Cập nhật lúc
04-11-2012 21:32:19 (GMT+1)
Rechard Sorge |
Điệp viên
“tay chơi” Richard Sorge cung cấp nhiều thông tin vô cùng quan trọng cho Liên
Xô trong Thế chiến 2, nhưng ông bị Stalin đánh giá sai. Báo chí Liên Xô ca ngợi
ông là “nhà tình báo vĩ đại”, nhưng đó là 20 năm sau khi ông bị xử tử và bị
chôn trong một nghĩa trang dành cho các tù nhân ở Nhật Bản.
Chỉ nửa năm
trước khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, vào đúng ngày kỷ niệm lần thứ 27 Cách mạng
Tháng Mười Nga, một điệp viên Liên Xô bị đem ra hành quyết. Một trong những câu
nói cuối cùng của ông là dành cho đám đao phủ: “Xin cảm ơn các vị đã đối đãi tử
tế!” Người tử tù đó, Richard Sorge, vẫn tỏ ra nhã nhặn đối với các đao phủ của
nhà tù Sugamo ở Tokyo khi ông bị đưa lên giá treo cổ.
Richard
Sorge chính là người đã cứu Matxcơva khỏi vòng vây của quân đội phát-xít Đức.
Thông tin quan trọng của ông đã giúp Stalin kịp thời điều động quân đội từ
Siberi về ứng cứu cho mặt trận phía tây. Một nước đi quan trọng giúp lật lại
thế cờ và quân đội Hitler vĩnh viễn mất thế chủ động trên chiến trường.
Thật ra
trước đó “Ramsay” – mật danh của Sorge - đã nhiều lần cảnh báo Stalin về “Chiến
dịch Barbarosa”, chiến dịch tấn công Liên Xô của Hitler vào tháng 6/1941, nhưng
Stalin chủ quan, quá tin vào hiệp ước không tấn công lẫn nhau mà trước đó Liên
Xô và Đức đã cùng nhau ký kết. Stalin cũng có lý do để không tin tưởng điệp
viên tay chơi này vì Richard Sorge có tiếng là hào hoa và lắm tài nhiều tật.
Richard Sorge, phong cách thoải mái trên đất Nhật
Ngày nay, ngay cả khi các nhà nghiên cứu vẫn còn tranh cãi về tầm quan
trọng của Richard Sorge - liệu tin tức điện đài của ông có đến được nơi cần
đến, liệu các hoạt động của ông có ảnh hưởng tới đâu - thì chí ít, ông vẫn xứng
đáng là hình mẫu cho các nhà làm phim thể loại James Bond, một mẫu điệp viên
quảng giao, lịch thiệp và có khả năng moi ra mọi loại thông tin. Nhiều người
đàn ông coi ông là bạn tâm giao tri kỷ, và với nhiều người phụ nữ, người đàn
ông có cặp mắt xanh sâu thẳm, hơi xếch này lại là người tình lý tưởng.
Vậy mà với
tất cả khả năng và tích cách con người đó, ông “chưa từng muốn trở thành điệp
viên”. Nếu gặp thời bình, ông muốn “nghiên cứu khoa học”, như ông từng viết như
vậy trong nhật ký trước khi ông bị đem ra hành hình.
Từ quân nhân
đến người chống chiến tranh
Sinh năm
1895 tại thành phố Bacu bên bờ biển Kasspia, trung tâm dầu mỏ của Đế chế Nga
thời đó, ông là con út trong gia đình 9 anh chị em, bố là kỹ sư người Đức, mẹ
người Nga. Ông nội Friedrich Adolf Sorge từng là đồng chí thân cận với Karl
Marx và là một trong những người thành lập Quốc tế Cộng sản I.
Năm 1898 gia
đình ông chuyển sang Berlin, rồi ông đi học và trưởng thành ở đó. Năm 18 tuổi
ông xung phong nhập quân ngũ, tham dự nhiều trận trong Thế chiến thứ nhất. Từng
đối mặt với sự sống và cái chết, bị thương nhiều lần, lần cuối nặng nhất vào
chân và bác sỹ phải rất khó khăn để cứu mạng sống cho ông. Từ đó cái dáng cao
lớn, chân hơi cà nhắc làm ông khó lẫn trong đám đông. Có lẽ những trải nghiệm
cá nhân này đã giải thích cho những hành động của ông trong quãng đời sau này.
“Cái sự cắn
xé man rợ đẫm máu này làm cho tôi và các bạn đồng ngũ chấn động sâu sắc”. Ông
đã ghi lại như vậy trong một bản tự truyện và tự hỏi: “Đâu là ý nghĩa của những
cuộc chiến vô hồi kết này?” Ông có một niềm tin rằng: chỉ có chiến thắng của
Chủ nghĩa Cộng sản thì mới kết thúc được những cuộc tàn sát, đúng như những gì
đồng chí của ông nội ông từng kết luận. Và Richard Sorge có hành động cụ thể:
tham gia cuộc binh biến của thủy thủ tại Kiel, tham gia tổ chức các cuộc biểu
tình chống tư bản của thợ mỏ ở Aachen, và gia nhập Đảng Cộng sản Đức.
Vào vai nhà
báo
Năm 1925,
Richard Sorge đệ đơn gia nhập Quốc tế Cộng sản. Ông mau chóng lọt vào mắt của
tướng tình báo Hồng quân Jan Karlowitsch Bersin. Sorge bắt đầu sự nghiệp tình
báo đầu tiên ở Anh, Bắc Âu, Trung Quốc và từ năm 1933 ở Nhật Bản.
Ngay tại
Tokyo, một nơi đầy hoang tưởng và nghi kỵ, nỗi ám ảnh bị do thám bao trùm cuộc
sống xã hội, mỗi một “gaijin” (ngoại nhân) đều có thể bị nghi ngờ, Richard
Sorge đã làm được một điều không tưởng: lập lên một mạng lưới tình báo trên
dưới 40 người. Trong số đó, ngoài những đại diện tinh tú của kiều dân Đức ra
còn có nhiều yếu nhân trong chính giới và quân đội Nhật Hoàng.
Để che giấu
hoạt động tình báo, Richard Sorge đã tạo dựng một vỏ bọc là phóng viên cho các
báo có tên tuổi ở Đức như tờ “Frankfurter Zeitung” hay “Deutscher Volkswirt”.
Không những thế ông còn là cộng tác viên thường xuyên cho tờ báo của quân đội
Đức phát-xít: tờ “Die Wehrmacht”. Và khi ông gia nhập đảng Quốc Xã vào năm 1934
thì vỏ bọc đã thực sự hoàn hảo.
Nguồn: Spiegel/
Khampha
3 nhận xét:
Nếu điệp viên là một cái nghề thì tình báo CM chỉ là cái nghiệp. Hầu như họ chỉ đươc nhận phần cay đắng. Nhiều người, và cả người thân của họ, còn mang theo cả nỗi oan về bên kia thế giới. Rất nhiều người trong họ là anh hùng của tất cả các anh hùng. Sự hy sinh của họ, và cả của người thân của họ, thật là quá lớn và hầu như chẳng được đáp đền. Kính cẩn nghiêng mình trước những người thông minh, dũng cảm, giàu đức hy sinh.
Chia sẻ suy nghĩ của Quang Vinh. Nhưng còn xót xa hơn khi những thành quả có được với sự đóng góp hy sinh to lớn của những người anh hùng đó cùng với những người thân của họ bị phản bội. Thực tế đang không đi chung đường với lý thuyết. Lòng tự trọng đang bị thách thức. Sự hy sinh của những người anh hùng đang bị xúc phạm.
Richard Sorge, 1 thần tượng của thế hệ thanh niên chúng ta. Vì là con người nên bao giờ cũng có 2 mặt - phải, trái nhưng họ đã làm được những điều người khác không làm được cho Tổ quốc. Đó là anh hùng.
Đăng nhận xét