Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Chuyện hóng hớt (Ghi theo lời kể của Tôn Gia Quý)

Trưa ấy k4 SG tụ bạ vì vụ Tôn Gia Quý về nước. Tôi đến muộn. Vừa tới nơi, Quý đã khoe: "Hôm nay vừa kể cho anh Ba Hưng chuyện có liên quan tới ông anh...". Anh Ba thì gật gù: "Ừ, có tao trong chuyện đó. Cũng cảm động, mày ạ". Nghe Quý kể, có lúc đồng cảm, tôi cũng nghèn nghẹn. Nay cố ghi lại những gì mình nhớ được. Chắc chắn Quý sẽ biên tập giùm!!!
*
... Cuối 1972 khi Mỹ điên cuồng dùng nhiều đợt B52 ném bom HN, HP đợt cuối cùng. C343 (khoa Vô tuyến, Đại học KTQS) chúng tôi sơ tán về 2 xã Đại Tự và Liên Châu thuộc huyện Yên Lạc, Vĩnh Phú (ngày xưa Vĩnh Phúc sáp nhập với Phú Thọ nên gọi thế). Hai xã nằm ven sông Hồng. Phía ngoài con đê là ruộng ngô xanh rì, thẳng cánh cò bay.
Cuộc hội ngộ của những thằng bạn lính già sau 40 năm tại nhà Đăng.
Phải qua: Đăng, Quý và anh bạn học cũng ở Đại Đồng.

Nhưng hay hơn là chúng tôi về đóng quân đúng dịp ngô vừa thu hoạch, ruộng vừa được cày ải để chuẩn bị gieo hạt nên cóc nhiều vô kể. Đêm đêm theo mấy bác lính già, mang theo bao tải, ra bờ sông bắt cóc (nhặt thì đúng hơn). Cóc nhiều như sỏi. Lúc đầu sợ mủ cóc ra tay, toàn phải giả vờ vồ trượt. Mà vồ trượt mãi thì thật là hèn. Rồi dũng cảm thử bắt 1 con thì chả thấy nhựa ra tay. Cả bao tải cóc to đùng khoác sau lưng được đem về thả hầm tăng-xê, sáng sau thịt. (Chuyện thịt cóc thế nào đã được thằng bạn già kể 1 lần trên Báo liếp). Đó chính là nguồn thực phẩm tươi sống, bổ dưỡng cho bộ đội đang thời kì sơ tán, đói thịt. Bà con Đại Tự học theo bộ đội cũng biết làm cóc nên những bụi xương sông, lá lốt đầu làng trụi hẳn.




Bên kia sông Hồng là bến đò Mía, không xa thị xã Sơn Tây.
Hè 1966, trước khi lên trường Trỗi, tôi học lớp 7 và được sơ tán theo cơ quan ông già (Văn phòng Quốc hội) về xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây. Ở đó tôi có thằng bạn thân, dân địa phương, tên Vũ Bá Đăng. Tôi là thằng mê săn bắn,còn nhà Đăng lại có con chó săn chuột đồng rất suya. Mỗi lần theo chủ ra đồng, cứ đầu hang này chủ hun khói rơm thì đầu kia chú chờ sẵn, thấy chuột chạy ra là lao theo vồ gọn. Cũng vì thế mà tôi biết dân Đại Đồng có tục lệ ăn thịt chuột đồng (đó cũng là sự mở rộng hiểu biết của bọn trẻ con thành phố khi được về sống ở nông thôn; chứ dân thành phố mà thấy chuột thì sợ bằng khiếp).
... Sáu năm sau, đúng dịp sơ tán về Đại Tự, vào 1 chủ nhật, tôi rủ anh Ba Hưng đi thăm nó. (Bà già anh Hưng cũng theo cơ quan sơ tán gần đó). Chúng tôi qua đò Mía sang đất Phúc Thọ, rồi từ Phúc Thọ đạp xe tiếp về Thạch Thất. Đến ngã 3, chúng tôi tạm chia tay.
Tới cổng nhà thì gặp cô bé chân thấp chân cao vừa đi làm đồng về, hỏi thăm thì biết đó là vợ Đăng. Em mếu máo: "Chúng em vừa mới cưới được mấy ngày thì anh Đăng nhà em nhập ngũ. Nay đang tập trung huấn luyện ở trường Lục quân, ngay gần phố Gạch. Nghe nói nhà em sắp đi B". Thương cô vợ mới cưới của thằng bạn, lúc đó tự nhiên tôi nổi máu anh hùng: "Để anh lên xin phép cho nó về với em 1 hôm".
Thực ra lúc đó tôi chỉ là 1 học viên quân sự, 1 thằng lính binh nhì quèn, chứ có phải sĩ quan gì. Ve áo cài 2 miếng tiết to đúng bằng 2 ngón tay, có 1 vạch vàng (mà chúng tôi quen gọi là "sơ mít"). Theo chỉ dẫn, tôi đạp ngay xe lên đơn vị Đăng. Và cũng chả hiểu thế quái nào mà mình lại thuyết phục C trưởng để hôm đó đơn vị cho Đăng theo tôi về nhà. Vậy là vợ chồng nó được gần nhau thêm 1 ngày trong đời. Chiến tranh, ai dám nói trước điều gì.
Chia tay vợ chồng Đăng, tôi và anh Hưng lại sang sông về Đại Tự.
... Tháng 12/1972. Mỹ thua đau trong chiến dịch dùng B52 tấn công HN, HP; buộc phải ngồi vào kí Hiệp định Paris. Chúng tôi trở về Vĩnh Yên, tiếp tục học tập.
Một buổi chiều, nghe trực ban báo ra cổng có khách. Tới nơi thấy Đăng đã ngồi chờ. Hai thằng gặp nhau mừng rỡ. Nó vui vẻ báo tin:
- Sau huấn luyện, tao được bổ sung về học trường Sĩ quan Tăng - Thiết giáp.
- Ngay cây số 8, đường đi Tam Đảo chứ gì? - Tôi hỏi. - Bọn tao từng khai thác sặt trong Tam Đảo, qua đây suốt.
- À, báo mày tin vui, lần mày lên đơn vị xin cho tao về nhà, đêm ấy... hình như vợ tao đã... đậu.
- Thế thì chúc mừng mày.
Rồi Đăng đăm chiêu:
- Bọn tao vừa nhận xe mới và chuẩn bị đi Nam. Vào đó ác liệt, chắc gì đã sống, hôm nay tao đến chơi và có chút khẩu phần đi B chia cho mày.
Ngực tôi nghẹn lại khi thấy nó trao cho cái võng bạt và gói mì chính to đúng bằng 2 ngón tay cái. Lại 1 cuộc chia tay, mà lần chia tay này sự phân định giữa cái sống và cái chết gần nhau trong tấc gang. Là thằng hay xúc động, tôi vội quay đi, không cho nó thấy mình mau nước mắt.
Nó đi B trước tôi. Năm 1974 tốt nghiệp, tôi cũng được bổ sung về quân chủng PKKQ rồi về đơn vị chiến đấu. Vào Nam ra Bắc...
*
... Các mốc thời gian dần đi qua: 1975, 1985, 1995, 2005 rồi 2010. Chừng ấy năm tôi bặt tin nó.
Đăng đi chiến trường, lại ở binh chủng Tăng - Thiết giáp - được coi là "quả đấm thép" của hợp đồng binh chủng, luôn đi hàng đầu... Chiến tranh thì khốc liệt, hết giải phóng miền Nam lại đụng độ biên giới Tây Nam, rồi biên giới phía Bắc... Và, những người lính thì... dễ lắm... Có khi nó đã hy sinh.
Đi xa nên tôi có thói quen hay nhớ lại kỉ niệm xưa, nhớ từng ngõ ngách của những sự kiện. Cũng từng nói với bạn bè "thế giới này phẳng lắm". Lần tình cờ lướt mạng (cũng là dùng nhờ cái "phây" của con gái) mà tôi thấy trên FB của 1 bạn trẻ có cài hình ảnh cái giếng làng. Vừa nhìn tôi đã nhận ra cái giếng đầu làng thằng Đăng. Đánh liều làm 1 comment: "Bạn ơi, cho tôi hỏi, có phải cái giếng này ở xóm... , xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây không? Bạn có biết ai tên là Đăng - tuổi quãng 60, là dân xóm đó?...".
Hỏi vậy nhưng cũng nghĩ chỉ là vu vơ, không mấy hy vọng.
Nhưng giời ạ, rồi 1 ngày, tôi có hồi âm: "Đúng cái giếng đó ở Đại Đồng và anh Đăng là dân xóm này". Cũng nhờ thế mà tôi có số điện thoại của Đăng. Nhưng rồi lại nghĩ bụng, chả hiểu có phải thằng Đăng bạn mình hay Đăng nào khác cùng xóm?
Cẩn thận, tôi nhờ chú Văn (em trai) ở nhà điện thoại cho Đăng. Chỉ lát sau, Văn gọi lại: "Anh ơi, đúng ông Đăng bạn anh rồi. Ông ấy còn mời em đến cơ quan chơi".
Hôm sau đi về, Văn lại điện sang: "Anh có ông bạn khủng. Ông ấy làm quan to, đeo quân hàm cấp tướng. Đến đơn vị ông ấy thấy toàn ảnh chụp với lãnh đạo nhà nước - đứng cạnh cả ông Mạnh...".
Mẹ, vậy là thằng bạn mình không những còn sống mà còn thăng tiến, là trung tướng, Tư lệnh binh chủng Tăng - Thiết giáp. Ghê quá! Về nước lần này, tôi quyết đến thăm nó. (Nhưng tôi đến không phải vì "thấy người sang..."!).
*
Và đây là chuyện của những ngày đầu đông 2013.
Tôi hẹn với Cường Lào (bạn ngày ra quân, cùng làm ở Xí nghiệp điện tử HN) phi xe về Thạch Thất quê Đăng. Vì có chút trục trặc, xe Cường đến muộn mà Đăng ngồi nhà cứ sốt ruột, liên tục điện thoại: "Mày đã đi chưa?... Chưa à? Có xe chưa, hay để tao điều xe biển đỏ đến tận nhà đón mày?". Tôi lắc đầu: "Đăng ơi, làm thế không được. Hôm nay nếu có phải đi bộ đến mày, tao cũng cứ đi".
Khi đến nơi, chúng tôi lao vào ôm lấy nhau. Còn vợ nó đứng 1 góc, rưng rưng nước mắt: "Thằng cu - nhờ anh xin cho nhà em về chơi hôm ấy - nay đã 40. Cả thảy lá bốn đứa và chúng em đã có cháu gọi bằng ông, bằng bà...".
Chuyện trò trên trời dưới biển. Có rất chi là nhiều chuyện nhưng tôi nhớ mãi chuyện Đăng kể: "Tao bị thương nặng ở chiến trường rồi được đưa ra Quân y viện 108 điều trị. Nhiều lúc trốn được ra ngoài, lang thang đầu phố Trần Hưng Đạo. Nhớ mày kể, nhà mày là nhà số 10 mà chỉ đứng tần ngần, không dám vào, chỉ sợ mày đã chết".

14 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hay quá, Quý ơi!
Phan Nam

TranKienQuoc nói...

Lính tráng biết sống nhân văn nên thường có hậu.

TranKienQuoc nói...

Hôm Quý về nước (có lẽ đã chục năm), Cường Lào mời Quý, Văn đi ăn đặc sản rắn Lệ Mật. Tôi và anh Chiến có việc ra HN nên được Quý mời "ăn theo". Chuyện trò vui vẻ.
Nghe kể hắn từng là trùm buôn xe Dream Thái vì có bà mẹ sống bên đó. Tôi là người phát hiện ra Cường Lão có khuôn mặt rất giống lão Tuyển bộ trưởng Thương mại, đã đùa: "Ông có thể đóng thế ông Tuyển".

Viên Thạch nói...

Chuyện xúc động quá chú ạ. Tình bạn này đâu phải ai cũng có được. Chú KQ viết lại câu chuyện này hay quá.

TranKienQuoc nói...

Cảm ơn Hà. Lúc nghe chú Qúy kể mà chú từng nghẹn lòng.

Nặc danh nói...

Có chuyện này phải nói lại, chi tiết Đăng thông báo có con vào cái hôm ấy là qua điện thoại hồi đàu năm nay . Đăng bây giờ đã có 4 con và nhiều cháu. Hôm rồi khi gặp lại trong lúc vui chuyện nó bảo tao có con bị muộn, thằng đầu sinh năm 1974. Bây giờ nghĩ lại thì như vậy có nghĩa là cái đêm mình xin cho nó về nhà với vợ(1972) đã không "đậu". Không nói ra nhưng cứ nghĩ thầm, thằng này liều thật. Đã làm đến trung tướng tư lệnh quân chủng mà chỉ để làm đẹp lòng bạn thôi nó săn sàng "bóp méo" lịch sử.
Tôn Gia Quý

TranKienQuoc nói...

Mẹ, nó muộn - tận 1974 mới có con - thì cũng vẫn là "tàu nhanh" so với chúng mình!!!

tranbachai nói...

Chuyện rất hay. Cái còm "bóp méo lịch sử" của bác Quý cũng hay.

Nặc danh nói...

May nhất là làm rõ to, đông con nhưng bạn Quý không bì "khư chài" khỏi "ấy".

Nặc danh nói...

Khai trừ khỏi Đ?

TranKienQuoc nói...

Cái lớn nhất trong đời người là chính chúng ta.

Nặc danh nói...

Nghe chuyện cảm động làm sao,
Một thời trai trẻ với bao chuyện đời.
Dù cho khói lửa tơi bời
Điểm sáng chói nhất : TÌNH NGƯỜI chứa chan.

Nặc danh nói...

Mỗi giai đoạn lịch sử đều có những dấu ấn riêng được con người khắc họa lại .chuyện như thế này bây giờ không có được vì giai đoạn này đổi thay nhiều quá !
Đúng là trân giá trị bộc lộ ở những lúc bình dị đơn sơ ,nên đọng lại rất lâu .
Nhớ đầu 1991 ,Trung đén nhà cụ Tôn Quang Phiệt để thuê nhà cho HASSAN chuyên gia canada (người đã bay vào Sài gòn dự đám cưới "muộn màng" của anh Kiến Quốc ! người được anh Phan Nam " Chiêu đãi" mà không dám sài vì cậu ta bảo nhân vật nữ đó giống bà cô ruột !!!),cứ ngồi nói chuyện với cụ bà mỗi làn đến thăm .Những chuyện đã qua đều rất đẹp !
THANH TRẦN

TranKienQuoc nói...

Vậy mà đã hơn 20 năm. Nhanh quá.