Nghe Bổng chỉ bảo, một chiều chủ nhật thấy hắn rảnh, tôi sang chơi và bả lả bài của Bổng:
- Anh Tùng Sơn ơi! Tuần này em có khuyết điểm gì không anh? Em có gì sai sót
trong học tập, sinh hoạt thì anh chỉ bảo cho em nhá.
Hắn chưa kịp trả lời thì vừa lúc ấy cô em chủ nhà tên Lập đi đâu về, cô em đon đả:
- Em chào anh Sơn! Em chào anh Thành Hưng!
Em còn tặng thêm nụ cười duyên với ánh mắt tình tứ không biết cho riêng ai hay cho cả hai? Anh ta nghiêm giọng, cho một thôi một hồi:
- Đã biết cả họ tên rồi cơ à?... Mới về tớ chưa có nhận xét gì về cậu! Nói chung là
cậu phải giữ kết quả học tập tốt như cũ, góp phần giữ thành tích thi đua của tiểu
đội, thực hiện nghiêm túc thi đua “ba khoan”. Cấm chỉ léng phéng yêu ghét gì.
Còn nhớ kỷ luật anh T ở năm thứ nhất không?[Bài ấu trĩ (2)] Được! Có gì cần góp
ý tớ nói sau. À, mà cần góp ý gì thì tớ qua, cậu khỏi cần sang đây!
Chắc hắn cảnh giác.
Rồi chúng tôi bước vào học năm thứ ba, giờ lên lớp thì chả nói làm gì, giờ tự học ở nhà, hắn bê bàn ghế ra ngoài hiên ngồi học. Từ đây hắn vừa học vừa quan sát được từ cuối ngõ tới đầu ngõ, anh nào mà lảng vảng ra đường trong giờ học hay định lẻn sang nhà hàng xóm thì hắn hắng giọng “è” cái! Thế là phải thụt vào ngay. Tôi có cảm giác như anh ta học có một mắt, còn một mắt để theo rõi, kiểm tra anh em vậy.
Một năm học rồi trôi qua mau. Hết năm thứ ba tiểu đội tôi an toàn tuyệt đối về mọi mặt, giữ vững thành tích thi đua như năm trước, (các tiểu đội khác có chuyện đấy).
Bước vào năm thứ tư, chúng tôi được chuyển ra Vĩnh Yên, ở trong doanh trại nên việc quản lý đơn vị không phức tạp như ở trong dân. Tiểu đội ở gọn trong hai phòng, anh em tự quản, giờ nào việc ấy. Tiểu đội trưởng Lê Tùng Sơn thở phào nhẹ nhõm. Chúng tôi hiểu nhau hơn và thân mật hơn, không còn nặng nề như trước. Giờ nghỉ, ngày nghỉ hắn bỏ mặc tiểu đội đi đá banh, chúng tôi cũng thoải mái hơn trong mọi sinh hoạt.
Một chiều, tôi với hắn nhổ cỏ rau tăng gia sau giờ học, tôi hỏi thực anh ta:
- Hồi mới về tiểu đội, sao anh nhìn tôi có ác cảm thế? Tôi với anh đâu có mâu thuẫn
gì, mà mình đã biết gì về nhau nhiều đâu?
- Tớ biết cậu từ năm thứ nhất cơ, hồi cậu với Đình Thắng tranh nhau miếng cơm cháy
ở nhà bếp, hai thằng cãi nhau, xuýt đánh nhau bị đại đội phê bình đó. Mà bị trên yêu
cầu làm a trưởng (bị nhớ!) mình phải tìm hiểu anh em trong tiểu đội, có lính “Trỗi”
là ngại rồi. Đấy! Cậu không thấy lính“Trỗi”quậy tưng bừng ở Trung Hà, ở Thậm
Thình à? Phải gửi về các đại đội trường mình quản hộ. A mình có Nguyễn Thanh
Minh, Vũ Chí Dũng đấy thôi (Trỗi k4). Mình có ác cảm, mâu thuẫn gì với cậu đâu,
đó là nghệ thuật chỉ huy đấy. Phải phủ đầu trước, phòng xa!
Tôi khen nịnh anh ta:
- Anh tâm lý thật, có kinh nghiêm chỉ huy. Ra trường chắc phải là cán bộ đại đội, tiểu đoàn trở lên, bọn này đuổi không kịp. Anh ta có vẻ khoái trí.
- Đương nhiên!
- Anh thấy oan cho bọn này không? “Trỗi” khóa một quá ngoan, quá hiền.
- Có…Có oan cho các cậu, nhưng lính “Trỗi” cũng nổi tiếng quậy cơ. Bổng nó kể hồi
ở “Trỗi” cậu còn là sư phụ của nó, dậy nó đi ăn trộm khoai, sắn, cam,bưởi…Của dân
đúng không?
- Thời trẻ con ấy mà, giờ là sinh viên quân sự năm thứ tư rồi, là sỹ quan đến nơi rồi
còn gì?
- Sỹ quan thì đi “ăn cắp” con gái người ta.
- Được! có gì mình cùng đi “ăn cắp” nhá!
Chúng tôi cùng cười vui vẻ.
Cuối học kỳ một năm thứ tư, Đinh Công Triết (cùng B5 nhưng khác tiểu đội) tuyên bố đã cầu hôn thành công với em Dân ở xã Văn Tiến (kiểu tuyên bố chủ quyền trước cho chắc). Cả tiểu đội tôi đều ngỡ ngàng, tiếc ngơ ngẩn. Tôi chọc Tùng Sơn, Công Sơn:
Hai Sơn đắp đập be bờ
Ngủ quên, Công Triết mang lờ tới đơm
Bây giờ gạo sắp thành cơm
Tỷ ti cùng khóc: nguồn cơn tại mình!
Cả tiểu đội cười ngặt ngẽo! Nhân tiện kháng Chiến tuyên bố:
- Tớ và em Khanh đã chuyển “trạng thái”! Làm lễ ăn hỏi từ năm ngoái. Vì sợ luật “ba Khoan” không dám nói, bây giờ thì công khai luôn!
(Ghi chú: Hai bạn Triết+Dân thành đôi, đang sống hạnh phúc bên con cháu)
Rồi chúng tôi vào học năm thứ năm, mải miết học hành để còn thi cử. Lại còn phải đi thực tập, ít có thời gian rảnh ngồi chuyện phiếm với nhau...Ngày tháng trôi đi nhanh quá!
Chúng tôi bước vào bảo vệ đồ án, rồi ra trường đi nhận nhiệm vụ ở các đơn vị vào cuối năm 1971. Thế là chấm dứt tuổi học trò, chấm dứt một thời sinh viên vừa hồn nhiên, vừa ấu trĩ và mơ mộng… Khoác trên người bộ quân phục với cấp hiệu SỸ QUAN, cả tiểu đội có mình tôi nhận cấp hàm chuẩn úy với tờ giấy giới thiệu “cảm tình”. Là em út của tiểu đội vì chưa hội đủ các yêu cầu của cấp trên trước khi nhập học.
Chúng tôi chia tay nhau trong nỗi buồn man mát xen lẫn sự hân hoan, hồi hộp, không rõ ngày mai mình sẽ ra sao ở đơn vị mới, cương vị mới? Các anh Tùng Sơn, Công Sơn, Kháng Chiến có danh sách đi B ngay, mà ngày ấy chúng tôi không biết cụ thể là đi chiến trường nào? Riêng tôi còn phải một chặng đường dài phấn đấu mới trở thành người sỹ quan đầy đủ, đúng nghĩa như các anh. Chắc “Ở hiền gập lành”, (làm tròn) đúng một năm sau tôi nhận quân hàm thiếu úy, được bổ nhiệm làm đại đội trưởng và (15-12-1972) tôi được kết nạp Đảng, với bốn ngày dự bị Đảng viên là dẫn quân vào chiến trường Đông Nam Bộ (B2). (Tự sự ở bài “Tôi phấn đấu vào Đảng”)
Trên đường đi B, khi đã qua đất bạn Lào (khoảng giữa tháng 1-1973), vào một buổi gần trưa thấy đoàn xe xích kéo pháo 130 rầm rập trên đường vào binh trạm, dù chả lạ gì xe pháo nhưng tôi vẫn ra ven đường đứng ngóng...Ngóng một cái gì đó mơ hồ không xác định… Cuối đoàn xe pháo là một xe tải Hồng Hà, một xe công trình jil 157. Quá bất ngờ khi nhìn thấy anh Trần Phượng trong xe, anh cũng thấy tôi, chúng tôi tíu tít vẫy nhau, xe dừng lại, hai anh em chạy tới ôm chặt lấy nhau giữa sự ngỡ ngàng của mọi người. Vậy là anh cũng đi B2, anh phụ trách trạm sửa chữa của đoàn pháo 130. Chúng tôi hỏi thăm nhau đủ thứ. Tôi không quên báo cáo anh: Em đã là Đảng viên dự bị. Anh chúc mừng tôi. Anh em hủ hỉ với nhau được một buổi chiều, sáng hôm sau đoàn của anh đi sớm, chúng tôi hẹn gập nhau khi vào tới B2. Anh không quên tặng chú em một vốc thuốc lá cuộn Lạng Sơn vàng ươm mà chị Lý Hồng Xinh, vợ anh vẫn chuẩn bị cho anh như những ngày còn đi học.
Tới hôm nay tôi biết chắc có tôi, anh Trần Phượng đi B2, còn ba anh đi trước không rõ ở chiến trường nào?
(Còn tiếp)
(Còn tiếp)
1 nhận xét:
Hồi đó thường chỉ sử dụng bút máy Trường Sơn để viết. Đuôi bút máy to cỡ đầu ngón tay út, có thể vặn ra khi cần bơm mực. Chuyện kể rằng Triết ĐC đã lấy nắp bút bỏ vào cổ họng đứa em trai Dân rồi lại tự mình mang em đi bệnh viện để gắp ra.Nhờ vậy mà Triết đã trở thành người hùng trong gia đình ông thiếu tá Trí (bố vợ Triết sau này).nuochanam@gmai.com
Đăng nhận xét