1. Niềm vui sắp trọn vẹn
Họ hàng Hoàng Việt Dũng có ông anh họ tên Bùi Tự là lính trinh sát Miền, hy sinh 1972. Suốt 30 năm qua gia đình tìm kiếm mà chưa thấy. Bùi Tuấn (em trai anh Tự) học viên k12 Học viện KTQS, tốt nghiệp ra trường vào TpHCM công tác, cũng đã nhiều năm lặn lội tìm anh.
Biết anh Đỗ Tấn Mỹ là bạn anh Dũng nên giao du rồi thân. Một lần tình cờ Tuấn tâm sự: "Anh trai em là lính trinh sát Miền". "Vậy hả, tao là trinh sát Miền đây. Thế đơn vị nào?". "Dạ, D46". "Trời, đơn vị cũ của tao. Để tao hỏi thử".
Nhớ tới thằng bạn tên Đắc cùng lính trinh sát Miền, Mỹ hỏi: "Có biết LS Bùi Tự?". "Biết quá đi chứ, cùng C4, D46 với tôi. Lúc nó đi lần ấy đã gửi lại cái radio, khi nó hy sinh, tôi chuyển cho đại đội để bàn giao cho gia đình". "Thế nó hy sinh thế nào?". Từ Đắc bắt đầu lần lại các manh mối.
... Khoảng tháng 2/1972, nhóm trinh sát của C4 nhận nhiệm vụ đi điều nghiên chiến trường lần cuối, chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Lộc Ninh vào tháng 3. B trưởng trinh sát Tâm chỉ huy nhóm. Cùng đi có 5 trinh sát Sư 5 và 2 trinh sát Miền (trong đó có Bùi Tự). Không may lần đó bị phục kích, cả 7 anh em hy sinh. Địch đánh rát quá, nhóm trinh sát phải rút, để lại 7 đồng đội. Nghe nói, địch dùng xe kéo xác 7 chiến sĩ Việt Cộng về phía Lộc Ninh.
Sau đó nghe nói được bà con chôn cất, nhưng ở đâu thì không hay. Bùi Tuấn đã lặn lội tìm anh khắp nơi, cứ NTLS là đến. Vậy mà... Chỉ cho đến khi gặp anh Đắc thì mọi chuyện khoanh dần.
Anh em cùng nhau tìm đến vùng chiến sự xảy ra mà 7 trinh sát đã hy sinh. Ngay gần đó có gia đình tay CA khu vực, tiếc là anh ta mới về đây hơn chục năm. Lần sang hàng xóm thì gặp bà cụ từng sống qua thời đó. Bà xác nhận: chính mắt cụ trông thấy lính ngụy cho xe kéo xác các anh chạy dọc đường 14 (nay là đường 748) về dưới Lộc Ninh.
Run rủi thế nào, anh em tìm được nhà tay tài xế quân vụ, từng kéo xác 7 chiến sĩ. Anh ta sống không xa nơi xảy ra chiến sự mà 7 Việt Cộng đã hy sinh. Anh nhớ lại: "Tôi được lệnh kéo các anh ấy về Ngã 3 Lộc Tấn, nối với đường 13, phía trên Lộc Ninh chưa đến chục cây. Sau khi để xác lại ngay lề đường thì chạy xe về thị xã. Nghe nói hôm sau bà con đã chôn cất 7 anh gần Ngã 3 Lộc Tấn.
Anh em lại tìm đến Ngã 3 Lộc Tấn. Hỏi thăm thì biết 7 mộ LS chôn đã được quy tập về NTLS Lộc Ninh. Vậy là NTLS này Bùi Tuấn từng đến, từng đọc tên tất cả các bia mộ mà không thấy tên ông anh mình.
Có thể vì khi quy tập không xác định được đơn vị, danh tính LS nên khi vào đây các anh thành vô danh. Vậy là trong số hàng chục mộ LS vô danh tại NTLS Lộc Ninh có 7 LS của C4, D46 trinh sát Miền.
"Cứ dần dần lần ra, ông ạ. - Tấn Mỹ nói - Như có hương hồn của các LS dẫn đường. Và bây giờ trong số nhiều LS vô danh ấy, làm sao xác định được ai là ai? Chắc cũng phải lần lần tiếp".
2. Chuyện của lính trinh sát
Vì phải hoạt động lẻ, lính trinh sát ngoài tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm còn được phát tiền để tiêu. Tấn Mỹ nhớ, có lần được lĩnh đến 500 tiền ngụy. Anh em là lính trinh sát ngoài Bắc vào thì nhớ nhà, hay dành dụm mua cái radio Sony, Panasonic... để nghe ca nhạc, tin tức. (Chắc Bùi Tự cũng vậy).
Lính Nam bộ thì không, anh em hay góp tiền lại để tổ chức uống trà, uống cà phê (tất nhiên có cả những lần dùng chất cay!) và phải có "thứ cầm tay" (cái bánh quy, miếng pho-mai, con mực... nhờ bà con ra phố chợ mua giùm).
Với lính mới trinh sát mà "chơi họ" như thế này lại còn tác dụng khác - đó là các buổi "học thực tế". Lính cũ sẽ kể lại những trận chiến đấu, sẽ bày cho nhiều kinh nghiệm thực tế mà chẳng sách vở nào dạy, mỗi trận mỗi khác, mỗi kiểu đối tác mỗi khác (nào thuỷ quân lục chiến, nào thám báo, nào lính bộ, lính thiết giáp...).
Chả thế Tấn Mỹ từng bị bạn bè trêu: Thằng này dân "Quãng Ngữa, Bình Địn" mà lại giả giọng Nam bộ! "Nhưng chính vì chơi với mấy tay lính trinh sát già Nam bộ mà tôi học được nhiều điều. Đất này của nó, ngõ ngách nào chả biết, khi gặp nạn biết lủi vào đâu là an toàn. Lính Mỹ thì nó nhìn thấy từ khi để chỏm nên đâu có sợ; chứ lính ta từ xa vào, có khi nhìn thấy lính Mỹ "nhọ" (đen) còn sợ vãi đái", Tấn Mỹ nói vậy.
Thực tế đã dạy những người lính là thế!
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- Nguồn Gốc Chữ Nôm của Đỗ Thành (ST: Quốc Việt)
- Làng Cổ Nhuế qua bài viết của Phạm Thế Việt (ST: KC)
- Thơ gửi từ Úc: THƯỜNG DÂN (Ngô Hà, dân Guilin 1950)
- Bài thơ Xứ Quảng (Phan Hoài Thuận)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- CÂU CHUYỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 – 1956) - (Việt Dũng)
- Bia “MET" Berlin (Trần Đình - Berlin)
- Thiên An Môn (Huy Đức)
- Bức tranh sơn dầu "Bắc Kinh 2008", họa sĩ Lưu Dật có ý gì?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
1 nhận xét:
Chúc mừng Tuấn, Dũng! Đ/c Mỹ lắm tài hỉ???
Đăng nhận xét