thắp nén nhang cho bà nội em. Và chuyến đi chơi hôm qua, chủ nhật 20/5 chính là để thực hiện lời hứa đó. Đội hình tham gia chuyến đi còn có Hưng, cũng là một học trò tham gia ROBOCON của tôi, đ/c Thành – lái xe của HV đã nghỉ hưu và cu Việt – A ka thứ của Trần Minh Sơn.

Tôi mượn xe của một đàn em (cũng tên Sơn, họ Trần nhưng đệm là Việt, là sinh viên ở BRNO Tiệp khắc khi tôi làm NCS ở đó) và nhờ đ/c Thành lái. Khoảng hơn 7 giờ sáng, chúng tôi đến xưởng sửa chữa ô tô của Việt Sơn ở số 6 phố Hồ Ba mẫu lấy xe, qua khu Nam đồng đón cu Việt và tất cả lên đường. Vương Trung Anh đón đợi chúng tôi ở Ba La để cùng về.
Khi qua Ba La, một sự cố nhỏ đã xảy ra: một cậu vừa đi xe máy, vừa gọi điện thoại di động đã vô ý đâm sầm vào đằng sau xe chúng tôi. Xuống xe, thấy có chỗ sứt sát. Anh Thành to tiếng với cậu đi xe máy: ”Đấy, sứt xe rồi, cậu giải quyết thế nào đi?”. Cậu kia (có vẻ nông dân chất phác), mặt tái dại, lắp bắp: ”Thôi, em nhỡ rồi, em xin các anh”. Thấy vết sứt không to lắm, xe cũng không còn mới, vả lại việc sơn sửa là nghề của cu Việt Sơn (gọi là cu thôi chứ cũng 5 xọi rồi), tôi bảo: ”Lần sau phải cẩn thận vì chính tính mạng của cháu. Hôm nay là bị nhẹ đấy, (cu cậu bị ngã và thấy xuýt xoa kêu đau), cứ đi kiểu ấy, chết có ngày”. Nói rồi bảo Thành lên xe đi, tha cho nó. Dọc đường, ghé cửa hàng hoa quả mua túi soài, hộp bánh và thẻ hương.

Nhà Trung Anh ở cách Vân Đình độ chục cây, vẫn là đất Ứng hòa, chưa sang địa phận Mỹ Đức.  Lúa năm nay tốt, xanh mướt hai bên đường trên những cánh đồng thẳng cánh cò bay (hôm qua chẳng thấy có con cò nào!). Gần đến nhà TA, hai bên đường là những đầm sen. Đầu mùa, hoa nở chưa thật nhiều nhưng đã thấy đẹp mê hồn. TA bảo, ít bữa nữa thì sen nở rộ, đi qua quãng này hương sen thơm đẫm cả người.

Khoảng 9 giờ đến nơi. Bố mẹ TA đang hì hục chuẩn bị cơm khách. Vào thắp hương cho bà nội TA, ngồi uống nước một lúc rồi đòi đi thăm trang trại nhà TA. Bố TA – cán bộ kế toán của xã – dẫn đoàn đi. Trang trại cách nhà độ gần cây số. Anh bảo, trước đây là mấy anh em làm chung, bây giờ giao tất cho một cậu em con ông chú quản lý, muốn làm gì thì làm. Cuối năm, được bao nhiêu thì chia. Gọi là trang trại cho oai chứ thực ra chỉ mới có một đầm cá 2 ha và một đầm sen 3ha. Hai đầm các nhau bởi một dải đất mới đắp rộng độ 5-6 m. Cậu Năng, chủ đầm bảo, em mới cho đắp bờ đất này để trồng cây. Theo dự định là sẽ trồng vải. Sau đây độ 5-6 năm, khi cây đã lớn, về đây chắc sẽ đẹp hơn nhiều.

 Ngắm đầm, chợt nảy ra ý định muốn bơi thuyền trong đầm sen. Năng OK ngay. Đúng lúc ấy lại xuất hiện một tốp 4 thiếu nữ (3 từ Hà nội, 1 quê đây) đến xin được đi thuyền chụp ảnh đầm sen. Chủ đầm chiều ngay. Đành phải nhường cho các cháu đi trước. Trời nắng chang chang. Các cháu xúng xính váy áo, đầu đội lá sen, lóng ngóng bước xuống thuyền, thỉnh thoảng lại ré lên khi bị tròng trành. Rồi cũng có đứa đưa được thuyền ra cách bờ độ 5-6 mét. Hò hét, chụp ảnh một hồi rồi chúng lên bờ. Anh Thành thuộc loại thạo sông nước, một mình đẩy thuyền ra tít ngoài xa rồi gọi :”Anh Việt ơi”.
Thấy Thành làm được, mình cũng muốn thử. Đúng là điều khiển một cái thuyền tôn mỏng không dễ tí nào. Chỉ hơi động cựa nó đã vặn vỏ đỗ, tròng trành. Loay hoay một lúc, tôi cũng quen tay và tự tin đưa thuyền ra tít xa. Các cháu thiếu nữ thấy thế, lại đòi tôi cho xuống để ra xa chụp ảnh. Thế là thành người chèo thuyền bất đắc dĩ. Hết cháu nọ đến cháu kia thay nhau xuống để chú đưa ra chụp ảnh. Tôi nói với một cháu: ”Thực ra, chú cũng làm nghề chèo đò”. Cô này thông minh, hỏi ngay: ”Chú là thầy giáo à?”. Tôi bảo: ”Đúng rồi, chú là thầy giáo nhưng là thầy giáo bộ đội. Chú là bộ đội không quân, nhưng không được thêm dấu huyền vào đấy nhé”. Cô nàng ngớ người ra mất độ nửa phút rồi ré lên cười, cười như chưa bao giờ được cười, cười nghiêng ngả làm thuyền tròng trành suýt lật. Tôi bảo phải giữ bí mật đấy nhé, cô bé cười: ”Cái điều hay như thế phải chia sẻ cho mọi người chứ chú”. Hai chú cháu lên bờ, hai đội hình chụp ảnh chung trước lúc chia tay. Cu Việt suốt buổi cứ ngồi im, chẳng nói gì. Bảo xuống thuyền với bác cũng không xuống. Chỉ đồng ý đứng cho bác chụp ảnh.

Về đến nhà, cơm nước đã sẵn sàng. Bà chủ chuẩn bị một mâm đầy ắp thức ăn. Tôi hỏi: ”Hôm nay chắc thế nào cũng có món “giả tam tam"? Ở vùng này cỗ bao giờ cũng phải có món đó mà” (quê ngoại bố vợ tôi ở Vân Đình). Ông chủ cười:” Hôm nay có tam ram thật anh ạ”. Mấy phút sau, bà chủ bê lên thêm đĩa da ếch sào. Như vậy là có đến 3 loại động vật hy sinh trong bữa cơm khách hôm nay: Ếch sào mướp, thịt baba rang, baba nấu chuối xanh và canh diêu cua đồng ăn với gỏi nõn chuối. Bia lon Hà nội khui ra, chủ khách quây quần, chuyện trò vui vẻ. Các món đều ngon. Cu Hưng bảo: ”Chưa bao giờ con thấy ăn ngon miệng như hôm nay” .

Sau bữa cơm ngon là chầu cà phê cũng ngon không kém. Rồi cũng đến lúc phải chia tay. Bà chủ đã chuẩn bị sẵn mấy túi gạo, mấy chục trứng gà ta “để các bác với cháu mang về làm quà”. “Ấy chết, cứ thế này thì lần sau chúng tôi chẳng dám về nữa đâu”, “Có gì đâu bác, chút quà quê ấy mà”.
Ông chủ có điện thoại, nghe xong, bảo với Trung Anh: ”Bây giờ con đưa các bác ghé qua chú Năng, chú ấy đã chuẩn bị mấy con cá”. Lần đầu tiên tôi biết được cách bảo quản cá mang đi xa mà vẫn sống: hai con cá cỡ 5-6 cân được cho vào một cái túi 2 lớp- lớp trong là ni lông, lớp ngoài là bao tải. Túi đựng sẵn nước, Ôxy từ bình khí nén được bơm vào cho túi căng phồng rồi thắt miệng bằng giây cao su. Năng vừa thắt bao xong thì thấy ông chủ đến bảo mở bao để cho vào đấy hai cục nước đá to. Bao đã thắt kín được cho vào cốp xe (Nắng nóng như thế mà về đến Hà nội  cá chẳng hề hấn gì, vẫn giãy đành đạch).

Khoảng 3 giờ chiều về đến gò Đống Đa, cu Việt bảo cho cháu xuống đây đi bộ về nhà. Chia tay dặn cháu về đến nơi thì gọi điện cho bác mà cho đến hôm nay vẫn chẳng thấy gọi. Từ sáng vẫn chưa liên lạc được với cu cậu. Nhắn tin cũng chẳng thấy hồi âm.

Thế là hoàn thành một chuyến đi chơi bổ ích và lý thú. “Vừa được ăn, được nói, lại được gói mang về”. Tình cảm người “nhà quê” thật đáng trân trọng. (Vừa viết xong bài này thì gọi được cho cu Việt. Hỏi hôm qua có mệt không, cháu bảo không).    

1 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Suốt ngày bị bao vậy bởi những bức tường bê tông xám xịt, ngộp thở... nên lần nào về quê cũng thật sướng, nhất là khi gặp những ao sen đẹp như thế.