Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

Truyện nhiều kì: TÔI PHẤN ĐẤU VÀO ĐẢNG (Đỗ Thành Hưng, lính Trỗi k1)

Anh Đỗ Thành Hưng là Trỗi k1 vừa có bài viết dài gửi Báo liếp. Xin cảm ơn anh. Từ hôm nay sẽ có loạt bài nhiều kì của anh.


NHỮNG NGÀY ĐI HỌC.
01/08/1966, 52/53 đứa chúng tôi của hai lớp 10 đầu tiên thuộc trường Nguyễn Văn Trỗi nhập ngũ.
Đầu tháng 9, tất cả chúng tôi được đưa về học ở phân hiệu 2- đại học Bách Khoa. Chúng tôi được chia lẻ ra để ở với anh em từ các đơn vị chiến đấu trong toàn quân được tuyển lựa về theo học khoá đầu tiên của trường.
So với anh em được chọn về cùng học, bọn tôi nhỏ tuổi nhất. Lớp tôi có tôi và Nguyễn Đình Thắng là học sinh trường Trỗi.


Những ngày đầu nghe các anh xì xào, chỉ trỏ bọn tôi là bọn “Con ông cháu cha”. Thực tình ngày ấy tôi cũng chẳng có khái niệm gì về cái danh được các anh gán cho. Bởi ở trường Nguyễn Văn Trỗi, bọn tôi học và chơi bình đẳng, vô tư như hồi ở phổ thông, chẳng ai để ý gì đến chuyện ấy cả. Đành rằng tôi biết bố tôi là sĩ quan thường thường bậc trung, đi B như bao các chú, các bác bộ đội khác.
Rồi tôi có xe đạp Thống Nhất, có dép nhựa Tiền Phong, dép rọ Trung Quốc, giầy da lộn, đài Sony bán dẫn hai băng, đồng hồ Polzot. Đấy là những món đồ bố tôi để lại khi ông đi B, nay tôi tự trang bị cho mình. Nhưng có lẽ thời ấy là tài sản lớn đối với các anh. Cả lớp tôi cũng chỉ có ba, bốn anh là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp mới có xe đạp hoặc có trang bị cá nhân như tôi. Phải chăng vì thế trong mắt các anh, bọn tôi thuộc một giới khác? Nên các anh gán cho cái danh “COCC” là vì vậy.
Chúng tôi học xong lớp 10 là vào đại học ngay nên kiến thức không bị ngắt quãng như các anh, hầu hết bọn tôi đều là học viên khá giỏi từ những năm đầu.
Ngày ấy tôi được chỉ định làm cán sự môn Hoá, rồi Lý, học chuyên ngành là cán sự Kim Tướng,… Nhưng rồi từ sự tác động gán ghép “COCC” của các anh; có trang bị cá nhân, bây giờ gọi là “hot”; học hành cũng khá, cùng những lời khen của một số anh em, cái máu “COCC” hình thành trong tôi từ lúc nào không rõ. Tôi sinh ra hơi kiêu ngầm, không quan tâm tới rèn luyện phấn đấu, chỉ cần “chuyên”, chưa cần nghĩ tới “đỏ” làm gì. Với cái suy nghĩ thiển cận, nông cạn ở tuổi mới lớn của tôi hồi đó: “đỏ” cũng phải học, “đỏ” có học giỏi được hơn đâu! “Đỏ” có khoẻ được hơn đâu!”. Vì vậy phấn đấu “đỏ” chưa cần thiết đối với tôi. Mỗi kỳ thi hay kiểm tra tôi cố gắng “câu” được một hoặc hai điểm năm để được thưởng về nhà vào thứ Bảy-Chủ nhật là tuyệt vời rồi!
Cuối năm thứ nhất ở Thục Cầu-huyện Văn Lâm. Tôi, Nguyễn Đình Thắng và hai anh nữa bị đại đội trưởng Lê Thiết phê bình, khiển trách trong một tối sinh hoạt đại đội. Bây giờ tôi không nhớ tôi và Thắng mắc khuyết điểm gì ở thời kỳ ấy, chắc cũng chỉ là bướng bỉnh hoặc cãi nhau, đánh nhau gì đó bởi là “COCC” mà! Ở tuổi 18, 19 thời đấy bọn tôi còn trẻ con lắm.
Trong thời gian học tôi khá thân với Lê Công Sơn, người tiểu đội phó học tập. Sơn hơn tôi vài tháng tuổi, nhưng có suy nghĩ chững chạc hơn tôi. Sơn đã nhiều lần tâm sự với tôi về việc phấn đấu vào Đảng. Thêm vào đó, tôi còn được hai Đảng viên kỳ cựu Hồ Tiến và Vũ Đức Bang ở cùng nhà kèm cặp để phấn đấu; và ngược lại tôi có nhiệm vụ giúp hai anh về học tập.
Chắc do bị phơi nhiễm máu “COCC”, hay cái sĩ diện, tự ái, hay sự nổi loạn ở cái tuổi dở hơi, Tôi chỉ ậm ừ cho qua chuyện khi các anh nói về phấn đấu.
Thế rồi Công Sơn vào Đảng ở những năm cuối, còn tôi vẫn là “cánh tay phải” của các anh! Sơn hình như có ý giận vì tôi không có ý chí phấn đấu vào Đảng. Những tâm sự về phấn đấu của Sơn với tôi cũng thưa dần…
Mỗi lần tôi và Sơn được về vào trưa thứ Bảy-Chủ nhật, khi đi qua Hà Nội để về trường, tôi đều ghé Trần Xuân Soạn rủ Sơn cùng đi. Gia đình Sơn là gia đình giáo chức mẫu mực mà tôi thầm ngưỡng mộ. Mỗi lần đến nhà Sơn, hình như nơi ấy có cái gì đó làm tâm thức tôi mơ hồ loé sáng. Tốt nghiệp xong Sơn đi B ngay và chúng tôi không còn điều kiện để liên lạc với nhau nữa. Khoảng tháng 6/1975, Sơn và tôi mới gặp lại nhau ở Sài Gòn.
Năm năm học rồi trôi qua, tôi chưa được gọi là cảm tình Đảng. Tháng 10/1971, chúng tôi chia tay nhau đi nhận nhiệm vụ mới. Không rõ có chủ trương của các cấp lãnh đạo hay do cảm tình riêng? Ngày chia tay, anh Ngữ bí thư chi bộ lớp đưa cho tôi một giấy giới thiệu cảm tình Đảng có ký tên, đóng dấu, nhưng chưa ghi gửi đơn vị nào vì chưa biết sẽ về đâu. Cầm tờ giấy giới thiệu cảm tình Đảng anh Ngữ đưa mà lòng tôi buồn man mác. Tôi hiểu phải làm gì với nó tiếp theo…

Ra trường, chuẩn uý-kỹ sư-Đoàn viên Đỗ Thành Hưng với tờ giấy giới thiệu đối tượng Đảng. Không rõ đây là giấy thật hay giấy “lụi” vì đã có ai thay mặt chi bộ chính thức nói với tôi “Đồng chí là đối tượng Đảng bao giờ đâu!”.

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Trỗi đời nào cũng vậy, phớt đới ngênh ngang ... dưng tốt.

TranKienQuoc nói...

Ông anh viết cái gì đó rất Trỗi, rất lính, rất trí thức!
Còn không muốn vào Đảng thì có vẻ hợp với cánh trẻ bây giờ.

Viên Thạch nói...

Đọc đoạn cuối, bật cười vì cháu từng ký giấy cho rất nhiều đoàn viên đi học cảm tình Đảng.

Nặc danh nói...

Vào cái ngày 1.8.1966 mà anh Hưng và các anh K1 nhập ngũ ấy, em,một nhóc K5 vừa lên trường chưa đầy tháng, quân phục chưa đến đợt phát, đành mặc civil đi dự lễ nhập ngũ của các anh ở Gốc Đa,nhìn chếch sang trái, thấy các anh quân phục mới tinh,mũ mềm ga bạc đin liên xô gắn sao sáng ngời, đứng nghiêm ưỡn ngực như tiêu binh.bộ quân phục ấy, chiếc mũ gắn sao ấy và dáng đứng đấy-dù nhiều người chẳng muốn khoác - đã gieo vào lòng em niềm khao khát, cảm phục vừa trẻ thơ mà vừa mãnh liệt rằng một ngày nào đấy sẽ được như các anh. Cám ơn bài viết của anh Hưng đã gợi lại những kỷ niệm đẹp về một thời đồng trinh của lính Trỗi chúng ta