Nhưng đừng có ai lầm tưởng Nguyễn Khắc Viện là
một nhà Nho (tôi muốn nói về thế giới quan – tư tưởng). Ông phê phán tư tưởng
Nho giáo một cách triệt để:
“Vì trên phương diện chính trị, Nho giáo
chủ yếu là bảo thủ. Nó bỏ qua vấn đề luật pháp và thiết chế, từ chối mọi cải
cách. Đạo lý về chính trị chủ yếu là bảo thủ, hướng tư tưởng vào việc tu thân
nhằm mục đích cải thiện xã hội mà không muốn đặt vấn đề thiết chế là đặc trưng
của những kẻ sợ những biến động xã hội. Ta hiểu tại sao Camus bị hấp dẫn bởi
Nho giáo.
Tuy nhiên trong Nho giáo còn có một số ý niệm
cơ bản: Là vua và sĩ đại phu – tức là những người chịu trách nhiệm về chính trị
– phải là những kẻ gương mẫu về đạo đức. Trong xã hội Nho giáo, sự vô luân thất
đức của chính quyền đã tạo nên những lý do tốt nhất cho những người làm cách
mạng.
Trên thực tế, Nho giáo còn hơn cả sự bảo thủ,
nó quay hoàn toàn về quá khứ. Bảo vệ lễ nghi của các triều đại xưa là mối quan
tâm lớn của Khổng tử. Trong chữ Lễ, vương triều Trung Hoa cũng như Việt Nam đã
tìm thấy biện pháp tốt nhất để duy trì sự ổn định của ngai vàng”(Bàn về đạo Nho – nguyên văn
tiếng Pháp đăng trên tạp chí La Pensée với tựa đề: Confucianisme
et le Marxisme au Vietnam).
Các nho sĩ Việt Nam đã gạn chắt lấy phần
“gương mẫu về đạo đức” của đấng minh quân trong Nho giáo để xử thế. Về tư
tưởng, họ “đem đại nghĩa để thắng hung tàn”. Lúc hiểm nguy, họ “tự phá chông
gai, tay trừ cường bạo. Lấy giáp trụ làm chăn áo, lấy đồng cỏ làm nhà cửa. Xéo
đạp hiểm nghèo, xông pha gươm giáo” (Chiếu răn bảo Thái tử –Nguyễn
Trãi thay lời Lê Lợi). Lúc bình an, họ sống giản dị, lấy cỏ cây làm bằng hữu,
gần gũi với dân lành. Vì thế, trong mắt nhân dân, nho sĩ Việt Nam được mến mộ
về đạo đức và lối sống. Họ đã góp phần tạo nên bản sắc Việt Nam
trong quá khứ. Nguyễn Khắc Viện là một trí thức Tây học, thấm nhuần tư tưởng
“tự do – bình đẳng – bác ái” của cách mạng Pháp. Ông chỉ “giống” các nhà Nho ở
phần lối sống giản dị, xem thường vật chất, coi trọng đạo làm người mà ngày nay
chúng ta gọi nó là “đậm đà bản sắc dân tộc”. Vì thế, bài học đầu tiên Nguyễn
Khắc Viện để lại cho chúng ta là bài học văn hóa Việt Nam trong lối sống. Không
ồn ào bắt chước bất kỳ ai! Nếu tôi không nhầm thì Nguyễn Khắc Viện là một trong
những người Việt Nam được nhiều người phương Tây yêu thích nhất.
Bài học thứ hai từ cuộc đời Nguyễn Khắc Viện
là bài học về niềm lạc quan yêu đời. Nguyễn Khắc Viện hầu như không dùng thuốc.
Ông sống được đến tuổi 85 là nhờ tinh thần lạc quan yêu đời. Nguyễn Khắc Viện
là con người gai góc, khi cần phải phê phán, ông không biết “sợ” bất cứ người
nào, ông cũng là người nhiều ý kiến mạnh bạo nên không khỏi bị hiểu lầm, bị
xuyên tạc lợi dụng (từ bên ngoài), bị một số người (trong nước) thành kiến, phê
phán gay gắt… Nhưng ngay cả những lúc “khó khăn” nhất như thế, gặp ông, tôi vẫn
thấy ông rất vui và hay nói đùa nữa. Chuyện ông cứ như “chuyện như đùa”! Mặc dù
có lúc “cười ra nước mắt”.
Bài học thứ ba về Nguyễn Khắc Viện là bài học
dân chủ. Theo ông thì một trong những sai lầm lớn nhất trong quá trình xây dựng
chủ nghĩa xã hội ở các nước xã hội chủ nghĩa những năm qua là coi những giá trị
tinh thần mà các cuộc cách mạng tư sản đã giành được, tiêu biểu là cuộc cách
mạng Pháp, như các quyền tự do, dân chủ, nhân quyền… không phải là những giá
trị chung của nhân loại tiến bộ. Như thế, vô hình chung chúng ta đã xem những
giá trị ấy thuộc về giai cấp tư sản, mà không hay rằng chính nhân dân đã đổ máu
xương để giành được những quyền đó từ giai cấp thống trị.
Chính vì quan niệm lệch như trên, khi xây dựng
nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, người ta đã không kế thừa mà đem đối lập nó với
dân chủ tư sản. “Thậm chí “cứ làm ngược lại với dân chủ tư sản” thì có “dân
chủ xã hội chủ nghĩa”. Rốt cuộc, không những phá bỏ tính chất tư sản của dân
chủ, mà còn phá bỏ ngay cả bản thân dân chủ nữa”(Nguyễn Khắc Viện, Cách
mạng 1789 và chúng ta, NXB thành phố HCM, 1989, tr. 155).
Vì thế, theo bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thì trong
công cuộc đổi mới đất nước do Đảng đề xướng từ Đại hội VI (1986), vấn đề dân
chủ hóa đất nước là một nội dung quan trọng không kém gì vấn đề đổi mới kinh tế
đất nước. Ông kiên quyết đưa ra ý kiến: Cải cách kinh tế sau đó phải đi liền
với cải cách chính trị, nếu không sẽ thành một xã hội do bọn Mafia điều hành.
Sau 26 năm sống ở Pháp và đi nhiều nước châu
Âu, Nguyễn Khắc Viện quá hiểu xã hội tư bản. Ông nhiều lần nói với tôi: “Nhà
nước tư sản rất mạnh vì nó tuyển chọn vào bộ máy toàn những người đỗ đạt cao,
tài giỏi, vì thế nó vừa có quyền lại vừa có uy, thế mới gọi là uy quyền. Nhưng
nó phải đối đầu với một xã hội công dân rộng lớn, một mặt trận gồm nhiều thành
phần, nhiều tổ chức, nhiều đảng phái, giáo hội… từng giờ từng phút chất vấn,
đấu tranh, giằng co, vận dụng rất nhiều hình thức linh hoạt với mục tiêu cuối
cùng là ngày càng mở rộng quyền tự do dân chủ và phúc lợi xã hội cho nhân dân.
Mặt trận đó xuất hiện từ 200 năm nay, từ khi cách mạng tư sản nổ ra.”
Ông cũng căn dặn tôi: “Cách mạng Pháp 1789 nêu
khẩu hiệu Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Trên cái nền ấy mà nước
Pháp trở nên giàu có. Nếu chỉ nêu khẩu hiệu làm giàu như nước ta thì đạo lý sẽ
suy thoái. Nếu thầy thuốc chỉ lo làm giàu thì bóp nặn bệnh nhân. Nhà báo như
cậu mà lo làm giàu thì sẽ bẻ cong ngòi bút. Tư bản là kẻ giàu có, vì thế không
có chuyện liều mạng như vô sản, phải biết thóp điều đó để mà chơi với tư sản”.
Về nước Mỹ, ông nói: “Thử tưởng tượng nếu 6-7 tỷ người trên trái đất này đều có
mức sống như người Mỹ hiện nay, mỗi người một chiếc ô tô, năm mươi đến sáu mươi
bộ quần áo, hằng năm đi du lịch khắp thế giới này thì năng lượng và tài nguyên
của trái đất này còn gì nữa?”
Quá hiểu bản chất của chế độ tư bản không thay
đổi nên Nguyễn Khắc Viện trở thành người sùng bái Liên Xô, hy vọng ở Liên Xô.
Năm 1963 khi bị Pháp trục xuất về nước, bước chân xuống ga Hàng Cỏ Hà Nội, ông
đã nói một câu nổi tiếng: “Nếu mở mắt ra nước Việt Nam trở thành nước Pháp thì
tôi đi theo chủ nghĩa tư bản, nhưng phải đi 200 năm “đầy máu và nước mắt”
(Marx) thì tôi đi theo Liên Xô!”. Báo chí đã vin vào câu nói đó của nhà trí
thức Nguyễn Khắc Viện để tán dương ầm ĩ…
Đùng một cái Liên Xô sụp đổ tan tành!
Một tiếng sét ngang tai với những cán bộ cách
mạng lão thành ở Việt Nam, trong đó có bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Nhưng là một
trí thức cấp tiến, Nguyễn Khắc Viện dám đi tìm “niềm trung thành mới”
(recherche de la nouvelle fidélité) như cách nói của Sartre. Gặp ông trong buổi
liên hoan mừng ông nhận giải thưởng lớn Pháp văn (1992) tại Viện Pasteur TPHCM,
tôi hỏi thẳng người bạn vong niên, người thầy đáng quý của mình: “Bây giờ Liên
Xô sụp đổ rồi thì cụ tính sao đây?”. Bác Viện nói: “Tôi đi theo chủ nghĩa tư
bản văn minh. Chơi hẳn với phương Tây, không chơi với bọn tư bản man rợ mới
ngoi lên ở châu Á như Đài Loan, Hồng Kông, Nam Triều Tiên, Singapore…”. Sau này
tôi đọc báo thấy các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc, Đài Loan…
đấm đá đánh đập công nhân ta… tôi càng phục bác Viện cao kiến.
Là một trí thức thương nước lo đời, khi về
nước năm 1963, đi thăm khu gang thép Thái Nguyên, Nguyễn Khắc Viện vừa đi vừa
lấy khăn tay lau nước mắt. Ông tâm sự với tôi: “Mừng quá, thế là nước mình sẽ
có sắt thép… sẽ có công nghiệp…”. Ông, cũng như nhiều trí thức Việt Nam yêu
nước khác, vô cùng vui mừng khi thấy nước nhà có sắt thép. Một dân tộc “đói
nghèo trong rơm rạ” (Chế Lan Viên) thì làm sao không vui mừng được! Chế Lan
Viên sắc sảo thế mà còn véo von ca: “Những năm miền Bắc ăn ngô đẻ ra nhà máy
thép”. Vậy là những cái đầu thông minh nhất của miền Bắc Việt Nam đều bị Trung
Quốc lừa khi họ viện trợ cho ta mấy cái lò nấu thép cổ lỗ sĩ ở Thái Nguyên,
càng nấu thép càng lỗ nặng. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Kiến Giang thì bốn vụ
chiêm xuân mất trắng vì mấy cái “quả lừa” ấy của Trung Quốc!
4 nhận xét:
Thang LPZ
Rất cám ơn người đăng bài
Người tài thường tư duy độc lập, sáng tạo và hay có ý kiến trái ngược với sếp. Sếp luôn nghĩ mình là nhất nên ít tôn trọng họ.
Một nhân cách lớn, một trí tuệ tuyệt vời.Đúng là không biết bao nhiêu năm Đất Nước mới có được một con người như thế.
Nhưng có lẽ vì cụ chưa ở Liên Xô nhiều, chưa hiểu rõ liên Xô và CNXH bằng việc hiểu các nước phương Tây và CNTB nên mới sùng bái LX đến vậy.
Thực ra, mầm mống sụp đổ của chế độ XHCN đã nằm ngay trong sự chuyên quyền độc đoán núp dưới cụm từ "tập trung dân chủ" và "chuyên chính vô sản", và trong cái gọi là "vũ khí tự phê bình và phê bình" rồi.
Tôi rất tâm đắc với những ý kiến của cụ:
-“Nhà nước tư sản rất mạnh vì nó tuyển chọn vào bộ máy toàn những người đỗ đạt cao, tài giỏi, vì thế nó vừa có quyền lại vừa có uy, thế mới gọi là uy quyền. Nhưng nó phải đối đầu với một xã hội công dân rộng lớn, một mặt trận gồm nhiều thành phần, nhiều tổ chức, nhiều đảng phái, giáo hội… từng giờ từng phút chất vấn, đấu tranh, giằng co, vận dụng rất nhiều hình thức linh hoạt với mục tiêu cuối cùng là ngày càng mở rộng quyền tự do dân chủ và phúc lợi xã hội cho nhân dân."
-"Cải cách kinh tế sau đó phải đi liền với cải cách chính trị, nếu không sẽ thành một xã hội do bọn Mafia điều hành."
- “Cách mạng Pháp 1789 nêu khẩu hiệu Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Trên cái nền ấy mà nước Pháp trở nên giàu có. Nếu chỉ nêu khẩu hiệu làm giàu như nước ta thì đạo lý sẽ suy thoái. Nếu thầy thuốc chỉ lo làm giàu thì bóp nặn bệnh nhân. Nhà báo như cậu mà lo làm giàu thì sẽ bẻ cong ngòi bút. Tư bản là kẻ giàu có, vì thế không có chuyện liều mạng như vô sản."
Với tư duy sắc sảo như vậy, giá mà có điều kiện hiểu sâu hơn về LX, TQ và các chế độ XHCN khác, chắc cụ đã có những kiến giải sâu sắc, xác đáng hơn nữa về con đường phát triển của VN.
Tôi có những dịp ngồi với cụ Viện ở nhà cụ và cụ đến 99 Trần hưng Đạo nhà tôi . Một con người uyên bác ,sâu sắc ,thông minh ,nhẹ nhàng, nghị lực,đa tài,chân chính....rất nhiều phẩm chất cao quí ! Nên tôi gọi cụ Viện là một nhà văn hóa trong cuốn truyện Quyền Sư. Bác cháu tôi có rất nhiều chuyện để nói cũng như cuộc sống có nhiều điều chúng ta cần làm.Thanh Trần
Đăng nhận xét