Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

Nhớ thầy Lê Vân Hà

Lạ là lính Trỗi dù xa trường (trường giải thể từ 1970), xa thầy (cũng chừng ấy năm) mà sao vẫn nhớ trường, nhớ thầy. Thầy Lê Vân Hà là trong hơn 100 thầy cô ngày ấy, sống mãi trong tâm trí học trò.
Nghe anh Trần Đình Ngân (lính D1 “tiểu đoàn con em” VHQĐ Lạng Sơn 1960) kể mới biết, thầy Hà về trường từ ngày đó. Làm ở phòng Hành chính nhưng biết tiếng Nga và đá bóng khá hay. Thầy từng đá ở QK Hữu Ngạn. Chả thế mà đội tuyển VH Lạng Sơn từng tranh tài với Thanh niên Xứ Lạng, có nhiều trận gay cấn. Cũng vì giỏi tiếng Nga mà cô giáo người Nga dạy Nga văn mê tít.

Khi chúng tôi lên Hiệp Hòa, Hà Bắc đầu năm 1965 thì thầy cũng từ Lạng Sơn về. Ấn tượng đầu tiên là những buổi chiều, kẻng báo hết giờ tự tu, sang giờ thể thao, đã thấy thầy khoác áo tả xung hữu đột với chân tiền vệ tổ chức trên sân. Thầy không cao, đậm người, đầu hơi hói nhưng đôi chân thì… thôi rồi. Mê thầy từ đó.
Lên An Mỹ, Đại Từ, trường tách thành từng đại đội lẻ. Sân bóng cũng nhỏ, lẻ. Trung đội vệ binh và Phòng Hành chính đóng gần gốc đa Hiệu bộ. Nhóm ngũ hổ (Phan Nam, Tấn Mỹ, Tấn Lợi, Võ Dùng, Trí “cận”) trước khi lên C10 cải tạo phải “ghé” hơn tuần trên phòng. Cũng “thói quen” đào khoai, ăn trộm trứng gà của dân (học từ hồi HSMN) bị thầy phát hiện. Chỉ bằng vài lời nhẹ nhàng mà Phan Nam nhớ tới già.
Sang Quế Lâm, thầy là chủ công của đội giáo viên. Trẻ con mê thầy cô ngoài bài giảng trên lớp là những “câu chuyện đêm khuya”, trước khi đi ngủ. Với thầy Hà là những cú đi bóng lắt léo. Chính thầy dạy cho nhiều cầu thủ của trường những kinh nghiệm thi đấu. Con thầy, em Hải Hòa, cũng là cầu thủ cứng của k8.
Ngày giải thể trường, k5 lên thi đại học trên Lạng Sơn, lại gặp thầy trên sân cỏ. Thầy vui tính, dễ gần nên để lại nhiều ấn tượng. Năm 1979, trường VHQĐ chuyển về Bình Đà, thầy làm Hiệu trưởng trường Ngoại ngữ QS.
Rồi nhen nhóm Hội trường Trỗi, thầy luôn có mặt. Những năm sau này, thầy yếu nên vắng mặt.
Sang đến năm 2010, hầu như cả năm thầy phải nằm Viện 108. Giường bệnh thiếu nên dù hưởng tiêu chuẩn khoa A1, thầy vẫn cứ phải ra ra vào vào. Hải Hòa cũng phải nghỉ việc để chăm lo cho bố. Các bạn Trỗi là bácsĩ ở đó đã tìm mọi cách lo cho thầy. Duy Anh, Hòa Bình… đã thay mặt chúng ta làm việc đó.
Hôm nay thầy mãi mãi đi xa. Xin thắp nén nhang cầu chúc thầy mãi yên nghỉ nơi Vĩnh hằng!

Không có nhận xét nào: