Trong căn phòng nhỏ dưới mái nhà
cổ 34A Cao Bá Quát, cô Nguyễn Thúy Lan bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm về trường
Nguyễn Văn Trỗi, trong đó có bóng hình người chồng đầu tiên của mình. Nghẹn
ngào và cố ngăn dòng nước mắt ngập nặng hai hàng mi của người phụ nữ dù đã ở
tuổi 74 nhưng vẫn còn rất đẹp, cô thủ thỉ những lời tâm sự:
Ngày cô Lan 25 tuổi |
Chú Nguyễn Nhật Tân: Chú Nguyễn Nhật Tân và cô tìm
hiểu nhau trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Chú từng là thủ khoa khóa I
ngành Hóa học trường Đại học Bách khoa HN. Ra trường, chú là giáo viên trường Hậu
cần bên Gia Thượng. Khi chiến tranh lan rộng ra miền Bắc chú được bổ xung vào
đơn vị tên lửa đầu tiên. Đám cưới của cô chú được tổ chức khoảng 4-5 ngày trước
khi cô theo trường mình sang Trung Quốc còn chú theo đơn vị tên lửa vào phía
trong. Sau này cô mới biết khi đó đơn vị chú được giao nhiệm vụ tìm hiểu cách
đánh B52 mà theo như sự tiên đoán tài tình của Bác Hồ thì Mỹ sẽ dùng B52 đánh
phá miền Bắc và chỉ có một trận đánh dập đầu B52 tại miền Bắc mới có thể làm
thay đổi cán cân trên bàn đàm phán của ta với Mỹ tại Pari.
Chuyện cổ tích: Sang trường ít lâu, cô nhận được một bức điện
tín của chồng cô báo tin chú sẽ ra Hà Nội họp 10 ngày và hỏi cô có về Việt Nam được
không? Cô nghĩ chú chỉ hỏi vu vơ thế thôi vì đang chiến tranh, cô lại ở tận Quế
Lâm, Trung Quốc thì làm sao gặp chú được. Ấy thế mà chính chú lại là người ngỡ
ngàng khi chỉ vài ngày sau đó, cô “từ trên trời rơi xuống” như trong chuyện cổ
tích, bước ra khỏi một chiếc xe Volga đen trước căn hộ của gia đình chú ở khu
tập thể Kim Liên. Người chấp bút cho câu chuyện cổ tích ấy chính là Đại tướng
Võ Nguyên Giáp, người anh Cả của tòan quân, với sự cảm thông vô bờ dành cho hai
chiến sỹ trẻ “Ngưu Lang Chức Nữ” của mình:
Dịp đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang
Trung Quốc công tác có ghé qua thăm trường, còn cô đã thôi dạy tiếng Trung mà
chuyển sang làm công tác đối ngoại nên được đi theo đoàn. Khi tiễn đoàn ra sân
bay, bác Hoàng (bí thư của tướng Giáp, là bố của em Cường, hình như là học sinh
khóa 2) có hỏi cô “... nếu bây giờ tôi xin phép thủ trưởng Văn cho đồng chí về
thì đồng chí nghĩ sao?”. Về nội dung bức điện của chồng, cô có báo cáo với Ban
Giám hiệu Nhà trường nên cô đóan chính thầy Quỳnh là người nói lại với bác
Hoàng. Khi đó cô chỉ có hai tay không, nhưng mừng run lên trả lời ngay: “Em sẵn
sàng về, quần áo em ở Hà Nội còn nhiều lắm, không lo đâu ạ!”. Chuyến chuyên cơ
ấy của Đại tướng đã đem cô chú đến bên nhau trong lần hội ngộ cuối cùng. Chẳng
bao lâu sau khi cô sang lại trường bên Trung Quốc thì chú hy sinh nhưng nhà trường
giấu cô. Thầy Quỳnh bảo: “Đồng chí phải xác định được là nếu bị thương là có thể
què chân què tay.” Cô nói: “Vâng, nếu què chân què tay cũng không sao, em đã xác
định rồi.” Nào ngờ!... Khi đó cô mới 25 tuổi.
Chuyện như anh Trỗi chị Quyên: Toàn bộ thời gian cô chú được
sống bên nhau kể từ ngày cưới chỉ chưa đầy hai tuần, còn ít hơn thời gian chị
Quyên được ở bên anh Trỗi. Sống trong cảnh chiến tranh và ngày chia ly luôn cận
kề, chú thương cô nhiều lắm. Hồi đó anh Trỗi là thần tượng của cả một thế hệ
thanh niên. Khi đưa cô đi xem phim anh Nguyễn Văn Trỗi, chú bảo chú sẽ chiều cô
hơn anh Trỗi chiều chị Quyên cơ. Chú xách nước cho cô tắm và làm đủ mọi thứ cho
cô. Trường mình được mang tên anh Trỗi, còn cô và nhiều cô khác thì mang số
phận như chị Quyên có chồng sớm hy sinh như cô Nhâm, cô Hồng, cô Thục... Các cô
ấy còn kịp có được Tùng; Nguyên, Quảng; và Thiên Hương, còn cô chỉ có những kỷ
niệm về người chồng tài ba, nhân hậu đã sớm bị chiến tranh cướp đi. Nhiều năm
sau đó cô không thể quên người chồng thân yêu để tìm hiểu người khác. Sau khi ở
trường Trỗi về, cô thi đỗ và vào học ở trường Dược theo nguyện vọng của chú,
rồi ra đi làm. Sau đó cô lấy chồng là chú Triệu Huy Hùng - người mà mẹ chú Tân đã
mai mối cho cô khi coi cô là con gái của bà. Vợ trước của chú Hùng mất vì ung
thư, để lại cho chú hai cô con gái, còn cô sinh thêm cho chú hai cậu con trai.
Lại quay về quân ngũ: Khi làm thủ tục xin về đi học
dược, thầy Quỳnh nói cô phải học theo ngành dược của quân đội nhưng cô lựa chọn
trường Đại học Dược ở Lê Thánh Tông nên phải ra quân. Khi tốt nghiệp trường
dược, là vợ liệt sỹ, cô đựợc ưu tiên trong việc phân công công tác và cũng đã
định đi làm ở Bộ Y Tế. Nhưng sau đó, khi lấy chú Hùng, cũng là một quân nhân
thì chú đưa cô trở lại quân đội, làm trợ
lý dược ở phòng quân y Bộ Tổng Tham Mưu. Thế là cô có trên 30 năm phục vụ trong quân đội với Huân
Chương chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba và Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.
Sau này gặp lại thầy Quỳnh, cả hai phì cười vì trước đấy cô khăng khăng ra quân
để được học ở ĐH Dược.
Cùng hàng ngũ: Sau khi trường giải thể, có không ít cơ hội để
thầy và trò trường Trỗi gặp lại nhau. Hoặc do ở trên cùng một con phố, như phố
Lý Nam Đế chẳng hạn, hay gặp nhau trên một chuyến tàu cùng về quê. Đôi khi thầy
và trò lại công tác cùng một đơn vị, thậm chí chiến đấu chung một chiến hào.
Còn cô và Phượng K6 C11 thì đều là sinh viên trường Dược và có lần cùng đứng
trong khối trí thức diễu hành ở quảng trường Ba Đình.
Bên bức tranh thêu, tác phẩm của cô. |
Rồi cô miên man trong những kí ức
về thầy và trò của trường Trỗi với không ít những câu chuyện vui. Đôi mắt đẹp của
cô dần tươi trở lại và tiếng cười giòn vang căn phòng nhỏ nhưng treo đầy những
bức tranh sống động tuyệt vời do chính cô thêu khi đã ở tuổi Thất Thập.
2 nhận xét:
Chú Triệu Huy Hùng và chú Nguyễn Văn Bồng được cha tôi kết nạp vào Đảng đầu 1946, sau khi tốt nghiệp Quân chính VN và được giữ lại trường làm cán bộ khung. Anh em chúng tôi rất thân tình với các chú. Các sự kiện trọng đại của gia đình thì các chú đều có mặt. Nay còn lại chú Bồng.
Như vậy thì chồng cô Lan là cán bộ của ông già tôi khi đó ( 1967 ) là trung đoàn trưởng E238 được lệnh của Quân chủng PKKQ và BQP đưa tên lửa vào Vĩnh Linh phục đánh B52...sau đó ông già tôi cũng bị thương...
Nguyen Thang Binh
Đăng nhận xét