Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

TỪ KẾ HOẠCH NAVA ĐẾN KẾ HOẠCH “CHIM KỀN KỀN” (Tổng hợp: Việt Dũng)


1- Kế hoạch Nava được Mỹ phê duyệt.

         Năm 1953, Eisenhower - Nixon chính thức cầm quyền sau khi đánh giá lại tình hình, đã đề ra “chủ nghĩa Eisenhower”, thay cho “học thuyết Truman” và lấy chiến lược “trả đũa ào ạt” làm chiến lược quân sự toàn cầu mới, thay cho chiến lược “ngăn chặn”.
Tướng Nava- Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương 1953-1954.

        Sau gần tám năm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam (1945-1953), thực dân Pháp đã phải chịu những tổn thất rất nặng nề: khoảng 90.000 quân (gồm cả quân Lê Dương và Ngụy quân) bị loại khỏi vòng chiến đấu, không kể hàng chục vạn quân viễn chinh đang bị giam chân trên chiến trường Đông Dương, chủ yếu là Việt Nam; tiêu tốn khoảng hơn 2000 tỷ frăng.


        Vùng kiểm soát ngày càng bị thu hẹp, trên chiến trường, quân Pháp ngày càng bị lún sâu vào thế bị động phòng ngự và thiếu hẳn một lực lượng cơ động chiến lược mạnh để có thể đối phó với các cuộc tấn công mới của bộ đội ta. Trên chiến trường Đông Dương, do mất quyền chủ động chiến lược từ sau Thu - Đông năm 1950, quân Pháp càng lún sâu vào bế tắc về chiến lược quân sự sau thất bại ở Tây Bắc và Thượng Lào (1952, 1953). Trong khi đó tình hình chính trị, xã hội tại nước Pháp ngày càng rối ren, phức tạp. Tình trạng kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương đã đẩy nền kinh tế của nước Pháp lâm vào khủng hoảng trầm trọng, các phong trào đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh Đông Dương của nhân dân Pháp ngày càng lan rộng, mâu thuẫn trong giới cầm quyền Pháp ngày càng gay gắt. Chỉ trong vòng 8 năm tiến hành chiến tranh Đông Dương, nội các Chính phủ Pháp đã phải thay đổi tới 18 lần. Trước tình hình trên, giới cầm quyền hiếu chiến Pháp chủ trương dựa vào sự viện trợ của Mỹ nhiều hơn để tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh xâm lược, nhằm tìm cho nước Pháp “một lối thoát danh dự” ra khỏi cuộc chiến tại Việt Nam. Được sự hậu thuẫn của Mỹ,  tháng 5/1953, chính phủ Pháp cử tướng Hăngri Nava (Henri Navarre), làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương.
Tổng thống Mỹ Eisenhower.


Lính Pháp ở ĐBP.
       Tướng Hăngri Nava (Henri Navarre, 1898-1983) sinh trưởng trong một gia đình nhiều đời làm Chưởng lý quan tòa và luật sư vùng Noóc-man-đi (Normandie) Pháp. Trong Thế chiến lần thứ II, Na va chỉ huy sư đoàn Constantine ở Angerie (Bắc Phi). Khi sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, Na va là tướng 4 sao, Tổng Tham mưu trưởng lục quân khối Bắc Đại Tây Dương (NATO). Báo chí nước ngoài ca ngợi H. Nava như một danh tướng có thể “Uốn nắn lại tình hình Đông Dương…”.
        Sau khi nghiên cứu thực trạng chiến trường Đông Dương và căn cứ vào ý đồ chính trị của Pa-ri cùng thái độ của Oa-sinh-tơn đối với cuộc chiến tranh Đông Dương, tướng Na va vạch ra một kế hoạch quân sự mang tên “Kế hoạch Na va” với hy vọng trong một thời gian ngắn sẽ giành một thắng lợi quyết định về quân sự, xoay chuyển tình thế cuộc chiến ở Đông Dương, chuyển bại thành thắng (Kế hoạch Na-va). Theo kế hoạch Na-va, phần tác chiến gồm hai bước và hoàn thành trong 18 tháng:
        - Trong chiến cục 1953-1954, giữ thế phòng thủ ở phía Bắc vĩ tuyến 18 và tìm cách tránh giao chiến lớn. Trái lại, ở phía Nam lại tiến công để ổn định miền Trung và Nam Đông Dương, để lấy được nhân lực, vật lực. Đặc biệt phải đánh chiếm được Liên khu V.
         - Khi đạt được ưu thế về quân cơ động, nghĩa là nếu có thể được thì mùa thu năm 1954, “Thực hành tiến công ở phía Bắc nhằm mục đích tạo ra một tình hình quân sự cho phép đưa ra một giải pháp chính trị thích hợp để giải quyết chiến tranh (Thời điểm của những nhân vật, H. Na va, Nxb Plông, Pari, 1979).
         Như vậy, điểm mấu chốt trong kế hoạch của tướng Na-va là tập trung được một lực lượng cơ động ưu thế hơn đối phương, sau khi giải quyết chiến trường phía Nam, sẽ thực hành tiến công ở phía Bắc, tạo ra tình hình quân sự có lợi làm cơ sở cho giải pháp chính trị kết thúc chiến tranh. Đó là chiến lược có qui mô rộng lớn, thực hiện tập trung sự cố gắng lớn và cuối cùng của Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương.
        Để thực hiện kế hoạch trên, tướng Na-va tập trung xây dựng 27 Binh đoàn cơ động GM (Groupement mobile) cho toàn chiến trường Đông Dương. Riêng ở Bắc Bộ, Pháp có 44 tiểu đoàn cơ động. Tuy nhiên, hậu quả của việc rút quân về xây dựng khối quân cơ động khiến lực lượng quân sự Pháp - Ngụy ở các chiến trường trở nên mỏng, yếu không yểm trợ được cho nhau khi bị Việt Minh tấn công đồng thời trên nhiều chiến trường.
        Trong tình hình Pháp đang gặp rất nhiều khó khăn và ở thế bất lợi trong cuộc chiến tranh Đông Dương, mà tâm điểm là chiến trường Việt Nam, một mặt, Mỹ tăng thêm nhiều viện trợ cho Pháp; mặt khác, tìm mọi cách để trực tiếp nắm lấy việc điều hành chiến tranh ở Đông Dương. Tháng 7-1953, chính phủ Mỹ phê chuẩn Kế hoạch Nava của bộ chỉ huy Pháp, gánh chịu mọi khoản chi phí cho kế hoạch đó, gồm gần 400 triệu đôla. Theo các nguồn sử liệu, tính đến tháng 1-1954, riêng về vũ khí và phương tiện chiến tranh, Mỹ đã viện trợ cho Pháp ở Đông Dương gồm 360 máy bay, 1.400 xe tăng  xe bọc thép, 390 tàu chiến và tàu quân sự, 16.000 xe quân sự các loại, 175.000 súng trường  súng máy. Phó tổng thống Mỹ là Nixon từng trực tiếp sang Đông Dương và thị sát việc Pháp xây dựng cụm cứ điểm Điện Biên Phủ.

       Nếu như năm 1950, Mỹ chỉ viện trợ quân sự 10 triệu đôla cho Pháp trong cuộc chiến tranh, thì đến lâu năm 1954, số lượng này đã tăng lên đến 1,1 tỉ đôla, chiếm 78% chi phí chiến tranh của Pháp ở Đông Dương. Từ 1950 đến 1954, tổng số viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ cho Pháp trong chiến tranh Đông Dương đã vượt quá 3,5 tỉ đôla. Tướng Na-va sau này viết trong hồi ký rằng: "Địa vị của chúng ta đã chuyển thành địa vị của một kẻ đánh thuê đơn thuần cho Mỹ."
        Năm 1953, Mỹ vừa tăng viện trợ quân sự cho Pháp, vừa không ép Pháp nhiều, sợ Pháp bỏ cuộc sớm trong khi Mỹ chưa chuẩn bị đủ các điều kiện thuận lợi để thay Pháp tài trợ cho cuộc chiến tại Việt Nam, mặt khác, Mỹ cũng còn tính những kế hoạch riêng. Ngày 21-7-1953, Tổng thống Eisenhower chính thức mời Nguyễn Văn Tâm-Thủ tướng Quốc gia Việt Nam  sang thăm Hoa Kỳ và được Mỹ cam kết ủng hộ giúp đỡ. Trong khi đó, Mỹ cũng bắt đầu cổ động cho con bài chính trị gia khác là Ngô Đình Diệm.
        Để thuyết phục nội bộ chính giới Mỹ và dư luận Mỹ tán thành ủng hộ chủ trương chiến lược hỗ trợ các nhà nước tại Đông Dương nhằm ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản bành trướng xuống Đông Nam Á, chính quyền Eisenhower nhiều lần nhắc đến và nhấn mạnh hậu quả, tác động phản ứng dây chuyền của thuyết Domino. Chính quyền Washington cho rằng, nếu để mất Đông Dương sẽ gây ra những hậu quả xấu về tâm lý, chính trị, kinh tế, quân sự trọng yếu và sẽ mất nốt phần còn lại của Đông Nam Á. Đông Dương đang trở thành con bài Domino đầu tiên.
Máy bay Mỹ rơi.

Xe tăng Mỹ bị bắt...

         Theo nhà báo Mỹ là Félix Green, mục tiêu của Mỹ không phải chỉ có Việt Nam và Đông Dương, mà là toàn bộ vùng Đông Nam Á, vì đây la: “một trong những khu vực giàu có nhất thế giới, đã mở ra cho kẻ nào thắng trận ở Đông Dương. Đó là lý do giải thích vì sao Mỹ ngày càng quan tâm đến vấn đề Việt Nam... Đối với Mỹ đó là một khu vực phải nắm lấy bằng bất kỳ giá nào”. Nhiều nhà sử học khác cho rddala, mục tiêu cơ bản và lâu dài của Mỹ là muốn bảo vệ sự tồn tại của một chính phủ thân Mỹ tại miền Nam Việt Nam, không chỉ nhằm làm “tiền đồn chống Chủ nghĩa Cộng sản", mà qua đó còn duy trì ảnh hưởng lâu dài của “Quyền lực tư bản" Mỹ lên thị trường vùng Đông Nam Á.

         2- Kế hoạch “Chim kền kền” và ý đồ của Mỹ đối với cuộc chiến tranh Việt Nam năm 1954.

         Đầu năm 1954, tình hình quân sự trên chiến trường Đông Dương trở nên tồi tệ đối với Pháp. Hội nghị Genève sắp sửa họp, Mỹ lập cầu hàng không Philippine - Đông Dương, tiếp tế cho quân đội Pháp mỗi ngày từ 200 đến 300 tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, quân dụng. Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương đưa hai tàu sân bay thuộc Hạm đội 7 vào vịnh Bắc Bộ. Ở Washington, “bản kế hoạch diều hâu” mang tên “Chim kền kền” đã chuẩn bị xong, Eisenhower và Nixon (Tổng thống, Phó tổng thống) cùng Ridway (Tham mưu trưởng liên quân Mỹ) đưa trình Hội đồng an ninh quốc gia và Quốc hội, nhưng bị phản đối, không được phê chuẩn. Trước đó một tuần, ngoại trưởng Mỹ Dulles tuyên bố: “Từ nay, Đông Dương nằm trong khu vực bất khả xâm phạm của chiến lược Mỹ." Kế hoạch Chim kền kền dự định đưa 8 sư đoàn quân chiến đấu trên bộ của Mỹ vào trực tiếp tham chiến. Trong số đó Mỹ sẽ điều ngay một lúc 35 tiểu đoàn vào đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Tập trung 300 máy bay cường kích để xoá trắng “khu vực Điện Biên Phủ”. Và có thể dùng vũ khí nguyên tử đánh vào miền nam Trung Quốc, nếu Trung Quốc đưa quân vào tham chiến.
         Sau thất bại của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ (ngày 7-5-1954), ngày 8-5-1954, Hội nghị Genève về Đông Dương mới bắt đầu họp. Kết thúc Hội nghị Genève, trưởng phái đoàn Chính phủ Mỹ tuyên bố ghi nhận và cam kết tôn trọng quyết định của chín nước thành viên Hội nghị Genève. Nhưng liền sau đó, chính Tổng thống Mỹ lại tuyên bố: "Hoa Kỳ không tham dự vào những quyết định của Hội nghị Genève và không bị ràng buộc vào những quyết định ấy". Cũng như Tổng thống của mình, thượng nghị sĩ (4 năm sau trở thành Tổng thống) John F. Kennedy tuyên bố: “Nó (Việt Nam Cộng Hòa) là con đẻ của chúng ta. Chúng ta không thể từ bỏ nó”.


2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Sắp kỉ niệm 60 năm ĐBP rồi.

Bờm nói...

MỚI THẤY MƯU ĐỒ CỦA MỸ ĐỐI VỚI VIỆT NAM VÀ ĐÔNG DƯƠNG ĐÃ CÓ TỪ LÂU.