Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

VIỆT NAM TỪ CHIẾN THẮNG XUÂN NĂM 1975 ĐẾN HAI CUỘC CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI (Đinh Việt Dũng)

        Niềm mong ước về một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất suốt hai thập kỷ kháng chiến máu lửa với rất nhiều hy sinh của cả dân tộc đã thành hiện thực. Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, xích xe tăng của quân đội cách mạng đã húc tung cánh cổng Dinh Độc Lập, cơ quan đầu não của chế độ Việt Nam
Lạng Sơn 0 km.
Cộng hòa thân Mỹ. Những đoàn quân chiến thắng với lá cờ đỏ sao vàng trên tháp xe tăng đã tỏa đi khắp đường phố Sài Gòn. Có lẽ bên cạnh tâm trạng vui mừng tột độ trong chiến thắng lịch sử, hàng triệu người lính của đội quân chiến thắng cũng rất mong ngày trở về dưới mái nhà thân yêu của họ ở miền Bắc xa xôi. Có nhiều người trong số họ đã có hàng chục năm trời đằng đẵng cùng đơn vị của mình đi qua các nẻo đường trường chinh của cuộc kháng chiến, hầu như không hề có sợi dây liên lạc nào với gia đình. Nhưng vẫn còn rất nhiều nhiệm vụ của quân đội đang chờ họ ở phía trước như: Tham gia giữ gìn trật tự an ninh và xây dựng chính quyền nhân dân ở những vùng mới giải phóng; Thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn để lấy đất đai phục vụ cho sản xuất và xây dựng; Làm nhiệm vụ giữ gìn hải phận Tổ quốc ở các vùng biển đảo xa xôi; Đi xây dựng nông trường để mở ra những vùng kinh tế mới... Và thật bất ngờ là ngay sau giải phóng, nhiều đơn vị bộ đội ta lại tiếp tục hành quân ra biên giới phía Tây Nam để bảo vệ lãnh thổ đất nước trước sự gây hấn ngày càng gia tăng của lực lượng quân đội thuộc chính quyền Khmer Đỏ (Campuchia).


        Khi đó, với những thông tin được chính quyền công bố công khai trên báo chí, thì chắc rất ít người dân được biết những sự thật về tình hình căng thẳng ở biên giới Tây Nam, càng ít người biết rằng: Chiến thắng mùa Xuân năm 1975 của nhân dân Việt Nam “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” đã làm cho nước lớn Phương Bắc, khi đó vẫn là “đồng chí, là anh em” với chúng ta hết sức tức tối. Vì họ không muốn chứng kiến một nước Việt Nam thống nhất và hùng cường, sẽ khó “sai bảo”, khó chịu ảnh hưởng lớn từ họ và hơn nữa là sẽ không phục tùng các ý đồ bành trướng ra Biển Đông của họ.
       Sau này, khi nhiều thông tin “Mật” thời gian đó được công bố, chúng ta mới được biết rõ hơn những toan tính và hành động phản bội “đồng chí”, phản bội bạn bè của “người anh em láng giềng” thâm hiểm và trắng trợn đến mức độ nào. Bằng chứng cụ thể là trong lúc quân và dân ta đang dồn sức cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thì vào ngày 19 tháng 1 năm 1974, “nước lớn Phương Bắc” đã dùng lực lượng quân sự tấn công lực lượng Hải quân của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, đánh chiếm nhiều đảo trong quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.
                                                       *
        Sau chiến thắng lịch sử tháng 4 năm 1975 của dân tộc ta, với những mưu toan phá hoại sự ổn định chính trị của Việt Nam, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã tiến hành cuộc “Chiến tranh phá hoại nhiều mặt”, hòng làm nước ta tiếp tục suy yếu về kinh tế, bị cô lập với thế giới về chính trị, để đẩy Việt Nam vào vòng lệ thuộc của TQ. Những năm 1975 – 1979, lợi dụng tình hình đất nước ta sau chiến tranh gặp nhiều khó khăn về kinh tế, lại đang phải dồn sức ổn định tình hình an ninh, trật tự ở địa bàn phía Nam, tình hình xã hội còn nhiều bất ổn, nhà cầm quyền TQ đã âm mưu sử dụng bọn phản động trong nước, dùng Hoa kiều như “một đội quân ngầm” để tiến hành kiểu “chiến tranh phá hoại nhiều mặt”, thậm chí kích động, xúi giục bạo loạn chính trị để thực hiện “trong đánh ra, ngoài đánh vào” hòng lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân. Thâm hiểm hơn nữa, ngay từ năm 1975, nhà cầm quyền Bắc Kinh còn làm hậu thuẫn, cung cấp cho chính quyền Khmer Đỏ về vũ khí, cử cố vấn quân sự sang giúp tập đoàn diệt chủng Pol Pot- Ieng Sary- Khieu Sam Phon để tiến hành chiến tranh chống phá Việt Nam.
Vừa xong chiến tranh chống Mỹ, lại chiến tranh biên giới Tây Nam...
        Ngay từ đầu tháng 5 năm 1975, được sự hậu thuẫn của cả Hoa Kỳ và TQ, lực lượng quân sự của chính quyền Khmer Đỏ đã tiến hành nhiều cuộc tập kích qua biên giới nước ta, khu vực từ Hà Tiên đến Tây Ninh. Cũng trong tháng 5 năm 1975, quân Pol Pot tấn công đánh chiếm đảo Phú Quốc (ngày 3/5), đảo Thổ Chu (ngày 10/5) và đảo Vai (lúc đó thuộc Việt Nam quản lý). Tại đảo Thổ Chu, chúng đốt phá nhà cửa, bắt đi hơn 500 dân trên đảo. Đến cuối năm 1975, đầu năm 1976, quân Pol Pot tiếp tục gây ra hàng trăm vụ tập kích, lấn chiếm biên giới, đặc biệt nghiêm trọng là chúng tấn công cả vào các đồn Công an nhân dân vũ trang, bắn vào các đội tuần tra biên giới của ta…
        Đêm 30/4, rạng sáng ngày 1/5/1977, quân và dân khu vực biên giới các xã từ Nhơn Hưng đến Vĩnh Gia thuộc huyện Bảy Núi (tỉnh An Giang) đã đột ngột hứng chịu nhiều loạt đạn pháo bắn phá ác liệt từ bên kia biên giới, mở màn cho cuộc xâm lược qui mô lớn của lực lượng quân đội Pol Pot. Địch đã huy động lực lượng cấp trung đoàn cùng lực lượng địa phương hai tỉnh Ta Keo và Kan Dan bất ngờ mở cuộc tiến công vào hầu hết các đồn Công an nhân dân vũ trang Việt Nam dọc biên giới, từ Vĩnh Gia đến Vĩnh Xương thuộc tỉnh An Giang, gây nhiều tội ác đối với nhân dân ta. Kể từ đây, số vụ gây chiến, xâm lược của quân đội Pôn Pốt trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta ngày càng tăng: từ 174 vụ năm 1975 và 254 vụ năm 1976, tăng lên 1.150 vụ năm 1977 và đến tháng 10 năm 1978 lên tới 4.820 vụ. Hành động của quân Pôn Pốt không còn mang tính chất là những vụ xung đột quân sự vi phạm biên giới quy mô nhỏ, lẻ, mà đã phát triển thành một cuộc chiến tranh xâm lược. Ngay trong những ngày đầu chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc, cùng với quân và dân các địa phương, lực lượng CANDVT các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh đã chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt nhiều địch, bảo vệ địa bàn, bảo vệ nhân dân. Tiêu biểu là gương chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ các đồn, trạm biên phòng của lực lượng CANDVT như: Trạm biên phòng Tịnh Biên, Vĩnh Hội Đông (An Giang); đồn biên phòng Xà Xía, Thạch Động, Núi Đá Dựng (Kiên Giang); đồn biên phòng Xa Mát, đồn Tống Lê Chân (Tây Ninh); đồn biên phòng Hoa Lư (Sông Bé)…
         Để ngăn chặn và đập tan các hành vi xâm lược của bọn Pol Pot, ngày 31 tháng 12 năm 1977, sáu sư đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đánh vào sâu trong đất Campuchia, đẩy đuổi địch đến tận Neak Luong rồi lại rút về lãnh thổ Việt Nam. Cuộc tấn công này được xem là lời cảnh cáo" đối với các hành vị xâm lấn biên giới Việt Nam của  Khmer Đỏ. Chính phủ Việt Nam tiếp tục đề nghị với nhà cầm quyền Campuchia một giải pháp ngoại giao, nhằm thiết lập một vùng phi quân sự dọc biên giới, nhưng Pol Pot từ chối và giao tranh tiếp diễn.
        Đầu năm 1978, Pol Pot đã điều 13 trong số 17 sư đoàn chủ lực và một số trung đoàn địa phương liên tục tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, có nơi vào sâu tới 15-20 km. Trong các đợt tấn công đó, Khmer Đỏ đã thực hiện thảm sát đối với người Việt Nam. Theo số liệu tổng hợp, tính từ tháng 5/1975 đến tháng 12/1978, trong các cuộc tấn công vào đất Việt Nam, bọn xâm lược Pol Pot đã giết hại hơn 5.000 dân thường, làm bị thương gần 5.000 người, bắt và đưa đi thủ tiêu hơn 20.000 người. Hàng nghìn trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, nhà thờ, chùa chiền bị đốt phá, hàng nghìn trâu, bò bị cướp, giết; hàng nghìn héc-ta lúa, màu bị phá hoại. Hàng vạn héc-ta ruộng đất và đồn điền cao su ở vùng ven biên giới Tây Nam bị bỏ hoang. Nửa triệu dân sát biên giới phải bỏ nhà, bỏ đất, bỏ ruộng chạy dạt về phía Đông. Điển hình cho tội ác dã man của quân Khmer Đỏ là vụ thảm sát tại Ba Chúc (An Giang) vào tháng 4 năm 1978 với 3.157 dân thường bị giết hại.
          Trong bối cảnh đất nước còn muôn vàn khó khăn thời hậu chiến, TQ với tư tưởng bành trướng, nước lớn đã làm cho tình hình biên giới phức tạp cả ở hai đầu đất nước, dần đưa nước ta vào hai cuộc chiến tranh bắt buộc, đó là chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc. Vậy là ngay sau chiến thắng lịch sử của dân tộc ta năm 1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ và tay sai, thống nhất đất nước, với dã tâm và hành động của nước lớn láng giềng phương Bắc, câu kết với các thế lực thù địch với Việt Nam trên thế giới, đã đẩy nước ta vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Rồi đến năm 1979, chỉ 4 năm sau cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược kéo dài hai thập kỷ, đất nước ta lại phải tiến hành “Cuộc chiến tranh bắt buộc” để bảo vệ Tổ quốc ở hai mặt trận biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, cuộc chiến kéo dài tới 10 năm với biết bao hy sinh, tổn thất.


5 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Thực tế lịch sử là điều không thể giấm giếm mà phải là bài học cho tương lai. Hoan hô nhà báo Đinh Việt Dũng!

TranKienQuoc nói...

Sửa sai: giấu giếm.

Nặc danh nói...

-Với 1 dân tộc không có ai là bạn hay là thù vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi dân tộc là vĩnh viễn.
-Kẻ thù của kẻ thù của ta là bạn của ta.

Nặc danh nói...

Sang năm tới Hoàng Sa.
CCB F361

Quang Vinh nói...

"Kẻ thù của kẻ thù của ta là bạn của ta." Lý lẽ không đáng tin cậy trong một thế giới đa cực.