Bạch
Thái Bưởi (1874-1932) là khuôn mặt doanh nhân nổi tiếng của đất Việt trong
những thập niên đầu thế kỷ XX. Lịch sử sẽ còn nói nhiều về ông, một nhân vật
làm rạng danh cho giới doanh nhân xứ An Nam thuộc Pháp những năm đầu TK XX. Nói
đến lịch sử kinh doanh vận tải đường sông của xứ An Nam, có lẽ không ai trong
giới sử học, hay nghiên cứu về kinh tế đất nước không nhớ đến tên tuổi của Chúa
sông Bắc Kỳ, vua tàu thủy Việt Nam là
ông Bạch Thái Bưởi. Ngày ông qua đời (22-7-1932), trên tạp
chí Đông Thanh, Ứng Hòe -
Nguyễn Văn Tố đã đánh giá về ông: “Bậc
anh hùng kinh tế thứ nhất trong kinh tế giới nước nhà”.
Cuốn sách về cụ Bạch Thái Bưởi. |
1-
Người mang một tinh thần mới, tinh thần tự tôn dân tộc vào thương
trường.
Bạch Thái Bưởi sinh năm 1874, trong một gia đình nông dân nghèo,
họ Đỗ tại làng An Phúc, tỉnh Hà Đông (nay thuộc TP Hà Nội). Cha ông mất sớm,
nên ông phải giúp mẹ sinh sống bằng nghề bán hàng rong. Lúc ấy có một nhà phú
hào họ Bạch thấy ông thông minh, lanh lợi, nên nhận làm con nuôi và đổi lại họ
Bạch, nhờ đó, ông có cơ hội ăn học. Bạch Thái Bưởi được đi học chữ quốc ngữ và
chữ Pháp. Rồi ông xin làm chân ký lục (nhân viên thư ký) cho một hãng buôn
người Pháp ở phố Paulber (nay là phố Tràng Tiền, Hà Nội), sau đó ông lại sang
làm với một hãng thầu công chánh. Qua thực tiễn, ông có những kinh nghiệm bước
đầu của công việc kinh doanh. Nhân có hội chợ Bordeaux ở Pháp, Phủ Thống sứ Bắc Kỳ đã chọn
ông sang để làm nhiệm vụ giới thiệu những mặt hàng triển lãm đến từ xứ An nam
thuộc Pháp. Thời gian lưu lại tại “mẫu quốc”, ông đã có cơ hội nhìn tận mắt, sờ
tận tay những sản phẩm của văn minh phương Tây, nhất là trong cung cách làm ăn,
quản lý sản xuất, tổ chức kinh doanh của họ…
Khi về
lại nước nhà, Bạch Thái Bưởi quyết định thôi việc ở hãng, lao vào thương
trường, chấp nhận cạnh tranh song phẳng với người Hoa, người Pháp. Dưới thời
Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1896 – 1902), khi
người Pháp xúc tiến việc mở đường sắt nối liền Nam – Bắc xứ An Nam, nhận thấy
nhu cầu tà-vẹt gỗ rất lớn, Bạch Thái Bưởi dốc hết vốn liếng dành dụm bấy lâu
hùn với một người Pháp vào việc nhận thầu cung cấp tà-vẹt cho công trình. Suốt 3 năm ròng, ông lùng khắp rừng sâu, lũng thấp tìm cho
được gỗ thật bền, thật tốt để đáp ứng yêu cầu, gây uy tín với người Pháp. Sau
vụ làm ăn này, ông được số tiền lời trên mấy vạn.
Sau đó, ông xin phép mở dịch vụ cầm đồ ở Nam Định. Xưa
nay, cầm đồ là lĩnh vực mà người Tàu độc quyền thao túng. Để cạnh tranh với họ,
ông phải đem tất cả tài tổ chức, kinh nghiệm ra đối phó. Nhân viên toàn người
Việt, lại ăn nói, cư xử nhã nhặn, tiền chịu lời phải chăng, cho nên dù bị nhà
cầm quyền làm khó dễ đủ điều, thương khách người Hoa chờ ông vỡ nợ… nhưng khách
hàng của ông vẫn ngày một đông.
Thừa thắng, ông dấn
bước vào việc thầu thuế chợ ở Vinh (1906-1913), ở Nam Định (1906-1909), ở Thanh Hóa
(1907-1909). Ngành in ấn vốn là nghề hoàn toàn mới lạ đối với ông, nhưng khi
thấy xã hội có nhu cầu, ông vẫn bỏ tiền ra mở “Công ty in và Xuất bản Bạch Thái
Bưởi” (sau là Đông Kinh ấn quán), xuất bản tờ “Khai hóa nhật báo” nhằm cổ động
phong trào thực nghiệp ở nước ta.
Các nhà tư sản dân tộc ngày đó. |
Cảnh Hải Phòng thuở cụ Bạch. |
Chắc chắn rằng, trong
sự nghiệp của mình, Bạch Thái Bưởi có chịu ảnh hưởng nhất định của phong trào
Duy Tân, Đông Du. Tinh thần doanh nghiêp, như lịch sử đã chứng minh, đó là tinh
thần yêu nước, thể hiện bản lĩnh của người Việt Nam, cạnh tranh với thương nhân
nước ngoài, chứ chưa phải thu lợi là chính.
Những thập niên đầu thế
kỷ XX, phong trào xây dựng hợp thương, nông hội, thương hội… từ xứ Quảng Nam lan tỏa ra
đến cả nước. Nguyễn Văn Xuân nhận xét: “Từ
hợp thương đến học hiệu, thực sự đây là một phong trào nhân dân chưa hề thấy ở
Việt Nam
trước đó. Nhờ tinh thần hợp tác chặt chẽ của sĩ phu có tâm huyết, nêu gương cho
cả nước học kinh doanh mà kinh tế mỗi ngày lên vùn vụt… Và khi Phan Châu Trinh
rời Quảng Nam ra Hà Nội (1907) cùng các đồng chí thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục
và các cơ sở kinh tế khác ở đất Bắc thì có thể nói khắp dải Trung Bắc đã phấp
phới lá cờ Duy Tân, lá cờ Minh xã, nghĩa là công khai hóa mọi tổ chức, mọi hoạt
động” (Xem Phong trào Duy
Tân và tinh thần doanh nghiệp trong tuyển tập Chuyện
thời chúng ta sống, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007, trang 225).
Năm 1926, Phan Châu
Trinh qua đời tại Sài Gòn, từ xứ Bắc, Bạch Thái Bưởi gửi vào câu đối viếng:
- Bốn ngàn năm nước
cũ đương cuộc đổi thay. Cờ thực nghiệp, trống tân dân. May mắn thay một gánh
non sông, rết có nhiều chân mừng cũng nhảy.
- Sáu mươi tuổi thân
già bao phen hiểm trở. Chí Ngu công, hồn tinh vệ. Đau đớn nhẽ nửa đêm mưa gió,
tằm tuy hết ruột vẫn còn vương.
“Cờ thực nghiệp, trống tân dân…tằm tuy hết
ruột vẫn còn vương” chính là tấm lòng, ước nguyện của doanh
nhân họ Bạch.
2- Trở thành Vua sông biển Đông Dương.
Cảnh Nhà Rồng, Sài Gòn. |
Năm l909, với vốn liếng, kinh nghiệm làm ăn trong những năm qua, ông
Bạch Thái Bưởi quyết tâm lao vào một lĩnh vực kinh doanh mới: vận tải đường
sông. Chính từ đây, ông vươn lên đỉnh cao trong sự nghiệp kinh doanh, trở thành
“Vua sông biển Đông Dương” và là một trong “tứ đại gia” lừng lẫy thời đó.
Đầu tiên, Bạch Thái Bưởi thuê lại ba chiếc tàu Phi Phụng, Phi Long,
Khoái Tử Long của một người Pháp là R.Marty vừa hết hạn hợp đồng kinh doanh. Ba
chiếc tàu của ông chạy hai tuyến Nam
Định-Hà Nội và Nam
Định-Bến Thủy.
Vào nghề vận tải sông nước, lĩnh vực kinh doanh béo bở đang là thế độck
quyền của người Pháp và người Hoa, ông phải đương đầu với các đối thủ có thế
lực mạnh, lại giàu kinh nghiệm hơn nhiều lần. Đặc biệt là việc ông cạnh tranh
quyết liệt với người Hoa. Giới Hoa thương lúc đầu rất ngạc nhiên khi thấy một
người Việt dám lao vào vùng “cấm địa” của họ. Về sau, họ mới lo sợ, hợp lực với
nhau để loại trừ ông. Cuộc tranh đua rất căng thẳng: ông hạ một giá, họ hạ hai
giá; ông đãi khách uống trà, họ thết khách thêm bánh ngọt. Giá tàu từ Nam Định lên Hà
Nội: trước là 40 xu, nay còn 5 xu… So với các thương gia người Hoa, tình thế
của ông thật nguy ngập, mướn ba chiếc tàu, mỗi tháng trả 2.000 đồng, mà mỗi chuyến
chỉ thu được 20 đồng.
Chính lúc cực kỳ nguy ngập đó, Bạch Thái Bưởi đã sử dụng thế mạnh tinh
thần. Ông vận động, kêu gọi mọi người ủng hộ công cuộc kinh doanh của người
Việt, với hình ảnh “Ta về ta tắm ao ta”. Ông tung ra những đoàn diễn thuyết
trên các bến tàu, nêu rõ những thiệt thòi của người Việt, cổ xúy cho tinh thần
đồng bào đùm bọc lấy nhau . Bạch Thái Bưởi còn treo một cái ống trên tàu, để ai
thấy việc làm của ông là đáng khuyến khích, bỏ tiền vào, giúp cho chủ tàu đỡ
phần lỗ, đủ sức cạnh tranh. Kết quả hành khách đều bỏ tàu Hoa mà đi tàu Việt. Cuối
cùng nhờ vậy ông đã thắng. Đội tàu của ông không những vượt qua sóng gió mà còn
lớn mạnh, được bổ sung bằng những đội tàu của công ty Pháp, Hoa bị phá sản như:
Marty d’Abbadie, Desch Wanden… Năm 1915, ông còn mua lại xưởng đóng và sửa chữa
tàu của R.Marty.
1916, ông chuyển trụ sở hãng vận tải đường thủy từ Nam Định vào Hải
Phòng và đặt tên cho hãng là “Giang hải luân thuyền Bạch Thái Công ty”, với lá
cờ hiệu màu vàng có hình mỏ neo và ba sao đỏ. Công ty của Bạch Thái Bưởi bắt
đầu mở rộng tầm hoạt động khắp Đông Dương và các nước lân cận như Hồng Kông,
Trung Quốc, Nhật, Singapore…Nhưng đỉnh cao phát triển của “Giang hải luân
thuyền Bạch Thái công ty” là khoảng cuối thập niên 1920 đầu 1930, khi ấy công
ty có trên 40 con tàu, với số lượng nhân viên lên tới 2.500 người làm việc trên
các đội tàu, xưởng đóng tàu. Văn phòng và chi nhánh của công ty có ở các thành
phố lớn như Hà Nội , Nam Định, Tuyên Quang, Việt Trì,
Bến Thủy, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Sài Gòn…
Ngày 7/9/1919, công ty của Bạch Thái Bưởi đã làm rạng danh ngành hàng
hải Việt Nam khi cho hạ thủy tại Cửa Cấm (Hải Phòng) chiếc tàu mang tên Bình
Chuẩn hoàn toàn do người Việt thiết kế, thi công. Con tàu Bình Chuẩn dài 42m,
rộng 7,2m, cao 3,6m, trọng tải 600 tấn, động cơ compound 450 mã lực, chạy bằng
hơi nước có dung tích 8 mét khối, vận tốc đạt 8 hải lý/giờ. Tàu Bình Chuẩn chạy
chuyến đầu tiên từ Hải Phòng cập bến Sài Gòn ngày 17/9/1920, trong sự đón chào
nồng nhiệt của giới công thương Sài Gòn lúc đó.
Trong hàng “tứ đại gia” giàu có nhất xứ An
Nam vào những năm đầu của thế kỷ XX (Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Bưởi),
Bạch Thái Bưởi (1874-1932) được coi là một doanh nhân kiệt xuất của đất Việt,
vì như chúng ta đã biết “Ông vua đường thủy” này - như người ta xưng tụng - đã
khởi nghiệp từ một công chức nhỏ đi làm thuê với hai bàn tay trắng.
Ngày 22/7/1932, một cơn đau tim
đã quật ngã “Nhà doanh nghiệp bền chí, quả cảm bậc nhất của nước Việt, ở đầu
thế kỷ XX”. Sau hơn 20 năm ngang dọc trên thương trường, Bạch Thái Bưởi qua đời
tại Hải Phòng, để lại cho lịch sử doanh thương Việt Nam một tên tuổi đã trở
thành huyền thoại.
4 nhận xét:
Tự hào vì dân ta cũng có những TS oách thế, đến Tây, Tầu cũng phải nể.
Ông là người tài là niềm kiêu hãnh của đất Việt. KC
Các doanh nhân tài ba thời nào cũng có nhưng vào thời ta bị "diệt" hết vì đây là "mầm mống tư bản".Ví dụ như "vua lốp" ông "rồng đất" ... Chúng ta được đào tạo theo khuôn mẫu khác nên khi mở cửa cơ chế "thị trường" thì chúng ta như lũ gà công nghiệp được thả về rừng.
Chúng ta cần 1 XH mà người tài được sống đúng cái gì họ có.
Đăng nhận xét