Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Những câu chuyện linh thiêng và kỳ lạ về một người lính đã hy sinh ở thành cổ Quảng Trị (Hương Thảo Nguyên)



Tôi không nhớ mình đã viết bao nhiêu bài báo, nhưng chưa bao giờ cảm thấy bắt đầu một bài viết nào khó như bài viết này. Viết về 1 câu chuyện tình yêu trong chiến tranh, viết về 1 người lính đã biết trước cái chết của mình, viết về 1 người đàn bà chỉ có 7 ngày làm vợ nhưng đã có 1 đời làm “hòn vọng phu” – tôi thực sự bối rối vì không biết làm thế nào để có thể kể lại câu chuyện đó, đúng như những gì tôi đã được nghe và cảm thấy….

Có một người cựu chiến binh từng nói với tôi rằng: “Nếu có dịp đến thành cổ, cháu hãy bước đi thật nhẹ nhàng. Mỗi tấc đấc ở đó đều có xương máu của đồng đội bác”. Người cựu chiến binh ấy, là một trong số không nhiều những người lính đã may mắn trở về an toàn, lành lặn sau những ngày đêm chiến đấu để bảo vệ từng mét vuông đất ở thành cổ Quảng Trị. Lần nào đến thành cổ, ông cũng quỳ xuống đất và khóc. Ông đã thắp rất nhiều nén hương trên khắp thành cổ mỗi năm trở lại đây, trong suốt nhiều năm đã trôi qua của cuộc đời ông, nhưng thắp bao nhiêu nén hương, ông cũng cảm thấy chưa đủ. Ông đã chứng kiến quá nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống ở tuổi 20, có người vừa mới lấy vợ, có người chưa từng biết yêu. Với những người lính như ông, thành cổ là một vùng đất thiêng, là một miền tâm linh không ai được phép xâm phạm: ở nơi đó, ông và những đồng đội của mình đã thấm thía hơn bao giờ hết cái giá phải trả cho hạnh phúc và tự do. Ở nơi đó, có những câu chuyện về những người lính đã ngã xuống mãi mãi trở thành huyền thoại.


Một câu chuyện huyền thoại ở thành cổ
Tôi đến thăm thành cổ Quảng Trị vào một chiều tháng 7 . Chiều hôm đó, khi người hướng dẫn viên khu di tích thành cổ quảng Trị đọc bức thư kỳ lạ ấy, tất cả những người trong đoàn khách ghé thăm thành cổ đều rơi nước mắt. Đó là bức thư của một người lính đã hi sinh, được anh viết trước khi mất 3 tháng, giữa những ngày bom đạn khốc liệt nhất ở Quảng Trị. Anh là liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, quê ở xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Bức thư đó, anh gửi cho người mẹ già đang chờ đợi anh ở quê nhà, gửi cho người vợ mà anh mới cưới được 7 ngày đã phải chia tay để lên đường nhập ngũ và rồi mãi mãi không trở về. Trong bức thư đó, anh viết:
“Quảng Trị, ngày 11/9/1972
Toàn gia đình kính thương!
Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng, phòng khi đã “đi ngiên cứu bí mật trong lòng đất”, thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột.
Mẹ kính mến! Thư này tới mẹ là con đã đi xa rồi. Chắc mẹ đau buồn lắm. Lớn lên  trong vòng tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa kịp báo đáp công ơn sinh thành, giờ con đi xa là để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời.
Con rất hiểu đời mẹ đã đau khổ nhiều, nhưng mẹ hãy lau nước mắt để sống đến ngày đón mừng chiến thắng.  Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu. Coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ. Coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…
Em yêu thương. Mọi lá thư đến với em đều là nguồn động viên em khi xa anh. Song, lá thư này  đến tay em sẽ là nỗi buồn lớn nhất. Chúng ta sống với nhau chưa được bao lâu, thì chiến tranh đã cướp đi của em biết bao yêu thương, trìu mến. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều. Em chưa được hưởng diễm phúc ấy đã phải xa anh….
Em thương yêu! Nhận tin này em hãy báo tin cho người bạn của anh, mà ngày đó có dịp về chơi. Địa chỉ: Hoàng Khắc Chiến, xóm Chính, thôn Hoằng Trì, xã Hoàng Thăng, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Nội dung: Huỳnh đã hy sinh ngày 2/1/1973 (tức ngày 28/11 âm lịch).
Anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này, nhưng em hãy gạt nước mắt đi cho đời trẻ lại. Anh chỉ mong em khỏe, yêu đời, nếu có điều kiện, hãy cứ đi bước nữa, vì em còn trẻ lắm. Anh chỉ mong em sẽ luôn nhớ đến anh và hãy thắp hương cho anh vào ngày giỗ anh. Hãy là người con dâu hiếu thảo của mẹ, là người em ngoan của của các anh chị anh. ..
Sau này hòa bình lập lại, nếu có điều kiện vào Nam, hãy mang hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hi sinh khi đưa hàng qua sông vào ngày 2/1/1973. Từ thị xã qua cầu, ngược trở lại, hỏi thăm thôn Nhan Biều. Em cứ đi đến đó, tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Đến đó sẽ tìm thấy tấm bia ghi tên anh đục trên mảnh tôn. Mộ anh ở đó…Em sẽ đọc lá thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe tất cả những người quen thuộc trên quê hương trong buổi truy điệu lịch sử này….
Chào mẹ, chào em, chào tất cả gia đình và làng xóm quê hương.
Ký tên
Lê Văn Huỳnh…..”.
Có một người cựu chiến binh Mỹ khi được người phiên dịch dịch cho nghe lại toàn bộ bức thư này đã lấy tay quệt nước mắt và thốt lên: “Giờ thì tôi đã hiểu vì sao các bạn chiến thắng. Các bạn đã biết trước tất cả”.
Lá thư này được liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, chàng sinh viên năm cuối của trường Đại học Xây Dựng, viết vào một ngày tháng 9/1972, trước ngày anh hi sinh hơn 3 tháng. Không ai hiểu vì sao anh có thể biết trước một cách tường tận đến thế về cái chết của anh: anh sẽ hi sinh như thế nào, vào ngày tháng năm nào, đồng đội sẽ chôn anh ở đâu sau khi anh nằm xuống… Anh biết trước tất cả điều đó và đón nhận nó bình thản như đón nhận sứ mệnh của cuộc đời mình. Có nhiều người nói rằng anh đã biết trước cái chết đó và chọn cái chết đó. Nhưng tôi nghĩ rằng, anh đã biết trước cái chết đó và dấn thân vào nó, nhưng không phải anh chọn cái chết đó. Cái mà người lính ấy đã chọn – như chính lời anh nói – là được “sống trọn đời cho  Tổ quốc mai sau”. Dù anh biết, sự lựa chọn đó, có nghĩa là anh phải mãi mãi xa người mẹ già ngóng đợi anh từng ngày ở quê nhà, xa người vợ hiền mà anh chỉ được ở bên cạnh vỏn vẹn có 7 ngày.
Phải 3 năm sau ngày anh mất, lá thư này mới đến tay gia đình anh. Vợ anh – người phụ nữ mới có 7 ngày làm vợ - đã ở vậy suốt một đời. Chị đã giữ lá thư này như một báu vật linh thiêng của cuộc đời chị. Gần 30 năm sau, chỉ đến tận khi tìm thấy mộ anh, chị mới giao bức thư này cho Ban Quản lý Khu di tích Thành cổ Quảng Trị. Kể từ đó, câu chuyện của anh chị - câu chuyện về bản thân lá thư đó và hành trình kỳ lạ của nó – đã trở thành một câu chuyện huyền thoại và được nhắc lại ngày ngày ở thành cổ linh thiêng.
 7 ngày làm vợ, 1 đời vọng phu
Trong chuyến đi công tác miền Trung dài ngày, tôi đã thực sự bị ám ảnh bởi lá thư ấy. Tôi đã nghĩ khi về Hà Nội, tôi nhất định sẽ đi tìm chị - người phụ nữ trong bức thư của người liệt sỹ đã nằm xuống ở thành cổ. Tôi rất muốn được nghe câu chuyện của cuộc đời chị, muốn được hỏi chị rằng, điều gì đã diễn ra trong lòng chị khi nhận được lá thư ấy? Tôi rất muốn biết, vợ của người liệt sỹ ấy đã sống thế nào trong suốt những năm tháng qua. Và muốn biết những hành trình mà chị đã đi qua – theo lời anh để lại – để tìm lại mộ anh ở một khu vườn nhỏ cuối thôn Nhan Biều, bên dòng sông Thạch Hãn.
Chị Lê Thị Xơ – vợ liệt sỹ Lê Văn Huỳnh giờ vẫn sống ở xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, Thái Bình. Chị ở trong ngôi nhà tình nghĩa mà một đơn vị ở Tp. HCM đã xây tặng chị. Trong ngôi nhà đó, chị vẫn thờ chồng bao nhiêu năm nay. Bức ảnh liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, chồng chị, đặt trên bàn thờ, là bức ảnh duy nhất mà chị có – bức ảnh anh chụp cùng bạn bè khi còn là chàng sinh viên năm đầu của trường Đại  học Xây dựng. Nó đã được chị tách ra và trở thành bức ảnh thờ của anh bây giờ.
Ngày ấy, chuyện tình của anh chị là câu chuyện tình đẹp ở xã Lê Lợi. Anh là chàng sinh viên Đại học Xây dựng thông minh, học giỏi. Chị là một trong những cô gái đẹp nhất làng, được không biết bao người theo đuổi. Nhưng trong những người đàn ông theo đuổi chị, chị đã chỉ chọn anh và chỉ yêu anh. Anh chị yêu nhau suốt những năm anh đang là sinh viên trường Xây dựng. Gia đình anh giục cưới không biết bao nhiêu lần, nhưng chị đều lần nữa. Chị không muốn anh sớm phải lo lắng chuyện vợ con, vì sợ anh bị chi phối chuyện học hành. Nhưng dịp nghỉ Tết Dương lịch năm 1972, anh về thăm nhà và thông báo với chị: anh chuẩn bị lên đường nhập ngũ. Anh chị đã quyết định cưới nhau chỉ trong vài ngày nghỉ lễ ngắn ngủi ấy. Đám cưới được tổ chức gấp gáp, đơn giản, nhưng vui vẻ vào ngày 2/1/1972.  Sau ngày cưới, anh được ở nhà 3 ngày rồi tiếp tục lên trường học. Tết Nguyên đán năm đó, anh được nghỉ và về nhà thêm 3 ngày nữa là 6. Trước ngày anh lên đường nhập ngũ, anh tranh thủ về nhà được 1 ngày rồi vĩnh viễn không bao giờ trở về. Tính từ ngày cưới cho đến lúc anh hi sinh, vợ chồng anh chị ở bên nhau trọn vẹn được 7 ngày, 7 đêm.
Anh chị cưới nhau vội vàng, đến tấm ảnh cưới cũng không kịp chụp. Chị kể: “Trước khi anh lên đường vào chiến trường, tôi đã nói: “Anh chụp một cái ảnh kỉ niệm với gia đình và với em, để sau này những lúc nhớ anh, em sẽ nhìn ảnh anh cho đỡ nhớ”. Nhưng anh gạt đi. Anh bảo : Anh chẳng bao giờ chụp ảnh, trước khi vào chiến trường tự dưng đi chụp thì e sẽ là điềm gở. Anh đi rồi anh sẽ về. Ngày anh về, em sẽ được nhìn thấy anh bằng xương bằng thịt, ngày hôm đó, mình sẽ đưa nhau đi chụp ảnh”. Sau này vào chiến trường Quảng Trị, trong một lá thư viết về cho chị, anh đã nói: “Anh cứ ân hận vì không chụp với mẹ và với em bức ảnh nào làm kỉ niệm. Chiến trường khốc liệt quá. Anh sợ anh đi mà chẳng có ngày về, thì em sẽ chẳng còn gì để nhớ gương mặt anh. Anh gửi cho em tấm ảnh anh chụp với người bạn, em chịu khó tách ra. Những lúc nhớ anh hãy mang ảnh anh ra ngắm, coi như anh đang ở bên em….”. Đến tận bây giờ, đó vẫn là tấm ảnh duy nhất của anh mà chị có.
Lần cuối cùng gặp nhau, anh đã nắm tay chị dặn dò: “Mình đã là vợ chồng. Anh đi chiến đấu, sau này ngộ nhỡ anh trở về không lành lặn, xin em đừng hắt hủi anh, em nhé”. Chị nghe anh nói mà ứa nước mắt: “Dù anh có thế nào đi chăng nữa, em vẫn là vợ của anh trọn đời”. Nhưng chị không bao giờ ngờ rằng, ngay cả việc được đón anh trở về, dù không lành lặn, cũng trở thành một ước mơ quá đỗi xa xỉ đối với cuộc đời chị. Sau ngày nhập ngũ, anh theo đơn vị vào chiến trường Quảng Trị, chiến trường khốc liệt nhất những năm 1972 – 1973. Và anh đã mãi mãi nằm lại nơi đó, không bao giờ trở về để cùng chụp chung bức ảnh vợ chồng với chị như anh đã hứa.
Trong những lá thư anh gửi về từ chiến trường, bao giờ cũng có một phần gửi mẹ, một phần gửi cho các anh chị trong nhà, một phần viết riêng cho chị. Thư anh luôn lạc quan, luôn tếu táo và rất đỗi dịu dàng, nhưng trong những lá thư đó, anh không bao giờ giấu chị về chiến trường khốc liệt, không bao giờ giấu chị một sự thật rằng: mỗi lá thư anh gửi cho chị, đều có thể là lá thư cuối cùng mà chị nhận được. Trong những lá thư ấy, dường như anh luôn tiên cảm về một điều gì đó đợi anh ở phía trước nên thường nói về những điều rất đỗi xa xôi. Lần nào đọc thư anh, chị và mẹ anh cũng khóc. Có lần trong thư gửi chị, anh viết: “Anh chỉ ước có một đêm anh bất ngờ trở về thăm nhà lúc em đang ngủ. Anh sẽ bước thật nhẹ đến bên giường em, hôn thật dịu dàng lên trán em và ngắm nhìn em ngủ suốt một đêm. Những lúc nhớ anh, em hãy lắng nghe tiếng gió. Lúc nào thấy tiếng gió xào xạc thổi, nghĩa là anh đang theo gió về bên em”.
Chị nhận được thư anh đều đặn mỗi tháng. Nhưng sau lá thứ tháng 12/1972, ông bưu tá vẫn đạp xe mang thư về làng không bao giờ dừng lại ở trước cửa nhà chị nữa. Cũng từ đó chị mất tin anh. Chị kể: “Đầu năm 1973, có người lính cùng xã đã viết thư về cho gia đình, kể rằng đã gặp chồng tôi ở bên sông Thạch Hãn, khi anh ấy làm nhiệm vụ đưa hàng và đơn vị bộ đội kia vượt sông vào Nam. Người đó viết rằng đêm hôm đó chồng tôi đã bị thương và dường như đã hi sinh. Khi lá thư ấy gửi về, tin tức truyền đi, làng trên xóm dưới bắt đầu xì xào về cái tin chồng tôi không còn nữa. Tôi gặng hỏi mẹ, gặng hỏi các anh chị, gặng hỏi cả những người làng vẫn thỉnh thoảng hỏi thăm tôi tin tức về chồng tôi rồi chép miệng thở dài bóng gió, xa xôi. Không một ai nói cho tôi bất cứ điều gì. Dẫu vậy, tôi vẫn cảm nhận được có sự chẳng lành khi không nhận được thư anh như những tháng trước đây”.
Suốt quãng thời gian phập phồng chờ tin chồng, ban ngày đi làm ở hợp tác xã thì không sao, nhưng cứ chiều về là chị lại ngồi ở góc sân khóc một mình. Trái tim người vợ mách bảo chị về những điều không lành, những điều mà chị chẳng dám nói ra với bất cứ ai nhưng vẫn hiểu nó đang ngày càng trở nên hiện thực đối với cuộc đời chị. Sau Tết Nguyên đán năm đó thì giấy báo tử của anh về đến xã. Sợ chị không chịu nổi cú sốc đó, nên người chị dâu của chị, khi đó đang làm ở ủy ban xã, đã xin hoãn bão tử 3 tháng. Đến tháng 5/1973, giấy báo tử mới chính thức được gửi về nhà chị, cùng toàn bộ quân tư trang của anh. Chị kể: “Chiều hôm đó, khi tôi đang làm việc ở hợp tác, có người ra gọi tôi bảo về ngay, mẹ chồng ốm nặng. Tôi òa khóc vừa chạy về vừa nói: “Không phải mẹ ốm đâu. Em biết mà. Có giấy báo tử của anh Huỳnh rồi đúng không?....”. Lúc chị về đến nhà, mọi sự đã được chuẩn bị đâu vào đó. Di ảnh của anh, cùng toàn bộ quân tư trang của anh đã được đặt lên bàn thờ. Chị gục xuống bên những kỷ vật cuối cùng anh để lại, lặng người đi nghe cán bộ xã đọc giấy báo tử của anh. Anh hy sinh vào đúng ngày 2/1/1973, đúng ngày kỉ niệm tròn 1 năm ngày cưới của hai anh chị.
Ngày 2/1/1972, chị là cô dâu đẹp nhất và hạnh phúc nhất.
 Ngày 2/1/1973, anh trở thành liệt sỹ. Những ngày 2/1 mỗi năm sau này, trong suốt mấy chục năm qua, đều là những ngày buồn nhất trong cuộc đời chị.
Hành trình tìm lại mộ chồng qua bức thư nhuốm màu huyền thoại
Dù đơn vị của anh đã gửi kèm toàn bộ quân tư trang của anh về cùng với giấy báo tử của anh. Nhưng riêng lá thư định mệnh mà anh viết vào ngày 11/9/1972, thì phải đến tận 3 năm sau, chị mới nhận được. Lá thư đó anh gửi riêng cho một người đồng đội, dặn mang trực tiếp về Kiến Xương, trao lại cho gia đình anh, cho mẹ anh và cho chị. Gia đình anh đã không cho chị đọc lá thư đó trong suốt 4 năm trời, dù chị hết ngày này qua tháng khác cầu xin được đọc nó. Tất cả mọi người đều sợ rằng lá thư đó sẽ vượt quá sức chịu đựng của chị. 4 năm sau, khi nghĩ rằng mọi chuyện đã nguôi ngoai, người chị dâu của anh mới đem lá thư ấy trao tận tay chị. Nhưng dù là ngày hôm đó, hay suốt nhiều năm sau này, mỗi lần lật giở trang thư của anh, nhìn thấy những dòng chữ cuối cùng và lời vĩnh biệt của anh, việc duy nhất mà chị làm là òa khóc.
Suốt bao nhiêu năm kể từ ngày đó, những dòng chữ anh viết trong bức thư ấy vẫn ám ảnh chị: “Sau này hòa bình lập lại, nếu có điều kiện vào Nam, hãy mang hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hi sinh khi đưa hàng qua sông vào ngày 2/1/1973. Từ thị xã qua cầu, ngược trở lại, hỏi thăm thôn Nhan Biều. Em cứ đi đến đó, tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Đến đó sẽ tìm thấy tấm bia ghi tên anh đục trên mảnh tôn. Mộ anh ở đó…”. Vì những dòng chữ ấy, chị đã ở vậy suốt đời, giữ trọn lời thề thủy chung với anh như lời chị đã hứa trước ngày anh ra trận. Vì những dòng chữ ấy, mà dù có bao nhiêu người theo đuổi, đặt vấn đề tiến tới hôn nhân, chị vẫn không thể nào rung động thêm, dù chỉ một lần. Trong lòng chị, trong suốt những năm tháng đó, chỉ có một ý nghĩ duy nhất: đi tìm mộ anh về, hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của anh.
Những năm tháng chưa tìm được mộ anh, là những năm tháng mà mỗi ngày trôi qua, chị đều không thể có một giấc ngủ trọn vẹn và bình yên. Đêm nào chị cũng choàng tỉnh, cũng giật mình khi nghe tiếng gió xào xạc trong vườn. Những lúc đó chị đoán anh đang về với chị, để rồi lại bật khóc khi nhận ra rằng chị vẫn chưa thể tìm được mộ anh, hoàn thành di nguyện cuối cùng của anh.
Rất nhiều người bán tín bán nghi về lá thư anh để lại. Họ không tin những tiên cảm về cái chết của anh. Nên năm lần bảy lượt chị định đi tìm mộ anh, mọi người đều ngăn lại. Họ sợ chị kiệt sức vì đau đớn trên đường đi. Họ sợ chị sẽ gục ngã nếu những lời trong bức thư đó không đúng là sự thật. Nhiều người trong gia đình chị đã cầm bức thư ấy, đi vào Quảng Trị, thay chị tìm mộ anh. Nhưng tất cả họ đều nói không có ngôi mộ nào ghi tên Lê Văn Huỳnh nằm ở cuối thôn Nhan Biều như lời anh để lại trong bức thư. Dẫu là vậy, trong thâm tâm chị, chị vẫn tin những lời anh viết trong bức thư là sự thật, dù chính chị cũng không thể giải thích được tại sao nó lại là thật. Là một người vợ, chị chỉ biết tin vào những lời cuối cùng mà chồng mình để lại.
Những cuộc tìm kiếm sau đó của chị và gia đình đều không mang lại kết quả khả quan, nhưng chị chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Năm 2002, chị thực hiện cuộc tìm kiếm cuối cùng. Lần đó, chị đã đi theo đúng những lời chỉ dẫn để lại trong bức thư:  Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch, từ thị xã qua cầu, ngược trở lại, hỏi thăm thôn Nhan Biều. Tính xuôi theo dòng nước. Ở cuối làng…..
Những lời chỉ dẫn của anh đã dẫn chị đến một vườn sắn um tùm. Người chủ vườn sắn nghe được câu chuyện của chị đã đưa chị đến cuối khu vườn. Ở đó, tấm bia làm bằng mảnh tôn, khắc tên “Liệt sỹ Lê Văn Huỳnh. Hy sinh ngày 2/1/1973” nằm nguyên vẹn ở đó, đúng như lời anh đã nói trong thư.
Chưa kịp mừng rỡ vì tìm thấy tấm bia khắc tên chồng, nỗi lo âu đã ngập tràn lòng chị, khi người chủ vườn sắn nói: “Rất nhiều đơn vị đã đến đây tìm mộ, đào đi xới lại hết khu vườn này. Toàn bộ hài cốt liệt sỹ trong khu vườn này đã được chuyển đi cách đây vài năm. Chỗ có tấm bia đó, người ta cũng đã đào, nhưng không tìm thấy ngôi mộ nào cả. Tuy thế, vì tâm linh, tôi vẫn để tấm bia đó ở nguyên vẹn đó”.
Lúc ấy, dù hi vọng chỉ còn mong manh, nhưng chị vẫn kiên quyết không bỏ cuộc. 2 ngày tìm kiếm đầu tiên trôi qua hoàn toàn không có bất cứ kết quả nào. Thương chị, người chủ vườn sắn đã chấp nhận hi sinh cả vườn sắn để cho chị tìm mộ chồng. Nhưng cả đoàn người đào hết khoảng đất này đến khoảng đất kia mà vẫn vô vọng. Chị mời cả thầy cúng, sử dụng cả những phương pháp tâm linh mà người ta vẫn làm khi đi tìm mộ mà vẫn không thấy mộ anh. Ngày thứ 3, chị gần như đã tin rằng, mộ anh có thể đã được quy tập đưa về một nghĩa trang nào đó. Và anh có thể đang nằm đâu đó trong những nghĩa trang ở Quảng Trị, dưới một ngôi mộ liệt sỹ vô danh. Khi ấy có 1 người trong đoàn đã hỏi chị: “Nếu tình huống xấu nhất là không tìm thấy mộ anh Huỳnh, chị sẽ tính sao”, chị trả lời mà nước mắt trào ra: “Có những người mẹ, người vợ liệt sỹ sang tận Lào tìm mộ con, tìm mộ chồng mà chỉ mang về được 1 nắm đất tượng trưng. Tôi có tấm bia khắc tên anh ấy mang về, thế đã là đủ hạnh phúc và mãn nguyện rồi”.
Lúc ấy chị đã cầu khấn anh: “Em sắp kiệt sức và tuyệt vọng rồi. Nếu anh linh thiêng, hãy cho em được tìm thấy anh và được đưa anh về quê mình”. Sau lời cầu khấn của chị, một người trong đoàn đã thuổng vào đúng mộ anh. Những quả bom rơi xuống khu vườn này đã lấp vùi dần mộ anh, khiến mộ anh bị vùi dưới lớp đất sâu. Đó là lý do vì sao, những đơn vị đi tìm mộ đã đến đây tìm kiếm không ít lần mà không phát hiện được mộ anh ở đó. Số phận có những sắp đặt thật kỳ lạ. Có lẽ anh đã chủ động chọn cho mình sự sắp đặt này, để đợi đến ngày chị tìm thấy anh, đón anh về, sau gần 30 năm trời xa cách.
Chị vẫn nhớ cái cảm giác run rẩy và hạnh phúc đến nghẹn ngào của chị khi chị được tận tay gói bộ hài cốt của anh vào trong tấm vải để mang về quê. Giây phút ấy, chị đã ôm lấy tấm vải đựng hài cốt anh, cứ như là chị đang ôm anh như 30 năm về trước. 30 năm rồi, sau ngày anh lên đường nhập ngũ rồi hy sinh, chị mới được ôm anh như thế.
Giờ thì chị đã đưa anh về yên nghỉ ở nghĩa trang liệt sỹ ở quê nhà và vẫn đều đặn đến thắp hương trên mộ anh. Lá thư định mệnh mà anh gửi cho chị - lá thư đã giúp chị tìm được mộ anh – đã được chị tặng lại cho Khu Di tích Thành cổ Quảng Trị. Lá thư đó đđang được nhắc lại mỗi ngày ở thành cổ. Nhờ đó mà rất nhiều người, trong đó có tôi, khi ghé thăm thành cổ, mới được biết đến lá thư linh thiêng và xúc động đó.
Có một câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong bài thơ “Đất nước” mà tôi vô cùng yêu thích:
“Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước…”.
Khi nghe câu chuyện về liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, là lúc tôi thấy mình hiểu hơn bao giờ hết những câu thơ ấy…



12 nhận xét:

TranKienQuoc nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
TranKienQuoc nói...

Hương ạ, riêng khóa 5 Trỗi của chú có 3 chú nằm lại tại Thành cổ:
- Chú Vũ Kiên Cường (con trai đại tá tình báo hoạt động ở Thái) hy sing khi quanh mép mới lún phún lông tơ, bị trúng đạn vào đầu. Chú Lê Bình (bạn chú, vừa mất tháng trước) đưa bạn vào Dinh Tỉnh trưởng rồi chắp tay vái mà không hương không khói: "Có lệnh rút, tao ra phải để mày nằm lại. Tao thề sẽ trả thù cho mày". Sau này gia đình nhờ ngoại cảm tìm thấy mộ vô danh của chú Cường ở NTLS Ái Tử.
- Chú Nguyễn Lâm (con trai cụ Hoàng Hữu Kháng người theo bảo vệ Bác trong kháng chiến chống Pháp) cùng E95 cũng hy sinh, 40 năm nay chưa tìm thấy mộ phần.
- Chú Trịnh Thúc Doanh (bố là chủ nhiệm 1 khoa của Viện 108, anh trai là bác Trịnh Nguyên Huân giờ làm ở Văn phòng Đại tướng) hy sinh đêm thứ 81, đêm cuối cùng khi được lệnh rút. Địch bao vây 3 bề, được lệnh rút, vừa nhảy xuống sông Thạch Hãn thì trúng viên đạn lạc, vậy là mất tích, đồng đội mò quanh không thấy xác rồi phải bơi qua sông:
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Gia đình chú Doanh tìm hoài chả thấy, mẹ chú lấy nắm đất ở bờ sông Thạch Hãn mang về HN đưa vào NTLS Định Công, đốt cùng áo bông Trỗi, làm 1 ngôi mộ gió.
Còn lính Trỗi hy sinh năm 1972 ở Quảng Trị quãng chục người.
Cảm động khi đọc bài viết của cháu. Cảm ơn Hương!

Nặc danh nói...

Vợ chú Huỳnh xứng đáng là nữ anh hùng, Hương ạ!

Thắng k5 nói...

Một bài rất cảm động, nhận xét hay.

Viên Thạch nói...

Mấy lần cháu còm chẳng được, hôm nay không được nữa chắc cháu chịu luôn dù không còm cũng thấy thiêu thiếu khi đọc bài viết hay thế này !

TranKienQuoc nói...

Lần vừa rồi chú chặn tích cực bọn xấu đấy mà. Nếu lại bị phá sẽ phải mời từng người thân của BT5, yên trí đi!

Thắng k5 nói...

Tôi đã mấy lần đăng NX ở bài viết về ông trần xuân Bách, nội dung đứng đắn. kg hề chê bai hay kê kích, vậy mà khi post NX, nó bảo để kiểm tra lại rồi sẽ cho đăng tin, đợi mãi đến hôm nay cũng chẵng thấy tin của mình, chắc tôi là kẻ xấu !!!

TranKienQuoc nói...

Sao BT5 không nhận được, T ạ?

Nặc danh nói...

Bài viết rất hay, đọc xong tự nhiên thấy buồn vì mấy fan Kpop đang gây xôn xao trên mạng mấy ngày nay

QV nói...

Bài viết sâu sắc và cảm động.
Chẳng biết cơ chế hoạt động của hệ thống thông tin tâm linh thế nào, nhưng trường hợp này quả là kỳ diệu. Mình tin những gì được viết trong bài này vì đã trực tiếp chứng kiến việc liệt sỹ làm thơ (đã chia sẻ trong bài "Những vần thơ gửi từ cõi tâm linh" đăng trên BT5 và có trong SRTKL4). LS Huỳnh thật đáng kính nể vì anh đã biết những thông tin như vậy nhưng vẫn bình thản đối mặt, chấp nhận hy sinh. Xin thắp một nén tâm nhang tưởng nhớ đến LS Huỳnh và bao AH LS khác đã hy sinh vì dân, vì nước.

Nặc danh nói...

Chuyện mấy fan Kpop chẳng là gì mà đáng làm ta buồn. Gốc rễ của vấn đề là ở lỗi hệ thống. Bao chuyện khác còn đáng quan tâm hơn nhiều.

TranKienQuoc nói...

Mình cũng chả quan tâm đến mấy vụ nhảy nhót dớ dẩn ấy. Cứ để cuộc sống nó tự chỉnh, bạn ạ.